Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Hàn Vĩnh Nguyên bạn tôi

DƯƠNG SINH


Có hai bữa cơm mà tôi nhớ đến suốt đời. Dẫu sau này tôi đã có những bữa ăn sang gấp nhiều lần hai bữa cơm ấy. (Chúng tôi không thể có tiền để đãi nhau những bữa tiệc triệu này triệu khác nhưng cũng đã có những bàn tiệc đến vài trăm ngàn). Nhưng không thể có bữa tiệc nào ngon bằng hai bữa cơm ấy.
Đó là những ngày gian khó của cả nước. Một lần vào tháng sáu âm lịch năm 1988, Nguyên Tùng rủ bọn chúng tôi gồm: Hàn Vĩnh Nguyên, Dương Sinh, Lương Minh, Nguyễn Bạch Dương và hình như cả Ngọc Anh nữa về quê anh – xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, dự hội lăng. Khởi hành từ thị xã vào buổi trưa, chiều vàng vàng chúng tôi đến xóm Trại... Chiều tối hôm ấy chị Hai cho chúng tôi ăn cơm gạo cũ mua ở chợ với cá rô phi cỏ nuôi ở ruộng muối vào mùa mưa kho mặn. Chỉ có vậy nhưng với tôi đó là một trong hai bữa cơm không thể quên. (Về sau chị Hai nói với Nguyên Tùng: Nhà nghèo, cơm không có gì đáng, chị hơi áy náy nhưng thấy các em ăn ngon miệng quá chị cũng mừng). Bữa khác là tại nhà Hàn Vĩnh Nguyên. Hôm ấy Phân hội Văn học họp đến quá trưa mới xong, ai nấy đều đói cả, Hàn Vĩnh Nguyên rủ mấy đứa tôi: Dương Sinh, Mai Văn Ro, Nguyên Tùng và cả Trương Chí Lực nữa về nhà anh ăn cơm, nhưng giao ước: “Đến nhà là phải tự nấu lấy mà ăn, có gì ăn nấy vì vợ con đi vắng cả...”. Rau cải trời, đọt nhãn lồng… tự hái lấy ngoài vườn, chấm với nước tương và nếu tôi nhớ không nhầm thì còn có thêm hai con khô lù đù chiên mặn chát, có lẽ còn lại từ bữa sáng của vợ con anh. Tất cả chỉ có vậy, nhưng với tôi đó vẫn là bữa cơm không quên. Tôi không phủ nhận những bữa cơm ấy ngon một phần do chúng tôi đói, nhưng quan trọng nhất đó là những bữa nặng tình, tình chị em, tình bè bạn thấm đượm trong từng hạt cơm, lá rau, con cá... Đó là nói tới bữa cơm không quên, còn thường thì tôi vẫn ăn ở nhà anh luôn (nhất là thời kỳ tôi chưa lấy vợ). Mà không chỉ có tôi, nhiều anh em khác đi đâu tạt qua đều có thể ghé nhà anh. Tiện bữa thì ăn cơm, không thì một chén cơm nguội, hay bất cứ thứ gì có thể ăn được trong nhà...
Vui tính, xởi lởi, hào phóng là đặc tính chung của cả vợ chồng anh, nên nhà anh lúc nào cũng đông khách. Nó là nơi tụ hội, là trạm liên lạc của nhóm bạn văn nghệ chúng tôi. Còn nhớ vào khoảng cuối những năm tám mươi đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước (đầu thời kỳ mở cửa) nhóm bạn chúng tôi lúc đó có chừng vài mươi đứa thường tổ chức những đêm “Xuân” tại nhà anh. Những cuộc chơi lớn như thế thường chúng tôi góp lại để chơi, nhưng anh là chủ nhà bao giờ cũng chịu phần nặng nhất. Vui lắm, có rượu chè, có bánh trái, có lửa trại, chúng tôi đọc thơ, đọc văn, đọc những sáng tác mới của mình, đọc những tác phẩm gây dư luận trên văn đàn trong và ngoài nước... Được mấy năm thấy tình hình có vẻ không ổn cho anh và cho cả chúng tôi nữa nên thôi. Nhưng không mấy cái Tết chúng tôi không ăn Tết ở nhà anh, không tổ chức lớn được thì tổ chức nhỏ và bao giờ cũng vui...
Bạn bè (nhất là lớp trẻ) rất thương anh, quý anh không chỉ vì anh như một người anh lớn của họ, luôn lo lắng, chăm sóc tận tình và nâng niu từng bước đi của họ trong văn chương mà còn bởi anh là người hay bị “tai nạn” nghề nghiệp: Tai nạn về những tác phẩm của mình, tai nạn vì đã cho in những truyện ngắn “có vấn đề” của những bạn văn khác khi ở vị trí là Trưởng ban biên tập tờ Văn nghệ Bến Tre. Có lẽ trong các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu anh là người gặp tai nạn nghề nghiệp nhiều nhất. Nhưng nhiều lúc nghĩ về anh, về cá tính của anh, tôi lại tự rút ra kết luận: Người như anh mà cuộc đời không gặp nhiều trắc trở bởi cái nghiệp của mình mới là sự lạ!
Nghĩ về anh là nghĩ về một thằng cha mê viết lách từ thuở mười bảy mười tám tuổi (lúc anh còn là chiến sĩ ngoài chiến trận). Một thằng cha mới hơn hai mươi tuổi đã dám lên tiếng bày tỏ sự không bằng lòng của mình về việc cấp trên phân công tác không phù hợp với sở trường.
Lần đó, cầm bức điện của tổ chức điều động cán bộ, anh từ báo Chiến Thắng (thuộc Ban Tuyên huấn Bến Tre) về Ban Tuyên huấn Khu Trung Nam Bộ nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Thường trực Ban Tuyên huấn Khu lại là người kiêm chức trưởng Tiểu ban Thông tấn nhất nhất đòi anh phải về công tác tại tiểu ban này. Không chấp nhận và cũng không kềm chế được, anh đã thẳng tuột đề nghị: “Hoặc các chú cho cháu tiếp tục làm báo, làm văn nghệ, hoặc cho cháu quay về Bến Tre”. Hồi ấy, quen thông lệ “Đảng phân công đâu, tôi chấp hành đó”, một phản ứng như thế được xem là quá quắt. Vụ việc, lập tức bị nóng lên, xôn xao mất gần hai tháng, rồi xem đi xét lại, “các chú” cũng cho anh về với Tiểu ban Văn nghệ. Sau này có người hỏi sao anh liều vậy, anh chỉ cười: “Đơn giản, vì hợp sở thích, đúng sở trường, tôi sẽ làm việc, cống hiến cho Đảng nhiều hơn. Còn quay về Bến Tre, ai cũng biết đó là con đường máu – con đường mà lượt đi mất 31 ngày, có lần tôi đã thầm nói với mẹ tôi: “Mẹ ơi, ươm hột khác đi, hột này coi như lép!”. Cho nên, ngoài việc bị quy “bất tuân”, chẳng còn lý do gì để người ta dám bảo tôi trở về Bến Tre với con đường máu là nhát gan!”. Tính khí đã như vậy thì làm sao cuộc đời anh có thể suôn sẻ được.
Các tác phẩm của anh thường được “săm soi” rất kỹ, nhiều khi chỉ vì một chút gợn lên nào đó, thậm chí có khi chẳng gợn lên chút nào cũng bị soi. Như năm 2000, khi tập “Ba Tri thời lửa đạn chưa xa” (công trình liên kết giữa huyện ủy Ba Tri và Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu) ra đời, truyện ngắn “Chiến tranh” của anh lại bị “soi” (tuy lần này có phần nhẹ nhàng hơn). Người ta soi đúng vào cái kết của truyện, là phần mà anh rất tâm đắc và với những người đọc như chúng tôi thì đó là phần giá trị nhất của truyện. Khi tôi hỏi anh về chuyện ấy, anh cười như chẳng có gì:
- Lại vẫn thế thôi.
Cũng lần ấy anh tâm sự với tôi về những truyện ngắn của mình. Những truyện mà có lúc người ta làm ồn ào lên một cách không đáng có, như “Chợ người”, “Gương không soi”, “Con chim chìa vôi, chiếc lồng bỏ trống và thằng ăn hại”, “Cửa khép”... : “Thực ra chúng đều xuất phát từ những chi tiết, tình tiết, những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống bình thường. Ví dụ, những năm đó tôi rất bức xúc về các mối quan hệ giữa thầy - trò, thầy giáo - phụ huynh... Tôi cảm thấy nhân phẩm người thầy giáo bị hạ thấp rất nhiều so với địa vị mà đáng ra họ phải được nhìn nhận. Lý do chính là hoàn cảnh kinh tế xã hội lúc bấy giờ. Một lần thay vợ đi chợ, gặp người bán hàng thối thừa tiền, tôi đem trả lại. Người bán hàng tỏ vẻ ngạc nhiên, bà bạn hàng bên cạnh cũng ồ lên: “Có vụ này nữa sao?...”. Họ coi đó như là chuyện lạ. Từ đó tôi liên hệ với thân phận người thầy giáo và dựng nên truyện ngắn “Chợ người”... Truyện “Gương không soi” lại là một sự tình cờ khác: Chiếc gương chung của cả gia đình đặt trong buồng phải treo ở vị trí khá thấp để cho mấy đứa con tôi (lúc đó còn nhỏ) cùng soi. Khi người lớn muốn soi vào thì phải hơi rùn người, rụt cổ đi một chút khiến cho hình ảnh trong gương bị biến dạng, trông khá buồn cười. Một lần tôi soi vào, cảm thấy khó chịu khi gương mặt mình trong gương bị biến dạng kỳ cục. Lại một sự tình cờ nữa là khi cầm cái nón (mũ) định đội lên đầu tôi bỗng thấy một bãi phân thằn lằn ngay trên đỉnh nón. Cái cảm giác khó chịu đó ám ảnh ray rứt tôi suốt ngày hôm ấy cho đến khi một tứ truyện bật ra... Tất cả chỉ có thế thôi...”.
Tất cả chỉ có thế thôi! Nhưng người ta không nghĩ thế. Ông này vơ vào, ông kia cũng vơ vào, nói Hàn Vĩnh Nguyên viết về họ, chế nhạo, mỉa mai họ. Tất nhiên không ông nào dám công khai nói thẳng ra điều đó. Sự việc cũng ồn ào lên một dạo rồi lại thôi. Theo tôi hai truyện ngắn mà anh lấy làm ví dụ nói trên chỉ thuộc loại trung bình của Hàn Vĩnh Nguyên. Thậm chí xét về mặt nghệ thuật (cũng theo ý của riêng tôi) hai truyện đó còn hơi yếu nữa là khác. Nói rằng những truyện ngắn của anh không có ẩn ý thì không đúng. Tác phẩm luôn là nơi gửi gắm tâm sự của nhà văn (nhưng tác phẩm có chuyển tải nổi những gửi gắm ấy không lại là chuyện khác). Ở đây, ẩn ý của anh không nhằm vào một cá nhân nào. Những điều anh muốn gửi gắm vào tác phẩm lớn hơn nhiều. Đó là sự cảnh báo một thực trạng băng hoại đạo đức của xã hội, nạn chạy chức chạy quyền, sự coi khinh tầng lớp trí thức của một thời... Người ta làm ồn lên một lúc nhưng không ai đứng ra công khai nhận mình là nhân vật của truyện nên rồi cũng thôi, yên cả. Có điều tôi cứ nghĩ mấy truyện ngắn đó mà người viết không phải là Hàn Vĩnh Nguyên thì chắc sẽ không có sự ồn lên...
. Có một dạo, hình như quá mệt mỏi về văn chương, anh có ý định làm “giàu”. Sau nhiều năm chắt chiu, vợ chồng anh mua được một ít đất, khắc nghiệt thay, gặp phải đất bạc màu… Anh quyết tâm cải tạo nó bằng cách đào lên, băm nhỏ lớp đất mặt rồi dùng hàng trăm xe tro trấu, mùn dừa trộn vào, san lấp lại. Độ bằng của khu vườn nhà anh dùng thước cân bằng của thợ hồ cũng không phát hiện ra độ chênh, nghĩa là bằng lắm, đẹp lắm. Nhưng có lẽ trời không cho anh làm “giàu”. Đất cải tạo đến mức như thế nhưng không hiểu sao trồng nhãn chỉ được một hai mùa đầu trái sai còn sau đó cây trở nên còi cọc, trái thưa thớt, thun nhỏ lại. Trồng bưởi da xanh (nhãn và bưởi da xanh là những loại trái cây thời thượng ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng lúc ấy) trái chỉ lớn hơn trái cam chút ít. Về sau anh phát hiện dòng kênh chảy qua miếng đất nhà mà anh dùng nước để tưới cây trái trong vườn, ngày càng trở nên ô nhiễm nặng nề bởi nước thải độc hại của một số cơ sở sản xuất đổ ra. Đó chính là nguyên nhân thất bại của anh, anh đã không lường trước được việc này. Bạn bè trêu anh: “Số ông không giàu được đâu. Đã trót làm văn nghệ thì theo văn nghệ cho rồi!...”. Anh cười hồn hậu: “Có lẽ thế thật!...” và...
Tôi thường nói vui với bạn bè, một đời viết văn của Hàn Vĩnh Nguyên, tôi chỉ chấm được câu: “... Tôi bây giờ cũng giống như con dao cùn. Chẳng chặt đứt được thứ gì, nhưng cũng chẳng thứ gì chặt cho tôi đứt nữa...”(Về Thới Thuận). Đó chỉ là cách nói quá lên của tôi để tán thưởng câu văn đã bộc lộ hết sự nhọc nhằn và mệt mỏi của cả thế hệ chúng tôi. Thực ra bài “Về Thới Thuận” của anh thấm đượm một thứ tình người nồng ấm sâu xa, sự xót đau cho số phận con người và niềm hi vọng một điều gì tốt đẹp đang dần tới...
Nhiều năm về trước anh đã tiết lộ với tôi (với tư cách là một người bạn thân) rằng anh sẽ viết một tập ký về những ngày tháng làm báo, những kỷ niệm chiến tranh của chính mình và sẽ lấy tên là “Rong chơi ngày cũ”. Vậy mà cho đến nay tôi mới thấy xuất hiện một vài trích đoạn, một vài bài, trong đó có bài “Ở rừng”(cũng là tên tập ký của anh in năm trước). Tôi nghĩ đó là một trong những bài ký hay nhất của anh đã viết. Anh kể về chiến tranh, chết chóc bằng một giọng văn bình tĩnh, hồn hậu lạ lùng. Thậm chí nhiều khi pha chút lạc quan, hài hước khiến những câu chuyện anh kể trở nên tươi sáng trong trẻo lạ thường... Những năm sau này mặc dù rất muốn nhưng tôi cũng không thể thúc giục anh hoàn thành tập ký (theo anh khoảng chín mười bài). Vì tôi biết những năm này anh đang theo đuổi một mục đích lớn hơn: lưu giữ những tư liệu lịch sử chiến tranh ở Bến Tre dưới hình thức văn học. Anh đã đứng ra chủ trì hoặc đồng chủ trì các công trình: “Ba Tri thời lửa đạn chưa xa”, “Tiểu Đoàn 516 anh hùng”, “Đội quân tóc dài cầm súng”(đã in) và sắp tới là “Quân y Giồng Trôm những năm tháng chiến tranh”. Những công trình ấy nếu xét về mặt văn chương, theo ý tôi thì chỉ có giá trị vừa phải (kể cả công trình của riêng anh “Chuyện xưa còn nhớ”- hai tập - đã hoàn thành tập một). Nhưng cái quý nhất trong những công trình ấy là những tư liệu lịch sử. Anh thật khắt khe đối với những bài viết mang tính chất lịch sử. Thói quen của một người đã làm biên tập 36 năm liên tục (cho đến khi về hưu) và sự trân trọng đối với sự thật lịch sử đã tạo nên ở anh sự nghiêm túc ấy. Nếu anh khắt khe với người là một thì anh khắt khe với chính mình là mười. Tự anh phải đi thẩm định lại tất cả các tư liệu mà các tác giả đã thu thập và sử dụng. Khi làm công trình riêng, anh không chỉ lắng nghe những ý kiến của các nhân chứng “bên mình” mà anh còn tìm gặp các nhân chứng là người của phía “bên kia” để đối chứng, so sánh và tìm ra sự thật lịch sử (sự quên nhớ, sự vô tình hay cố ý làm sai lạc lịch sử của các cá nhân là chuyện thường tình, nhất là khi chiến tranh đã lùi xa về phía sau cuộc sống thường nhật). Sự cẩn trọng này đã gây cho cuộc sống luôn túng hụt của gia đình anh thêm nhiều khó khăn (sự tốn kém về thời gian và tiền bạc cho những chuyến đi). Cả việc đối diện với những cái nhìn luôn coi thường, giễu cợt của một số cán bộ địa phương không cùng cách nghĩ như mình.
Có lần tôi hỏi anh:
- Ông nghĩ sao khi lao vào làm những công trình mà khó có thể nói nó đưa lại lợi ích vật chất cho cá nhân ông và cả chúng tôi nữa?
Hàn Vĩnh Nguyên đã trả lời tôi:
- Ông còn nhớ có lần ông hỏi tôi:” Ông nghĩ sao về chiến tranh?”. Và tôi đã nói với ông: “Tụi mình đều đã trải qua sự khủng khiếp của chiến tranh nên bây giờ đặt vấn đề như ông là thừa. Lúc này là lúc phải hỏi ta viết về chiến tranh như thế nào, có đủ tài mà viết về nó không? Đó mới là điều đáng quan tâm. Ngày xưa mình viết cho chiến công, chiến trận bây giờ mình phải viết về chiến tranh”. Đó là lý do thứ nhất. Vì nó mà tôi đã có nhưng truyện ngắn, những bài ký, theo tôi là khá tâm đắc như “Chiến tranh”, “ Thời gian thầm lặng”.... Lý do thứ hai là sau chiến tranh, tôi thấy có hai khuynh hướng: một là vơ vào, tất cả cho mình, cho quê mình, của mình,... Thứ nữa là phủ nhận những gì đã qua. Cả hai khuynh hướng này đều xuất hiện ở nhiều nơi. Đã có lần mình được đọc một hồi ký của một cá nhân, trong đó ông ta đưa những thành tích, công trạng của Bến Tre sang một địa phương khác. Mình không chịu như vậy. Cũng đã có vài bài báo phản bác chuyện ấy, nhưng theo mình là chưa đủ. Vì công trình của cá nhân ông ấy là hồi ký, một hình thức văn học nên mình nghĩ phải trả lời lại nó bằng hình thức văn học thì mới tương xứng và có giá trị. “Chuyện xưa còn nhớ” của mình được thực hiện với mục đích ấy...
Những kỷ niệm giữa tôi và Hàn Vĩnh Nguyên thì còn nhiều nhưng chỉ xin kể thêm ra đây một vài mẩu chuyện nho nhỏ nữa:
Ba mươi năm quen biết rồi chơi thân với nhau, duy nhất một lần tôi thấy anh nổi giận tới mức văng tục. Đối với mọi người hay ở những thằng nóng nảy như tôi thì văng tục (dù rất ít khi) có lẽ cũng không phải là điều gì quá lạ. Nhưng Hàn Vĩnh Nguyên thì khác, trong con mắt tôi (và có lẽ với phần đông những ai đã từng tiếp xúc với anh), anh nổi tiếng là điềm đạm chín chắn. Ở tất cả mọi lúc mọi nơi, anh thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói, kể cả những lúc đấu tranh gay gắt để bảo vệ mình hay bảo vệ bạn bè. Đó là mấy năm về trước, một cơn bão dữ quét qua miền Trung gây nên những tổn thất nặng nề về người và của. Khi tôi kể anh nghe những tin tức trên báo chí nói về việc có nhiều kẻ lợi dụng sự đau thương mất mát đó bằng cách dùng xe chở hàng cứu trợ để đi buôn lậu. Cũng có kẻ thẳng tay ăn bớt ăn xén số hàng cứu trợ mà cả nước đã gom góp lại trong tình nghĩa “lá lành đùm lá rách” cho đồng bào miền Trung. Thậm chí có nơi quyên góp được số nhiều hơn quy định đã tìm cách giữ lại phần dôi ra để chia chác cho dịa phương mình. Nghe xong, anh bỗng bật lên một câu:
- Đù mẹ nó!
Về sau tôi kể lại chuyện này cho Nguyễn Khoa Chiến (một người bạn chung của cả hai đứa) nghe, Chiến nói một câu theo tôi là rất chính xác:
- Mới nghe tưởng như mâu thuẫn nhưng xét kỹ lại thì nó không hề mâu thuẫn chút nào đối với tính cách của Hàn Vĩnh Nguyên đâu...
Chuyện nữa, cách đây không lâu, khi kể cho tôi nghe về một cháu bé gái bị ung thư máu ở trường Herman Gmeiner Bến Tre vừa được giải thưởng hội họa lớn về chủ đề “Thế giới của em”, anh đã khóc. Khóc cho tinh thần lạc quan kỳ lạ của một sinh linh chưa kịp Sống đã sắp phải mất đi. Tôi nghĩ nếu hôm đó có đông người thì chắc tôi đã không có may mắn được thấy những “giọt nước mắt đàn ông” hiếm hoi ở một người như anh...
Tôi đã thấy Hàn vĩnh Nguyên cười, Hàn Vĩnh Nguyên giận, Hàn Vĩnh Nguyên khóc. Nhưng dù cười, giận hay khóc thì cái quán xuyến trong con người (và cả trong các tác phẩm của anh) là nỗi đau. Đó là cái giá anh trả cho bản hiệp đồng máu của anh với Đảng khi giơ tay “thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng...” .

Không có nhận xét nào: