Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

DẤU THỜI GIAN CHƯA PHAI



Ký của Dương Sinh



Số phận người anh hùng thật kỳ lạ: cho đến nay, những người có điều kiện sống và chiến đấu lâu bên anh ở tiểu đoàn hai sáu ba (263) ngày ấy chẳng còn lại mấy người, Vì vậy có thể nói dấu chân chúng tôi đi tìm kiếm dấu tích người anh hùng là khắp nơi. Từ Mỏ Cày với An Thạnh trở về thị xã với Phường Bảy, Sơn Đông rồi Châu Thành với Quới Thành, An Khánh, Phước Thạnh... rồi lại Mỏ Cày với Minh Đức, Thị Trấn... và những gì mỗi cá nhân biết về anh thật không nhiều. Tuy nhiên những gì họ nói về người anh người con người cháu người thuộc cấp hay người chỉ huy và sau hết là người anh hùng của họ thì thật sâu sắc và cảm động.
Người cha già nói:
“Tội nghiệp thằng nhỏ, nó là con thứ tư trong sáu đứa con (bốn trai, hai gái) của tôi. Từ nhỏ, lối bảy tám tuổi nó đã phải xa gia đình cùng bà nội sang sống ở Mỹ Tho. Chẳng là bà bà nội nó thấy bom đạn quá sức muốn chia sớt gia đình ra đẻ lỡ có bề nào cũng còn có đứa... Mãi tới năm bảy hai (1972) tôi mới đưa nó về bên này, tới năm bảy ba (1973) thì nó đi bộ đội. Từ đó nó cũng ít có dịp về nhà trừ khi cưới vợ và trước khi tình nguyện sang Căm Pu Chia. Trước ngày cưới, nó đưa con E về giới thiệu với gia đình, con nhỏ người dưới Bảo Thạn h– Ba Tri. Tội nghiệp, là dân làm muối mà trông người cũng sáng sủa, tính tình dịu dàng hiền lành, nó nói với bà nhà tôi: “Ảnh thiệt kỳ, thương nhau rồi, con nói với ảnh thưa với ba má con đi, ảnh tới chơi mà cứ ấp úng hoài không nói được, đến nỗi ba con phải nói huỵch toẹt ra: “Mày thương con E thì cứ nói thẳng ra để tụi tao lo chứ tụi tao đâu có ăn thịt ăn cá gì mày đâu mà mày sợ dữ vậy!...” thì lúc đó ảnh mới nói được...”. Rồi hai vợ chồng tôi đi Ba Tri cưới vợ cho nó, nói là cưới vợ chứ lúc đó tiểu đoàn đứng ra làm lễ tuyên bố thôi, đơn giản mà cũng vui lắm.
Trước ngày cùng đơn vị lên An Giang, nó có về nói với tôi: “Lúc trước con có ý định đưa vợ con về trên này, nhưng bây giờ con lại ra đi, chưa biết ngày nào về. Nhà mình anh em đông, cha mẹ lại nghèo, vợ con về trên này làm gia đình thêm khó khăn. Thôi thì, con nghĩ cứ để vợ con sống dưới đó với ba má con rồi khi con về sẽ tính tiếp...”. Ai ngờ nó đi rồi không về nữa, còn con E những năm về sau này, thỉnh thoảng năm, nửa năm cũng về trên này thăm viếng tụi tôi.
Ngày được tin nó hy sinh, má nó khóc dữ lắm, bả thương con không được sống nhiều trong vòng tay mẹ. Có một điều mà bả cứ nhắc đi nhắc lại mãi là trước đó vì nhà nghèo nên nó có gì ăn nấy, không bao giờ tỏ ý muốn thèm ăn một cái gì khác cả, chỉ riêng một lần ban đêm tự nhiên nó nói: “Ước gì có một nồi canh chua khóm giá nấu với tép thật tươi ăn với cơm thì thiệt đã !”, là nó nói không không vậy chứ cũng không dám nói thẳng với má nó. Ước mong đơn giản vậy mà cũng mãi cho đến ngày nó đi bộ đội má nó mới thực hiện được. Sáng hôm đó bà ấy đi chợ mua đủ đồ về nấu nồi canh chua với tép đỏ bung còn nhảy tanh tách. Lúc ăn thằng sáu còn nói: “Đây là mình nhờ hôm nay anh tư đi bộ đội chớ không nhà mình mới được canh chua nấu với tép tươi vầy!”. Về sau bả nói: “Cũng may là ngày nó đi tôi đã nấu được cho nó ăn món nó thích, chứ nếu không không biết tôi còn ân hận đến chừng nào...”.
Nhìn theo ánh mắt người cha đang ngó mông ra ngoài ngõ như đang đợi một điều gì đó dù ông vẫn biết chắc không có gì ngoài đó cả, tôi bỗng chạnh lòng.
Bà nội đã ngoài chín mươi vừa đưa tay quệt cổ trầu vừa kể:
“Năm sáu sáu (1966) ông nội thằng Xù – tên thường gọi lúc còn bé của người anh hùng – bị trực thăng bắn chết trên sông Ba Lai khi đang chở đồ cho người ta từ An Khánh lên chỗ đầu cầu. Những năm đó bom đạn dữ trời, mạng con người ta như con sâu cái kiến vậy đó, em cháu biết rành mà ? Qua thấy vậy mới tính chia sớt gia đình ra để có bề nào thì cũng đỡ. Vậy là qua đưa thằng Xù sang chợ Mỹ Tho, hai bà cháu thuê một căn nhà nhỏ gần chợ sống với nhau. Mấu năm đầu qua còn mạnh thì qua buôn gán lặt vặt, hai bà cháu cũng sống được, thằng Xù cũng được đi học một vài năm gì đó. Sau qua đau yếu luôn, nó phải nghỉ học đi bán kem phụ vào cho qua tiền thuốc men... Em cháu hỏi tại sao không đưa đứa khác mà lại đưa thằng Xù theo hả...? Đứa nào thì cũng con cháu qua cả thôi, nhưng trong mắt qua thằng Xù là đứa sáng sủa hơn cả, vả lại nó là đứa hiền lành nhất nhà nên qua thương nó nhất trong mấy đứa cháu... Có chuyện này để qua kể cho em cháu nghe, mà không biết có giúp ích gì cho em cháu để viết về thằng Xù không: thằng Xù là đứa có hiếu dữ lắm đó. Bữa đó qua thấy chú chín Tân nhà gần bên sang đưa cho qua mấy đồng bạc, nói là trả tiền mua kem cho thằng Xù, qua ngạc nhiên hỏi:
– Chú mua thiếu thằng Xù hả ?
Chú chín Tân kể: Hôm trước trời mưa thằng Xù bán kem đến chiều còn ế mấy cái, về đến đầu hẻm gặp mấy đứa nhỏ lối xóm đang chơi, nó phát cho mỗi đưa một cái và nói: “Đằng nào thì kem tao cũng ế rồi, để sáng mai nó rã nước mất, uổng. Cho tụi bây mỗi đứa một cái ăn chơi!...”. Lúc đó có cả mấy đứa nhỏ nhà tôi ở đó, tôi đưa tiền nhưng thằng Xù dứt khoát không nhận. Mà tôi nghĩ nó bán kem kiếm được bao lăm, nên hôm nay tôi đưa tiền sang gửi bác đưa lại cho nó...
Chú chín Tân về rồi, qua nghĩ bụng: “Cái thằng!...Vậy mà có nghe nó nói gì đâu, để về hỏi nó coi..”. Nó về, qua hỏi thì nó càu nhàu:
– Cái bác chín này thiệt tình, kem ế thì cho bạn bè ăn chẳng hơn để rã nước sao ? Mà con không nói với nội là thấy nội đang đau bệnh, sợ nội buồn.
Sang đầu năm bảy hai (1972), qua bệnh nhiều nên ba thằng Xù sang đưa cả hai bà cháu về lại bên này, rồi năm bảy ba (1973) là nó đi bộ đội.
Đại tá Lý Hùng Chiến, nguyên chỉ huy phó tỉnh đội Bến Tre trầm ngâm như nhớ lại:
“Đợt tân binh năm bảy ba (1973) tập trung, tôi chú ý đến một cái tên vì nó có vẻ rất xấu xí: Nguyễn Văn Xù. Đành rằng người Việt mình (dù Nam hay Bắc) vẫn có nhiều người đặt cho con những cái tên rất xấu, thậm chí rất tục để cầu mong sự may mắn cho con (ví dụ để Diêm Vương thấy tên quá xấu mà không nỡ bắt chẳng hạn), nhưng đó thường là tên ở nhà, tên để gọi trong gia đình với nhau còn tên khai sinh người ta vẫn chọn tên đẹp để đặt. Tò mò, nhân một lần xuống đơn vị tôi tìm cách tiếp xúc với cháu. Khi gặp nó tôi hơi ngỡ ngàng: nó có vẻ là một thiếu niên mới lớn hơn là một thanh niên mười bảy tuổi, đành rằng vóc dáng nó không đến nỗi nhỏ con lắm, nhưng gương mặt còn non, tiếng nói ồ ồ của người mới vỡ giọng... Tôi gặng hỏi tuổi nó thì nó nói rất cương quyết:
– Cháu đúng mười bảy tuổi mà, không tin thủ trưởng cứ coi lý lịch cháu thì biết.
Tôi chỉ còn biết cười nhưng nghĩ bụng: “Đây lại thêm một trường hợp khai gian tuổi để được đi bộ đội đây!”. Sau đó nhân dịp ông già nó lên thăm tôi có gặp cả hai cha con họ, trong lần gặp đó tôi mới biết những suy nghĩ của mình là đúng. Theo lời ông già nó nói thì nó sinh tuổi Tuất là năm năm tám (1958) (trong khi lý lịch nó khai là năm năm sáu) nhưng nó năn nỉ riết rồi hai ông bà cũng phải đồng ý cho nó khai thêm tuổi để đi. Cũng trong lần gặp đó, tôi bàn nên đặt lại tên cho cháu kẻo sau này cháu lớn lên dễ bị mặc cảm và cũng chính tôi đã đặt bí danh cho nó là Quyết Tâm. Khi nghe tôi nói: “Bác thấy cháu quyết tâm đi bộ đội như vậy nên đặt bí danh cho cháu là “Quyết Tâm”, cháu đồng ý không ?” nó rất vui, cảm ơn tôi rối rít nhưng bỗng ngẩn người ra một chút rồi hỏi lại tôi một câu thật nhớ ngẩn:
– Nhưng cháu vẫn được ở lại bộ đội chứ ạ ?
Cả tôi và ông già nó cùng phì cười.
Thực ra khi đổi tên cho cháu tôi chỉ nghĩ là để tránh cho cháu sự mặc cảm về sau thôi chứ không hề biết cháu sẽ trở thành người anh hùng...”.
Đại tá Huy Phượng, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Hai sáu ba thời kỳ bảy sáu, bảy tám (1976 – 1978) điềm đạm:
“Lúc Hai sáu ba (263) ở rừng Ráng (Thạnh Phú) lẽ ra tôi không có điều kiện biết nhiều về em Sứ – tên được ghi trong lý lịch người anh hùng – vì lúc này em mới chỉ là tiểu đội trưởng (mãi cho đến giữa năm bảy tám (1978), lúc đơn vị lên An Giang thì Sứ mới được phong thượng sĩ phụ trách trung đội trưởng). Tuy nhiên, trên thực tế tôi biết khá nhiều về em, nguyên do là trong các buổi giao ban của đơn vị tên em thường được nhắc đến như một điển hình về cả hai nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị lúc ấy là lao động và học tập. Vì hồi đó đơn vị được giao làm nhiệm vụ kinh tế bằng cách khai hoang rừng Ráng (nếu tôi nhớ không lầm thì khu vực đó thuộc xã An Điền hiện nay) với những công việc chủ yếu là đào mương, đắp đê bao, cải tạo đất để trồng lúa. Mặt khác để nâng cao trình độ văn hóa vốn rất thấp của các chiến sĩ lúc ấy, đơn vị đã tổ chức nhiều lốp học ban đêm do cán bộ văn hóa của Tiểu đoàn giảng dạy theo chương trình bổ túc. Ngày lao động vất vả, đêm lại phải đau đầu vì những kiến thức văn hóa phức tạp là điều mà nhiều chiến sĩ rất ngại, thậm chí tìm nhiều cách để tránh né, Vì thế khi nghe anh em báo cáo về Sứ tôi rất chú ý. Trong một lần xuống hiện trường lao động của đại đội, tôi chủ động tìm gặp em. Tầm vóc trung bình, cao độ một mét sáu sáu đến một mét sáu tám, Sứ có típ người mình dây là típ người theo tôi có sức khỏe dẻo dai và tiềm ẩn. Nhìn những hòn đất trong tay em được vất thật gọn gàng và gắn vào các hòn khác trên bờ bao chặt chẽ đến mức kỳ lạ, tôi thật sự thích thú. Quan sát em lao động một lúc rồi nhân khi giải lao tôi lân la hỏi chuyện. Sứ tỏ ra là một người chín chắn: không quá trầm lặng mà cũng không quá sôi nổi ồn ào mà dễ hòa đồng với mọi người... Lúc nói chuyện không hiểu sao tự nhiên tôi hỏi em một câu thật ngớ ngẩn:
– Lao động vậy có mệt lắm không em ?
Nhưng Sứ thành thật đáp:
– Mệt, thủ trưởng ạ ! Được cái em con nhà nghèo quen lao động từ nhỏ rồi...
Về văn hóa thì theo anh em báo cáo lại, sức học của Sứ chỉ trung bình thôi. Nhưng bù lại cậu ta rất chăm chỉ và chịu khó, hầu như không vắng buổi học nào và dù đúng dù sai chưa bao giờ có một bài tập được ra mà cậu ta không làm... Có lẽ nhờ thế mà khi nhập ngũ Sứ chỉ mới học dở lớp hai nhưng đến năm bảy tám cậu ta đã có trình độ tương đương lớp sáu...
Ngay từ hồi ấy tôi đã thầm nghĩ: “Cán bộ tiểu đội như cậu này rồi có nhiều triển vọng đây !”...
Đầu năm bảy tám (1978) đơn vị được lệnh lên “be bờ” ở An Giang, rồi đến giữa năm tôi được trên rút về tỉnh và biên chế vào bộ tư lệnh tiền phương”.
Anh sáu Phong (Phong Diễm) nguyên chính trị viên của hai sáu ba thời kỳ ở Căm Pu Chia sôi nổi:
“Tôi về thay anh chín Huy Phượng từ tháng tám năm bảy tám (8/1978) lúc này Sứ đã là Đảng viên. Tháng mười hai năm bảy tám cậu ấy được giao nhiệm vụ đại đội phó đại đội một của Tiểu đoàn. Đại đội một lúc này do Bảy Thắng người Mỏ Cày làm đại đội trưởng, chính trị viên là Sáu Tấn người Châu Thành, phó chính trị viên là Mười Thắng cũng người Mỏ Cày. Thật ra trong thời kỳ đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự với một vài trận lẻ tẻ chống bọn Pôn Pốt thì bản thân Sứ cũng chưa có dịp thể hiện mình nhiều lắm nhưng cậu ấy là người rất được các chiến sĩ yêu mến vì lối sống gần gũi và hòa đồng với lính... Tuy nhiên suốt trong thời gian chiến đấu trên đất bạn, từ đầu tháng một đến cuối tháng ba năm bảy chín (là lúc Sứ hy sinh), trên chặng đường hành quân dài cả trăm cây số (có lúc đã chiếm được Tà Keo rồi phải rút về bên này biên giới, rồi lại trở sang đến Tượng Lăng rồi ngã tư Chúp), đánh nhau có đến hàng chục trận nào Chà–bàng, Tà–lập, Tà–ni, Điền– minh, Tượng–lăng... Sứ luôn tỏ ra là một người chỉ huy xông xáo, dũng cảm, luôn ở tuyến đầu của trận địa, điều này khiến anh em chiến sĩ rất nể phục. Tuy vậy theo tôi có hai trận mà Sứ tỏ ra dũng cảm nhất và lập được công lớn là trận ngã ba Điền–Minh (thuộc tỉnh Tà–keo) và trận ngã tư Chúp (thuộc tỉnh Căm–pốt) trên đất bạn.
Trận Điền–Minh, bọn địch dùng một lực lượng rất đông của sư đoàn tinh nhuệ hai trăm mười (210) có chín xe tăng yểm trợ bao vây quân ta. Đại đội của Sứ đóng ngay ngã ba, Sứ đã chỉ huy một mũi đánh bật nhiều đợt phản kích của địch (sau này rút kinh nghiệm trận đánh, anh em nói riêng mũi của Sứ đã đẩy lùi địch đến sáu đợt), bản thân Sứ đã dùng B40 bắn cháy một xe tăng. Chính nhờ sự kiên cường của mũi này mà trận địa được giữ vững suốt cả ngày hôm ấy... Tuy nhiên,sau trận này ta phải lùi dần rồi trở về bên này biên giới vì thế địch quá mạnh.
Còn trận ngã tư Chúp, anh Sáu Phong chợt ngừng lại rồi giọng nói trở nên chậm rãi và sâu lắng: lần trở lại này, sang đến ngã tư Chúp thì Tiểu đoàn đã bị tiêu hao khá nặng. Một phần vì nhiều anh em hy sinh trong chiến đấu, phần khác (điều này thì bây giờ có thể nói được chứ lúc ấy đâu dám nói) một số anh em không chịu được gian khổ hy sinh đã bỏ ngũ nên quân số Tiểu đoàn chỉ còn chưa tới hai trăm tay súng. Đại đội được coi là bảo đảm quân số giỏi nhất như đại đội Bảy Thắng và Tâm Sứ nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng chỉ còn năm mươi hai chiến sĩ. Mà lúc ấy Ban chỉ huy Tiểu đoàn cũng chỉ còn lại mình tôi kiêm luôn tất cả vì những anh em khác người thì bệnh, người thì bị thương đã ở lại tuyến sau... Ở ngã tư Chúp, Tiểu đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ sườn cho Tiểu đoàn Một bảy chín (179) đóng giữ trên một ngôi chùa cách ngã tư Chúp khoảng hai cây số. Cũng cần nói thêm là không biết ngôi chùa này có vị trí quan trọng thế nào mà bọn Pôn Pốt cố giữ cho được, đến nỗi quân ta với Tiểu đoàn Tây Đô (của tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ) đánh ròng rã hơn mười ngày trời vẫn không lấy được mà còn bị tiêu hao nặng nề, về sau phải điều “Một bảy chín” lên (lúc này “Một bảy chín” rất mạnh với gần bốn trăm tay súng) mới chiếm được... Trở lại trận ngã tư Chúp, Tiểu đoàn lúc ấy có bốn đại đội thì các đại đội Một, Hai và Ba được bố trí thành vòng cung hướng về phía rừng, đại đội Bốn ở phía sau. Tôi nằm ở đại đội Ba, bên cánh trái đại đội Một của Sứ. Đại đội Một được tăng cường thêm một khẩu đội mười hai ly tám (12,8 mm) của đại đội bốn, ở chính diện... Xế chiều ngày ba mươi mốt tháng ba năm bảy chín (31/3/1979) khoảng hơn một tiểu đoàn địch với nhiều xe tăng yểm trợ đã đánh vào trận địa của ta. Từ đó đến tận chiều tối anh em cán bộ chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, nhưng rồi trước áp lực về số đông của địch và sự tổn thất của quân ta, đơn vị được lệnh rút khỏi trận địa...
Sau trận đánh, tôi được Bảy Thắng báo cáo lại: Sứ trực tiếp nắm trong tay trung đội Một của đại đội, trở thành mũi chính diện của chính diện. Mũi này đã đẩy lùi sáu đợt tấn công với sự chỉ huy xông xáo và quả cảm của Sứ và Sứ đã hy sinh khi vừa bắn cháy một xe tăng địch trong đợt tấn công của chúng. Tôi còn nhớ như in hình ảnh của Bảy Thắng với giọng nói nghẹn ngào, hai dòng nước mắt ứa ra, câu đầu tiên anh nói với tôi là:
– Anh Sáu ! Tâm Sứ hy sinh rồi, nó hy sinh anh dũng lắm...
Tôi hiểu nỗi đau trong “con bài” còn lại của cặp bài trùng Bảy Thắng – Tâm Sứ....
Nguyễn Văn Lâm nguyên là chiến sĩ trung đội Một đại đội Một trong trận ngã tư Chúp, giọng kính phục khi nói về người chỉ huy cũ của mình:
“Anh Tâm Sứ hả, chỉ có thể nói là tuyệt vời...
Rồi Lâm hạ giọng như tâm sự:
Anh cũng đã từng là người lính, chắc anh biết có hai phẩm chất mà người lính luôn đòi hỏi cao ở người chỉ huy của mình đó là thương lính và dũng cảm, phải biết quên mình trong chiến đấu. Với cả hai mặt này thì anh Sứ đều làm cho lính, nói như cách nói bây giờ là “tâm phục khẩu phục”. Những ngày hành quân trên đất Căm Pu Chia gian khổ lắm, không ít anh em đau yếu, anh Tâm Sứ như một người anh của tụi tôi. Vừa phải bao quát toàn đơn vị, vừa phải xử lý từng tình huống cụ thể xảy ra. Vậy mà khi gặp những anh em yếu mệt dọc đường, anh phải nâng vực từng người, thậm chí nhiều khi phải mang vác cả phần những anh em đó nữa. “Ông này khá: ăn ở thì lăn lóc với lính, khi chiến đấu thì lên trước lính...”, đó là những gì mà tụi tôi thường nói với nhau khi nhận xét về anh Sứ... và anh phải biết đó là những nhận xét đánh giá mà không phải người chỉ huy nào cũng nhận được từ những người lính. Trong suốt hàng chục trận đánh trên đất Căm Pu Chia, trận nào anh Sứ cũng ở vào những vị trí quan trọng nhất, ác liệt nhất và cũng là nguy hiểm nhất. Trận nào anh cũng diệt được rất nhiều địch, khẩu AK trong tay anh như có mắt, thường hướng đúng vào những nơi quân địch tập trung nhiều nhất mà bắn. Như ở trận Điền Minh, riêng mình anh Sứ đã diệt được cả chục tên địch và một chiếc xe tăng... nhưng tôi vẫn nhớ nhất là trận ngã tư Chúp, là trận mà anh Sứ hy sinh và cũng là trận đánh nhớ đời của bản thân tôi.
Trận đó anh Sứ trực tiếp nắm trung đội Một chúng tôi. Lối xế chiều. Chúng tôi phát hiện một đơn vị lính Pôn Pốt rất đông từ hướng rừng trước mặt xuất hiện và tiến về phía trận địa. Khi bọn chúng đã tới khá gần anh vẫn không cho bắn và truyền xuống: “Phải chờ chúng tới thật gần mới được bắn để chúng nó tởn...”. Khi địch chỉ còn cách chừng năm mươi mét, anh mới ra lệnh: “Bắn !”. Toàn bộ hỏa lực của ta lập tức dội mưa đạn vào đầu kẻ thù, khẩu mười hai ly tám được tăng cường từ đại đội Bốn phát huy tác dụng, bắn xối xả vào đội hình địch. Bị bất ngờ, chúng đổ nhào như cỏ ruộng bị những nhát phảng sắc chém qua nằm xếp lớp. Quá kinh hoàng, chúng vội vã tháo lui, mãi hơn nửa giờ sau mới tổ chức được đợt tấn công mới. Từ đó đến khoảng bốn giờ rưỡi chiều chúng đã tổ chức thêm bốn đợt tấn công nữa. Trong suốt thời gian đánh trả những đợt tấn công ấy của địch, anh Sứ cứ như con sóc lao từ tiểu đội này sang tiểu đội khác. Ở vị trí nào tiếng súng của ta có vẻ như yếu đi thì chỉ một phút sau đã có mặt anh và ở đó kẻ địch phải lập tức dãn ra. Trong đợt tấn công thứ tư, địch tổ chức hai khẩu đại liên bắn chéo cánh sẻ rất rát vào trận địa ta với ý định ghìm bộ đội xuống các công sự cá nhân rồi xua quân tiến vào. Nhưng ý định đó không thực hiện được vì cả hai ổ hỏa lực đó đã nhanh chóng bị anh Sứ dập tắt. Đang loay hoay tìm cách kiềm chế khẩu đại liên bên trái mà chưa được vì nó bắn quá ác, tôi bỗng nghe anh Sứ thét lên: “Lâm yểm trợ cho tôi !...”. Không kịp suy nghĩ gì, tôi vừa xả súng về phía địch, vừa nhìn lại phía anh Sứ thì thấy anh đã lăn mình nằm hẳn trên mặt đất, giương khẩu B40 lên. Khẩu đại liên địch tắt ngấm. Tôi như thấy nhẹ hẳn người vì áp lực từ phía chúng giảm hẳn. Vài phút sau anh đã ở phía tiểu đội Ba và cũng bằng B40, dập tắt nốt hỏa điểm kia của địch, buộc chúng phải rút lui....
Có lẽ địch quyết tâm đẩy lùi quân ta ra khỏi trận địa nên đợt tấn công tiếp theo, chúng dùng đến bốn chiếc xe tăng càn vào trận và với số quân đông gấp nhiều lần những đợt trước. Vì vậy tuy đụng vào hỏa lực rất mạnh của ta, những tên lính vẫn có vẻ bất chấp, chúng vẫn bu theo những chiếc xe tăng đang lừng lững tiến vào. Lại thêm một lần nữa anh Sứ thể hiện bản lĩnh của mình, bóng anh hầu như có mặt khắp mọi nơi trên trận địa. Phải nói rằng trước áp lực nặng nề của địch, anh là người đã động viên tinh thần chúng tôi rất nhiều (có điều, mãi về sau tôi mới cảm nhận được điều này)... Khi phát hiện ở một mũi tấn công của địch một chiến sĩ giữ B40 vừa ngã xuống trong khi chiếc xe tăngchỉ còn cách tuyến phòng ngự của ta khoảng bốn, năm chục mét, anh vội vàng lao tới chộp lấy khẩu súng chưa kịp rời tay người lính và lăn người đi mấy vòng đến một hố cá nhân. Vừa bỏ hai chân xuống hố, anh đã nhổm người giương súng... Khi chiếc xe tăng địch bốc cháy thì cũng là lúc phát đạn ác nghiệt quật ngã anh. Lúc đó tôi chỉ cách anh chưa đầy mười thước...”.
Giọng Lâm trở nên nghẹn ngào, hai mắt anh nhòa lệ.
*
* *
Tôi gấp lại những trang bản thảo, ngước mắt nhìn lên tường: đồng hồ đã chỉ hai giờ ba mươi phút sáng. Từ phía đường cái, vọng lại tiếng rì rầm của những chuyến xe sớm đang trôi dần về phía xa xa. Tiếng trôi dần như dội vào lòng tôi những dấu ấn của thời gian, mà ở đó, bước chân của người chiến sĩ anh hùng vừa mới đi qua./.

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Mấy mẩu đối thoại tình cờ nghe được

Mẩu 1:
Trước nhà bưu điện tỉnh năm khoảng năm 1990- 1991, giữa hai người phụ nữ tuổi từ 35 đên 40, có vẻ trí thức:
- Ôi chị Sáu! Lâu quá không gặp chị, có lẽ từ ngày Tiếp Thu Sài Gòn đến giờ đấy chị nhỉ?
- Ừ! từ ngày Tiếp Thu chị không đi đâu nên ít có dịp gặp lại bạn bè cũ lắm, em có khoẻ không, công việc làm ăn thế nào?...

Mẩu 2:
Tại quầy bán vịt làm sẵn Chợ Chùa, hơn một tháng trước:
- ......
- Từ ngày anh Bảy Quân hy sinh rồi chị không đến với ai nữa sao chị Tư?
- Bảy quân hy sinh chị mất vài năm mới bình tĩnh lại được. Tiếp quản Sài Gòn thì chị đã thành quá lứa, lúc này thì còn ai chú ý đên mhững đứa mhư mình nữa. Giải phóng rồi đâu còn là những ngày ở rừng ...

Mẩu 3:
Mấy ngày trước trong bãi giữ xe ở chợ:
- Tôi gửi lại anh luôn cả tền ngày hôm qua nữa anh Sáu.
- Thôi anh Hai à, coi như tôi khuyến mãi anh một ngày thôi mà, ngày nào anh chẳng đi chợ.
- thôi! Cùng là dân lao động với nhau, đã không giúp được gì cho nhau thì cũng nên sòng phẳng.
- Chèn đét ơi! anh nói gì vậy anh Hai? tụi tôi mới là dân lao đông chứ anh là dân trí thức thứ thiệt mà!
- Trí thức thì sao chứ anh Sáu! tôi hay anh đều phài đổ mồ hôi, công sức ra thì mới có ăn, chứ có ai lấy không được của thiên hạ đống nào. Mà hễ ai bỏ công sức ra để kiém ăn thì đều là dân lao động cả.
....

Thì ra là thế...

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Tân Độc Hành Ca

Thơ Dương Sinh


Cùng nhau cạn hết chén này
Say đi rồi để từ đây độc hành
Cô đơn là Kiếp chúng mình
Lang thang là nghiệp của hình tóc râu
Từ đâu đến lại về đâu?...
Cổ kim truyền để nỗi đau khôn lành
Thế nhân vốn kiép phù sinh
Mà trong ba vạn hiểu mình có ai?
"Trần ai tri kỷ mấy ai
Càng đi càng thấy cuộc đời vắng teo!...".
Đời như thiên thạch bay vèo
Từ hư vô lại chìm vào hư vô...

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Thơ Bằng Việt

NGHĨ LẠI VỀ PAUTOPXKI




Đồi trung du phơ phất bóng thông già
Lớp sơ tán hồn trong chiều lộng gió,
Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ
"Những đám mây ngũ sắc" ngủ trang đầu
" Lẵng quả thông" trong suối nhạc nhiệm màu
"Hay chuyến xe đêm" thẫn thờ mê đắm
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn uống hương hoa.
Có lẽ rồi sau ta sẽ đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong trận "Tuyết"
Có tiếng chuông và con méo Acghíp
Ánh nếnm mơ hồ như hạnh phúc từng mong,
Xa xôi sao thời thơ ấu sau lưng.
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu
Cuộc đời không phải thế
Hạnh phúc rơi trên tay không cùng màu sóng bể
Bể mặn mà sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh, khi biển cả dâng triều
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám vượt mọi lo toan để vạch dấu chân trời
Dấu xanh thẳm kgi bình minh chợt đến
Dấu đen dầm khi đáy bóng đêm trôi

Và hạnh phúc rời xa như một nốt đàn căng
Nốt cao quá trong đời xao động quá
Hạnh phúc cực hơn mội điều đã tả
Lại ngọt ngào ký lạ lớn lao hơn.
Anh đã đi qua bão lóc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
Anh đã qua màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao
Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao

Bây giờ anh biết nói gì hơn
Có thể rồi đây thôi, có thể
Hoa tóc tiên ơi, sáng mai và tuổi trẻ
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ thấy xót lòng thêm
Pautopxki thành dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta bây giờ anh ngoảnh lại
Nhưng không phải thế đâu,anh hiểu rằng không phải
Như tuổi thơ vừa đó đã qua rồi
Đưa em đi, tất cả hoá xong rồi...
Ta đã lớn và Pautopxki đã chết
Anh vẫn khóc khi nghĩ về chuyện "Tuyết",
Dù chẳng bao giờ còn mong đợi nữa đâu em.

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

Thơ Nguyễn Thị Hoàng

Như đã nói: bài này lâu quá tôi quên mất tựa, nếu bạn nào biết bổ sung cho, tôi cảm ơn nhiếu lắm.



Rồi một hôm nào lòng thôi tiếng gió
Bởi lối em về nắng cũng thôi bay
Thôi những chiều xanh hương lửa hạ
Thôi những ban mai nắng ngả đầu tay
Em đã đến đã đi cùng gió hạ
Chân rã rời theo những bước long đong
Nắng có ấm có vàng trên buổi chợ
Lối em về gió có nổi quanh anh?
Em ở lại sau lưng mùa hạ đó
Mắt ngoan hiền thiếp ngủ giữa bình yên
Rồi một hôm nào nằm nghe hơi gió
Em sững sờ thôi đã hết mùa xuân
Và sáng mai nắng vàng lên trước ngõ
Trời phương tôi nắng đỏ rực môi cười
Rôi hát âm thầm những lời ca cũ
Cơn mê dài nghe áo tím em phai

Thôi những đêm sâu chìm trong mắt tối
Thôi những ngày cao đục trán ưu phiền
Câu hát ngày xưa buồn như tên gọi
Chiều nắng về thơ thẩn hát ru em.

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009

Một ngày phải khác mọi ngày

(Sau một ngày thống kê một cách khách quan những bi hài kịch thời sự nóng hổi)

Thơ Bùi Chí Vinh.

Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc
Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”
Hết “Triều Đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống Truyền Kỳ”

Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Đọc báo thấy cha ông mất hút
Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngọa Hổ Tàng Long, Họa Bì, Xích Bích…
Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng

Chào một ngày đất nước tự lưu vong
Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc
Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc
Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười

Chào một ngày phát triển giống đười ươi
Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ
Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ
Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì… tiền

Chào một ngày vong bản vì… hèn
Sống chết mặc bây, túi thầy vô cảm
Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm…
Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu

Chào một ngày bãi biển hóa nương dâu
Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh
Thắng cảnh để lại của tiền nhân bị cháu con ghẻ lạnh
Các di tích, kỳ quan cứ mất tích đều đều

Chào một ngày hình chữ S tong teo
Tài nguyên bôxit bị bới đào như… bọ xít
Nhôm và đô la chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất Tây Nguyên rên xiết
Ô nhiễm mạch ngầm, nước sông làm nghẹt thở Chín Con Rồng.

Chào một ngày long mạch bị xới tung
Máu bầm đất đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
Ai cho phép Hoàng Sa Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
Tội nghiệp rừng cọc nhọn của Hưng Đạo Đại Vương trên sóng Bạch Đằng

Chào một ngày giống hệt cõi âm
Những xác chết anh hùng bật dậy
Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy
Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền

Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

Thơ Phạm Ngọc Cảnh

Bài thơ tình của người đứng tuổi


Sau phút giây này ấm áp
Anh lại đi xa
Biết sao được: câu gì em đã hát...
Với khoảng cácg dài mãi mãi với hai ta
Dấu chân mềm khẽ chạm lối phù sa
Con sông thở dồn nghiêng bãi sóng
Vắng thuyền rồi ai chở anh qua
Im lặng thế mà sao chẳng mộng...

...Ờ nhỉ! Trách chi diều hát vụng
Mười lăm năm... mười lăm năm rồi
Nắm cả bàn tay mà bàn tay vẫn trống
Anh gọi hoài:"em ơi!..."
Phán xét làm gì gió cháy trên môi
Tàn lửa quýet sạch mùa kỷ niệm
Còn nữa chứ: Một lề đường, một hàng cây...
Để mặc vậy cho thời gian đến chiếm
Anh thấy sợ nắng lè lưỡi liếm
Nỗi nhớ mắt ta nhìn
Điều này... điều này anh chưa hề dấu diếm
Anh thương nhiều nên quen lặng im

Làm gì có liếp sau mà phỉnh phờ lòng tin
Một sdắc trời chung để rồi hai phía lạ
Nắng mưa nhiều trên mỗi vết chân in
Bước trứôc đặt bàn chân sau đến xoá
Em như gió dã từ đêm yên ả
Qua hàng hiên đến cửa phòng
Điều chi vậy em ơi? ừ, khó tả...
Nỗi buồn nào không có khoảng bâng khuâng

Gửi lại em chút nắng hắt trên trần
Rèm em buông lúc nào anh có biết
Đừng gặp lại như chưa hề chờ mong
Thà để vậy không hề cách biệt
Thế là đủ! Xanh vậy màu tha thiết
Sáng mai nay đong giữa mắt ta nhìn
Sáng mai nay anh ngồi mải miết
Đợi em về khi sóng khép trong tim.


Bài thơ này của Phạm Ngọc Cảnh cũng như một số bài thơ khác của Phan Thị Thanh Nhàn(đã đăng), Bằng Việt hay Nguyễn Thị Hoàng (sẽ đăng sau đây), tôi hoàn toàn viết lại theo trí nhớ vì những bài này tôi đã được đọc (hay được nghe đọc) cách đây ba mươi lăm, bốn mươi năm. Ngày trước tôi rất yêu những bài này, nhưng thời gian quá lâu, không thể nhớ chính xác từng chữ được nữa (ví dụ như câu đầu khổ cuối bài thơ trên tôi không còn nhớ chắc là chữ "gửi" hay chữ "giữ" nhưng theo hiểu biết của tôi về nguyên uỷ bài thơ thì tôi cho rằng chữ "gửi" hay hơn nên tôi dùng nó) . Thậm chí bài thơ của Nguyễn Thị Hoàng còn không nhớ nổi tựa (cuối những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi và nói chung trước đó nữa, đọc các các tác giả miền Nam vùng tạm chiếm như Nguyễn Thị Hoàng, Võ Hồng...phải vụng trộm thế nào chắc các bạn biết cả ròi).Nhiều tuổi rồi tôi vẫn yêu chúng, sợ mỗi ngày một quên nên cố gắng ghi lại, dù biết không hoàn hảo. Nếu bạn nào có bản chính hoặc tin mình nhớ tốt hơn mà bổ khuyết cho thì tôi rất cảm ơn.

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Thơ Phan Thị Thanh Nhàn

TRỜI VÀ ĐấT


Chiều nay chắc giận em ghê lắm
Anh bực mình triết lý lung tung
Hai đứa ta như trời với đất
Tính tình sao xung khắc vô cùng...

Vâng! trời đất chẳng hề thân thiết
Vì tính tình có giống nhau đâu
Trời ồn ào buồn vui lộ liễu
Đất trầm tư suy nghĩ trước sau

Nhưng trời dẫu cao xa lồng lộng
Tính vẫn thường bồng bột đổi thay
Khi giận dữ núi nghiêng đất lở
Bão tan rồi trời xanh thơ ngây

Đất khiêm nhường một màu nâu lao động
Mà thẳm sâu lặng kẽ sinh sôi
Trên mặt đất chính là sự sống
Có cần chi biện bạch nhiều lời

Nhưng anh ạ! Nếu dược ví cao xa như thế
Em cũng chẳng là trời đất gì đâu
Vì anh biết không: trời đất
Sẽ chẳng là gì nếu chẳng có nhau.