Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

thua vì tự làm sướng

Thế là SAE Games 25 đã kết thúc. Việt Nam đứng thứ 2 trong số 11 nước tham dự lần này. Theo tôi kỳ SAE Games này Việt Nam đã thắng lợi . Thắng lợi không phải vì chúng ta đã vượt dự kiến đề ra là nằm trong tốp 3 với 70-75 huy chương vàng, cũng không phải vì lần đầu tiên trong các kỳ SAE Games Việt Nam đạt được số huy chương lớn như vậy ( 83 huy vương vàng, 75 huy chương bạc, 57 huy chương đồng). Mà thắng lớn là ở chất lượng các bộ huy chương. Thử nhìn lại các lần SAE Games trước, phần lớn các bộ huy chương của chúng ta đều nằm ớ các bộ môn võ, rất ít có huy chương ở các bộ môn nặng ký như các môn điền kinh. Lần này tuy các môn võ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong số huy chưng của chúng ta, nhưng đã có sự vươn lên mạnh mẽ ở các bộ môn vốn không phải là thế mạnh của chúng ta như chạy cự ly ngắn, cự ly dài nam và nữ, nhảy cao, nhảy sáo, bơi lội. thậm chí chúng ta đã có những vận động viên phá kỷ lục SAE Gmes ở các bộ môn ấy. Đành rằng huy chương nào mà chẳng là huy chương, chúng chỉ phân biệt ở màu của tấm huy chương thôi. Tuy nhiên không nói ra nhưng ai cũng biết là đối với thể thao thế giới các môn như điền kinh như nhảy cao, nhảy xa, thể dục dụng cụ, nhảy cầu... được dánh giá cao hơn những môn thiếu có khả năng đánh giá chính xác, nói đúng hơn là thiếu những tiêu chí cụ thể chính xác trong đánh giá các quá trình đua tài giữa các vận động viên như các môn võ. Tôi nói chất lượng các bộ huy chương lần này của chúng ta được nâng lên là vậy. Cho dù có ý kiến cho rằng chất lương của SAE Games chẳng được bao nhiêu so với chất lương các đại hội thể thao các khu vực khác, càng không thể so sánh với đại Olimpic nhưng tôi nghĩ cũng phải thấy sự tiến bộ của thể thao nước ta thì mới thật khách quan.
Được vậy là đã mừng lắm rồi, nhưng sẽ là “trên cả tuyệt vời”, sẽ thật là trọn vẹn nếu đội U23 của chúng ta đoạt được huy chương vàng lần này, nói cách khác đội chúng ta vô địch SAE Gemes 25. Đã quá lâu rồi (đã 50 năm qua kể từ ngày đội bóng của Miền nam cũ vô địch tại SAE Gemes) chúng ta không được nếm trải hương vị ngọt ngào đó. Trước khi SAE Gemes diễn ra, có ý kiến cho rằng Việt Nam không cần đứng trong tốp 3 như kế hoạch đề ra mà chỉ cần vô địch bóng đá ở đại hội kỳ này. Ý kiến trên có phần cực đoan nhưng nó lại phù hợp với nguyện vọng của nhiều người (trong đó có tôi). Người ta mong mỏi và người ta hy vọng, niềm hy vọng càng lớn khi đối thủ kình địch nhât của chúng ta là Thái Lan đã bị loại khòi sau vòng bán kết. Nhưng chúng ta đã thua cay đắng, thua ngay một đội đã từng là bại tướng dưới tay mình với một tỷ số khá đậm. Phải nói rằng đội bóng đã phụ lòng của hàng chục ngàn cổ động viên đã lặn ngòi ngoi nước từ Việt Nam sang để cổ đông và mong mỏi được nhìn thấy chiến thắng sau bao năm ròng chờ đợi của đội nhà. Rốt cuộc chỉ còn lại thất vọng và nước mắt...
Vì sao chúng ta thua? Báo chí đã tốn nhiều giấy mực và đã đưa ra nhiều nguyên nhân: Nào là chủ quan, nào là bị căng cùng tâm lý, nào là kiêu ngạo... Theo tôi tất cả các nguyên nhân đó đếu đúng, nhưng có một nguyên nhân của mọi nguyên nhân mà chúng ta đã không thấy, nó mới là nguyên nhân sâu xa đã làm chúng ta thảm bại: Đó là thói quen tự làm sướng của chúng ta trước khi được sướng thật. Khuynh hướng tự làm sướng này không phải gần đây mới có: Tội nghiệp các ông Riedi và Letard, chỉ vì các quan chức bóng đá muốn tự làm sướng mà không được sướng nên các ông bĩ sa thải. Ông thì mới chập chững sang được vài tháng, gặp một giải đấu con nhà nghèo nào đó ông trắng tay thế là phải vế nước (dù sau đó ông khởi kiện và đươc L ĐB Đ V N bồi thường cho ông cả tỷ đồng thì tôi cũng tin chắc rằng đó là chuyện ông không hề muốn). Ông Riedi thì còn thảm hại hơn vì sự tự làm sướng mà ngườ ta bắt ông phải căng sức cầu thủ ra ở những giải đấu và trận đấu không quan trọng, vắt kiệt súc cầu thủ để rối đến giải đấu lớn thì chuyện gì đến phải đến, thế là tất cả đổ lên đàu ông. Đến nỗi ông phải chua cháy thốt lên: "Thắng lợi là công lao của liên đoàn (bóng đá) thất bại là do huấn luyện viên và cầu thủ bất tài...". Cũng vì muốn tự làm sướng mà nhiều năm liền người ta không thuê ông Calisto chỉ vì ông "khó bảo", có còn gì để nói nữa không?
Quay trở lại trận chung kết CAE Games vừa rôi. Trước trận đấu không hề chú ý đến đối thủ mà chỉ toàn là "Việt Nam nhất định thắng", "Việt Nam nhất định đại thắng", "Việt Nam nhất định làm thỏa lòng mong đợi của hàng chục triệu người hâm mộ"... Chúng ta còn đưa lên báo lời của những người làm bóng đá ở nước ngoài nào là "Việt Nam sẽ thắng 3:0...", nào là "Việt Nam sẽ thắng bởi đảng cấp cao hơn"... Sướng quá, trong cơn tự sướng đến mê người đó chúng ta không hề nghĩ rằng trong số những người đang ca ngợi chúng ta đó sẽ có những kẻ nói vì ý đồ không đẹp (nếu không muốn nói là xấu). Sướng như thế nên đến khi đáng sướng thì không sướng được nữa (sức lực có còn đâu). Nguyên nhân sâu xa cùa việc tha ở trận chung kết là ở đó...
Tai hại thay việc tự làm sướng này lại không chỉ ở trong bóng đá

Thơ Phạm Hữu Quang

GIANG HÔ


Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ?

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng...

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ.Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu...

Giang hồ ta chẳng thay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Có những sự việc đè nặng lên tâm trí mọi người và để lại những suy tư…



Trần Nhật Thi

Những ngày này, ta có cảm giác như bị chìm trong một dòng lũ thông tin đa dạng, đa chiều. Có những thông tin làm ta vui mừng, ví như những con số, những chỉ tiêu, những đánh giá Chính phủ trình và được Quốc hội chấp nhận khẳng định đất nước không chỉ đứng vững mà còn phát triển, tăng trưởng trong khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Có những thông tin làm ta phấn chấn tự hào, ví như vị trí thứ hai toàn đoàn mà trước đó trong mơ ta cũng không dám nghĩ đến cùng với việc tổ chức thành công mỹ mãn Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ III mà Việt Nam là nước chủ nhà. Có những thông tin kỳ quái làm ta phải sửng sốt, bàng hoàng, ví như Vedan được vinh danh, như một thầy giáo hành hung bố đẻ lại được đề nghị đề bạt hiệu phó, như vụ đánh người cướp hòm phiếu để tranh chức trưởng thôn. Có những thông tin về tội ác ghê rợn làm ta choáng váng, kinh hoàng đến mức không còn đủ can đảm để mà đọc hết bản tin, ví như vụ một em bé 40 ngày tuổi bị dùng kim may bao tải dài 10 cm cắm từ đỉnh đầu xuống tận sọ não…

Nhưng rồi, mọi sự cũng sẽ qua đi, cái ác dứt khoát bị trừng phạt, trò nhố nhăng bị dẹp bỏ,mưu toan bị bóc trần và trật tự sẽ được vãn hồi. Thế nhưng, có những sự việc, với nhiều chiều kích thông tin mà báo chí chuyển tải chắc chắn sẽ còn lâu dài ám ảnh tâm trí chúng ta. Hồ thủy điện xả lũ giữa lúc dân đang chìm trong bão lũ, những bức xúc của dân cùng phát biểu của các quan chức, các đại biểu Quốc hội là một trong rất ít những sự việc như thế. Nó đè nặng lên tâm trí mọi người và để lại những suy tư…

Người dân ở thị xã Sông Cầu và các vùng quê huyện Tuy An( Phú Yên) đã hết sức bức xúc là vì sao, đúng lúc cơn bão số 11 đổ bộ vào Phú Yên gây mưa rất to, nước lên cuồn cuộn nhấn chìm nhà cửa,tài sản của bà con thì hồ thủy điện sông Ba Hạ lại xả lũ với lượng nước lớn như thế khiến tất cả bị nhấn chìm, hoảng loạn, nhiều người bị lũ cuốn đi. Người dân Sông Cầu lên tiếng: ”Nếu hồ thủy điện không xả nước, có thể Phú Yên không ngập nặng và nhiều người chết đến thế!”. Công luận đòi làm rõ. Lập tức các chủ hồ thủy điện rồi các quan chức cấp trên trực tiếp của thủy điện cũng lên tiếng phản bác, phủi sạch trách nhiệm – ”Không có chuyện thủy điện xả lũ chết dân”, ”Thủy điện nào cũng có quy hoạch. Không xả lũ, đập vỡ thảm họa còn lớn hơn.”, ”Nó (thủy điện) chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của nó thôi, còn hơn là không có nó.”…

Trước những phát biểu vô cảm, lạnh tanh và không thể nói là có trách nhiệm của những ”công bộc” của dân ấy, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, đại diện chính quyền ba tỉnh miền Trung bị thiệt hại cũng lập tức lên tiếng, khẳng định: ”Thủy điện không thể vô can”, ”Loạn sân golf, nay lại loạn thủy điện, chỉ trên 1 dòng sông mà có tới 10 thủy điện thì không thể nào chấp nhận được”, ”Thủy điện xả lũ, dân không được báo trước”, ”Không có nhạc trưởng, không có sự phối hợp xả lũ giữa các hồ thủy điện.”. Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND Bình Định, đại biểu QH nói thẳng: ”Tôi ở UBND tỉnh nhưng chưa từng thấy ai liên hệ về việc quản lý,điều hành hồ thủy điện”. Tổng giám đốc công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ thừa nhận trên sông Ba có 5 thủy điện đang họat động nhưng mới chỉ có 2 thủy điện xây dựng quy chế liên hồ, 3 thủy điện còn lại chưa có quy chế phối hợp liên hồ trong xả lũ. Vì vậy, TGĐ thủy điện sông Ba Hạ nhấn mạnh: “Các hồ thủy điện ở thượng nguồn đã đồng loạt xả lũ,nước sông Ba lên rất cao, Ba Hạ là hồ cuối cùng ở hạ nguồn nên lãnh đủ. Nếu lúc đó Ba Hạ không xả lũ, đập thủy điện vỡ thảm họa sẽ lớn hơn”. Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn thì nêu lên một câu hỏi to tướng: Trong các cơn bão ở miền Trung vừa qua đều có mưa lớn nhưng chưa đến mức đột biến như những năm trước. Đúng là mưa không qúa lớn nhưng lũ lại rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề. Tại sao?

Ngập trong bùn đất vì lũ lớn (Ảnh: Vovnews)

Tranh luận chưa ngã ngũ. Nhưng thôi, đó không phải là điều ám ảnh khiến ta phải quá suy tư. Cái chính là,và sự thật là có chuyện hồ thủy điện xả lũ giữa lúc dân dưới hạ lưu đang chới với giữa siêu bão quần thảo, mưa lớn và nước lũ cuồn cuộn đổ về. Không biết có nơi nào trên thế giới có chuyện như thế không? 116 người chết, 125 người bị thương, thiệt hại vật chất lên đến trên 5.000 tỷ đồng, thiệt hại về tinh thần thì không sao tính được. Có nước, một vụ tai nạn máy bay trên trăm người chết người ta đã tổ chức quốc tang. Còn ở ta, bão vừa tan, lũ vừa rút là có làng đã lũ lượt quan tài chở về trong lúc thi thể người thân bị lũ cuốn chết vùi trong bùn đất còn nằm trên manh chiếu trong căn lều xiêu vẹo dựng tạm giữa gió táp, mưa sa. Nhiều người phút chốc mất người thân như hóa dại. Những đứa trẻ ngơ ngác, thất thần mồ côi sau bão lũ, sách vở, giấy bút chẳng còn gì mà nghĩ tới chuyện đến trường. Trong tình cảnh thương tâm rợn người ấy, những người có trách nhiệm cho hồ thủy điện xả lũ giữa lúc người dân đang chìm trong bão lũ ngập tận mái nhà, lại vô cảm được sao? Nếu gia đình, người thân của mình rơi vào hoàn cảnh ấy thì liệu có dửng dưng xả lũ được không? Sự vô cảm đó là hoàn toàn trái ngược với sự cảm thông sâu sắc,sự chăm lo hết lòng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước dành cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Nó cực kỳ xa lạ với hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an vật lộn trong bão lũ cứu dân, huy động cả trực thăng không ngại hiểm nguy cứu bằng được một cụ gìa suốt ba ngày cầm cự trên ngọn cây giữa dòng lũ lớn. Nó cũng cực kỳ xa lạ với những đoàn người dầm mình tê buốt trong bùn non hoặc cất bước trên bàn chân tóe máu gùi hàng cứu trợ cho bà con tận vùng xa đang thiếu đói vì lũ lớn chia cắt…

Quan tài bên lều bạt dựng tạm (Ảnh: Vnexpress)

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ở ta, đã cấu thành tội danh hình sự. Ở đây, ta không hình sự hóa vấn đề và cũng không xé vấn đề rộng thêm ra. Nhưng rõ ràng cần có một tòa án lương tâm. Ít nhất cũng phải là sự day dứt, xin lỗi, sẻ chia và sự hứa hẹn những hệ lụy như thế không còn tái diễn trong tương lai. Nhưng văn hóa trách nhiệm,văn hóa xin lỗi chưa thường trực được trong đời sống quan chức và công chức chúng ta. Thay vào đó là đủ thứ lý do được đưa ra cùng lời phát biểu phủi ngay trách nhiệm. Chẳng lẽ ”lửa cháy đổ dầu thêm”, vì nếu không đổ thì dầu nơi tôi cũng bốc cháy hay sao? Đó rõ ràng không phải là đạo lý của xã hội chúng ta. Người ta thường nói sản phẩm của lãnh đạo là quyết định. Không dám quyết định thì không thể làm lãnh đạo được. Không quyết cũng chết, mà quyết sai thì càng chết và chết nhanh hơn. Trong những điều cần quyết đó, người dân mong có được sự quyết định đúng đắn về một lời xin lỗi.

Giá các quan chức biết được tín nhiệm của mình, biết được mọi người đang nhìn mình với ánh mắt như thế nào? Trong lời phát biểu chào mừng Đại hội lần thứ IX Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí trưởng đoàn đại biểu Đảng cộng sản Áchentina đã nhắc lại lời Máctin Fiêrô, nhà thơ lớn của Achentina nói rằng: ”Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất”. Điều đó hàm ý sâu xa rằng, không có hành vi nào của chúng ta, nhất là của người lãnh đạo dù chỉ của một cơ quan, một đơn vị lại không chịu sự giám sát của quần chúng, lại không để lại dấu ấn và sự nhận xét trong suy nghĩ, tâm trí, thậm chí trong ký ức của những người khác. Mà đã trở thành ký ức thì nó dai dẳng và khó quên lắm đấy./.

T. N. T.

Nguồn: Bauxitvietnam.info


Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

17 tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước ta


(NLĐO)- Ngày 11-11, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết đã có 17 tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, đánh bắt trộm thủy hải sản vào 9 giờ ngày 10-11 tại toạ độ 16 độ 58 phút độ Vĩ Bắc – 107 độ 45 phút độ Kinh Đông (cách bờ biển Thuận An 24 hải lý về hướng Đông Bắc).

Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Hải đội 2 xuất kích 2 biên đội tàu tuần tra BP – 31 -11 -01 và BP-31-12-01 do Phó tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy.

17589
Thuyền trưởng tàu Trung Quốc ký sai phạm. (Ảnh do BCH Biên phòng tỉnh cung cấp)

Sau 2 tiếng xuất kích biên đội tàu tuần tra của Hải đội 2 đã truy đuổi 16 tàu rời khỏi hải phận và bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc mang số hiệu 14062 (trên tàu có 13 ngư dân đều mang quốc tịch Trung Quốc).

Xét về hành vi và sự thành khẩn khai báo của thuyền trưởng cũng như toàn thể ngư dân trên tàu Trung Quốc về việc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh quyết định phạt cảnh cáo và phóng thích phương tiện cùng ngư dân của tàu trên ra khỏi vùng biển nước ta.

B.Thùy

Nguồn: Bauxitevietnam.info


Tối qua có mấy người bạn đến chơi. uống trà. Sáng vừa đọc thông tin này trên báo THANH NIÊN, với tâm lý rất là hứng khởi tôi đem khoe các bạn điều mình biết và bình thêm: "Đã quá dạo này Việt Nam đã chuyển biến tốt, không còn e ngạiTung Quốc nữa đã dám "làm" rồi!...". Một anh bạn cười cười: "Dám thì dám rồi đó, nhưng sao không dám đến cùng, bắt luôn mười bảy tàu mà lại chỉ bắt một tàu. không đủ lực lượng để bắt hay nhằm tạo điều kiện cho người ta chối nói rằng chỉ có một chiếc đi lạc vào hải phận Việt Nam thôi. Làm gì mà ghê thế!?...". Tôi cũng chẳng biết nói sao?

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng

Hoàng Tụy

1.Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý kém.

Sau một mùa thi THPT và ĐH-CĐ nặng nề, căng thẳng giả tạo và lãng phí vô lối, không có ở đâu ngoài Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI, trường học chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức đã bước vào khai giảng năm học mới, khởi động một chu kỳ khổ dịch đầy lo âu cho cả thầy lẫn trò. Giữa lúc đời sống trăm mối tơ vò mà trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đầy dẫy những bản tin chữ to nào là học phí cao, tiền trường leo thang, tiểu học công lập có nơi thu học phí 70-80 nghìn đồng/tháng, THCS, THPT vừa đầu năm học phụ huynh phải è cổ đóng góp cả chục khoản tiền “tự nguyện” bắt buộc. Trong khi đó chương trình học đã nhiều năm bị phê phán quá tải vẫn chưa hề giảm tải, sách giáo khoa sai sót đến mức đính chính không xuể vẫn cứ phải dùng, chương trình phân ban THPT bộc lộ bất cập ngay khi mới đưa ra thực hiện nhưng vẫn sẽ giữ nguyên cho đến 2015. Khẩu hiệu “trường học thân thiện, học sinh tich cực” nghe thì hay, nhưng băn khoăn lớn là làm thế nào trong hai năm tới chấm dứt được nạn “đọc, chép” trong khi mọi thứ khác, từ chương trình, sách giáo khoa, tổ chức học tập cho đến thi cử và nhiều chuyện cốt lõi khác về tư duy giáo dục vẫn căn bản gần y nguyên như nửa thế kỷ trước.

Thật xót xa khi học sinh được khuyên “học làm người trước khi học chữ” mà có nơi nhân danh chuẩn hóa giáo viên người ta buộc các thầy cô chưa đạt chuẩn phải đeo trước ngực tấm biển “giáo viên chưa đạt chuẩn” khi vào lớp. Quản lý thiếu nhân tính như thế tránh sao được những chuyện đau lòng như thầy bắt trò liếm ghế, trò tạt a-xit thầy, học sinh lớp 11-12 đâm chém nhau ngay trước cổng trường, v.v. Nói chống bệnh thành tích mà trước kia tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông đạt trên 90%, nay sau hai năm thi cử nghiêm túc hơn, tỉ lệ đó cũng đã dần dần trở lại xấp xỉ… 90%, không biết phép lạ nào đã nâng cao chất lượng học tập nhanh chóng như vậy.

Giáo dục phổ thông đã thế, giáo dục đại học, cao đẳng còn nhiều chuyện ly kỳ hơn: khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo “đào tạo liên kết”, môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày xong hết cả học và thi, nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo Thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới. Hóa ra ta hiểu đại chúng hóa, thị trường hóa đại học là thế. Chẳng lạ gì chỉ trong vài năm đã xuất hiện hàng mấy trăm đại học mới, lại sắp có cả Văn miếu hiện đại xây dựng trên 25 ha đất cho đủ chỗ vinh danh hết Tiến sĩ thời nay. Lạ nhất là đề án Tiến sĩ hóa, Thạc sĩ hóa 100% cán bộ công chức của Thủ đô để “đột phá tư duy lãnh đạo” (may mà kế hoạch này đã tạm rút lại sau khi bị phản đối kịch liệt). Cái não trạng sính bằng cấp và thói hư học thâm căn cố đế bị lợi dụng triệt để, biến kinh doanh chữ nghĩa thành một nghề phát đạt chưa từng thấy: trường công chiêu sinh “ngoài ngân sách” một số lượng lớn sinh viên với học phí gấp mấy lần bình thường, rồi nay mai theo xu hướng đó sẽ tiến lên cổ phần hóa theo chiến lược đổi mới đại học của Bộ GD-ĐT; trường tư được tự do chạy theo lợi nhuận, bất kể chất lượng nào chỉ cần trưng biển “đại học quốc tế …” tha hồ đặt ra những khoản thu kỳ dị bóc lột người học.

Gần 4 trăm đại học chỉ mới thỏa mãn được chưa đến 20% yêu cầu, trong lúc đó trường nghề tuy rất it vẫn sống ngắc ngoải vì ai cũng chỉ muốn làm thầy, hoặc làm công bộc của dân, không ai thich làm thợ. Có nơi như ở Dung Quất nhà máy cần rất nhiều thợ hàn, mở lớp đào tạo được một khóa 160 người đã đóng cửa, dù đời sống người dân địa phương vẫn rất lam lũ do không có nghề sau khi nhường đất xây dựng khu công nghiệp. Các quan chức giáo dục bảo những hiện tượng không hay chỉ là riêng lẻ, và để cho công bằng phải nhắc đến biết bao gương tốt hàng ngày vẫn âm thầm diễn ra. Đúng thế thật, song tiếc thay điều đó chỉ càng nói lên khoảng cách lớn giữa tiềm năng với thực tế – một khoảng cách không thể chấp nhận được mà nguyên nhân, như Chính phủ đã chỉ rõ gần đây, là do quản lý bất cập. Có nghĩa sự sa sút của giáo dục không thể đổ cho khách quan, do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là “đồng tác giả” của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục, v.v. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân này đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới.

2. Cần cải cách có hệ thống, chứ không phải đổi mới vụn vặt.

Nói cho đúng, thực trạng giáo dục như thế nào đã rõ như ban ngày, chẳng qua chúng ta mê ngủ nên chưa thấy, hoặc có thấy nhưng vì những ràng buộc, áp lực nào đó nên cứ phải bịt mắt, giả mê để tự dối mình, dối người khác và yên vị.

Giờ là lúc cần trung thực nhìn thẳng vào sự thật. Đó là lương tâm, là trách nhiệm chẳng những đối với xã hội hiện tại mà còn đối với lịch sử, đối với nhiều thế hệ mai sau. Những ai thường hô hào học sinh trung thực xin trước hết hãy tỏ rõ sự trung thực ở đây, trong việc này.

Xin cảnh báo: tình hình giáo dục hiện nay cũng tương tự như tình hình kinh tế xã hội của đất nước giữa những năm 80 thế kỷ trước. Thử tưởng tượng lúc đó nếu chúng ta cứ một mực nhắm mắt trước thực tế đời sống bi đát của người dân mà không đổi mới thì đất nước có tồn tại được đến ngày nay không? Rõ ràng chỉ nhờ nhìn thẳng vào khủng hoảng kinh tế xã hội chúng ta mới thấy được giải pháp, mới có đầy đủ quyết tâm thoát ra bế tắc, cứu đất nước khỏi sự sụp đổ.

Thật đáng tiếc ngành giáo dục chưa học được bao nhiêu bài học đắt giá đó. Hai mươi năm qua, hết đời Bộ trưởng này đến đời Bộ trưởng khác vẫn tiếp tục ca cái điệp khúc “thành tựu giáo dục là vĩ đại, bên cạnh đó còn nhiều bất cập”. Căn nhà giáo dục đã cũ nát thảm hại nhưng cứ loay hoay nay cơi nới chỗ này, mai sửa chữa chỗ kia, rốt cuộc thành ra căn nhà dị dạng chẳng ai muốn ở. Gia đình nào có khả năng đều tìm cách gửi con em ra nước ngoài để chạy trốn giáo dục trong nước. Chẳng thế mà có người nói vui nhưng thật cay đắng: nên có luật cấm quan chức cấp cao gửi con em du học nước ngoài thì may ra giáo dục mới có cơ hội được chấn hưng.

Điều rất lạ là các nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị TƯ 3, 7, 9 đều đòi hỏi phải tiến hành cải cách giáo dục như một yêu cầu bức thiết của xã hội, nhưng những vị nhận lĩnh trách nhiệm trực tiếp thì lại chẳng hề quan tâm thực hiện các nghị quyết ấy, thậm chí còn nói ngược lại. Chiến lược giáo dục dự thảo đến lần thứ 15 vẫn chỉ thấy lặp lại những quan niệm, tư duy cũ rích, tuy ngôn từ và số liệu có thay đổi cho hợp thời trang (như từ “đổi mới” xuất hiện với tần số kỷ lục). Bên cạnh đó, có những mục tiêu nghe thật hoành tráng, nào là từ nay đến 2020 (tức trong 11 năm tới) đào tạo 20.000 Tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, 1 trường vào tốp 200 thế giới, v.v… Song người dân vẫn phân vân: 3 năm qua ta đã làm được gì mà có thể đặt kỳ vọng cao như thế cho 11 năm tới? hay là ta đang mơ mộng thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, và căn bệnh thành tích từ ngoài da đã đi vào xương tủy?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhiều lần đỏi hỏi phải thực hiện những biến đổi có tính cách mạng để chấn hưng giáo dục. Trong một bài viết đăng trên báo Tiền phong số 25 ngày 18-6-2006, cố GS Lê Văn Giạng, một cựu lãnh đạo có uy tín của ngành đại học, cũng đã phát biểu: “Đã đến lúc phải chuẩn bị tiến hành một cuộc cải cách giáo dục thực sự nghiêm túc và thực sự khoa học để ra khỏi tình hình khủng hoảng triền miên của giáo dục 20 năm vừa rồi, để bước vào thời kỳ chấn hưng giáo dục như Nghị quyết của Đại Hội Đảng X vừa yêu cầu” . Đó là chưa kể nhiều kiến nghị tương tự của nhiều bậc thức giả trong nước và Việt kiều, đặc biệt bản điều trần của 24 trí thức năm 2004 và bản kiến nghị đầu năm 2009 của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (nay đã giải thể). Thiết nghĩ chỉ những ai điếc không sợ súng hoặc quá vô tâm với đất nước mới có thể yên lòng trước tình hình giáo dục hiện nay.

Có ý kiến biện bạch rằng hàng loạt cải tiến, đổi mới lớn nhỏ mà ngành giáo dục đang thực hiện cũng là cải cách. Phải công nhận hai chữ “đổi mới” nhan nhản trong hầu hết các đề án công tác của ngành giáo dục, nào là đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức triển khai hoạt động khoa học công nghệ, v.v. Chỉ có điều đổi mới thế nào thì chẳng ai giải thich nổi, chẳng ai biết rõ, cho nên cứ đổi mới tùy hứng, tùy tiện, tùy nghi, theo kiểu đầu Ngô mình Sở. Vả chăng cần thấy rằng cái cày chìa vôi dù có cải tiến giỏi đến đâu vẫn không thể biến thành cái máy cày hiện đại được; căn nhà tập thể thời bao cấp dù sửa chữa tân tạo hết mức vẫn không thể thành một chung cư tiện nghi hiện đại. Những “đổi mới” như thế kia giỏi lắm cũng chỉ cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ XX, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ XXI. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ: ví thử chiến lược này được thực hiện đầy đủ (điều khó thể), thì đến 2020 Việt Nam cũng chỉ có một nền giáo dục kiểu 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.

3. Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm, càng không thể là nơi để học việc lãnh đạo.

Từ lâu ngành giáo dục đã có thói quen xem học sinh như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái, mà điển hình là mười mấy năm liền thí nghiệm các chương trình phân ban trung học phổ thông. Thí nghiệm đi thí nghiệm lại không biết bao nhiêu lần, tốn kém bạc tỉ và không tính được hết thiệt hại cho các thế hệ học sinh nạn nhân thí nghiệm. Rất khó hiểu tại sao lợi ích của học sinh bị xem thường đến vậy. Thử nghĩ có hãng hàng không nào dám mạo hiểm đưa máy bay mới ra chỉ để thí điểm xem chở khách có an toàn không? Vậy tại sao Bộ GD-ĐT có quyền thực hiện thí điểm các chương trình phân ban cho hàng nghìn, thậm chí hàng vạn học sinh trong cả hơn chục năm trời? Mỗi lần thí điểm đều kết luận chưa thành công, kết quả chưa tốt, thế mà người ta vẫn vô tư tiếp tục thí điểm.

Quan điểm coi thường lợi ích của xã hội thể hiện trong nhiều chủ trương giáo dục mà nếu mô tả là “ngoan cố” có lẽ cũng không sai lắm. Về hàng loạt vấn đề quan trọng như quy chế công nhận, bổ nhiệm GS, PGS, quy chế tổ chức Hội đồng Giáo dục Quốc gia, chuyện biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa, chuyện thi cử, đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, v.v… đã có biết bao đề xuất hợp lý bị bỏ ngoài tai, phải chờ đợi đến cả chục năm trời hay hơn mới được nghiên cứu để tiếp thu. Có người khen Bộ GD-ĐT “trơ như đá, vững như đồng”, nhưng dù bậc trí lự cao siêu cũng không thể luôn luôn sáng suốt. Huống chi, nhìn vào bảng chi tiêu của ngành giáo dục thấy quá nhiều khoản chi lớn để “nâng cấp năng lực quản lý”, cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước, chứng tỏ điều ngược lại có lẽ đúng hơn.

Như đã nói trên, nguyên nhân sa sút của giáo dục là quản lý yếu kém, song cần nói cụ thể hơn là quản lý yếu kém như thế nào. Trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, giữa muôn vàn khó khăn, giáo dục nói chung và đại học nói riêng vẫn phát triển tốt là nhờ có được những vị tư lệnh hiểu biết sâu sắc giáo dục, có tầm nhìn xa, có uy tín cao trong ngành về cả đức độ và tài năng. Sau này chúng ta thường xuyên gặp khó khăn cũng chính là vì tâm và tầm của cơ quan quản lý giáo dục. Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải hết sức coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo giáo dục. Người được giao phó nhiệm vụ này chẳng những phải hiểu biết sâu sắc giáo dục hiện đại mà còn phải có điều kiện tập trung toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ ấy. Không thể xem giáo dục là nơi học việc lãnh đạo, không thể giao những nhiệm vụ quan trọng trong quản lý giáo dục cho những người chưa biết việc, chưa thạo việc. Còn nếu ai chưa thạo việc, chưa biết việc thì hãy để họ học việc thành thạo rồi hãy giao việc.

Đáng lo là ở nước ta có quá nhiều vị được giao nhiệm vụ rồi mới học việc, có khi học việc chưa xong chỗ này đã chuyển sang học việc chỗ khác quan trọng hơn, rốt cuộc biến mỗi ngành công tác thành một phòng thí nghiệm đồ sộ, một nơi thực tập, học việc cực kỳ tốn kém cho xã hội.

Có những câu hỏi thật khó trả lời: tại sao sau ba mươi năm mà các quy chế đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, hay công nhận, bổ nhiệm GS, PGS của ta vẫn còn nhiều điểm ấu trĩ so với ngay cả một số nước trong khu vực? Tại sao nhiều quy định sai lầm đến buồn cười trong các quy chế ấy vẫn tồn tại dai dẳng thời gian dài trước đây và có nhiều cái tồn tại mãi đến tận hôm nay? Có người bảo rằng ta không thể máy móc sao chép cách làm của nước ngoài cho nên phải sáng tác cách làm riêng phù hợp với điều kiện của ta. Nghe rất có lý, nhưng phải xét hậu quả thực tế là với cách quản lý ấy ta đã đào tạo ra hàng ngàn Tiến sĩ giấy và xây dựng được một đội ngũ PGS, GS với trình độ, chất lượng ra sao ai cũng biết. Ngay gần đây tôi được biết chúng ta có cả những cơ sở đào tạo Tiến sĩ về quản lý giáo dục. Cái tin ấy thật sự làm tôi ngỡ ngàng: rồi đây số Tiến sĩ ấy đương nhiên sẽ đóng góp vào con số 20.000 Tiến sĩ ta dự định đào tạo trong 11 năm tới.

Trong giáo dục, khoa học có những vấn đề mà tranh luận cả ngày cũng không kết luận nổi, nếu vốn hiểu biết và vốn văn hóa phổ quát quá khác nhau. Cho nên cần, rất cần chờ đợi và lắng nghe nhau, song trước hết phải được thẳng thắn trao đổi ý kiến.

Nguồn:Bauxitevietnam.info

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Hàn Vĩnh Nguyên bạn tôi

DƯƠNG SINH


Có hai bữa cơm mà tôi nhớ đến suốt đời. Dẫu sau này tôi đã có những bữa ăn sang gấp nhiều lần hai bữa cơm ấy. (Chúng tôi không thể có tiền để đãi nhau những bữa tiệc triệu này triệu khác nhưng cũng đã có những bàn tiệc đến vài trăm ngàn). Nhưng không thể có bữa tiệc nào ngon bằng hai bữa cơm ấy.
Đó là những ngày gian khó của cả nước. Một lần vào tháng sáu âm lịch năm 1988, Nguyên Tùng rủ bọn chúng tôi gồm: Hàn Vĩnh Nguyên, Dương Sinh, Lương Minh, Nguyễn Bạch Dương và hình như cả Ngọc Anh nữa về quê anh – xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, dự hội lăng. Khởi hành từ thị xã vào buổi trưa, chiều vàng vàng chúng tôi đến xóm Trại... Chiều tối hôm ấy chị Hai cho chúng tôi ăn cơm gạo cũ mua ở chợ với cá rô phi cỏ nuôi ở ruộng muối vào mùa mưa kho mặn. Chỉ có vậy nhưng với tôi đó là một trong hai bữa cơm không thể quên. (Về sau chị Hai nói với Nguyên Tùng: Nhà nghèo, cơm không có gì đáng, chị hơi áy náy nhưng thấy các em ăn ngon miệng quá chị cũng mừng). Bữa khác là tại nhà Hàn Vĩnh Nguyên. Hôm ấy Phân hội Văn học họp đến quá trưa mới xong, ai nấy đều đói cả, Hàn Vĩnh Nguyên rủ mấy đứa tôi: Dương Sinh, Mai Văn Ro, Nguyên Tùng và cả Trương Chí Lực nữa về nhà anh ăn cơm, nhưng giao ước: “Đến nhà là phải tự nấu lấy mà ăn, có gì ăn nấy vì vợ con đi vắng cả...”. Rau cải trời, đọt nhãn lồng… tự hái lấy ngoài vườn, chấm với nước tương và nếu tôi nhớ không nhầm thì còn có thêm hai con khô lù đù chiên mặn chát, có lẽ còn lại từ bữa sáng của vợ con anh. Tất cả chỉ có vậy, nhưng với tôi đó vẫn là bữa cơm không quên. Tôi không phủ nhận những bữa cơm ấy ngon một phần do chúng tôi đói, nhưng quan trọng nhất đó là những bữa nặng tình, tình chị em, tình bè bạn thấm đượm trong từng hạt cơm, lá rau, con cá... Đó là nói tới bữa cơm không quên, còn thường thì tôi vẫn ăn ở nhà anh luôn (nhất là thời kỳ tôi chưa lấy vợ). Mà không chỉ có tôi, nhiều anh em khác đi đâu tạt qua đều có thể ghé nhà anh. Tiện bữa thì ăn cơm, không thì một chén cơm nguội, hay bất cứ thứ gì có thể ăn được trong nhà...
Vui tính, xởi lởi, hào phóng là đặc tính chung của cả vợ chồng anh, nên nhà anh lúc nào cũng đông khách. Nó là nơi tụ hội, là trạm liên lạc của nhóm bạn văn nghệ chúng tôi. Còn nhớ vào khoảng cuối những năm tám mươi đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước (đầu thời kỳ mở cửa) nhóm bạn chúng tôi lúc đó có chừng vài mươi đứa thường tổ chức những đêm “Xuân” tại nhà anh. Những cuộc chơi lớn như thế thường chúng tôi góp lại để chơi, nhưng anh là chủ nhà bao giờ cũng chịu phần nặng nhất. Vui lắm, có rượu chè, có bánh trái, có lửa trại, chúng tôi đọc thơ, đọc văn, đọc những sáng tác mới của mình, đọc những tác phẩm gây dư luận trên văn đàn trong và ngoài nước... Được mấy năm thấy tình hình có vẻ không ổn cho anh và cho cả chúng tôi nữa nên thôi. Nhưng không mấy cái Tết chúng tôi không ăn Tết ở nhà anh, không tổ chức lớn được thì tổ chức nhỏ và bao giờ cũng vui...
Bạn bè (nhất là lớp trẻ) rất thương anh, quý anh không chỉ vì anh như một người anh lớn của họ, luôn lo lắng, chăm sóc tận tình và nâng niu từng bước đi của họ trong văn chương mà còn bởi anh là người hay bị “tai nạn” nghề nghiệp: Tai nạn về những tác phẩm của mình, tai nạn vì đã cho in những truyện ngắn “có vấn đề” của những bạn văn khác khi ở vị trí là Trưởng ban biên tập tờ Văn nghệ Bến Tre. Có lẽ trong các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu anh là người gặp tai nạn nghề nghiệp nhiều nhất. Nhưng nhiều lúc nghĩ về anh, về cá tính của anh, tôi lại tự rút ra kết luận: Người như anh mà cuộc đời không gặp nhiều trắc trở bởi cái nghiệp của mình mới là sự lạ!
Nghĩ về anh là nghĩ về một thằng cha mê viết lách từ thuở mười bảy mười tám tuổi (lúc anh còn là chiến sĩ ngoài chiến trận). Một thằng cha mới hơn hai mươi tuổi đã dám lên tiếng bày tỏ sự không bằng lòng của mình về việc cấp trên phân công tác không phù hợp với sở trường.
Lần đó, cầm bức điện của tổ chức điều động cán bộ, anh từ báo Chiến Thắng (thuộc Ban Tuyên huấn Bến Tre) về Ban Tuyên huấn Khu Trung Nam Bộ nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Thường trực Ban Tuyên huấn Khu lại là người kiêm chức trưởng Tiểu ban Thông tấn nhất nhất đòi anh phải về công tác tại tiểu ban này. Không chấp nhận và cũng không kềm chế được, anh đã thẳng tuột đề nghị: “Hoặc các chú cho cháu tiếp tục làm báo, làm văn nghệ, hoặc cho cháu quay về Bến Tre”. Hồi ấy, quen thông lệ “Đảng phân công đâu, tôi chấp hành đó”, một phản ứng như thế được xem là quá quắt. Vụ việc, lập tức bị nóng lên, xôn xao mất gần hai tháng, rồi xem đi xét lại, “các chú” cũng cho anh về với Tiểu ban Văn nghệ. Sau này có người hỏi sao anh liều vậy, anh chỉ cười: “Đơn giản, vì hợp sở thích, đúng sở trường, tôi sẽ làm việc, cống hiến cho Đảng nhiều hơn. Còn quay về Bến Tre, ai cũng biết đó là con đường máu – con đường mà lượt đi mất 31 ngày, có lần tôi đã thầm nói với mẹ tôi: “Mẹ ơi, ươm hột khác đi, hột này coi như lép!”. Cho nên, ngoài việc bị quy “bất tuân”, chẳng còn lý do gì để người ta dám bảo tôi trở về Bến Tre với con đường máu là nhát gan!”. Tính khí đã như vậy thì làm sao cuộc đời anh có thể suôn sẻ được.
Các tác phẩm của anh thường được “săm soi” rất kỹ, nhiều khi chỉ vì một chút gợn lên nào đó, thậm chí có khi chẳng gợn lên chút nào cũng bị soi. Như năm 2000, khi tập “Ba Tri thời lửa đạn chưa xa” (công trình liên kết giữa huyện ủy Ba Tri và Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu) ra đời, truyện ngắn “Chiến tranh” của anh lại bị “soi” (tuy lần này có phần nhẹ nhàng hơn). Người ta soi đúng vào cái kết của truyện, là phần mà anh rất tâm đắc và với những người đọc như chúng tôi thì đó là phần giá trị nhất của truyện. Khi tôi hỏi anh về chuyện ấy, anh cười như chẳng có gì:
- Lại vẫn thế thôi.
Cũng lần ấy anh tâm sự với tôi về những truyện ngắn của mình. Những truyện mà có lúc người ta làm ồn ào lên một cách không đáng có, như “Chợ người”, “Gương không soi”, “Con chim chìa vôi, chiếc lồng bỏ trống và thằng ăn hại”, “Cửa khép”... : “Thực ra chúng đều xuất phát từ những chi tiết, tình tiết, những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống bình thường. Ví dụ, những năm đó tôi rất bức xúc về các mối quan hệ giữa thầy - trò, thầy giáo - phụ huynh... Tôi cảm thấy nhân phẩm người thầy giáo bị hạ thấp rất nhiều so với địa vị mà đáng ra họ phải được nhìn nhận. Lý do chính là hoàn cảnh kinh tế xã hội lúc bấy giờ. Một lần thay vợ đi chợ, gặp người bán hàng thối thừa tiền, tôi đem trả lại. Người bán hàng tỏ vẻ ngạc nhiên, bà bạn hàng bên cạnh cũng ồ lên: “Có vụ này nữa sao?...”. Họ coi đó như là chuyện lạ. Từ đó tôi liên hệ với thân phận người thầy giáo và dựng nên truyện ngắn “Chợ người”... Truyện “Gương không soi” lại là một sự tình cờ khác: Chiếc gương chung của cả gia đình đặt trong buồng phải treo ở vị trí khá thấp để cho mấy đứa con tôi (lúc đó còn nhỏ) cùng soi. Khi người lớn muốn soi vào thì phải hơi rùn người, rụt cổ đi một chút khiến cho hình ảnh trong gương bị biến dạng, trông khá buồn cười. Một lần tôi soi vào, cảm thấy khó chịu khi gương mặt mình trong gương bị biến dạng kỳ cục. Lại một sự tình cờ nữa là khi cầm cái nón (mũ) định đội lên đầu tôi bỗng thấy một bãi phân thằn lằn ngay trên đỉnh nón. Cái cảm giác khó chịu đó ám ảnh ray rứt tôi suốt ngày hôm ấy cho đến khi một tứ truyện bật ra... Tất cả chỉ có thế thôi...”.
Tất cả chỉ có thế thôi! Nhưng người ta không nghĩ thế. Ông này vơ vào, ông kia cũng vơ vào, nói Hàn Vĩnh Nguyên viết về họ, chế nhạo, mỉa mai họ. Tất nhiên không ông nào dám công khai nói thẳng ra điều đó. Sự việc cũng ồn ào lên một dạo rồi lại thôi. Theo tôi hai truyện ngắn mà anh lấy làm ví dụ nói trên chỉ thuộc loại trung bình của Hàn Vĩnh Nguyên. Thậm chí xét về mặt nghệ thuật (cũng theo ý của riêng tôi) hai truyện đó còn hơi yếu nữa là khác. Nói rằng những truyện ngắn của anh không có ẩn ý thì không đúng. Tác phẩm luôn là nơi gửi gắm tâm sự của nhà văn (nhưng tác phẩm có chuyển tải nổi những gửi gắm ấy không lại là chuyện khác). Ở đây, ẩn ý của anh không nhằm vào một cá nhân nào. Những điều anh muốn gửi gắm vào tác phẩm lớn hơn nhiều. Đó là sự cảnh báo một thực trạng băng hoại đạo đức của xã hội, nạn chạy chức chạy quyền, sự coi khinh tầng lớp trí thức của một thời... Người ta làm ồn lên một lúc nhưng không ai đứng ra công khai nhận mình là nhân vật của truyện nên rồi cũng thôi, yên cả. Có điều tôi cứ nghĩ mấy truyện ngắn đó mà người viết không phải là Hàn Vĩnh Nguyên thì chắc sẽ không có sự ồn lên...
. Có một dạo, hình như quá mệt mỏi về văn chương, anh có ý định làm “giàu”. Sau nhiều năm chắt chiu, vợ chồng anh mua được một ít đất, khắc nghiệt thay, gặp phải đất bạc màu… Anh quyết tâm cải tạo nó bằng cách đào lên, băm nhỏ lớp đất mặt rồi dùng hàng trăm xe tro trấu, mùn dừa trộn vào, san lấp lại. Độ bằng của khu vườn nhà anh dùng thước cân bằng của thợ hồ cũng không phát hiện ra độ chênh, nghĩa là bằng lắm, đẹp lắm. Nhưng có lẽ trời không cho anh làm “giàu”. Đất cải tạo đến mức như thế nhưng không hiểu sao trồng nhãn chỉ được một hai mùa đầu trái sai còn sau đó cây trở nên còi cọc, trái thưa thớt, thun nhỏ lại. Trồng bưởi da xanh (nhãn và bưởi da xanh là những loại trái cây thời thượng ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng lúc ấy) trái chỉ lớn hơn trái cam chút ít. Về sau anh phát hiện dòng kênh chảy qua miếng đất nhà mà anh dùng nước để tưới cây trái trong vườn, ngày càng trở nên ô nhiễm nặng nề bởi nước thải độc hại của một số cơ sở sản xuất đổ ra. Đó chính là nguyên nhân thất bại của anh, anh đã không lường trước được việc này. Bạn bè trêu anh: “Số ông không giàu được đâu. Đã trót làm văn nghệ thì theo văn nghệ cho rồi!...”. Anh cười hồn hậu: “Có lẽ thế thật!...” và...
Tôi thường nói vui với bạn bè, một đời viết văn của Hàn Vĩnh Nguyên, tôi chỉ chấm được câu: “... Tôi bây giờ cũng giống như con dao cùn. Chẳng chặt đứt được thứ gì, nhưng cũng chẳng thứ gì chặt cho tôi đứt nữa...”(Về Thới Thuận). Đó chỉ là cách nói quá lên của tôi để tán thưởng câu văn đã bộc lộ hết sự nhọc nhằn và mệt mỏi của cả thế hệ chúng tôi. Thực ra bài “Về Thới Thuận” của anh thấm đượm một thứ tình người nồng ấm sâu xa, sự xót đau cho số phận con người và niềm hi vọng một điều gì tốt đẹp đang dần tới...
Nhiều năm về trước anh đã tiết lộ với tôi (với tư cách là một người bạn thân) rằng anh sẽ viết một tập ký về những ngày tháng làm báo, những kỷ niệm chiến tranh của chính mình và sẽ lấy tên là “Rong chơi ngày cũ”. Vậy mà cho đến nay tôi mới thấy xuất hiện một vài trích đoạn, một vài bài, trong đó có bài “Ở rừng”(cũng là tên tập ký của anh in năm trước). Tôi nghĩ đó là một trong những bài ký hay nhất của anh đã viết. Anh kể về chiến tranh, chết chóc bằng một giọng văn bình tĩnh, hồn hậu lạ lùng. Thậm chí nhiều khi pha chút lạc quan, hài hước khiến những câu chuyện anh kể trở nên tươi sáng trong trẻo lạ thường... Những năm sau này mặc dù rất muốn nhưng tôi cũng không thể thúc giục anh hoàn thành tập ký (theo anh khoảng chín mười bài). Vì tôi biết những năm này anh đang theo đuổi một mục đích lớn hơn: lưu giữ những tư liệu lịch sử chiến tranh ở Bến Tre dưới hình thức văn học. Anh đã đứng ra chủ trì hoặc đồng chủ trì các công trình: “Ba Tri thời lửa đạn chưa xa”, “Tiểu Đoàn 516 anh hùng”, “Đội quân tóc dài cầm súng”(đã in) và sắp tới là “Quân y Giồng Trôm những năm tháng chiến tranh”. Những công trình ấy nếu xét về mặt văn chương, theo ý tôi thì chỉ có giá trị vừa phải (kể cả công trình của riêng anh “Chuyện xưa còn nhớ”- hai tập - đã hoàn thành tập một). Nhưng cái quý nhất trong những công trình ấy là những tư liệu lịch sử. Anh thật khắt khe đối với những bài viết mang tính chất lịch sử. Thói quen của một người đã làm biên tập 36 năm liên tục (cho đến khi về hưu) và sự trân trọng đối với sự thật lịch sử đã tạo nên ở anh sự nghiêm túc ấy. Nếu anh khắt khe với người là một thì anh khắt khe với chính mình là mười. Tự anh phải đi thẩm định lại tất cả các tư liệu mà các tác giả đã thu thập và sử dụng. Khi làm công trình riêng, anh không chỉ lắng nghe những ý kiến của các nhân chứng “bên mình” mà anh còn tìm gặp các nhân chứng là người của phía “bên kia” để đối chứng, so sánh và tìm ra sự thật lịch sử (sự quên nhớ, sự vô tình hay cố ý làm sai lạc lịch sử của các cá nhân là chuyện thường tình, nhất là khi chiến tranh đã lùi xa về phía sau cuộc sống thường nhật). Sự cẩn trọng này đã gây cho cuộc sống luôn túng hụt của gia đình anh thêm nhiều khó khăn (sự tốn kém về thời gian và tiền bạc cho những chuyến đi). Cả việc đối diện với những cái nhìn luôn coi thường, giễu cợt của một số cán bộ địa phương không cùng cách nghĩ như mình.
Có lần tôi hỏi anh:
- Ông nghĩ sao khi lao vào làm những công trình mà khó có thể nói nó đưa lại lợi ích vật chất cho cá nhân ông và cả chúng tôi nữa?
Hàn Vĩnh Nguyên đã trả lời tôi:
- Ông còn nhớ có lần ông hỏi tôi:” Ông nghĩ sao về chiến tranh?”. Và tôi đã nói với ông: “Tụi mình đều đã trải qua sự khủng khiếp của chiến tranh nên bây giờ đặt vấn đề như ông là thừa. Lúc này là lúc phải hỏi ta viết về chiến tranh như thế nào, có đủ tài mà viết về nó không? Đó mới là điều đáng quan tâm. Ngày xưa mình viết cho chiến công, chiến trận bây giờ mình phải viết về chiến tranh”. Đó là lý do thứ nhất. Vì nó mà tôi đã có nhưng truyện ngắn, những bài ký, theo tôi là khá tâm đắc như “Chiến tranh”, “ Thời gian thầm lặng”.... Lý do thứ hai là sau chiến tranh, tôi thấy có hai khuynh hướng: một là vơ vào, tất cả cho mình, cho quê mình, của mình,... Thứ nữa là phủ nhận những gì đã qua. Cả hai khuynh hướng này đều xuất hiện ở nhiều nơi. Đã có lần mình được đọc một hồi ký của một cá nhân, trong đó ông ta đưa những thành tích, công trạng của Bến Tre sang một địa phương khác. Mình không chịu như vậy. Cũng đã có vài bài báo phản bác chuyện ấy, nhưng theo mình là chưa đủ. Vì công trình của cá nhân ông ấy là hồi ký, một hình thức văn học nên mình nghĩ phải trả lời lại nó bằng hình thức văn học thì mới tương xứng và có giá trị. “Chuyện xưa còn nhớ” của mình được thực hiện với mục đích ấy...
Những kỷ niệm giữa tôi và Hàn Vĩnh Nguyên thì còn nhiều nhưng chỉ xin kể thêm ra đây một vài mẩu chuyện nho nhỏ nữa:
Ba mươi năm quen biết rồi chơi thân với nhau, duy nhất một lần tôi thấy anh nổi giận tới mức văng tục. Đối với mọi người hay ở những thằng nóng nảy như tôi thì văng tục (dù rất ít khi) có lẽ cũng không phải là điều gì quá lạ. Nhưng Hàn Vĩnh Nguyên thì khác, trong con mắt tôi (và có lẽ với phần đông những ai đã từng tiếp xúc với anh), anh nổi tiếng là điềm đạm chín chắn. Ở tất cả mọi lúc mọi nơi, anh thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói, kể cả những lúc đấu tranh gay gắt để bảo vệ mình hay bảo vệ bạn bè. Đó là mấy năm về trước, một cơn bão dữ quét qua miền Trung gây nên những tổn thất nặng nề về người và của. Khi tôi kể anh nghe những tin tức trên báo chí nói về việc có nhiều kẻ lợi dụng sự đau thương mất mát đó bằng cách dùng xe chở hàng cứu trợ để đi buôn lậu. Cũng có kẻ thẳng tay ăn bớt ăn xén số hàng cứu trợ mà cả nước đã gom góp lại trong tình nghĩa “lá lành đùm lá rách” cho đồng bào miền Trung. Thậm chí có nơi quyên góp được số nhiều hơn quy định đã tìm cách giữ lại phần dôi ra để chia chác cho dịa phương mình. Nghe xong, anh bỗng bật lên một câu:
- Đù mẹ nó!
Về sau tôi kể lại chuyện này cho Nguyễn Khoa Chiến (một người bạn chung của cả hai đứa) nghe, Chiến nói một câu theo tôi là rất chính xác:
- Mới nghe tưởng như mâu thuẫn nhưng xét kỹ lại thì nó không hề mâu thuẫn chút nào đối với tính cách của Hàn Vĩnh Nguyên đâu...
Chuyện nữa, cách đây không lâu, khi kể cho tôi nghe về một cháu bé gái bị ung thư máu ở trường Herman Gmeiner Bến Tre vừa được giải thưởng hội họa lớn về chủ đề “Thế giới của em”, anh đã khóc. Khóc cho tinh thần lạc quan kỳ lạ của một sinh linh chưa kịp Sống đã sắp phải mất đi. Tôi nghĩ nếu hôm đó có đông người thì chắc tôi đã không có may mắn được thấy những “giọt nước mắt đàn ông” hiếm hoi ở một người như anh...
Tôi đã thấy Hàn vĩnh Nguyên cười, Hàn Vĩnh Nguyên giận, Hàn Vĩnh Nguyên khóc. Nhưng dù cười, giận hay khóc thì cái quán xuyến trong con người (và cả trong các tác phẩm của anh) là nỗi đau. Đó là cái giá anh trả cho bản hiệp đồng máu của anh với Đảng khi giơ tay “thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng...” .

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Vài suy nghĩ qua một bản tin ngắn

Hôm qua báo Tuổi Trẻ đưa tin : Chuẩn đô đốc Nguyễn Công Hòa cùng đoàn công tác ra thăm và tặng quà cho các đảo Trường sa và làm lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quóc trên đảo Trường Sa trong trận chiến ngày 14/3/1988. Bản tin làm cho mình có nhiều suy nghĩ:
1) Như vậy là sau 21 năm ròng bị chìm lấp những liệt sĩ này cũng đã được vinh danh. Nhưng vì lý do gì mà mãi đến hôm nay họ mới được vinh danh. Lý do đó có đáng cho một sự im hơi lặng tiếng lâu như vậy không đồi với những người con đã đã "quấn cờ tổ quóc" quanh mình khi hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quóc. Dẫu sao, có còn hơn không...
2) Họ đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt với kẻ thù nào? kẻ nào đã cả gan xâm chiếm lãnh thổ tổ quốc ta sau khi ta đã dành thắng lợi vể vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ mới hơn chục năm trới hào khí còn bừng bừng? Phi - líp - pin chăng, hay In - đô - nê - xi - a? Không ai nói cho mình biết cả, thật buồn. Đâu rồi hào khí Đông A, hào khí sát Thát, hào khí chống Mỹ...
3) Năm 1974 những người lính của chính quyền Sài Gòn cũng đã từng đổ máu ( có lẽ là không ít máu) để bảo vệ Trường Sa, vậy họ có được coi là những người đã hy sinh vì tổ quốc không? không lẽ chỉ những người thuộc "phe ta" mới được quyền "bảo vệ tổ quóc". Như vậy có lẽ không được công bằng lắm.

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Quân y cánh B những năm tháng ấy

Tôi hỏi anh Năm Nguyện (nguyên phó ban, phụ trách cánh B của quân y huyện Giồng Trôm trong chiến tranh):
- Tại sao đến năm 1968 cánh B của quân y mình lại chuyển về Châu Bình mà không đóng lại Châu Hoà hay Phong Mỹ là những nơi có nhiều điều kiện thận lợi hơn hả anh?
Anh Năm Nguyện trầm ngâm như nhớ lại:
- Sau Mậu Thân, địch tạm thời giành thế chủ động trên chiến
trường Miền Nam nói chung. Ở Bến Tre cũng thế, chúng lợi dụng thế chủ động đó mở nhiều cuộc càn quét, rúng ép ta, tạo ra không ít khó về nhiều mặt cho ta trên khắp địa bàn tỉnh. Vì vậy, lúc này Châu Hoà hay Phong Mỹ không còn là địa bàn thuận lợi cho hoạt động của Quân y như lúc trước nữa. Một là cả hai địa phương này đều cận kề với vùng mà địch hoạt động mạnh, những trận càn lớn xảy ra hầu như thường xuyên. Hai là địa hình ở đó lúc này trở nên trống trải, các vườn dừa bị chất độc hoá học làm đổ trụi hết lá, chỉ còn lại những thân dừa trơ trọi trông như những bãi chông khổng lồ cắm thẳng lên bầu trời. Cây cối tầng dưới thì chết hết, chỉ một vài chỗ mới bắt đầu có những bụi cây lúp xúp nửa thân người. Quân y cần có một địa bàn an toàn hơn để có thể điều trị tốt cho thương binh, ví thế cấp trên quyết định đưa đơn vị về Châu Bình. Châu Bình lúc đó có thể coi là một vùng hẻo lánh, vừa ở xa địch vừa có rừng chồi mênh mông có đủ các loại cây: cao vượt đầu người vài tầm như giá, già, mét đủng đỉnh…, có loại bò lan trên mặt đất hay lúp xúp đầu người như ô rô, cóc kèn, ráng…, có loại cây dùng các cây to làm giá đỡ bò lan chằng níu ngay ở tầng giữa, cao hơn đầu ngưòi như mây, choại…. Địa hình và vị trí đó rất thích hợp cho việc tỏ chức đời sống và sinh hoạt của một trạm quân y…
Tuy nhiên tình hình lúc này không cho phép quân y tổ chức thành một đơn vị lớn, tập trung, bề thế mà phải sao cho gọn nhẹ, linh hoạt. Vì thế ngay khi mới đăt chân về Châu Bình, đơn vị đã phải chia thành ba trại, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của thương binh. Các trại này không được xa nhau quá để tiện việc liên lạc, nhưng cũng không được gần nhau quá để không ảnh hưởng tới nhau nếu gặp các tình huống bất trắc: địch càn, bom pháo… Cách xây dưng lán trại cũng phải hết sức đơn giản sao cho phù hợp với tình hình thực tế nơi ấy. Đơn giản nhưng trong điếu kiện lúc lại vẫn là kỳ công…
Tôi nhớ chị Hai Bé kể:
Ở những nơi có cây to, có tàn che bên trên thì dễ rồi nhưng ở những chỗ chỉ có dây bụi và dây leo thì nhiều khi chúng tôi phải dùng những cây lớn như giá, mét, đủng đỉnh chống cả tầng dây leo lên làm lán phía dưới, cột lán nhièu khi chỉ cao hơn đầu người chừng vài mươi xentimet. Giường thương binh nằm là những dãy sạp dài được ken bằng cây bình linh, giá đỡ là những cây già có nạng. Trên sạp chúng tôi trải những tấm đệm lớn (như đệm phơi lúa của dân), tối đến ngủ thì màn ai nấy mắc…
Nhớ lại lời anh Tám The hôm trước, tôi hỏi chị:
- Nghe nói mình còn phải đào cả trảng xê ngay trong lán phải không chị?
- Phải, anh ạ! Trong lán, dọc theo chiều dài sạp nằm, một bên chúng tôi để lối ra vào, một bên chúng tôi đào trảng xê để anh em có thể tránh được bom pháo khi cần thiết. Có thời kỳ địch bắn pháo vào vùng này nhiều lắm. Ban đêm cứ đầu mỗi giờ là chúng lại bắn pháo, mỗi lần như thế là anh em thương binh lại phải xuống trảng xê để tránh… - Bỗng nhiên tôi thấy chị cười cười, mặt hơi đỏ lên – Vào mùa mưa mới khổ, trảng xê nhiều khi ướt át, lầy lội. Cứ mỗi tối anh em sắm một nùi dẻ để bên, cởi truồng nằm ngủ. Địch bắn pháo, nhảy xuống trảng xê, hết pháo lại lên lấy nùi dẻ lau chân cẳng, lại nằm truồng ngủ tiếp. Vậy chứ anh tính, anh em chỉ có hai cái quần tiều mà mỗi đêm phài nhảy lên nhảy xuống năm bảy lần, không làm thế chịu sao cho thấu. Ở trại nặng chúng tôi còn phải đào cả hầm bí mật để trong những trường hợp bất ngờ có thể dấu được anh em…
Chị chép miêng tần ngần một lúc rồi mới nói tiép:
- Lẽ ra việc tạo nơi ăn chốn ở cho đơn vị dù khó khăn nhưng nếu chỉ là trong buổi đầu thôi thì cũng không có gì đáng nói. Nhưng khổ nỗi chỉ trong hơn hai năm (1968 – 1970) chúng tôi đã phải chuyển đi chuyển lại lán trại của anh em thương binh qua rất nhiều chỗ: ấp ba, ấp sáu, ấp tám, xẻo bà Bồi, xẻo bà Mười Tân, cú lao Dê…Mỗi lần chuyển như thế là cả một vấn đề lớn, nên việc đó đã trở thành gánh nặng gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị…
Tuy không trực tiếp phải chịu đựng những trận càn lớn, những tổn thất lớn về người (cả thương binh và cán bộ) như ở cánh A, nhưng cánh B lại gặp những khó khăn khác mà nhiếu khi cũng rất gay gắt, đó là về đới sống. Ở xa trên, xa các đơn vị khác, quân y cánh B lột thỏm vào giữa rừng chồi mênh mông của Châu Bình. Việc quân lương về chậm về không đủ hầu như là chuyện thường xuyên.Vào thờ kỳ khó khăn nhất, tiêu chuẩn thực phẩm của anh em có khi chỉ là bốn con khô cá kèo mỗi người một ngày. Gạo muối thiếu, thuốc men, dụng cụ y tế thiếu… Nhất là dụng cụ y tế và thuốc men bao giờ cũng là nỗi lo đau đáu của anh em trong đơn vị từ lãnh đạo các y sỹ, ytá, cứu thương. Mà có lẽ lúc này cả chiến trường đều trong tình hình như vậy nên ống thuồc chích từ penicilin cho đến loại nhọn hai đầu đều phài giữ lại để đem về trên đổi. Băng tháo từ vết thương ra cắt bỏ đoạn dính máu mủ quá nhiều, đem giặt đi lại rồi dùng tiếp, phải ba bốn lần mới bỏ. Những dụng cụ tuy đơn giản nhưng không thể thiéu như băng nẹp nhiều khi anh em tự làm lấy
Về chuyện này, anh Năm Nguyện đã từng nòi với tôi:
- Vào những thời điểm khó khăn nhất, có lúc nhìn vết thương của anh em bị nhiễm trùng đau đớn mà đơn vị không có cả những thứ thuốc kháng sinh thông thường hay một ống thuốc giảm đau, tôi muốn trào nước mắt…
Tôi hỏi lại anh:
- Vậy rồi mình tháo gỡ bằng cách nào hả anh?
- Trong hoàn cảnh ấy không thể cứ ngồi chờ. Tôi (lúc đó là phó ban phụ trách cánh B) suy nghĩ nhiều lắm, sau đó tôi họp anh em trong đơn vị lại phát huy ý kiến đóng ghóp dân chủ. Khó khăn đã tạo cho chúng tôi thành những con người đa năng, cả về cách nghĩ lẫn cách làm. Không kể công việc ruộng vườn (chúng tôi hầu hết đều từ nông dân mà), mỗi đứa đếu có thể đốn lá, chằm lá, chèo ghe, chài, thả lưới, đóng đáy… Tám The có lần nói đùa: “Nhiều nghề thế này sau về nhà chắc vợ đỡ nhăn…”- Anh cười cởi mở rồi nói tiếp - Ngoài thời gian chăm sóc thương binh thì trồng mỳ, trồng chuối, trống rau, đánh bắt cá tôm… là những công việc lớn của chúng tôi lúc ấy mà người nào cũng phải tham gia không kể lãnh đạo hay cán bộ. Phải nói là trong những công tác lao động tự túc của chúng tôi thì đánh bắt tôm cá đem lại nguồn tài chính lớn nhất. Thực ra thì ban đầu chúng tôi có đứa nào biết chài lười gì đâu. Nhưng ròi nhờ mấy anh máy chú quen nghề như ông Tám Lùn, ông Ba Phước, ông Năm Rái… (những ông này là người Châu Bình vì bị giặc o ép nên ra sống chung với chúng tôi, cùng làm cùng ăn gần như người của cơ quan vậy, có ông ở với quân y mãi đến tận ngày giải phóng) chỉ vẽ, rồi nghề dạy nghề đứa nào cũng trở nên thành thạo. Cá tôm lúc đó nhiều vô kể vì hầu như không ai đánh bắt. Lúc đầu chúng tôi chỉ có một tay lưới, vậy mà đã có đủ tôm cá cho tất cả các trại. Về sau tôi về mượn tiền của gia đình sắm được một miệng đáy thì cá tôm đánh bắt được phải đem bán. từ tiền đó chúng tôi sắm được miệng đáy thứ hai…
Hai Tuấn từng kể cho tôi nghe:
- Cá tôm nhiều đến mức mỗi chiều nước ( lần nước lên nước xuống trong ngày) mỗi miệng đáy có thể thu từ 300 – 500 ký là thường. Có lần tháo đáy, do sơ ý, anh em để lệch miệng khỏi xuồng, cá kèo trào ra nhận chìm luôn xuồng… Cá tép bắt được chúng tôi nhờ mấy bà mấy chị đem lên mấy chợ trên bán giùm. Họ tốt lắm, bán như vậy nhưng tự giác chỉ lấy vừa tiền công, còn lại bao nhiêu đều đưa lại hết cho đơn vị. Mấy năm đó nhờ vào những khoản tiền tự túc đó mà chúng tôi tháo gỡ được khó khăn mỗi lúc quân lương không về kịp, mà việc này thì xảy ra luôn. Nghe anh Năm Nguyện nói, cho đến ngày giải phóng, trên vẫn còn thiếu quân y cánh B chúng tôi một số tiền khá lớn…
Còn chị Hai Bé thì kể:
- …Thiếu gạo chúng tôi mua gạo, thiéu thuốc men , chúng tôi mua thuốc men. Những việc mua bán này chúng tôi đèu nhờ bà con cơ sở ở các chợ cả. Anh tính ở giữa rừng, lại xa trên thì việc thiếu thốn là tất nhiên thôi, phải không? Nhưng “cái khó ló cái khôn” không thể ngồi nhìn anh em đau đớn hay đói khát. Chúng tôi lại phải kiếm cách xoay xở lấy. Có tiền trong tay, chúng tôi cử người lên liên lạc với các bà các chị quen biết ở mấy chợ như Châu Hoà, Châu Thới nhờ mua dùm các thứ mình thiếu. Công việc nhìn tưởng đơn giản nhưng thật ra rất nguy hiểm, nếu lộ ra thì cầm tù là cái chắc. Được cái những người mình nhờ hầu hết đều là con em các đồng chí mình cả nên họ đếu hết sức giúp đỡ. Khi có tiền đã đành, khi không có tiền họ sẵn sàng cho mua thiếu rồi trả sau. Tôi còn nhớ, mãi sau giải phóng quân y cánh B chúng tôi mới trả tiền 400 lít gạo mua của chị…từ hồi 72 – 73… Ngoài những thiếu thốn mà chúng tôi đã nói với anh còn một cái thiếu khác nữa cũng quan trọng không kém, thậm chí có phần hơn nữa là khác - Chị bỗng trở nên trầm ngâm như nhớ lại một thưở gian khổ mà hào hùng – Không nói thì anh cũng biết, đối với y tế nước ngọt cần biết chừng nào, đối với các vết thương chiến tranh thì nước ngọt lại càng cần hơn bất cứ ở đâu. Vậy mà ở Châu Binh (nơi quân y chúng tôi đóng), suốt sáu tháng mùa khô hầu như lúc nào cũng chỉ có nước mặn. Muốn có nước ngọt chúng tôi phải lên tận ngã ba sông Châu Bình hay ngã tư sông Ba Lai với rạch An Hoá cách nơi ở cả chục cây số mới lấy được. Mà nào chỉ có vất vả vì đường sá xa xôi, nhiều khi còn bị tàu địch rượt đuổi, máy bay xăm xoi… Nhiều khi mất cả nước cả xuồng, còn lại người là may mắn lắm…
Khi nghe chị Hai Bé kể tôi chợt liên tưởng đến một chuyện thật cảm động mà chị Năm Phấn đã kể cho nghe:
Lần đó tôi và anh Dũng dược phân công đi lấy nước ngọt. Lúc đó đang là cuối mùa khô, muốn lấy được nước ngọt phải lên tận ngã tư sông Ba Lai với sông An Hoá… Lấy nước xong về đến nửa dường (lối một bên là Phong Mỹ, bên kia là Châu Hưng, tôi loay hoay quay tới quay lui làm sao mà ghe lật úp. Vì là chở xá (nước đổ thẳng vào lòng ghe đã trải vải mủ mà không dùng bao ni lông đóng lại thành từng bao lớn) nên nước đổ ra hết. Vừa kịp bíu xuồng, tôi thấy anh Dũng giận đỏ mặt, giá tay lên (có lẽ lúc đó anh
giận quá đến nỗi muốn cho tôi một cái tát tay). Lúc đó thâm tâm tôi rất sợ nhưng lại tiếc ghe nước đứt ruột và nghĩ: “Mình cũng đáng đánh lắm!...”, liền nhắm mắt chờ cái tát của anh hạ xuống… Nhưng chờ mãi mà không thấy, khi mở mắt ra thì thấy tay anh đã buông xuống, mặt vẫn còn đỏ nhưng miêng hơi cười cười… Hai anh em lại lui cui chèo ghe ngược lên lấy nước rối trở về. Về đến cù lao Dê (lúc đó trại đang ở cù lao Dê) Thấy mọi người đang lao xao đứng đợi vẻ sốt rột vì hai đứa về muộn… Về sau anh Dũng nói lại với anh em rằng: “Lúc đó tao giận lắm muốn đánh thật sự nhưng nhìn nó nhắm mắt chờ đơi cái tát, vẻ cam chịu. Tự nhiên thấy thương quá, không đánh được nữa…”…
Nào chỉ có khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà thôi đâu. Còn đạn bom, còn những trận càn quét của quân thù vào địa bàn đơn vị. Trong một cuộc chiến tranh không phân tuyến như ở Miền nam Việt Nam thì không có nơi nào thực sự là hậu phương cả, mọi thứ (chiến trường hậu phương, ta địch…) cứ đan cài vào nhau tất cả. Quân y cánh B của Giồng Trôm lúc ấy đang ở trong rừng Châu Bình, về mặt nào đó cò thể coi là phía sau mặt trận. Ấy vậy mà đã không dưới năm bảy lần bị đánh vào: lần thì do có kẻ chiêu hồi dẫn đường, lần thì bị lính Mỹ đổ quân ngay sau lưng để ứng cứu khi khi bọn đi càn bị quân ta chặn đánh tơi tả ở bờ sông Châu Bình, lần thì máy bay phát hiện và dùng máy bay bắn pháo vào ngay lán thương binh.
Anh Năm Nguyện kể:
- Khoảng tháng bảy , tháng tám Năm một chín sáu tám, nghĩa là lúc quân y vừa tạm gọi là đứng chắc chân ở địa bàn Châu Bình thì bị địch, do một tên chiêu hồi (trước từng là thương binh nằm diều trị trong đơn vị) dẫn đường, càn thẳng vào căn cứ mà cụ thể là bộ phận ở ấp 3. Được bên quân báo báo sang, ngay trong đêm chúng tôi vội sơ tán anh em thương binh về các trại khác ở Mương Khai (ấp 6) , Ở xèo Cây me bà Mười Tân (ấp 8). Xong việc, chúng tôi quay lại gài trái trên trên các điểm trọng yếu của đường váo trại. Sáng hôm sau, địch càn vào, chỉ càn lại trại không nhưng chính chúng đã bị tiêu diệt 7 tên do vương trái.
Anh Tám The, anh Hai Tuấn thì kể về chuyện bảy ngày địch càn liên tiếp ba trận vào cứ của đơn vị đóng tại Mương Khai. Anh em vừa phải bảo vệ thương binh, lớp sơ tán lớp đưa xuống hầm bí mật, vứa triển khai đánh địch. Tổng kết những trận càn này riêng đơn vị đã tiêu diệt mười chín (19) tên…
Khi tôi hỏi Tám The có trận nào địch đánh vào đơn vị mà làm anh nhó “đời không”, thì anh cười hiền lành:
- Thực ra thì trận nào củng đáng để nhớ đới cả vì nếu chỉ có mình mình thì dễ thôi nhưng lùc ấy còn có cả mấy chục sinh mạng của anh em thương binh trong tay mình, phải làm sao bảo vệ được anh em trong sự khốc liệt của kẻ thù… tuy nhiên, có trận khoảng tháng hai tháng ba năm bảy mươi (1970) là làm tôi nhớ nhất. Trận này tuy địch không trực tiép đổ quân xuống nhưng tình huống nguy hiểm thì còn hơn các trận khác nhiều do mình hoàn toàn bất ngờ…
Thấy vẻ háo hức của tôi, anh bình tĩnh rít thêm hơi thuốc, từ từ nhả khói rồi mới nói tiép (người kể chuyện nào mà chẳng vậy, càng tới chỗ khúc mắc thì càng hưỡn đãi để buộc người nghe chú ý):
- Lúc ấy trại nhẹ chúng tôi ở Mương Khai có khoảng mười bốn, mười lăm thương binh. Sáng đó lối tám giờ hay hơn một chút, anh em cán bộ của trại đã phân tán đi công việc cả (người đi đóng đáy, người lên chợ Châu Hoà mua gạo…), ở nhà chỉ còn tôi và anh Trương Sáu. Vừa làm thuốc cho anh em xong (thay băng, rửa vết thương) thì nghe tiếng Bù nóc, tôi dặn anh em bình tĩnh rối tính bước ra ngoài để quan sát tình hình. Nhưng vừa ló cổ ra khỏi mái lán thì Bù nóc đã nhào xuống bắn điểm. phát đạn bắn điểm đó không ngờ lại trúng ngay hai quả lựu đạn hỏng anh em bỏ ở gốc cột lán phía đối diên tôi định ra. Hú hồn! nếu ra đằng đó là tôi tiêu rồi (anh cười – ra cái điều cũng chẳng ăn nhằm gì). Nghe tiếng nổ mặt đất, chiếc Bù nóc ngóc lên, lập tức hai chiếc Cá lẹp nhào tới bắn pháo liền. Lúc này anh em thương binh đã xuống cả “trảng xê” và đang ở yên dưới đó. Nhưng khi Cá lẹp quần tới quần lui, bắn đến trái thứ năm thì một số anh em hoang mang rúng động định nháo ra ngoài. Không ai hẹn ai mà tôi và anh Trương Sáu (lúc này ngồi ở hai đầu trảng xê) cùng hét: “Ở yên! Ai bị người nấy chịu…chạy ra lúc này là chết hết!...”, anh em bình tĩnh lại dần.Bắn đến trái đạn thứ bảy, không thấy gì. Có lẽ nó nghĩ đó là lán trại cũ đã bỏ nên cả hai chiếc Cá lẹp lượn thêm hai vòng rồi cút thẳng, thật hú vía…Về sau quan sát lại tôi mới biết trại bị lộ là do đóng dưới một gốc me cực lớn (nó trùm bóng che có tới nửa công đất) nhưng mùa khô lá me rụng nhiếu nên lộ lán ra… lại có cái may nữa là mấy trái đạn pháo do cá lẹp bắn không chính xác, cứ còn cách khoảng 5-10 mét chứ nó bắn chính xác hơn thì chưa biết sự thể sẽ ra sao….
Khó khăn, vất vả, đạn bom… Trong điều kiện ấy họ đã điều trị cho thương binh như thế nào và bằng cách nào? Tôi nhớ đã có lần hỏi các anh: Tư Chí Hiếu (tức Hiếu nhỏ - người hầu như có mặt ở quân y từ những ngày đầu mới thành lập), anh Hai Tuấn Về vấn đề này. Anh Tư Hiếu nói:
Khó khăn thì thì khó khăn thật. Nhưng khó mấy cũng phải làm chứ anh, lập ra quân y là để điều trị cho thương binh mà. Thực ra quân y Giồng Trôm những ngày đầu mới thành lập, (lúc này chưa chia tách thành A và B) lực lượng rất mỏng, vừa yếu lại vừa thiếu. Cả đơn vị lớn mà không hề có một y sỹ nào (chứ đừng nói bác sĩ, chỉ có cả thảy ba y tá là anh tư Chí Hiếu (được phân công trưởng ban), anh Năm Nguyện, anh Hai Long. Còn lại tụi tôi đều là du kích xã lên học cứu thương rồi được giữ lại. Nói như vậy để anh biết về chuyên môn lúc đó chúng tôi hầu như chưa có gì. Về sau anh Tư Hiếu được cử đi học y sĩ trên khu, tiếp đó là anh Năm Nguyện và anh Hai Long thì chúng rôi có được ba y sĩ. Sau cùng thêm anh Sáu Lam Giang nữa là bốn. Khi chia thành hai bộ phận cánh A và cánh B, anh Năm Nguyện được cử phụ trách cánh B, các anh khác chạy đi chạy lại giữa hai bộ phận. Như vậy điều kiện thì khó khăn, thiếu thốn, trình độ chuyên môn thì rất yêu. Có điều là chiến trường thì không thể chờ cho đủ, cho mạnh mới đánh nhau, mới có thương binh. Lúc đầu những ca nặng chúng tôi gửi sang cánh A (là nơi có điều kiện tương đối tốt hơn), hay gửi lên quân y tỉnh, chỗ anh Hai Thủy. Về sau tình hình biến đổi, thương binh nhiều thêm. Việc chuyển thương lại gặp nhiều khó khăn, nên nhiều ca năng mà chúng tôi vẫn phải giữ lại. Giữ lại là phải điều trị, phải mổ cho anh em. Dầu sao chúng tôi cũng rất thận trong. Phương châm của chúng tôi lúc đó là “… Nếu không mổ mà không chết thì không mổ, nếu mổ mà không chết thì mổ. nếu không mổ chắc chết mổ có một phần hy vọng sống thì mổ…”. Mỗi khi muốn thực hiện một ca mổ, chi bộ đảng phải họp, phân tích rồi quyết định mổ hay không. Những ca mổ đầu tiên thường do anh Tư Hiếu phụ trách. Về sau các anh Năm Nguyện, Hai Long đi học y sĩ về thì khả năng điều trị, mổ xẻ của quân y Giồng Trôm chúng tôi (cả hai cánh) được nâng lên rất nhiều. Điều nảy làm giảm rất nhiều áp lực khó khăn cho quân y tỉnh lúc bấy giờ…
Anh Hai Tuấn bổ sung thêm:
- Nói đến quân y là nói đến vết thương chiên tranh, nói đến mổ, mà trang bị mổ của chúng tôi lúc bấy giờ có gì đâu anh. Phòng mổ là một cái lán sơ sài như mọi lán thương binh khác, nap41 dưới bóng những tàn cây lớn hay tầng giây leo như mây, choại…. Trên trần được căng một tấm nilon lớn để tránh bụi. bàn mổ làm bằng những tấm ván gỗ đặt trên những giá đỡ bằng bình linh, già, đủng đỉnh…ghép lại. Trùm bên trên là một chiếc màn thật lớn, cả ca mổ làm việc trong đó. Ánh sáng thiếu thì chúng tôi dùng đèn 5 pin tự tạo bằng cách chắp thêm ống thân đèn. Có khi chúng tôi thiếu cả chiếc cưa chuyên dụng, đành dủng cưa sắt để đoạn chi cho anh em, vừa làm vừa rơi nước mắt… Nếu không có tình đồng chí đồng đội thì không sao làm nổi…
Phải, tôi biết chỉ có tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh mới giúp các anh các chị vượt lên tất cả để tận tình chữa trị cho anh em thương binh để họ có thể mau chóng trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu… .Chỉ có tình đồng đội mới giúp Năm Nguyện đủ kiên nhẫn, mày mò tìm đủ mọi cách điều trị vết thương đứt động mạch khoeo và cuối cùng giữ lại được cái chân cho Năm Hùng, bí thư đảng, xã đội trưởng Bình Thành (về sau anh này trở về, tiếp tục chiến đấu và hy sinh). Không có tình đồng chí, đồng đôi thì các chị Hai Bé, Năm Phấn có đủ nghị lực bón cho thương binh từng muỗng sữa, cả những khi thương binh không nuốt được phun cả muỗn sữa vào mặt. Hằng đêm hắng đêm dù mưa hay nắng các chị vẫn đến từng lán trại để trò chuyện, dộng viên anh em hay tém lại tứng mối màn bị hở để đồng đội không bị muỗi đốt…

* * *

… Anh Năm Nguyện đột ngột dừng lại làm đứt dòng suy tưởng của tôi. Thấy tôi nhìn như dò hỏi, anh vừa cười vừa đưa tay khoát rộng về phía trước:
- Đó chú xem! Từ sáng tới giờ, theo yêu cầu của chú, tôi đã đưa chú đi khắp những nơi mà trước đây quân y cánh B chúng tôi đã từng dựng lán trại để điều trị cho anh em thương binh. Nói một cách văn hoa thì đó là những nơi chúng tôi từng đóng đại bản doanh. Tất cả một thời đã gắn bó với chúng tôi biết bao nhiêu. Thế mà…giờ đây hầu như tất cả đều không còn dấu tích gì. Cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ. thời gian và cuộc sống đã xóa nhòa đi tất cả. Nhưng trách nhiệm chúng ta là phải nhớ lấy, nhớ lấy để tránh cho con cháu chúng ta không phải chịu đựng những đều mà cha ông chúng phải chịu. Và việc làm của chúng ta hôm nay cũng nhằm mục đích đó.

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Lời chào từ biệt của "mẹ Nấm" với cư dân mạng

Nguồn: Trannhuong.com

Giáo dục Việt Nam năm 2009 -2010 có gì để nói

Khi mà vào lớp một:
Nếu không là thế này

Thì thế này


Hoặc thế này

Và đến lớp sáu thì:


Chất lượng là thế này


Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Một bài thuốc quý

Tôi có người thân bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường), đến giai đoạn biến chứng. Ngón giữa bàn chân trái teo tóp, khô quắt lại, thâm đen... bà đau đớn rên la suốt ngày. Đưa vào viện, bác sĩ chỉ định mổ, cắt ngón. Bà còn phân vân chưa quyết vì nghĩ mính đã nhiều tuổi rồi (>80 tuổi), mổ thì đau đớn mà chưa biết kết quả thế nào. Có một người bà con đến thăm bà ở bệnh viện, sau khi xem xét ngón chân bà và hỏi thăm về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh liến chỉ cho bà một bài thuốc Nam dùng để bó vào chỗ chân đau mỗi ngày. Dù không tin lắm nhưng vì đau quá nên bà đành bó thừ. Ngay đêm đầu tiên (bó từ buổi sáng) đã thấy đỡ nhức nhiều, vài ngày sau hầu như không còn đau nhức nữa, có thể đi lại được tương đối dể dàng. Khoảng một tuần (hay mười ngày) đốt ngón chân teo tóp rụng đi vết thương không rỉ nước, dần khô và đóng sẹo. người khỏe hơn, đi đứng thường như người khỏe. Đến nay hơn gần một năm trôi qua cũng không thấy xuất hiện triêu chứng biến chứng mới.
Nghĩ rằng đây là một bài thuốc đơn giản, dễ lám lại rẻ tiền, dù có thể không chữa dứt bệnh tiểu đường nhưng có khả năng làm giảm các triệu chưng biến chứng, giảm sự đau đớn cho bệnh nhân (đó cũng đã là một điều đángquý đối với bênh nhân ở giai đoạn nặng). Tôi đưa bài thuốc lên đây để mọi người tham khảo và ai có bệnh (hoăc người thân quen) có thể tự mình kiểm chứng. Nếu thấy có tác dụng thì truyền cho người khác

Bài thuốc như sau:
1. Đọt Khổ qua : 1 -2 đọt
2. Cây Kim thất :1 cây (bỏ rễ)
3. Đọt bí đao : 1 -2 dọt
4. Mật ong ruồi 1muỗng cà phê
5. Lòng trắng trứng gà (ta) 1 cái
(Nói chung các thứ tùy nơi đau lớn hay nhỏ cấn nhiều ít mà thêm bớt)

Ba thứ trên (đọt khổ qua, cây kim thất, đọt bí đao ) giã nat, trộn với lòng trắng trứng gà, mật ong ruồi, bó vào chỗ đau. Một ngày một đêm thay thuốc một lần.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Thơ Vũ Quần Phương

Đợi

Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em

Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến ? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!


Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em


Vũ Quần Phương

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Thơ tế Hanh



Những ngày nghỉ học

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

Tôi thấy tôi thương những con tàu
Nghìn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương vấn trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

Bánh nghiến lăn lan7 quá nặng nề
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về

Kẻ về không nói bước vương vương
Thương nhớ lan xa mấy dặm đường
Lững thững tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương


Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Thay cho lời nguyện cầu nhân dịp lễ Vu Lan

Nhân ngày lễ Vu Lan tôi đưa lên blog bài "Văn tế thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du coi như một lời cầu nguyện của bản thân cho tất cả mọi người dân Việt đã ngả xuống trên chính mảnh đất này qua hai cuộc chiến tranh vừa rồi.Xin đừng ai nói với tôi những người này người kia vì lý do này lý do khác không đáng được hưởng những lời nguyện cầu. Người đã chết rồi là hết, không còn phân biệt giai cấp, phe phái, bên này hay bên kia. Họ chỉ còn là những linh hồn tội ngiệp trong bản văn tế bất hủ của Nguyễn Du mà thôi

VănTế Thập Loại Chúng Sinh




Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não ngườI thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng...
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh...
Thương thay thập loại chúng sing
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên...
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hèn ai ngu!
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ độ về tây phương.
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những lăm cất gámh non sông
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởngn khi thế khuất vận cùng mà đau!
Bỗng phút đâu mưă sa ngói lở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan.
Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới dòng nườc chảy
Phận đã đành trâm gãy bìng rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
Đau đớn nhẽ không hương không khói
Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.
Thương thay chân yếu tay mềm
Càngnăm càng héo một đêm một dài.
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân găm một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàn khôn đổi được mình
Lầu ca viện hát tan tành còn đâu?
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn nh9e tìm đường hóa sinh?
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đổi mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Phơi thây trăm họ nên công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
Cũng có kẻ tính đường trí phú
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn
Ruột rà khôngkẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dẫu có như không
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi.
Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm
Ngẩn ngơ trong quảng đồng chiêm
Nén hương giọt nước biết tìm vào đâu?
Cũng có kẻ rắp cầu chữ qúy
Dẫn mình vào thành thị lân la
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.
Dọc hàng qúan gặp tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em thiên hạ láng giềng người dưng
Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
Cô hồn nhờ gửi tha phương
Gió trăng hiu hắt lửa huơng lạnh lùng.
Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng
Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê.
Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai
Gặp cơn mưa nắng giữa trời
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính
Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan
Nước khe cơm vắt gian nan
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời
Buổi chiến trận mạng người như rác
Phận đã đành đạn lạc tên rơi
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đạ
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quan.
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh
Nắm xương chôn rấp góc thành
Kiếp nào cỡi được oan tình ấy đi?
Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người hay đẻ không nuôi
Có người sa sẩy có người khốn thương.
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hoặc là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là điếm cỏ bóng cây
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ
Hoặc là nương thần từ Phật tự
Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không
Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau tre
Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô dạ rét căm căm
Dãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch oán thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại
Chuyển pháp luân tam giới thập phương
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình như ảnh
Có chữ rằng:"Vạn cảnh giai không"
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
Của có khi bát cháo nén nhang
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêụ
Phép thiên biến ít thành nhiều
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô chư Phật, Pháp, Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài