Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Không đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào hiến pháp mới


PGS,TS Vũ Trung-CVHP



NQL:Quê choa vẫn chủ trương không đăng bài trên các trang mạng, tuy nhiên những bài viết quá trúng ý bọ Lập thì không thể không đăng. Bài bác Vũ Trung đăng trên trang Cùng viết hiến pháp là một ví dụ. Những gì bác Vũ Trung nói bọ Lập cũng đã muốn nói từ lâu.
Trước hết cần xác định khái niệm chủ nghĩa Mác- Lênin.mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này.
Chủ nghĩa Mác-Lênin mà lâu nay chúng ta nhận thức và vận dụng được tiếp thu chủ yếu qua các tài liệu, sách vở của Liên xô cũ. Đến nay chúng ta đã thấy rằng, hệ thống lý luân mà ta gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ là những tư tưởng của Mác,Ăng-gen thời còn trẻ, thể hiện tập trung trong tác phẩm “ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”(1848). Những tư tưởng này, vào những năm cuối đời, nhất là sau thất bại của Công xã Pa ri (1871)Mac và Ang-gen đã thấy không thích hợp với thực tiễn do đó hai ông, đặc biệt là Ang-gen đã điều chỉnh, sửa đổi theo xu hướng dân chủ xã hội, thể hiện trong tổ chức và hoạt động của Quốc tế II. Lênin đã bác bỏ xu hướng dân chủ xã hội của quốc tế II và lập ra Quốc tế III với nội dung giữ lại những tư tưởng thời trẻ của Mác Ăng-gen, chủ yếu tập trung trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, phát triển hơn nữa những tư tưởng này theo nhu cầu của cách mạng vô sản ở nước Nga. Những nhà yêu nước Việt nam đã chấp nhận chủ nghĩa Mac-Lênin , gia nhập Quốc tế III, chủ yếu và trước hết vì Quốc tế III ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa.
Chúng tôi cho rằng, cần bỏ luận điểm về vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác lênin trong đời sống chính trị -xã hội của nước ta, được ghi trong Lời nói đầu và trong điều 4, nói về sự lãnh đạo của Đảng trong hiến pháp hiện hành (1992). vì những lý do sau đây:
Một là, qua quá trình phát triển cuả nhận thức , của lí luận chính trị xã hội ,qua sự khảo nghiệm của thực tiễn cách mạng ở nước ta cũng như trên , thế giới đã thấy rõ học thuyết Mác – Lênin ngay từ đầu đã có những luận điểm không đúng, hoặc có những luận điểm đã bị thực tiễn cách mạng diễn ra trong suốt một thế kỉ ở Liên xô và các nước thuộc hệ thống XHCN trong đó có nước ta là không còn phù hợp nữa.
Hai là, việc áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc nước ta cũng như trên phạm vi cả nước sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ chẳng những không đem lại hiệu quả mà còn đưa đến những tổn thất kìm hãm nặng nề sự phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm cuối thập kỉ 80 và đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước đứng trước tình hình đặc biệt khó khăn : nền kinh tế sa sút đình trệ , đời sống nhân dân thiếu đói kiệt quệ, chúng ta buộc phải thực hiện những đổi mới căn bản về kinh tế. Thực chất cuộc đổi mới này là từ bỏ những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mac- Lênin về kinh tế như xóa bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chấp nhận nền kinh tế thị trường, cho phép phát triển kinh tế tư nhân, cho phép các nhà doanh nghiệp được thuê nhân công( không giới hạn về số lượng lao động và qui mô kinh doanh)v.v. Cuộc đổi mới đó đã cứu đất nước ta thoát khỏi nạn đói và đạt những tiến bộ rõ rệt. Nhưng do sự giới hạn của nhận thức về con đường đi lên CNXH chúng ta chỉ mới tiến hành những đổi mới trên lĩnh vực kinh tế mà rất ngần ngại dè dặt tiến hành những đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Chúng ta cho rằng, đổi mới chính trị là một vấn đề rất nhậy cảm “ chỉ một bước xẩy chân có thể đưa đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống” như tình hình đã diễn ra ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Chính vì thế mà sự đổi mới về kinh tế vẫn còn chắp vá và không triệt để vẫn chưa khắc phục được những sai lầm đem lại tổn thất( thái độ và cách sử lý đối với thành phần kinh tế quốc doanh), mặt khác chúng ta chưa có những đổi mới chính trị,vẫn luyến tiếc hệ thồng chính trị theo “ mô hình Xô Viết” vì vậy cho đến nay, tuy chúng ta vẫn giữ được sự ổn định chính trị nhưng thực tế ngày càng chứng tỏ đó chỉ là sự ổn định bề ngoài, một sự ổn định chứa đầy mâu thuẫn. Những mâu thuẫn naỳ đã dần dần đẩy ta lâm vào “ một cuộc khủng hoảng toàn diện sâu sắc đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ”(phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng) Nếu ta vẫn bám giữ học thuyết đã lỗi thời mà loài người, trong đó có một bộ phận quan trọng là Liên xô và các nước XHCN Đông Âu đã dứt khoát từ bỏ, nếu ta vẫn cố níu giữ “ cái vòng kim cô” trên đầu và cái “ mai rùa” trên lưng.tức là lý luận Mác –Lênin và mô hình chính trị xã hội Xô Viết thì chúng ta không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng hiện nay, càng không thể nói đến việc hoạch định con đường đi đến tương lai, hòa mình vào dòng chảy của nền văn minh nhân loại, mãi mãi bị giam hãm, thậm chí ngày càng lún sâu trong vòng yếu kém lạc hậu.
Ba là,với tư cách là một chính đảng được nhân dân giao cho quyền lãnh đạo xã hội, đảng Cộng sản Việt Nam không thể tự giới hạn mình vào một chủ thuyết, nhất là chủ thuyết đó là một hệ thống lý luận đã bộc lộ nhiều điểm không chính xác đã từng dẫn đến những sai lầm và tổn thất trong hoạt động thực tiễn .Việc khẳng định vai trò chủ đạo mà thực sự là độc tôn của chủ nghĩa Mac-Lênin trong đời sống xã hội đã cản trở chúng ta tiếp thu và vận dụng những thành quả to lớn của nhận thức loài người trong đó có những học thuyết về kinh tế xã hội do nhiều nhà khoa học kiệt xuất sáng tạo nên và được cả loài người công nhận trong những năm gần đây. Một mặt khác điều đó cũng cản trở việc thu hút, tập hợp một cách rộng rãi tất cả mọi lực lượng trong xã hội, thực hiện một cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vị thế và sức mạnh của dân tộc.Bất kỳ xã hội nào, nhất là những xã hội văn minh, hiện đại phải là sự thống nhất của cái da dạng, sự tập hợp và phát huy mọi lực lượng xã hội không phân biệt lực lượng ấy theo chủ thuyết nào, thậm chí hệ tư tưởng nào. Đối với chúng ta, sự tập hợp đó được thực hiện chỉ trên một cơ sở duy nhất : Đó là tình yêu đối với tổ quốc , sự tôn trọng hiến pháp và pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, cùng chung long góp sức một nước Việt Nam giầu mạnh, công bằng dân chủ và văn minh. Một thói xấu của người Cộng sản mà chính Lê-nin đã nhiều lần phê phán là bệnh “kiêu ngạo Cộng sản” luôn cho rằng chỉ có mình mới đúng, mới yêu nước, mới cách mạng. Ngày nay chúng ta đã nhận ra rằng “ lòng yêu nước cũng có nhiều hình thức và con đường khác nhau.”
Bốn là, việc tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin như một hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội đặc biệt là việc giảng dạy, giáo dục chủ nghĩa Mác –Lênin cho thế hệ trẻ trong nhà trường chẳng những không đem lại kết quả tốt đẹp , mà còn gây ra những hệ quả tiêu cực. Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, các kênh thông tin đa dạng phong phú, đặc biệt là hệ thống thông tin mạng toàn cầu( riêng nước ta hiện nay đã có hơn 30 triệu máy vi tính đang hoạt động) đem lại cho con người những hiểu biết đa chiều, phong phú chứ không chỉ giới hạn qua những kênh thông tin “chính thức” của nhà nước cũng như qua hoạt động giảng dạy trong nhà trường. Nhiều người trong đó có thế hệ trẻ đã thấy hệ thống lý thuyết Mác-Lênin không phù hợp với đời sống hiện thực, từ đó nhận ra trong xã hội vẫn tồn tại phổ biến tình trạng lý luận xa rời , thậm chí đối lập với thực tiễn, trái với những điều người ta được mắt thấy tai nghe trong đời sống. Nhiều học giả có quá trình nghiên cứu giảng dạy lý luận Mác- Lênin, có uy tín cao về trình độ khoa học, về phẩm chất đạo đức cũng phải thừa nhận rằng: “Trong bao năm qua chúng ta đã lừa dối mọi người và lừa dối chính mình”( xem bài phát biều của Giáo sư Trần Phương,nguyên ủy viên TƯ Đảng nguyên phó thủ tướng chính phủ, chủ tịch hội kinh tế Việt Nam trong cuộc hội thảo góp ý kiến cho cương lĩnh đại hội Đảng lần thứ X1) Điều đáng buồn và cũng đáng lo ngại là bản thân những người dạy môn lý luận Mac-Lênin nhiều khi cũng không tin vào những điều mình rao giảng nhưng vẫn phải cố hoàn thành bài giảng theo yêu cầu của chương trình. Về phía người học cũng đã thấy rõ những điều thầy trình bày thiếu sức thuyết phục nhưng vẫn cứ phải nghe, phải học cho thuộc và trả bài cho “ đúng”. Họ ngộ ra rằng: Thầy giáo, báo đài, thậm chí cả một số nhà lãnh đạo “ nói vậy mà không phải vậy!”. Đó chính là căn nguyên của bệnh lừa dối ngày càng lan tràn và trở thành một lối sống của xã hội ta hiện nay. Từ đó càng làm giảm sút niềm tin đối với Đảng và nhà nước .
Chúng ta không vội vã bắt chước nhưng cũng cần bình tĩnh, tỉnh táo xem xét thái độ và cách sử lí của loài người trong đó có những nước vốn đã từng đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, kể cả Trung quốc đối với chủ nghĩa Mac-Lênin để lựa chọn cho mình những giải pháp thích hợp và hiệu quả ..

      Hà nội ngày 15 tháng 3 năm 2013