Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Nhớ Bắc

Ai về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thưở mang gươm đi mở cõi
Trới Nam thương nhớ đất Thăng long
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
mỗi lần man mác hương sầu riêng
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại ... Ôi đất bắc!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.
Huỳnh Văn Nghệ

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Mẹ tôi chửi thề


Võ Đắc Danh

Mẹ tôi vốn nổi tiếng hiền lành, phúc hậu, ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn, chưa bao giờ biết lớn tiếng hay nặng lời dù là với đàn gia súc gia cầm mất nết. Nhưng nay, tuổi 85, bỗng dưng bà chửi thề vì cảm thấy mình bị xúc phạm.Số là, gần Tết, bà nhận được thông báo ngày mai lãnh đạo tới thăm Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Sáng, bà lui cui chuẩn bị trà nước để đón khách. Lại được thông báo: Lãnh đạo bận việc nên dời lại chiều mai, cho lãnh đạo xin lỗi. Ừ, lỗi phải gì, các con cuối năm tất bật mà, mẹ chẳng trách đâu. Hôm sau lãnh đạo tới, lễ phép kính thưa, thăm hỏi và trân trọng tặng Mẹ năm trăm ngàn xài Tết.Chuyện cũng bình thường như cái lẽ tất nhiên của lãnh đạo đối với bà trong mấy chục cái Tết đã qua, từ khi bà còn ở Cà Mau cho đến khi lên Sài Gòn. Nhưng cái khác thường của năm nay là khi bà đi lãnh tiền trợ cấp BMVNAH thì bị trừ năm trăm ngàn vì "lãnh đạo đã trao trực tiếp tận nhà rồi".Bà chửi thề một câu rồi nói: "Thì ra nó lấy tiền của tao để tặng tao".

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

ĐIỀU KHẮC NGHIỆT CÒN LẠI SAU CHIẾN TRANH

Truyện ngắn

Đã khuya lắm, hai mắt ông Phục vẫn không sao nhắm lại được. Ong biết, chuyện ông không ngủ được đêm nay không liên quan gì đến bình trà Thái Nguyên rất đậmuống vào lúc chập tối, sau bữa cơm: Đời ông, trong những năm chiến tranh lăn lóc từ du kích lên chủ lực rồi lại về đặc công tỉnh, đã biết bao đêm để chống lại cái lạnh, cái buốt của mùa đông ở rừng thì có gì đâu ngoài những bình trà “quạu” (trà bỏ quá nửa bình, nước chỉ lấp xấp qua mặt trà chút đỉnh), khi rót ra nước trà đặc quẹo, tưởng chừng nếu cắm vào đó một cây tăm, cây tăm sẽ không đổ xuống được… Những năm thanh thản sau này, ông không uống trà đậm đến mức đó nữa, nhưng mỗi khi có bạn bè ông vẫn có thể uống liền hai ba bình trà đậm mà không hề mất ngủ thì sá gì bình trà buổi tối nay. Rõ ràng việc ông mất ngủ đêm nay là do vết sẹo trên vai thằng Hào, đứa bạn trai mà con Liễu, con gái ông, vừa đưa về giới thiệu với gia đình hôm qua, gây ra.
Chiều nay khi thằng Hào cởi trần chuẩn bị bước vào nhà tắm ông đã nhìn thấy trên vai nó, một vết sẹo nằm ngay chỗ lõm thịt, giữa cục u xương vai và cần cổ. Đến bây giờ ông vẫn còn cảm nhận được cái cảm giác toàn thân như bị đện giật khi nhìn thấy vết sẹo ấy… Không lẽ trên đời nàt lại có sự trùng hợp đến thế: rõ ràng vết sẹo trên vai thằng Hào giống hệt vết sẹo trên vai đứa trẻ ba tuổi ngày nào…
*
* *
Cuối năm bảy mươi, khi ấy Phục đang ở chủ lực tỉnh, thì được tin ông Dực,, cha anh, bị kẻ thù giết hại. Mãi về sau anh mới được biết thêm chi tiết về cái chết của cha mình. Trận càn vào xã Tân Lễ hôm ấy, do có kẻ chỉ điểm, bọn địch dưới sự chỉ huy của thằng Tuân, xếp bót Cây Dầu đã khui đúng căn hầm bí mật mà ông Dực đang ẩn dưới đó. Biết mình không thoát được, người bí thư xã Tân Lễ đã đội nắp hầm vọt lên, chia trái với kẻ thù. Lựu đạn nổ, bốn tên lính trên miệng hầm toi mạng, ông còn kịp vọt đi chừng vài chục thước. Nhưng mũi súng trên tay thằng Tuân đã rê theo, ba viên đạn M16 đã phá nát ngực ông. Thằng Tuân chửi: “Cả họ thằng Dực đều là cộng sản, nó sắp chết còn giết được lính của tao, đã vậy tao cho nó biết!...”. Rồi nó sai lính cắt đầu ông, bỏ vào một cái rổ, bắt một người đàn bà đi chợ mang về cho vợ ông (mẹ của Phục) với lời nhắn: “Cả làng Tân Lễ lấy đó mà làm gương, coi chừng cạp cứt cả làng…”.
Thực ra tội ác của thằng Tuân không chỉ có vậy mà chất chồng khó kể xiết. Chuyện đốt giết hãm hiếp là chuyện thườngnhật của những thằng ác ôn như nó,, có gì để nói. Nhưng thằng Tuân còn có gan làm những việc mà những thằn ác ôn khác không dám làm. Người ta kể rằng gần kề bót hắn có một gốc đa to, sáng sáng thường có người đàn bà gánh xôi tới đó ngồi bán cho những người dân trên đường ra ruộng. Một bữa thằng Tuân ra chôn trái xuống ngay chỗ đặt gánh xôi,, sáng hôpm sau nó lựa lúc người ta xúm đến mua xôi đông nhất thì sai lính châm điện trái nổ, mười mấy xác người không có cái naòp còn nguyên vẹn. Đã vậy thằng Tuân còn cho người la lên: “Việt cộng đặt trái giết dân…”.
Vì vậy năm bảy ba, khi nhận lệnh của cấp trên về mật tập bót Cây Dầu để xử tội thằng Tuân thì Phục mang theo trong mình cả thù chung và nợ riêng.
… Trận đánh diễn ra không hoàn toàn đúng với phương án tác chiến đã vạch.
Theo kế hoạch, trận đánh phải theo chiến thuật mật tập để tránh thương vong nhiều (đây là một đồn lớn, có vị trí quan trọng nên thay vì một trung đội dân vệ như thường lệ thì ở đây địch dùng toàn lính địa phương quân và do một tên ác ôn làm chỉ huy. Ta cho một tiểu đội đặc công bí mật bò vào, bắt cho được thằng Tuân, đồng thời khống chế bọn lính gác và chiếm các vị trí để vũ khí, sau đó kêu gọi lính bót đầu hàng. Tuy nhiên khi phục vẫn chưa áp sát được vào chỗ ở của thằng Tuân thì nghe ở một góc khác của bót có tiếng súng nổ tới tấp. “Thôi chết, lộ rồi…”, Phục thầm nghĩ (về sau anh được biết có một chiến sĩ ta vô ý đạp nhằm một tên lính say rượu đang nằm lăn lóc cạnh đường đi. Ttên lính giật mình la lên, anh chiến sĩ mất bình tĩnh nổ súng, thế là thế trận thay đổi). Dầu vậy, Phục vẫn vừa thận trọng vừa nhanh nhẹn tiến sát tới chỗ ở của thằng Tuân. Gần tới miệng nhà hầm, Phục thấy một bóng người từ trong vọt ra, đúng là thằng Tuân. Biết không thể khống chế để bắt sống hắn được nữa, Phục nổ súng. Viên đạn có lẽ trng1 vào bụng dưới tên ác ôn, nó nảy người lên rồi đột nhiên quay đầu chạy ngược trờ vào, Phục lao theo bắn bồi tiếp, thằng Tuân gục ngã ngay giữa nền nhà hầm… Cho tới lúc này chỉ mới mấy phút trôi qua nhưng tiếng súng tiếng lựu đạn đã nổ vang trời, khắp mọi nơi. Phương án hai, tấn công diệt bót đã được bên ngoài triển khai đánh vào…. Khi lọt hẳn vào nhà hầm, nơi ở của thằng Tuân, Phục chợt sững sờ: một đứa bé lối hai, ba tuối đang vừa gào khóc gọi: “Ba ba…” vừa bò lết tới cạnh xác thằng Tuân… Phục như tê liệt trước cảnh tượng này, anh đứng chết lặng, không có được một phản ứng nào, mặc dù bên ngoái trân đánh diễn ra ác liệt. Không biết đã mấy giây trôi qua, bỗng một quả lựu đạn từ đâu lạc tới, rơi ngay trên xác thằng Tuân, xì khói… Hoàn toàn không có chủ định mà chỉ như một hành động bản năng, Phục vọt tới, ôm xốc thằng bé, lăn đi một vòng ra ngoài miệng hầm… Một tiếng nổ vang lên… Khi Phục trỗi dậy thì thằng bé đã ngất xỉu, một mảnh nhỏ lựu đạn găm sâu vào vai nó, máu đang chảy ròng ròng. Phục xé vội một mảnh áo, băng chặt cánh tay của thằng bé, dúi vội nó vào một góc hầm rồi lại lao vào trận đánh đang tiếp diễn.
Trận đánh kết thúc thắng lợi, Phục quay lại căn nhà hầm tìm thì thấy thằng bé vẫn ở chỗ cũ, đã tỉnh lại nhưng đang gào khóc, có lẽ nó đau lắm, anh vội vàng bế nó lên… Trên đường về mọi người đều lấy làm lạ khi thấy Phục cõng trên vai một thằng nhỏ, hỏi thì anh chỉ lầm lì đáp:
- Một đứa bé!
Nhưng rồi mọi việc trở nên phức tạp khi về đến cứ. Việc trong mật cứ có thêm một đứa bé là một chuyện phiền phức cho mọi người, nhất là khi thằng bé vừa đau đớn vì vết thương chư lành vừa cảm thấy xa lạ với nơi ở mới và với mọi người xung quanh nên cứ gào khóc đòi ba hoài. Vả lại lúc này người ta đã biết (hay đoán ra) thằng bé là con tên đồn trưởng ác ôn nên bên cạnh những tiếng xì xào bàn tán về hành động cứu thằng bé của anh là những ánh mắt lạnh lùng, thậm chí hằn học, thù hận khi nhìn thằng bé khiến nó càng thêm sợ hãi. Những ngày này Phục đã phải chịu đựng rất nhiều nhưng anh âm thầm vượt qua tất cả… Rồi mọi chuyện cũng qua đi khi mọi người còn bận tập trung vào cùng một mục đích duy nhất: Đánh giặc. Hơn nữa từ khi khỏi vết thương thằng nhỏ bỗng trở nên ngoan ngoãn lạ lùng. Hình như nò cũng biết thân phận và hoàn cảnh của mình lúc này nên dù trước đây đã được ở trong một hoàn cảnh có thể coi là sung sướng nhưng bây giờ thì ai đưa gì ăn nấy, không hề khóc, không hề đòi, suốt ngày cứ tha thẩn trong cứ. Duy có điều, cứ tối đến là nó nhất định đòi phải được ngủ với “chú Phục”. Điều này khiến Phục gặp khó khăn những lần đi công tác ban đêm. Anh em kể lại, mỗi lần Phục đi công tác về muộn thì thằng bé cứ thức chờ anh và luôn miệng hỏi: “Chú Phục đâu, sao chú Phục chưa về?”… Có lần giận quá một người nổi quạu: “Ngủ đi, hỏi gì dữ vậy?”. Thằng bé sợ, nằm im nhưng cứ thút thít mãi cho đến khi mệt quá ngủ thiếp di….
Gần hai tháng sau, Phục và một số anh em được lệnh trên điều về tỉnh,, chuyện thằng bé càng trở nên nan giải. Thực ra cho dù không có chuyện điều đi thì Phục và mọi người (dù là người có thiện chí nhất) cũng hiểu về lâu dài không thể nuôi mãi thằng bé trong mật cứ được, huống nữa bây giờ anh phải chuyển đi,, càng không thể nói chuyện đưa nó đi theo Phục. Cuối cùng anh và mọi người chọn giải pháp gửi nó cho một gia đình hiếm muộn ở chợ Tân Hiệp nuôi giùm. Gia đình này là một trong những cơ sở công khai cũ của Phục…
Sau chiến tranh, Phục có trở lại vùng này để thăm tìm thì được người dân ở đây cho biết: không hiểu vì sao sau khi nhận nuôi thằng nhỏ mấy tháng, gia đình này bỗng bồng bế nhau đi mất biệt, cũng không ai biết là đi đâu. Không ai biết vì sao gia đình này lại ra đi, riêng Phục thì biết… Vì thế sau nhiều lần dò hỏi tìm kiếm không được tin tức gì thêm, anh cũng thôi…
Cho mãi tới hôm nay… Nhưng liệu thằng Hào có phải là đứa bé ngày ấy Không?...
*
* *
Chỉ hơn một năm sau ngày giải phóng, Phục xin ra quân. Cuối năm bảy lăm, Phục cưới vợ và đến cuối năm bảy tám thì con Liễu ra đời. Nhưng mẹ con Liễu thật vắn số, năm tám mốt, trong lần sinh nở khó em con Liễu, cả hai mẹ con đều không giữ được. Từ đấy ông bươi bươi cào cào, gà trống tấm mẳn nuôi con. Cũng may nhờ có chút ít chữ nghĩa (trước khi đi theo cách mạng ông đã học hết lớp đệ lục của chế độ cũ), cộng thêm kinh nghiệm sống qua bao năm lăn lóc của đời lính chiến đã khiến ông trở thành ngươpì biết tính toán làm ăn… Cuộc sống của ông bây giờ cũng không đến nỗi nào, ông chỉ còn phải lo cho hạnh phúc riêng tư của con Liễu nữa là hoàn toàn thỏa mãn…
… Lần thứ ba trong đêm ông Phục trở dậy đến bên bàn thờ vợ, rút mấy nén nhang đốt lên rồi cắm vào bát nhang. Xong, ông nhẹ nhàng đẩy cửa bưlớc ra ngoài. Trăng mười bốn tháng giêng đang đổ vàng trên vườn cây ướt đẫm sương đêm, gió chướng lồn lộng thổi làm cho ánh trăng chiếu qua kẽ lá xuống mặt đất chao đi chao lại, trông thật sinh động. Đêm thật tĩnh lặng và thật đẹp. Nhưng ông Phục chẳng còn lòng dạ nào mà thưởng thức cảnh trăng, lòng ông đang rối bời bời… Ngồi xuống bậc tam cấp thềm nhà, cạnh chậu đinh lăng nhỏ, ông móc bì thuốc, chậm chạp vê một đếu, rồi lại chậm chạp bật hộp quẹt…
… “Thôi chết, đúng nó là đứa bé ngày ấy rồi!...” ông Phục thầm nghĩ… Trưa nay, lúc hai đứa vui vẻ đùa giỡn ngoài vườn, ông bỗng nghe con Liễu gọi: “Hận ơi! Hận à…” vừa gọi vừa chạy, thằng Hào vụt đuổi theo… rồi hai đứa cười thạt vô tư. Lúc ấy ông không để ý, chỉo cho đó là một trò đùa của con trẻ. Bây giờ ông mới chợt nhớ lại: Thằng bé ngày xưa cũng nói tên nó là “Hận”. Ngày đó ông đã đoán có lẽ mẹ nó đã bõ cha con nó mà theo một người đàn ông khác nên cha nó giận mà đặt tên con như thế… Vậy thì đúng là nó rồi. Nhưng như thế thì khắc nghiệt, khắc nghiệt quá…
Khi biết con Liễu có bạn trai, ông mừng lắm. Theo lời nó nòi thì bạn trai của nó là người đàng hoàng, là kỹ sư giỏi của một trung tâm nuôi trồng thủy sản ở An Giang. Ong nghe và tin con, vì ông biết con Liễu là đứa hiền thục, dịu dàng nhưng chín chắn từ rất sớm (cò lẽ là do nó mất mẹ ngay từ lúc còn nhỏ). Và nói để trời tha tội, ông chỉ có một mình con Liễu nên ông càng mừng hơn khi biết ba mẹ thằng Hào đã mất cả: người cha mất cách đây ngót chục năm còn bà mẹ cũng vừa mãn tang. Khi gặp thằng Hào, ông đã thầm khen con gái khéo chọn người. Thằng Hào còn trẻ, nhưng đứng đắn, tự tin và khiêm nhường, nó là đứa mà ông có thể tin tưởng mà giao phó đứa con gái duy nhất của mình. Ong biết con Liễu đã nặng lòng với thằng nhỏ lắm vì ngoài tình cảm yêu thương trai gái ra, thằng Hào còn có ơn cứu tử đối với nó: Gần hai năm trước thằng Hào đã cứu được con nhỏ trong một tai nạn chìm đò ở Tri Tôn, lúc nó về thực tập ở huyện này. Từ đó hai đứ quen nhau… Cho đến trước bữa cơm chiều nay tuy thằng Hào chưa nói gì với ông nhưng lòng ông đã thầm quyết định. Vậy mà bây giờ sự việc lại xoay trở ra thế này… Ngày mai chúng nó đã đi rồi.
Bây giờ điều dễ dàng nhất, đơn giản nhất đối với ông là nói ra tất cả sự thật rồi để chúng tự quyết định lấy. Nhưng ông biết khi ông đã nói ra tất cả thì chúng phài xa nhau, không thể khác. Nhưng rồi liệu chúng có chịu nổi sự thật oan nghiệt đó hay không. Diều này thật lòng ông không biết. Vả lại chia cắt chúng bằng một nhát dao duy nhất, quyếtliệt, đau đớn như vậy, ông không nỡ. Mà chúng có tội tình gì? Thế hẹ ông (và cả những thế hệ trước đó nữa) đã đi qua bao cuộc chiến tranh với tất cả những thù hận đúng sai, của cá nhân, của giai cấp, của tầng lớp, thậm chí của cả dân tộc. Nhưng đến thế hệ chúng, lẽ nào lại bắt chúng gánh cả những hận thù sai đúng của cả những thế hệ trước hay sao?... Nhưng nếu cứ im lặng cho chúng lấy nhau thì rồi sẽ ra sao. Cha nó giết cha ông, ông lại giết cha nó, ông cứu sống, nó lại cứu sống con gái ông. An oán hai ba đời nếu tính theo số học là kể như huề: chết một mạng, đền một mạng, cứu một mạng lại được cứu một mạng… Có điều máu người có thể dễ dáng khấu trừ như vậy chăng?... Mà liệu rồi ông có dấu chúng mãi được không và nếu không dấu mãi được thì liệu điều gì sẽ xảy ra? Ông không dám nghĩ tiếp. Và chỉ nói bây giờ thôi, nếu biết tin ông sẽ gả con gái cho con trai của chính tên ác ôn đầy nợ máu, lại là người trực tiép giết chết cha mình thì bà con dòng họ và nói rộng ra cả cái lảng Tân Lễ của ông sẽ có thái độ ra sao? Đừng nói họ phản đối, họ dám đốt phá nhà ông lắm.
… “Oan oan tương báo đến bao giờ cho dứt”.
Nhưng liệu đây có phải là oan oan tương báo không?
… Không biết đây là lần thứ mấy, một cuộc đối thoại âm thầm diễn ra trong ông:
-… Ừ, thì cứ cho rằng ân oán cá nhân của hai gia đình coi như huề, thế còn máu đồng bào đồng chí ông mà cha nó đã làm đổ…
- Nó không phải trả gì hết!...
- Vì sao?
- Ai làm nấy chịu, ai tu nấy hưởng.
- Vậy nó vẫn có quyền làm người?
- Đúng!
- Bằng chứng?
- Bằng chứng là chính ông đã cứu sống nó, như vậy bản thân ông đã thừa nhận nó không vấy máu ai cả. Mà trên hết, bây giờ nó đã là một con người thực sự…
Ông Phục lại ngồi im, vì cũng như những lần trước ông cảm nhận được sự yếu thế của những lý lẽ ông sắp đưa ra. Ong có thể biện minh rằng việc ông cứu nó hoàn toàn là do hành động bản năng. Nhưng rõ ràng những ngày trong cứ thì đã đủ cho ông cảm nhận tất cả và có thể làm tất cả, nhưng ông đã không làm gì. Trái lại ông còn đùm bọc thương xót nó…
Ong Phục đứng dậy, trở vào nhà. Mấy cây nhang trên bàn thờ đã tàn, ông rút mấy cây khác, dốt lên… Chưa bao giờ ông thấy cô đơn và thiếu vắng vợ như lúc này. Hơn ai hết, ông biết bà là người phụ nữ thôn quê dịu dàng, nhân hậu nhưng chất phác, thật thà, không quen xử lý những tình huống phức tạp của cuộc sống. Nưng lúc này ông đang đơn độc quá, ông lâm râm khấn vái:
- Bà ơi! Lúc này tôi rối trí quá… nợ máu và ân nghĩa hai ba đời chồng chất lên nhau… Con Liễu lại là đứa con duy nhất của chúng ta… bà có khôn thiêng thì giúp tôi…
… Trong đêm tối, ba cây nhang trên bàn thờ bỗng cháy phựt lên, soi rõ khuôn mặt phúc hậu của vợ ông. Người ta nói rằng mỗi khi cây nhang cháy phựt lên như thế là hồn người chết đã về. Chưa bao giờ là người mê tín, tin nhảm vào những chuyện đồng cốt, nhưng lần này ông lại thầm mong những điều người ta nói là sự thật. Ong như cảm thấy ánh mắt vợ buồn buồn: nửa như vì sự bất lực của mình, không còn giúp được gì cho người đang sống, nửa như muốn trách móc ông điều gì… Ông nhớ lại lời bà lúc lâm chung:
- Dù tôi có mệnh hệ nào thì ông cũng phải vì con Liễu mà sống, mà làm ăn. Làm việc gì cũng phải vì hạnh phúc của nó…
“…. Làm việc gì cũng phải vì hạnh phúc của nó…” ông Phục lẩm bẩm mãi câu nói cuối cùng của vợ….
… Mấy cây nhang trên bàn thờ đã tắt, chì còn lại những đốm nhỏ nhưng căn phòng vẫn sáng vì được ánh trăng (lúc này đã xuống ngang nhà ông) chiếu vào, hình như khuôn mặt bà Phục trên bàn thờ bỗng cũng ngời sáng?

*
* *

Ông Phục vẫn đứng mãi dưới gốc mai già trước ngõ nhìn theo đôi trẻ đang ríu rít vô tư dắt tay nhau đi khuất dần vào khúc quanh cuối ấp…. Sau một đêm thức trắng nhưng vẻ mặt của ông bây giờ lại trở nên thanh thoát lạ thường. Những đường nét cương nghị, quả cảm trên gương mặt của người lính ngày xưa nay được pha thêm ánh mắt từ hòa, dung dị của một người đã hiểu được mọi lẽ ở đời…
Một làn gió chướng thổi qua, những cánh mai vàng lả tả rơi xuống đầu ông, trông như có bàn tay của thiên sứ rắc xuống…