Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Phạm Duy và Tố Hữu 
(Khương Duy)
Mẹ tôi kể rằng khi tôi còn chưa biết đọc, biết viết mẹ đã dạy tôi học thuộc những câu thơ Tố Hữu, để rồi khi mẹ lúi húi trong vườn sắn, tôi ngồi vắt vẻo trên tảng đá nghêu ngao đọc:
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải
đẹp tươi lạ thường
Nhớ
Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên
đường suối reo

Mẹ thuộc rất nhiều thơ Tố Hữu. Từ những bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ nhưBà bủ, đến những bài thơ mang âm hưởng truyện thơ như Bà má Hậu Giang; từ những bài thơ hừng hực lửa nhiệt thành như Hãy nhớ lấy lời tôi,đến những bài thơ nghẹn ngào đau thương như Bác ơi… mẹ đều thuộc nằm lòng. Giọng đọc của mẹ say sưa, ấm áp đã khiến những vần thơ Tố Hữu ngấm vào tâm hồn tôi như thể người ta ăn cơm uống nước để sống và lớn lên.
Tôi vẫn còn yêu thơ Tố Hữu cho đến mãi hôm nay, dù rằng khi lớn lên tôi biết được nhiều câu thơ khác của Tố Hữu không được hay như những câu thơ mẹ đã dạy tôi thủa thiếu thời. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin. Có yêu thơ Tố Hữu đến nhường nào, tôi cũng nuốt không trôi những câu thơ nhưthế. Và khi đã biết lắng nghe bằng cả hai tai, tôi còn vỡ lẽ ra rằng bên cạnh một Tố Hữu thi sĩ với hồn thơ dâng trào như sóng cuộn biển Đông còn có một ông quan văn hóa Tố Hữu, người đã trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới một giai đoạn buồn của nền văn nghệ nước nhà với những tiêu án chẳng biết bao giờ sáng tỏ như Nhân văn – Giai phẩm. Ban đầu tôi còn hồ nghi, hay đúng hơn tôi không muốn hình ảnh nhà thơ Tố Hữu màtôi hằng yêu quý tan vỡ. Nhưng càng đọc nhiều, càng suy ngẫm nhiều, tôi buộc lòng phải chấp nhận sự thật đó. Tôi tự an ủi mình rằng một khi cóquyền lực trong tay, dẫu là nhà thơ cũng khó có thể giữ cho mình thánh thiện…
Phạm Duy
Phạm Duy
Ngược lại với Tố Hữu, tôi biết đến Phạm Duy muộn hơn nhiều. Khi tôi học lớp 11, một thầy ở Viện Ngôn ngữ học khi về Phú Thọ dạy đội tuyển Tiếng Anh đã nói tên tôi giống Phạm Duy. Có biết nhạc sĩ Phạm Duy là ai không? Thầy hỏi và tôi lắc đầu. Thầy chỉ cười. Đợt học đó thầy còn nhắc tới Phạm Duy với tôi một vài lần nữa. Tôi chỉ có thể đọc được trong ánh mắt của thầy một niềm trân trọng nhưng dường như cũng pha chút mỉa mai nào đó. Giọng nói và nụ cười của thầy như thể muốn hé mở cho tôi biết rằng nhân vật mà thầy nhắc đến phức tạp và thú vị vô cùng.
Đương nhiên hôm nay tôi đã có thể trả lời câu hỏi của thầy, bởi tôi đã biết Phạm Duy là ai. Và nếu thầy thực sự thích nhạc Phạm Duy, tôi có thể nói chuyện cùng thầy cả ngày về gia tài âm nhạc đồ sộ mà bài nào cũng lấp lánh như những viên sỏi nơi đáy nước của ông. Nhưng có lẽ tôi chẳng bao giờ còn gặp lại thầy, và nếu có thì cũng đã quá muộn bởi người nhạc sĩthiên tài ấy đã mãi mãi ra đi…
***
Đến đây, tôi muốn nói về mối tương liên giữa Phạm Duy và Tố Hữu, điều tôi đã nhận thấy từ khi bắt đầu biết nghe nhạc Phạm Duy, nhưng phải sau khi ông đi về cõi vĩnh hằng, tôi mới thấm thía và ngộ ra những điều xưa kia mình chỉ mơ hồ cảm nhận thấy. Mối tương liên ấy, nhiều người bất nhẫn hẳn sẽ cho là điều hoang đường bởi hai con người ấy có hai số phận hoàn toàn khác nhau, ngoại trừ việc họ đều là nghệ sĩ. Nhưng trên đời này, nghệ sĩ cũng có năm bảy đường, và con đường mà Phạm Duy và Tố Hữu đã chọn lại quá khác xa nhau. Nhưng hãy bình tâm và tạm quên đi cái lằn ranh về ý thức hệ vốn đã làm cho đất nước này quằn quại dưới khói lửa chiến tranh mấy mươi năm, bạn sẽ cảm nhận được ở hai ông những điểm chung mà dẫu có muốn xóa nhòa cũng không thể nào xóa nổi.
Tố Hữu sinh năm 1920, chỉ trước Phạm Duy một năm. Chẳng những làngười cùng thời mà trong suốt mấy mươi năm sống và viết, nếu như Tố Hữu trở thành cây đại thụ của nền nghệ thuật cách mạng miền Bắc thì Phạm Duy là ngôi sao sáng chói trên bầu trời nghệ thuật miền Nam. Giờ đây, khi non sông đã liền một dải thì hai ông xứng đáng được nhắc đến như hai nghệ sĩ đã bằng âm nhạc và thơ ca của mình vô tình chung tay dệt nên bức tranh đầy đủ màu sắc kể về số phận dân tộc suốt nửa sau thế kỷ XX.
Nói về thơ Tố Hữu, dẫu là người ghét ông hay yêu ông, cũng không thể nào phủ nhận được rằng, sau Nguyễn Du, Tố Hữu là một trong những nhàthơ lớn nhất của dân tộc, với tài năng đưa tiếng Việt vào thơ thành công ít ai sánh kịp. Với sức viết không mệt mỏi suốt gần một hoa giáp kể những ngày còn là chàng thanh niên Nguyễn Kim Thành, cho tới những dòng tâm sự cuối cùng của một ông lão tuổi ngoại bát tuần, thơ Tố Hữu vẫn dạt dào tuôn chảy như một dòng suối đã khơi nguồn là chảy một mạch cho tới tận cùng. Ông thành công ở nhiều thể loại thơ nhưng đặc biệt để lại dấu ấn với thể thơ lục bát. Thơ lục bát của Tố Hữu giản dị, hồn hậu nhưng cũng không kém phần trong sáng, thanh cao. Nhiều câu thơ Tố Hữu nếuđặt cạnh Truyện Kiều sẽ khó có thể nhận ra; lại có những câu thơ lẫn vào trong ca dao như tiếng hồn cha ông tự thủa nào. Trải dài với bảy tập thơ, Tố Hữu đã bền bỉ dùng tiếng Việt để diễn tả nhiều cung bậc của cảm xúc riêng – chung.
Có lúc, đó là những câu thơ ngậm ngùi cho thân phận người con gái giang hồ buôn mái chèo trên sông Hương:
Đời em buông chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em không chồng
Có lúc, đó là những câu thơ hào sảng như một dòng thác bất tậng vui say chiến thắng Điện Biên lừng lẫy:
 Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn! 
Có lúc, đó là những lời thơ tình tứ, ngọt ngào đằm thắm ca ngợi tình yêuđôi lứa:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Có lúc, đó là những câu thơ chất chứa nỗi đớn đau uất nghẹn vì nỗi mất mát quá lớn:
Đã mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa
Những ai không ưa thơ Tố Hữu vì điểm này hay điểm khác vốn chẳng mấy khi liên quan tới thơ ông, hãy trả lời thật lòng rằng những câu tôi trích ra trên đây lẽ nào không phải là thơ, và lẽ nào không phải là thơhay. Công bằng mà nói, có người chê thơ Tố Hữu nặng tính tuyên truyền, nhưng thử hỏi suốt mấy mươi năm có ai làm thơ tuyên truyền hay bằng Tố Hữu.
Xuân Diệu, Huy Cận trước 1945 làm mưa làm gió trên thi đàn nhưng viết thơ cách mạng thì dở đến mức chẳng ai muốn nhắc tới. Quả sấu non trên cao, Đoàn thuyền đánh cá là những thí dụ nhãn tiền. Nói về chính trị vàtình yêu đều nồng nàn, say đắm như nhau. Nói về lý tưởng mà ngọt ngào như viết tình thư. Nói về lãnh tụ mà ngỡ như con viết tặng cha. Nói về mẹViệt Nam mà như nói về mẹ của riêng mình… Chỉ có thể là tâm hồn thơđặc biệt của Tố Hữu, tưởng như là điểm yếu nhưng hóa ra lại là tài năng trác tuyệt của ông.
Cá nhân tôi nhận thấy thơ Tố Hữu là sản phẩm của một trí tuệ thơ vô tiền khoáng hậu, tôi sẽ không ngại ngần xếp Tố Hữu vào bảng vàng ghi danh những thi sĩ xuất sắc bậc nhất của lịch sử văn chương Việt Nam.
Còn Phạm Duy, người nhạc sĩ tài hoa đã một thời theo Việt Minh rồi chịu không nổi những gông cùm về tư tưởng rồi dinh-tê rồi vào Nam. Phải nói thêm rằng, trong hồi ký của mình, chính Phạm Duy đã thấp thoáng hémở rằng một phần hiện thân của những gông cùm ấy chính là Tố Hữu – người có quyền cầm cân nảy mực gần như tối cao trong về tư tưởng văn hóa nghệ thuật trong suốt mấy mươi năm. Chuyến đò vĩ tuyến đã đưa Phạm Duy sang một chân trời khác, nơi ông có thể tự do tự viết lên những bản nhạc tình say đắm lòng người mà không còn sợ ai dèm pha, và kể cảkhi có người dèm pha (như trường hợp bài Kỷ vật cho em) thì cũng không ai có đủ thẩm quyền để phê bình ông, để ngăn cấm ông, để ép ông từ bỏnhững đứa con tinh thần của mình; điều mà Phạm Duy không thể cóđược nếu ông ở lại miền Bắc.
Quyết định đi tìm tự do trong nghệ thuật đã đẩy Phạm Duy sang bên kia chiến tuyến với Tố Hữu. Nhưng trớ trêu thay, hai con người như nước với lửa trên lập trường chính trị ấy lại giống nhau đến lạ kỳ trong nghệ thuật. Cái âm hưởng dồn dập, da diết, trào tuôn trong thơ Tố Hữu cũng hiện hữu trong âm nhạc Phạm Duy. Hơn thế nữa, Phạm Duy cũng là người cóbiệt tài với tiếng Việt, ông đặt lời, phổ thơ điêu luyện như một nghệ nhân bậc thầy. Nhạc của ông đã đưa âm nhạc Việt Nam lên một tầm cao mới hiện đại mà không lìa thoát cái âm giai ngũ cung ngọt ngào da diết.
Đặc biệt, lời nhạc của ông bên cạnh những ca từ mới mẻ, phá cách, phần nhiều là những lời đậm đà hương vị dân ca. Hãy lắng nghe tiếng lòng ông trải rộng trongTình ca:
Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên
Và tình tứ như một lời hát giao duyên trong Đố ai:
Đố ai mấy tuổi trăng già
Để em lên tiếng mặn mà yêu anh
Phạm Duy mang cả một dải Việt Nam vào trường ca Con đường cái quan với những hình ảnh đẹp như trong cổ tích:
Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường
Ðường máu xương đã lắm oán thương
Ðổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Ði cho trăm họ được hòa bình ấm no
Ðèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô
Hồn dân tộc thấm đãm trong từng nốt nhạc, lời thơ là điều mà Phạm Duy và Tố Hữu giống nhau. Chỉ cần lắng nghe cách đưa những tiếng địa phương, những tên gọi của từng vùng miền đất nước vào thơ vào nhạc đãcó thể thấy chất dân gian đã được hai ông cùng vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn đến mức nào.
Không chỉ thế, dù bằng những cách tiếp cận khác nhau theo những ý thức nghệ thuật khác nhau nhưng chủ đề trong thơ Tố Hữu và nhạc Phạm Duy nhiều khi rất tương đồng. Con đường cái quan của Phạm Duy lẽ nào không có chút gì đồng điệu với Nước non ngàn dặm của Tố Hữu? Bà mẹquê và Bà bủ lẽ nào không phải đều là những hình ảnh đẹp đến nao lòng về người mẹ Việt Nam? Trong thơ Tố Hữu và nhạc Phạm Duy tình yêu riêng và tình yêu chung hòa quyện với nhau khéo léo đến bất ngờ, vàcũng chỉ có hai ông mới có cái biệt tài luyến láy giữa cái riêng với cái chung có duyên đến thế.
Và trên hết, Phạm Duy và Tố Hữu đều là những người đều yêu tiếng Việt và dành trọn cuộc đời nghệ thuật của mình để tô điểm cho tiếng Việt, đẩy thơ và nhạc dùng tiếng Việt lên đến đỉnh cao. Thơ Tố Hữu, nhạc Phạm Duy giống như hai mảnh ghép tưởng như khập khiễng nhưng khi ghép lại sẽ giúp chúng ta thấu hiểu tiếng lòng của con người Việt Nam trong thếkỷ XX bị cách ngăn bởi một dòng sông vĩ tuyến với đầy đủ cung bậc hờn giận yêu thương,vừa lớn lao, lộng lẫy mà rất đỗi gần gũi, chân thành…
Xin được nói thêm rằng ở thơ và nhạc của hai ông, người đọc người ngheđều thấy hiện lên sự nhiệt thành, sự cuộn chảy của cảm xúc mà tôi tin đólà cảm xúc thật sự của người nghệ sĩ.
Tố Hữu viết thơ bằng trái tim sục sôi của người chiến sĩ cộng sản, trái tim lớn không sợ gì súng đạn. Dẫu tôi hôm nay đã không còn giữ được sựnhiệt thành ngày nào khi nghe mẹ đọc Hãy nhớ lấy lời tôi, và sự hoài nghi trong lòng tôi với quá khứ ngày một lớn hơn, nhưng tôi luôn trân trọng những gì là cảm xúc chân thành của con người. Người ta có thể hoài nghiý nghĩa của một cuộc chiến tranh nhưng không được phép hoài nghi sựdũng cảm của người chiến sĩ. Tố Hữu khi viết những dòng như thác lũ ca ngợi chiến thắng Điện Biên lẽ nào ông lại không vui sướng, khi viết những dòng quặn thắt lòng người khi Hồ Chủ tịch lẽ nào ông lại không đớn đau? Tôi tin rằng thơ không nói dối cảm xúc của con người. Khoan hãy bàn đếnđúng sai tốt xấu mà hãy hiểu rằng ở thời điểm đó, ở tâm thế đó Tố Hữuđang bằng tình yêu thiêng liêng, và cảm xúc chân thành viết ra những dòng thơ lai láng và chứa chan tình cảm ấy. Chỉ có rung cảm chân thành mới giúp cho chất thơ mới tuôn chảy đầu ngọn bút không một chút ngập ngừng như thế.
Còn Phạm Duy, hẳn không cần phải nói thêm bởi những ai từng nghe nhạc của ông đều dễ dàng cảm nhận sự dâng trào của cảm xúc trong ca khúc của ông mạnh mẽ đến nhường nào. Dẫu đó là tình yêu lứa đôi hay tình yêu đất nước, Phạm Duy đều viết lên những nốt nhạc lời ca bằng cảtrái tim giàu rung cảm của mình. Giết người đi, giết người trong mộng vẫnđi về. Ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình. Tôi yêu những sông trường, biết ái tình ở dòng sông Hương, sống no đầy là nhờ Cửu Long, máu sông Hồng đỏ vì chờ mong… Những lời ca nồng nàn, dạt dào như thế lẽ nào không phải do cảm xúc chân thật mà thành.Đọc thơ của Tố Hữu và nhạc của Phạm Duy người ta thấy cảm xúc được giải phóng mãnh liệt, cảm xúc như thoát khỏi trái tim chật hẹp, tìm được tự do thoải mái vùng vẫy dọc ngang.
Nói đến tự do, tôi cho rằng Tố Hữu cũng yêu tự do lắm chứ, một người đã từng nghe hè dậy bên lòng, mà chân muốn đạp tan phòng mà ra thì lẽnào lại không yêu tự do? Vậy mới thấy tự do hóa ra là thứ tương đối. Phạm Duy không tìm được tự do cho mình dưới trời miền Bắc nhưng TốHữu lại như cá được nước, như chim trời được chắp cánh tung bay. Cho nên thơ Tố Hữu dẫu nhiều câu là thơ ”đường lối” mà nghe sao vẫn nhẹnhàng, thanh thoát, khoáng đạt đến diệu kỳ. Chỉ tiếc Tố Hữu sinh thời cólẽ đã không hiểu rằng cái khuôn khổ và hình thức tự do mà Phạm Duy cần rộng hơn thế thứ tự do mà ông có thể chấp nhận rất nhiều…
***
Phạm Duy đã có lần nói rằng suốt cả cuộc đời viết nhạc của mình, ông luôn khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, khi đất nước vui ông cũng vui, khi đất nước buồn ông cũng buồn. Chính vì thế trong kho tàng tác phẩmđồ sộ để lại, Phạm Duy đã khắc họa đầy đủ những biến động của đất nước trong suốt hơn nửa thế kỷ. Đất nước trong nhạc của ông trải từ gấm hoađẹp đẽ đến mất mát tang thương và khi ông rời bỏ quê nhà thì đất nước chỉ còn là quê hương hoài niệm. Cái nổi trôi của đất nước từ núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường cũng là cái nổi trôi của cuộc đời Phạm Duy, từ một chàng trai Hà Thành tài hoa do cuộc li loạn mà đã dạt trôi vào Sài Gòn rồi bỏ nước ra đi, để rồi mấy mươi năm sau, tha thiết nhớ quê hươngông lại trở về với đất mẹ…
Tố Hữu cũng vậy. Cuộc đời Tố Hữu với bảy tập thơ lớn trải dài theo bướcđường lịch sử dân tộc được coi như tập nhật ký bằng thơ của những chặngđường cách mạng Việt Nam. Soi mình vào thơ Tố Hữu, có thể thấy hiển hiện lên cả một thời máu và hoa, vinh quang và gian khổ. Từ những ngàyđầu tiên giác ngộ cách mạng, cho đến khi cách mạng thành công, rồi lên Việt Bắc lập chiến khu và trở về bước vào cuộc chiến hai mươi năm xẻ dọc Trường Sơn. Để đến cuối đời, những gì còn lại là nỗi trăn trở với thế sự, về cái mới và cái cũ, về cái còn và cái mất.
Tố Hữu và Phạm Duy phải chăng đều đã gặp nhau ở đây, khi mà hai ông đều biến cuộc đời mình thành thơ thành nhạc, hòa chung vào mệnh nước để viết lên những tác phẩm có tính tiêu biểu cho cả một thời đại.
***
Số phận của nhạc Phạm Duy và thơ Tố Hữu tưởng khác nhau nhưng thực ra lại rất giống nhau, bởi lẽ vừa có lắm vinh quang những cũng phải chịu quá nhiều cay đắng.
Hãy nói về nhạc của Phạm Duy trước. Dẫu là một nhạc sĩ nổi tiếng với những tác phẩm đỉnh cao nhưng số phận các tác phẩm của ông lại hết sức chìm nổi long đong. Cũng bởi những ca khúc như Bên cầu biên giới không được cách mạng chấp nhận nên ông đã cảm thấy mình cần phải rađi, để rồi thành danh ở bên kia vĩ tuyến 17. Nhạc Phạm Duy đã trở thành biểu tượng của âm nhạc Sài Gòn, đến mức những người Sài Gòn bỏ nước ra đi sau cuộc chiến đã ngậm ngùi nhớ tiếc:
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thủa ban đầu
Được yêu mến là thế, nhưng cũng có lúc ông đứng giữa hai làn đạn, vì ởphía bên kia cũng có người cho rằng nhiều ca khúc của ông như Kỷ vật cho em, Tưởng như còn người yêu quá đau thương, sầu thảm khiến cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa mất đi tinh thần chiến đấu. Phạm Duy đãtrả lời rằng, nếu như chỉ mấy câu hát mà đủ sức làm cho cả đoàn quân nhụt chí thì lỗi là ở quân sĩ chứ đâu phải ở lời ca? Tôi tâm đắc với ý kiến này và sẽ còn trở lại khi có dịp bàn về quan điểm quản lý nghệ thuật hiện nay.
Sau năm 1975 nhạc của Phạm Duy trở thành nhạc cấm, ngoại trừ những ca khúc được hát ở hải ngoại thì tuyệt đại đa số không được chính thức phổ biến trong nước. Đương nhiên, khó có thể cản dòng chảy của âm nhạc, nên dù không được cấp phép nhưng nhiều tác phẩm của ông vẫn vang lên bền bỉ suốt mấy mươi năm ông vắng nhà. Nhưng là một người nhạc sĩ, nhìn những đứa con tinh thần của mình phải sống cuộc đời ngoài vòng pháp luật, dẫu được người nghe yêu mến nhưng danh chưa chính, ngôn chưa thuận thì làm sao không đau lòng. Hơn nữa, một khi chưađược chính quyền công nhận thì sức truyền bá của những tác phẩm ấy cũng chưa thể cao xa như lẽ ra chúng phải thế.
Có lẽ vì vậy, trong những năm cuối đời, Phạm Duy vẫn luôn mong muốn ngày càng nhiều tác phẩm của ông được cấp phép. Ông nhẩm tính rằng, cho tới nay chỉ có 1/10 số nhạc phẩm của ông được nhà nước cho lưu hành, vậy thì phải mất 100 năm nữa họa chăng nhạc của ông mới được giải phóng hoàn toàn khỏi cơ chế kiểm duyệt khắt khe. Phạm Duy đauđáu nỗi niềm rằng trong cả ngàn ca khúc của ông, có vô số bài ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước, chẳng hề dính dáng tới chính trị, nên nếu như để mai một sẽ đáng tiếc vô cùng. Nhưng biết làm sao được khi cho tới gần đây, ca khúc bất hủ Mùa thu chết mới được cấp phép, vì bao năm qua người ta vẫn dè chừng ca khúc này vì cho rằng Phạm Duy nhạo báng Cách mạng tháng Tám… Với lối tư duy nghi kỵ như thế thì biết đến khi nào nhạc của ông mới đến được với công chúng trọn vẹn?
Số phận thơ Tố Hữu thoạt nhìn tưởng chừng như khác hẳn với số phận nhạc Phạm Duy. Đã có một thời, từ học sinh tiểu học cho tới sinh viên đại học đều học thơ Tố Hữu. Các đề thi từ tốt nghiệp phổ thông cho tới tuyển sinh đại học, và cả thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn đều phải ít nhiều nhắc tới thơ Tố Hữu. Nhưng trong những năm gần đây, sự hiện hiện của thơ Tố Hữu bỗng trở nên thưa thớt dần. Có người nói thơ Tố Hữu đang gặp hạn.
Thực ra, nếu nhìn thẳng vào sự thật thì thơ Tố Hữu đã gặp hạn từ lâu. Biết bao nhiêu giáo viên dạy Văn khi giảng thơ Tố Hữu đều giảng như giảng chính trị, thậm chí nhiều thầy cô không ngại tỏ ra chán chường. Giới phêbình từ lâu không còn mặn mà với thơ Tố Hữu. Người ta nửa công khai chê thơ Tố Hữu rằng đó là thơ tuyên truyền, thơ chính trị, không có giátrị nghệ thuật.
Vậy hóa ra bao nhiêu lâu nay người ta ca ngợi thơ Tố Hữu chỉ bằng sáo ngữ, người ta truyền bá thơ Tố Hữu giống như truyền bá một thứ nghịquyết, một kiểu tự nguyện trên tinh thần bắt buộc. Người ta bằng mặt nhưng không bằng lòng với thơ Tố Hữu. Hóa ra, thơ ông vào thời hoàng kim được trọng vọng vì phù hợp với chủ trương, đường lối và bởi ông làỦy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương PhóThủ tướng). Thắm lắm phai nhiều, nhất là khi sắc thắm đó nhiều phần làgiả tạo. Cho nên khi văn nghệ được cởi trói, người ta lập tức đối xử lạnh nhạt với thơ Tố Hữu, coi nó như cái gì lỗi thời, lỗi mốt, và thơ Tố Hữu nửa chính thức xuống giá trong lòng công chúng.
Về điểm này Phạm Duy có phần còn may mắn hơn Tố Hữu. Nhạc Phạm Duy bị cấm nhưng có triệu triệu khán giả thầm yêu, trong khi thơ Tố Hữuđược tôn vinh bằng những lời chót lưỡi đầu môi, còn người thực sự trân trọng thơ ông đã và đang dần rơi rụng.
Tôi xin nói rằng thái độ của chúng ta với nhạc Phạm Duy và thơ Tố Hữuđều là bất công. Những người ngồi xét duyệt công bố từng tác phẩm của Phạm Duy chỉ là hàng con cháu của ông, cả về tài về đức đều chẳng xứngđáng để người nghệ sĩ tài hoa của dân tộc phải luồn cúi trong cái cơ chếxin-cho cứng nhắc. Nhạc của Phạm Duy đa phần đều nên được và cầnđược phổ biến và tôn vinh, nhất là trong bối cảnh nền âm nhạc Việt Namđang lao đao vì thiếu đi những tài năng thực sự, và một thời tao loạn củaâm nhạc đang diễn ra với đủ thứ bát nháo mang danh nghệ thuật lên ngôi.
Về phía Tố Hữu, ở nơi chín suối, hẳn Tố Hữu cũng thiết tha mong chúng ta nhìn nhận lại cho đúng gia tài thơ đồ sộ mà ông để lại. Vẫn biết thơ TốHữu gắn liền với cuộc đời cách mạng của ông nhưng trong thơ Tố Hữuđâu chỉ có những lời giáo huấn, đâu chỉ có súng gươm, đâu chỉ có căm thù, đâu chỉ có đấu tranh. Trong thơ Tố Hữu có cả một trời quê hương,đất nước thân thương; có cả những mối tình thủy chung son sắt; có cảnhững người mẹ dịu hiền chịu thương chịu khó. Những tình cảm chân thật, giản dị mà cao cả ấy đã được Tố Hữu đưa vào thơ ông bằng những câu thơ tài hoa tuyệt diệu mà nếu kể ra ở đây e không cùng, khôn xiết.
Thơ ông còn nhiều góc cạnh đẹp lung linh mà vì cái mặc cảm chính trịngười ta đã vội quên đi. Chẳng cần nói những điều cao xa, hôm nay mỗi lần bước trên đường phố Châu Âu tuyết phủ, tôi vẫn thầm nhớ tới câu thơrất đẹp của Tố Hữu:
Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

Hay khi bước đi bên dòng sông Hương của xứ Huế, có khi nào ta không ngẩn ngơ nhớ tới câu thơ:
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên giòng Hương Giang
Cho nên chỉ cần chúng ta khơi gạn trong hàng trăm bài thơ dài ngắn củaông, sẽ thấy được cả một hồn thơ phong phú, sôi nổi mà bội phần lãng mạn, luôn mới mẻ và nồng nàn mãnh liệt. Đó là một kho báu của thi ca mà nếu không khéo chúng ta sẽ để thời gian phủ bụi lên.
****
Xin kết lại bài viết này bằng câu chuyện sau đây, câu chuyện do chính Phạm Duy kể lại về cuộc hạnh ngộ của ông với nhà thơ Tố Hữu:
Tôi quen anh Tố Hữu từ ngày Cách Mạng thành công và có nhiều dịp công tác với anh tại Huế và tại Việt Bắc trong ngày Đại Hội Văn Hóa.

Trở về quê hương năm 2001, tôi đã tới thăm một “đồng chí” xưa. Hai người đều vui vì có được môt hội ngộ không ngờ…

Chúng tôi không đả động gì tới chuyện “chính chị, chính em”, tới chuyện “đấu tranh, đánh trâu” chỉ nói chuyện “trời mưa, trời nắng, con cắng đánh nhau, bồ câu đi chữa, chốc nữa lại tạnh”.

Rồi anh Tố Hữu tự tay mở gói bánh đậu xanh Hải Dương ra mời tôi ăn…

Chia tay ra về, tôi không ngờ chỉ một năm sau, anh Tố Hữu qua đời.

Trong buổi gặp gỡ này, có mặt Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông Tin Trần Hoàn.

Anh Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920–2002) là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc.

Phối hợp tài tình ca dao, các thể thơ dân tộc và thơ mới.

Vận dụng biến hoá cách nói, cách cảm, cách so sánh ví von rất gần gũi với tâm hồn người. Phong phú vần điệu, câu thơ mượt mà, dễ thuộc dễ ngâm.

Những bài “Việt Bắc”, “Nước non ngàn dặm”, “Theo chân Bác”… là những bài thơ tuyệt bút của Tố Hữu.
 ***
Tôi tin rằng giờ ở nơi nào đó, Phạm Duy và Tố Hữu đã gặp lại nhau như những người bạn nghệ sĩ, cùng nhau nhấp chén rượu xuân và quên đi mọi chuyện đắng cay của kiếp trước. Chỉ có chúng ta vẫn loay hoay trong vòng kim cô của lập trường, quan điểm để rồi đánh mất đi những giọt vàng của hai bậc tài hoa còn lưu lại trên cõi nhân gian.

                                                           Nguồn: Blog"Quê Choa"