Vừa tửng mửng, chúng tôi đã có mặt trước sân chim. Phương Đông, những tia nắng hình rẻ quạt báo hiệu một ngày nắng đẹp, gió chướng sớm mai hây hây mát rượi. Cả sân chim vẫn còn chìm trong yên lặng, một sự yên lặng thanh bình.
… Mai, người bạn đã từng một thời là người lính gác sân chim (hồi sân chim còn ở cồn Đất) nói với tôi:
- Có đến sân chim vào lúc chiều muộn, hoàng hôn sắp buông hay lúc bình minh sớm thế này mới thấy hết vẻ đẹp của nó anh ạ!...
Đang nói, đột nhiên Mai ngừng bặt, giật giật nhẹ áo rồi giọng trở nên
thì thầm, tưởng như nếu nói to lên thì những điều anh muốn cho tôi thấy sẽ biến mất:
- Đó, đó! Anh nhìn ra xa xa kia kìa…
… Trong ánh ban mai, tôi thấy từ xa lác đác một đôi chấm đen hiện dấn lên và rồi từ khắp nơi, từ phía Châu Bình, Châu Hoả, rồi từ Ngải Đăng, Minh Đức…những chấm đen ấy cứ hiện dần, hiện dần, từ từ chậm chạp nhưng cứ rõ dần, rõ dần những đội hình chữ V quen thuộc của những đàn vạc…Và lúc này thì từ phía sân chim,dưới những khóm lá, khóm chà là gai, bần đước… sự sống như bừng tỉnh lại sau một giấc ngủ dài, thanh thản. Tiếng đập cánh xào xạc, tiếng cò gọi nhau vang động cả một vùng. Rồi cũng dưới những tàng cây ấy, những cánh cò trắng muốt, nhiều không kể xiết, bốc lên trời trông như những nắm bông nõn ai đó vãi ra trong gió sớm. Dần dần, không còn là những nắm bông nõn nữa mà cả vuông trời sân chim đã hình thành nên hai đám mây trắng, một cao một thấp, cứ vần vũ vần vũ trước khi hoà nhập vào nhau và rồi lại đột ngột tách ra thành hai, đám nhỏ hơn hạ dần xuống và chìm dần vào những tàng lá còn ướt đẫm sương đêm, đám lớn bốc cao dần và loãng dần loãng dần rồi mất hút phía trời xa…
… Tôi đứng lặng người, sững sờ đến không nói nên lờ trước vẻ đẹp huyền ảo vừa được chứng kiến…
- Đấy là cảnh “giao ban” sáng sớm: vạc về và cò đi! Đẹp chứ anh?
Nghe có tiếng hỏi sau lưng, tôi quay lại, thì ra anh Mười Chót anh đã theo sau lưng chúng tôi từ bao giờ. Tôi chỉ còn biết thốt lên:
- Tuyệt! Những ai chưa một lần nhìn thấy cảnh này sẽ là một thiệt thòi lớn.
Anh cười hồn hậu:
- Mỗi ngày có hai cảnh giao ban như thế đấy. Và tôi, ở đây từ ngày sân chim mới hình thành mà chưa bao giờ thấy nhàm chán.
Rồi anh bỗng trở nên trầm ngâm:
- Kể từ ngày đàn cò rải rác về đây cũng đã trên mưởi mấy năm rồi, anh còn nhớ chứ!
Tất nhiên là tôi còn nhớ…
Cách đây khoảng mười mấy năm, vào những năm 87- 88 của thế kỷ trước (1987 -1988), chúng tôi đến dây lần đầu. Khi nhìn thấy những cánh cò bay về trong chiều muộn (lúc ấy còn ít lắm) tôi đã la lên ngạc nhiên như kẻ mới thấy cò lần đầu:
- A! cò.
Anh Mười Chót lúc ấy là người “chủ” sân chim, khoát khoát tay,thấp giọng như sợ ai nghe thấy:
- Ừ! Cò về đấy nhưng mong các anh giữ kín cho.
Tôi hơi bất ngờ:
- Sao vậy anh? Cò về thì tốt chứ sao lại phải giữ kín?
- Chính vì tốt nên mới phải giữ kín. Lúc này nếu bị quấy nhiễu đàn cò sẽ bỏ đi ngay. Giữ kín không cho con người khuấy động, may ra…
Anh bỏ lửng câu nói, nhưng chúng tôi hiểu. Và rồi cò về mỗi ngày một đông, sân chim hình thành…
Lần này cũng nhân một chuyến lãng du, tôi trở lại sân chim Vàm Hồ. Nhưng là mười mấy năm đã qua, nói như người xưa “đã bao nhiêu nước chảy dưới cầu” rồi và sân chim cũng trải qua bao nhiêu biến đổi. Từ số lượng mấy chục ngàn con nay đã có trên nửa triệu rồi. Những người công nhân nông trường đã trở thành những người lính gác sân chim và vùng đất thổ cư của đàn chim cứ nới dần ra, nới dần ra mãi, vùa đo thiên nhiên, vừa do con người tạo dựng.
Cứ như lời anh Mười Chót thì những khảo sát trên khu vực sân chim năm đó cho thấy nơi đây tuy gọi là sân chim nhưng thực sự là một khu hệ động, thực vật phong phú. Về đông vật, chỉ tính riêng chim cũng đã có tới 80 loài nằm trong 35 họ khác nhau. Tất nhiên đông nhất vẫn là cò: Cò trắng, cò quăm, cò ngàng, cò lửa, vạc, sếu… rồi chàng nghịch, cuốc ngực trắng, bìm bịp… Ngoài ra bò sát có kỳ đà, rắn rằn ri cóc, rằn ri cá… Thú có chồn, sóc, rái cá… Chưa kể các loài cá, lưỡng thê dưới nước, côn trùng ở trên không. Nghĩa là hầu hết các loài động vật có rải rác khắp Bến Tre đều hội tụ ở đây. Tất cả cư trú trong phạm vi khoảng hơn 20 hec ta gồm dừa nước, bần, đước, dương, chà là gai, lau, sậy…
Ấy vậy mà theo lời Mai thì ngày còn ở Cồn Đất, sân chim còn phong phú hơn bây giờ nhiều:
- Với sân chim hồi ở cồn Đất, sân chim bây giờ chỉ bằng bảy tám phần mười, lại thiếu vắng đi một số loài khá quan trọng như dơi, cò quăm trăng…
Phải, đàn dơi hồi ở cồn Đất số lượng phải tính đến số trăm ngàn, là loại dôi lớn, kích thước cánh có khi đến mét tư, mét rưỡi. Còn cò quăm trắng số lượng cũng đến mấy trăm con… Những giống ấy bây giờ không còn nữa. Với dơi thì đã rõ: ở đây không có những cây bần lớn để đeo bám khi ngủ, còn cò quăm trắng thì chưa hiểu vì sao?
Tôi hỏi Mai:
- Vì sao ngày ấy đàn chim bỏ cồn đất mà đi?
- Có nhiều lý do anh ạ! Thứ nhất và quan trọng nhất là dòng chảy của sông Hàm Luông tự nhiên xoáy thẳng vào mũi cồn liên tục sụt lở dần, cho đến bây giờ phần cồn thuộc sân chim đã lở hết. Thứ hai là phân chim, phân dơi tích luỹ nhiều năm đã làm chết những cây bần hai người ôm là chỗ đeo bám cho đàn dơi. Anh tính hồi ấy khi những cây bần chết mà chưa đổ xuống, dơi đeo kín cây, đứng xa tưởng như cây còn sống với đầy đủ lá vậy, dơi đeo đến gãy cành đổ cây. Thứ ba là do bàn tay con người, thực ra đây chỉ là một trong những nguyên nhân thứ yếu thôi nhưng không phải là không quan trọng đâu anh. Người ta săn bắt, người ta hốt trứng, người ta chặt lá bừa bãi…
Tôi hiểu, và theo tôi, nói cho cùng ra thì kể cả những lý do thiên nhiên, con người cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi nếu chúng ta quan tâm đúng mức thì không phải không khắc phục được hay chí ít cũng hạn chế được những điều ấy. Nhưng thôi, đó là chuyện đã qua, đã rồi… Chỉ biết rằng từ ngày ấy sân chim tản mác, đàn dơi không biết về đâu. Còn những cánh cò cứ khắc khoải bồn chồn, tản lạc khắp nơi trên đất Bến Tre này và có lẽ cả đất Tiền Giang nữa. chẳng nói đâu xa, có những năm tôi đã thấy lông cò rụng trắng vườn nhà người bạn già ở Hữu Định – Châu Thành, mỗi sáng sớm: không ít cò đã tặm trú qua đêm ở đây.
Đã có một thời đàn cò định tụ lại, “sinh cơ lập nghiệp” ở cồn Nhàn (Bảo Thuận). Nhưng cồn Nhàn chật hẹp, nguồn nước và nguồn thức ăn thì xa, lòng người lại không nhân hậu. Con người đã xua đưởi chúng bằng săn bắn, bằng bắt chim non, hốt trứng… mà không chỉ có thế họ còn chặt phá, đốn cây lấy củi… Và một lần nữa, dù đã quá mệt mỏi bẽ bàng nhưng vì sự sinh tồn, những cánh cò lại phải cất lên, khắc khoải, chập chờn… Đến bây giờ tôi mới thông cảm hết với anh Mười Chót về thái độ thận trọng đến mức tưởng như không cần thiết năm xưa.
*
Đến sân chim bây giờ, khách du lịch bình thường chỉ thấy sự đông đúc sề số lượng, phong phú về chủng loại. họ trầm trồ trước cảnh thanh bình của sân chim với những cánh cò bay lả. Đã mấy ai biết rằng đế có sự đông đúc ấy, sự phong phú và sự bình yên ấy là công khó của biết bao người nâng niu, tạo dựng, sinh thành ra nó. Đó là sự thận trọng có phần thái quá của anh Mười Chót, sự phẫn nộ chính đáng của ông Chín Anh (chủ tịch huyện Ba Tri hồi ấy) khi nghe tin có nhiều sự săn bắt bừa bãi khiến đàn chim lại có nguy cơ bỏ đi và ông đã có những chủ trương đúng đăn mà kịp thời để cứu vãn sân chim. Và trên hết, tuy thầm lặng và đôn giản nhất nhưng lại đóng góp cho việc giữ gìn sân chim nhiều nhất lại là những người gác sân chim nơi đây…
Tối hôm ấy (trong lần đến đây trước cũa tôi), khi rải rác khắp sân chim đã hiện ra những ánh đèn dầu leo lét trên các chòi canh, tôi đã có dịp ghé thăm một trong các chòi canh ấy. Vừa ngồi xuống chưa ấm chỗ thì đàn muỗi đã bay tới tấn công tới tấp. Muỗi ở đâyb gầy ốm nhưng nhưng chích thì nổi mẩn và ngứa kinh khủng. Tôi hỏi một người có vẻ đang chuẩn bị ra đi làm nhiệm vụ:
- Các anh ở đây, muỗi cắn chịu sao nổi?
Anh cười hiền lành:
- Chúng tôi ở đây lâu, đã quen với muỗi rồi anh ạ!
Tôi chợt rùng mình, người ta có thể quen được với những con muỗi này hay sao. Và tôi chợt hiểu chỉ có những tấm lòng vì sự tồn tại của sân chim mới làm cho những con người bình thường ấy trụ lại được nơi đây, mới có thể “quen” được với loại động vật hút máu ấy. Và với chỉ riêng điều ấy thôi, các anh đã xứng đáng để tự hào là những người đã tạo ra và bảo vệ vẻ đẹp của những cánh cò bay lả kia…
… Và sự lo lắng của con người cho sân chim, cho đàn cò nào chỉ có thế. Sân chim bây giờ đã có ngót nghét nửa triệu con với mật độ 3,4 tổ trên một mét vuông, nghĩa là đã chật lắm rồi, nhưng tương lai? Rồi chỗ ở thì thế, còn thức ăn.
Anh Mười Chót có lần tâm sự với tôi:
- Về chỗ ở của đàn cò thì chùng tôi không lo lắm vì đã có những kế hoạch (cả của tỉnh và của huyện) để mở rộng sân chim. Nhưng còn thức ăn - tôi còn nhớ, lúc ấy giọng anh chợt trầm xuống – Anh biết đấy, ngày xưa khi lúa còn cấy 1,2 vụ những tháng đồng trống, cò phủ kín đồng, vậy mà bây giờ… Số lượng cò đã giảm đi nhiều, một trong những nguyên nhân chính là thiếu thức ăn…
Vâng, tôi cũng đã biết đền những dự báo của các ngành chức năng về sự phá vỡ hệ cân bằng sinh thái, sự giảm sút của các loài động vật hoang dại và ở Bến Tre, cụ thể là sự giảm sút của đàn cò vì thiếu hụt nguồn thức ăn. Trong sự tồn tại và phát triển của mình, con người luôn luôn phải tìm đủ mọi cách mọi biện pháp, phương tiện để có được miếng ăn hàng ngày. Và chính sự vất vả nhọc nhằn trong việc kiếm miếng ăn ấy nhiều khi đã khiến họ quên đi rằng những loài khác cũng cần phải kiếm ăn như họ. Đủ thứ thuốc trừ cỏ trừ sâu không chỉ giết sâu bọ hại cây, hại lúa mà còn giết cả cá tôm là thức ăn chính của những con cò tội nghiệp. Chao ôi! Mặt trái của tấm huân chương là đây chăng?
*
Ngày còn nhỏ, tôi đã nghe đâu đó hai câu thơ:
Con cò nghiêng cánh phân vân
Chiều nay biết định dừng chân nơi nào
Ấy vậy mà cho đến bây giờ, lúc tuổi đã vào hàng “lục thập”, đứng trước những cánh cò chấp chới trong ráng chiều, gió chướng này tôi mới có dịp cảm nhận hết hai chữ “phân vân” của câu thơ. Đi hay ở, về hay đừng? Đi đâu và về đâu? Đến bây giờ thì đàn chim đã chọn, sân chim đã hình thành, nhưng nỗi băn khoăn chưa phải đã hết. Cồn Đất không còn nữa, cồn Nhàn đã trải nhưng chẳng phải là nơi đất lành. Còn nơi đây? Hy vọng lắm! Nạn săn bắt bừa bãi hầu như không còn nữa, vả lại dưới sự che chở của “những người chí cốt, sống chết cùng bấy chim”, có vẻ an ninh của bầy cò đã được củng cố. Tôi cũng có nghe nói đến một dự án khả thi của tỉnh về việc mở rộng sân chim, xây dựng khu du lịch sinh thái. Hay lắm, nhưng vẫn còn chút băn khăn (lại băn khoăn!!!): Con người có đủ thận trọng khi biến cải khu đất có phần hoang sơ nhưng đầy tiềm năng này thành một thắng địa hay không? Để cho những cánh cò hết nỗi bâng khâng… Tôi hy vọng.
VÔ ĐỀ GÒ CÔNG
-
* Đêm trung thu (29/9/2023) ôm cây guitar qua Gò Công đàn mấy bản buồn:
Lagrima, Adelita, Pavana của Francisco Tarrega. Nói với những bạn nghe mấy
bản nà...
1 năm trước