Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

NƯỚC VIỆT NÀY LÀ CỦA AI ?


Lê Phú Khải
Sẽ có người phẫn nộ muốn mắng ngay vào mặt kẻ viết bài này khi đặt một vấn đề như thế! Nhưng xin quý vị hãy bình tĩnh để cho tôi “được mở mồm” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để cho dân được mở mồm”).
Xin thưa: trong suốt chiều dài lịch sử, khi đất nước bị ngoại bang xâm lược, những kẻ cầm quyền đất nước đồng lòng với nhân dân đánh giặc giữ nước thì người Việt Nam là những thiên thần của lòng yêu nước. Lịch sử đã chứng minh điều này bằng những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… Nước Việt chúng ta ở ngay bên cạnh kẻ xâm lăng thường trực 4000 năm, còn được đến hôm nay là nhờ xương máu của những người yêu nước đó.
Nhưng khi giặc xâm lăng đã cút rồi thì với chủ thuyết Khổng giáo, nước là của vua, yêu nước là phải trung với vua (trung quân ái quốc) – dân ta cứ hồn nhiên nhiễm phải tà giáo này suốt chiều dài lịch sử. Tất nhiên vua chúa thì minh quân rất hiếm, đa số là hôn quân bạo chúa, có ông vua là thằng bé con mồm còn hơi sữa, mẹ nó buông mành nhiếp chính đằng sau, làm bao điều hại nước hại dân, thế thì nhân dân đâu có thể yêu cái nước của vua ấy được. Nhân dân phải đi tìm một con đường yêu nước kiểu khác cho mình. Kẻ sĩ có liêm sỉ thì đi ở ẩn! Còn dân thì “quan có cần nhưng dân không vội, quan có vội quan lội quan sang!”.
Nhà nước với nhân dân hiện thân trong câu ca dao như thế nên nước yếu! Nước yếu thì giặc ngoại xâm lại tới! “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”! Đó là lỗi tại vua chúa, vì chức năng của đàn bà là sinh con đẻ cái, không phải để đánh giặc! Giặc đã đến nhà rồi thì còn gì nữa, nó đốt phá giết chóc, cướp bóc tha hồ! Nếu nước mạnh thì phải đánh giặc khi nó mới lấp ló ở biên cương kia!
Đọc những câu ngạn ngữ như thế, chúng ta thấy thương người phụ nữ Việt Nam quá! Thấy đau cho dân tộc Việt Nam quá! Thấy bà mẹ Việt Nam trong lịch sử ngàn đời của đất nước vĩ đại quá, vừa làm lụng, vừa nuôi con và đánh giặc. Còn có phụ nữ nào trên trái đất này gian truân như các bà mẹ Việt Nam .
Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một vị tướng ở Hà Nội đã nói với người viết bài này rằng: Không phải chỉ có Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… là anh hùng, mà tất cả các chiến sĩ Điện Biên Phủ đều là anh hùng, vì họ đã xung trận mà không tiếc xương máu!
Nhưng sau trận đánh “không tiếc xương máu” đó, là đấu tranh giai cấp, là cải cách ruộng đất, là cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, là đấu tố Nhân văn Giai phẩm… từ đó đất nước là của Đảng, của Chủ nghĩa Xã hội. Cái CNXH phải xếp hàng cả ngày ấy, bắt nhân dân “Yêu nước là yêu CNXH” thì nhân dân lảng tránh!
Ngày xưa vua chúa dạy dân “Trung quân ái quốc”. Vua ở trên nước. Nay khẩu hiệu của Cụ Hồ: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân” người ta đổi là: “Trung với Đảng, hiếu với dân”, thì dân hiểu ngay nước bây giờ là của Đảng! Cơ quan công an còn trưng khẩu hiệu “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” thì sự trắng trợn đã lên đến tột đỉnh! Đảng đã thành vua, dân là đầy tớ cho Đảng! Đất nước lại suy vi! Sau năm 1975, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi! Đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Công cuộc đổi mới, mở cửa để Đảng tự cứu lấy mình đó, mở đầu bằng cải cách kinh tế. Đất nước như người bệnh được hồi sức. Nhưng kinh tế thị trường định hướng XHCN đã dẫn đất nước đến tình trạng tiền maphia. Đất nước không còn là của nhân dân nữa. Đất nước bây giờ là của các nhóm lợi ích, của Tập đoàn Than và Khoáng sản để dẫn người Tàu vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, của Tập đoàn Vinashin ném hàng núi tiền của dân xuống biển, của dự án đường sắt cao tốc toan bắt dân khoác lấy cả một hàng núi nợ nần… Trong lúc các bệnh viện hai, ba cháu thiếu nhi phải nằm một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất mà ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khoa tay, lớn tiếng trên diễn đàn Quốc hội rằng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc” thì nhân dân biết rõ, đất nước này không phải là của mình nữa rồi. Vì thế, mạnh ai người ấy sống, mọi chính sách của Nhà nước họ bỏ ngoài tai. Vì thế người người trốn thuế, nhà nhà trốn thuế. Đến nỗi nhà xã hội học Nguyễn Trần Bạt phải đau xót thốt lên rằng, trốn thuế là “sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam!”. Ở các nước văn minh, trốn thuế là một tội rất lớn, cầm chắc ra tòa và ngồi tù. Ở nước ta, lần đầu tiên có một người phải ra tòa vì tội trốn thuế là anh Điếu Cày! Khi xử anh, công an gác bốn bề, khiến nhiều người rất ngạc nhiên! Vì tội chính của anh là “tội” biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa! Vì tội chính của anh là “tội” yêu nước Việt Nam của mình! Lịch sử Việt Nam bây giờ lại có “tội danh yêu nước”!
Năm 2001, tôi có hỏi một thanh niên Pháp ở Paris rằng, vì sao một năm nay anh không về quê thăm bố mẹ? Anh ta trả lời rất tự tin: Tôi mải làm ăn, và tôi đóng thuế rất đầy đủ cho Chính phủ, như thế là tôi có hiếu với cha mẹ tôi, tôi đã làm đầy đủ bổn phận của một người con!
Ở các nước dân chủ, người ta biết rằng, tiền thuế của mình đóng cho nhà nước thì quỹ phúc lợi xã hội sẽ chăm sóc người già yếu bệnh tật, chăm sóc cho chính gia đình, cho bố mẹ họ, nên họ không trốn thuế. Ở các nước đó, đóng thuế là biểu hiện rõ rệt nhất của lòng yêu nước.
Vậy dân ta trốn thuế thì phải nghĩ thế nào đây? Ai làm nên nông nỗi này với một dân tộc đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ mở đường cho các dân tộc nô lệ vùng lên, chấm dứt một thời đại các dân tộc nhược tiểu còn bị nô dịch ở cuối thế kỷ XX. Đau xót quá! Chính vì biết rõ đất nước không phải của mình nên nhân dân lao động lầm lũi đi tìm con đường sống cho mình ở khắp nơi, kể cả đi lấy chồng, đi làm ô-sin ở ngoại quốc. Chỉ vì biết đất nước không phải của mình nên một số người tìm cách luồn lách, tìm một chỗ yên thân, thậm chí đi định cư ở nước ngoài. Nhưng khi “mất nước trong lòng”, khi nền “độc lập chẳng còn ý nghĩa gì” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì!”) thì hạnh phúc của người Việt Nam không bao giờ trọn vẹn, nếu không muốn nói là bi kịch truyền kiếp! Tôi có một anh bạn, có con định cư và nhập quốc tịch nước sở tại. Anh tâm sự với tôi: “Con tôi làm công cho một công ty nước ngoài, phải nhập quốc tịch nước đó để đi lại khắp nơi cho dễ, thế thôi. Chứ nó buồn lắm, và rất muốn về làm ăn tại quê nhà. Tôi cũng mong nó về lắm, và tôi chắc thế nào nó cũng đưa vợ con về nước.” Tôi có một ông bạn vong niên rất thân là nhà báo lão thành Trần Minh Tân ở báo Nhân dân. Ông quê ở Hải Dương, đậu Tú tài toàn phần trước 1945. Ông chỉ có một thằng con trai định cư ở Úc. Vì thế ông đã quyết định dọn cả bàn thờ tổ tiên sang Úc. Rồi vợ ông cũng sang Úc đoàn tụ, ông quyết chết ở bên đó. Nhưng rồi ông lại về nước sống một mình tại Hà Nội. Tôi đến thăm ông, tự tay ông lọ mọ nấu ăn. Lúc ngồi vào mâm cơm dọn ở đầu hè, ông vừa so đũa vừa kể: “Tao đã định chết ở bên đó. Nhưng một hôm tao đang ngồi trong vườn biệt thự của thằng con, bỗng dưng một đàn bồ câu ở đâu sà xuống sân kiếm ăn. Nhìn đàn chim kiếm ăn trong sân tao nhớ nhà quá, nhớ nước quá, thế là đành bỏ vợ con lại, về nước.” Hớp một hớp rượu, rồi mắt ông bỗng rưng rưng, tay vỗ xuống chiếu than với tôi: “Mình không phải là Cụ Hồ mà cũng yêu nước, nên mới khổ thế này!”. Tôi chưa bao giờ thấy ai than thân trách phận một cách xót xa mà lại humour đến thế! Cụ Hồ mà nghe được câu than này, chắc Cụ cũng ngậm cười nơi chín suối!
Ít lâu sau ông lại vô TP HCM thăm cô con gái đầu lòng, rồi đến chào từ biệt vợ chồng tôi để lại sang Úc với thằng con trai. Ông nói: “Vĩnh biệt vợ chồng cậu, mình đành gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người vậy thôi!”. Nói rồi ông già rưng rưng nước mắt.
Bẵng đi một thời gian tôi không có tin tức gì về ông. Tháng Tư vừa rồi, tôi đang ngủ gật trong phòng đợi tại sân bay Nội Bài để về TP HCM, bỗng có một bàn tay vỗ nhẹ vào bụng tôi. Mở mắt ra thì là anh Tạ Quang Ngọc, con trai cụ Tạ Quang Đạm ở báo Nhân dân. Cụ Đạm xưa kia là bạn thân với bác Minh Tân, cũng là bạn vong niên với tôi. Anh Ngọc kéo tôi vào phòng VIP uống trà rồi nói: “Đã biết tin ông Minh Tân mất chưa?”. Tôi sửng sốt: “Mất ở bên Úc à?!”. Anh Ngọc kể: Lúc lâm chung, cụ Tân nhất định đòi về chết tại Việt Nam. Cụ bảo con trai: “Ở bên này chúng nó đều nói tiếng Anh, tao chết xuống âm phủ không ai nói tiếng Việt với tao cả, buồn lắm, cho tao về quê chết, để còn được trò chuyện với bạn bè!”. Thằng con thương bố nên đã đem cụ về Việt Nam để chết! Nghe đến đây tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trong lịch sử nước nhà. Lê Chiêu Thống là một tên vua bán nước, theo quân xâm lược chạy về bên Tàu. Nhưng trước lúc chết còn dặn gia nhân rằng, khi nào có điều kiện thì bốc hài cốt của ông về đất Việt. Riêng chi tiết này, người đời sau có thể ngậm ngùi cho ông vua lỡ bước!
Thì ra lòng yêu nước của thần dân nước Việt chúng ta nó nhiều cung bậc, nhiều gam màu đến như thế. Nó sâu thẳm vô bờ! Đất nước ta hiện nay lại đang đứng trước nạn ngoại xâm biển đảo, nạn thâm nhập đất liền, mà nhân dân lại thấy đất nước càng ngày càng không phải là của mình thì hiểm nguy cho dân tộc khôn lường!
Chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước, nhân dân hiểu đất nước là của mình, tiền đóng thuế của dân không phải để rót vào con thuyền không bến Vinashin, không phải để làm đường sắt cao tốc cho ông Nguyễn Sinh Hùng và phe nhóm ông, không phải để mở rộng Thủ đô một cách vô lý và láo xược… thì nhân dân và nhà cầm quyền mới thành một khối, lòng yêu nước của nhân dân sẽ thăng hoa trở lại và không một kẻ thù nào có thể “đến nhà” chúng ta được. Người Việt chỉ biết có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của Cụ Hồ năm 1945. Cái XHCN làm cho dân xa nước, nước không phải của dân, nước của một chủ nghĩa đã bị nhân loại ruồng bỏ, ném vào sọt rác lịch sử thì bỏ hẳn nó đi, đừng gắn nó vào hai chữ Việt Nam thiêng liêng của dân tộc nữa, chỉ làm cho nhân dân thêm đau buồn và phẫn nộ, chỉ làm cho thế giới người ta cười cho. Đến nước Tàu cũng đâu có gắn XHCN vào tên nước. Nước người ta là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kia mà! Hồn thiêng sông núi bốn nghìn năm sẽ phù hộ cho dân tộc ta trên mỗi bước đường để vượt qua cơn hiểm nghèo này. Việt Nam dân chủ sẽ tồn tại và hùng cường! Tôi tin là tuyệt đại đa số nhân dân và đảng viên cộng sản Việt Nam đều khát vọng như thế. Đó là điều nhiều đêm tôi không ngủ để suy nghĩ về đất nước tươi đẹp và đau khổ của mình./.
TP HCM 9/2010
L.P.K.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

NGHỀ TAY TRÁI CỦA TÔI

Người xưa có câu: “Nhân sinh thập sự bất nghư ý cửu”. diều đó thật đúng. Tuy nhiên, đối với riêng tôi, có một sự trong chin sự bất như ý vào lúc đó thì đến bây giờ tôi lại thấy không biết có đúng là bất như ý hay không. Đó là việc tôi không bước hẳn vào con đường văn chương mà lại đi làm một thầy giáo dạy sinh học. Nỗi đam mê thời trẻ bây giờ trở thành một thú chơi, một thứ nghề tay trái.

… Tôi có ý định viết vào cuối những năm 60 (lúc đó tôi bước vào đầu tuổi hai mươi) khi đang học năm cuối phổ thông trung học. Nguyên nhân thì cũng giản đơn thôi: Đọc một số truyện ngắn và thơ trên tuần báo văn nghệ và sách báo phát hành ở miến Bắc lúc đó, tôi cho rằng nó quá tệ (?!). “Viết dở thế này thì mình cũng viết được. Không! Mình có thể viết hơn nhiều!”. Tôi nghĩ thế và cầm bút viết truyện ngắn đầu tiên vào năm một chin bảy mươi (1970), lúc dang học năm thứ nhất đại học nông nghiệp.

Tôi còn nhớ mang máng cốt truyện hình như nói về một người thương binh yêu cô giáo dạy cấp ba của minh và củng là người yêu cũ của người thủ trưởng đã hy sinh của chính anh ta… Ở trên tôi có nói đến việc tôi có ý định viết vào lúc tuổi chớm hai mươi. Sở dĩ tôi nói điều đó là để mong mọi người cảm thong cho tuổi trẻ dầy tham vọng và cũng không kém phần ngông cuồng, ảo tưởng. Lúc đó tôi chưa hiểu được rằng đánh giá và phê phán công việc của người khác với việc tự mình làm lấy những công việc đó là hai điều hoàn toàn khác nhau. Cầm bút nhưng tôi chưa có gì hết: chưa có một chút vốn sống thực tế nào, chưa biết chút gì về lý luận sang tác… Tôi chỉ có một mớ kiến thức hổ lốn về văn học của một cậu học trò trung học (dù là học trò giỏi), sống ở một xó rừng heo hút trong những ngày chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ. Vì thế tôi cứ viết rồi xé, xé rồi viết không biết bao nhiêu lần để cuối cùng thì giơ tay đầu hàng. Tôi đã tưởng mình đủ sức đoạn tuyệt với văn chương từ sau thất bại đó. Tôi không hiểu rằng tôi đã có được bài học đầu tiên về việc cầm bút: Muốn viết được không phãi chỉ có ước muốn và sự chủ quan khinh thị.

Tuy nhiên, với nghề văn hình như tôi không có duyên. Hết năm thứ nhất đại học tôi đi bộ đội. Suốt những năm ở quân đôi tôi cũng không viết được gì. Từ quân đội về, Cố xin vào tổng hợp văn không được, rồi vào sư phạm văn cũng không được nốt. Người ta nói tôi vốn ở đại học nông nghiệp, quen với cái cày, cây lúa thì về khoa sinh (đại học sư phạm) là hợp lý hơn. Tôi còn nhớ lúc đó tôi giận lắm, nhưng người ta nói không phải là không có lý, dù là cái lý của người ta (cái người ta đòi hỏi để chứng minh cho sự yêu thích hay khả năng về văn chương của tôi là những bài viết thì tôi lại không có. Đành chịu chớ sao bây giờ, thôi không văn học thì sinh học vậy. Bốn năm ở trường đại học tôi củng chẳng viết được chữ nào.

Không có duyên nhưng lại có nợ: Những rối rắm, những căng thẳng của xã hội vào những năm đầu sau chiến tranh cũng như những phức tạp của cuộc sống trong nhà trường tôi đang giảng dạy bức xúc tôi quá. Thế là một lần nữa tôi có ý định cầm bút trở lại và lần này thí có đỡ hơn.

Truyện ngắn đầu tiên tôi gửi cho “Văn nghệ Bến Tre” là “Thầy trò” (ngoài hai truyện có tính chất dọ dẫm gửi cho “Phụ nữ Gài Gòn là “Hẻm phố” và “Loan”) không ngờ lại đụng ngay với những nhà tư tưởng thời bao cấp. Chẳng là truyện ngắn của tôi kể về một trưởng phỏng giáo dục đi học cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên do sức khỏe, do tuổi tác anh học kém. Người học trò cũ của anh bây giờ đã là cô giáo dạy cao đẳng đấu tranh tư tưởng xem nên cho thầy mình đủ điểm trung bình hay nên đánh rớt để thấy thi lại… Những người có quyền bắt bẻ nói rằng tại sao lại xây dựng một trưởng phòng kém cỏi trong học tâp như vậy? Có dụng ý gì không?... Hàn Vĩnh Nguyên lúc đó là biên tập văn của tờ báo đã phải vất vả nhiều về truyện ngắn này. Riêng tôi lúc đó, tôi còn nhớ, vừa tức giân vừa mừng. Giận thì rõ rồi, còn mừng là tôi đã khẳng định được một điều: tôi có thể viết và viết đúng.

Tôi viết không nhiều và rất chậm. kể từ truyện ngắn đầu tay đến nay tôi mới viết được vài chục truyện ngắn vả một số bài ký nhỏ. Đối với một người (dù là người viết nghiẹp dư) thế là quá ít. Nhưng biết làm sao được, khả năng tôi chỉ có thế. Tuy nhiên có một điều an ủi là hầu hết các truyện, bài tôi viết ra đều đứng được trên mặt báo. Những truyện, bài đó có lúc tôi đánh giá được cái hay cái dở của nó ngay, cũng có lúc phải nhờ thẩm định qua bạ bè. Chỉ có một điều tôi chắc chắn là tất cả những truện đó được viết ra vào lúc tôi băn khoăn trăn trở trước cuộc sống nhiều nhất, kể cả nỗi đau và niềm vui. Hay nói như cách nói của ngề tay phải của tôi thì chúng được viết ra trong hoàn cảnh có vấn đề. Nghề dạy học ngoài những cái hay khác còn có thêm cái hay nữa mà ít nghề nào có được: Mỗi lúc anh suy nghĩ chiêm nghiệm ra một điều gì đó về cuôc đời, cuộc sống thì anh có ngay những thính giả để cho anh phát ngôn những ý tưởng đó. Đừng xem nhẹ nó, nó có tác dụng giải tỏa những stress của con người ta lớn lắm, Tuy nhiên đối với người viết thì điều đó lại có mặt trái khác: Những ẩn ức, những dồn ép lên tâm lý con người khi đã được giải tỏa ra ngôn ngữ nói thì những bức thiết, những nhu cầu trình bày thành ngôn ngữ hình tượng văn học lại bị giảm đi. Lại nữa, thường thì tôi viết rất khổ. Để có được một truyện ngắn tôi cứ phải dàn dựng mãi trong đầu cho tới khi thật chín thật nhuyễn mới viết ra được. Có thể đó là nhửng nguyên nhân quan trọng khiến tôi viết chậm viết ít. Tuy nhiên nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ vẫn là do khả năng của tôi có hạn. Quá nửa cuộc đời, tự biết về mình, tôi chẳng có ảo tưởng hay tham vọng gì lớn, bởi tôi đã biết rằng tôi chỉ có thế, chỉ đến thế. Vì thế tôi rất tâm đắc với nhà văn Trang Thế Hy khi ông nói: “ Với trữ lượng văn chương ít ỏi của mình tôi chỉ có thể đem ra chợ văn bán những thành phẩm nho nhỏ có tên là truyện ngắn”. tôi không có ý định so sánh mình với “ cụ Trang” (như nhóm bạn thân chúng tôi vẫn gọi đùa thân mật với nhau sau lưng nhà văn) mà thật sư nó có ý nghĩa khi tuổi đời của tôi đã qua ngưỡng “tri thiên mệnh” từ lâu lắm rồi.

*

* *

Nhiều khi tôi thầm cảm ơn nghề dạy học của tôi thật nhiều, dù là dạy sinh học (nghĩa là chẳng liên quan gì đền chuyện văn chương cả). Lý do để tôi cò thể cảm ơn thì rất nhiều nhưng cụ thể nhất và gần gũi nhất là những đồng tiền bát gạo mà nó làm ra để phục vụ cho nghề tay trái hay nói đúng hơn cho thú chơi, cho cái nợ văn chương của tôi. Bởi thới bây giờ trừ những nhà văn kiệt xuất và những cây bút ba xu ra thì văn chương chẳng nuôi nổi người cầm bút. Nếu không có nghề dạy học thì tôi đã phải “quỵt nợ” hoặc đã phải bán mình rồi. Cũng đã có lúc tôi muốn chuyển qua một nghề khác có lẽ là gần gũi với văn chương nhất để mong dùng tay trái đỡ đần ít nhiều cho tay phải: làm báo. Tuy nhiên khi đọc những bài viết của tôi, mấy thằng bạn chuyên làm báo cười lắc đầu: “Mày viết văn chẳng ra văn báo chẳng ra báo, mà viết cả tuần mới được mươi dòng thí làm báo sao được!”. Thế là thôi giã biệt ý định làm báo. Thay phải khốn khổ vẫn phải nuôi tay trái còm cõi như xưa.

Hơn hai mươi năm đi dạy, đến bây giờ tôi cảm thấy mắc nợ quá nhiều với nghề, với nghĩa tình anh em bè bạn đồng nghiệp trong trường cũng như cả với những nỗi đau mà người ta bắt tôi phải chịu đưng trong suốt hơn hai chục năm qua. Khi tinh vi xảo quyệt, lúc tho bạo tàn nhẫn nhưng nó phản ánh trung thực những biến động phức tạp của xã hội bên ngoài. Nỗi đau của tôi lớn đến nỗi nhiều khi tôi nghĩ viẹc tôi đang làm là gieo nghiệp ác, vì khốn khổ thay những điều tôi đang rao giảng tuy đúng với đạo lý ngàn đời nhưng cũng là công cụ của cái ác dùng để che đậy chính bản thân nó. Món nợ của tôi không phải đến hôm nay tôi mới có ý định trả, Tuy nhiên không hiểu sao đã nhiều lần cầm bút lên nhưng mãi đến hôm nay tôi vẫn chưa lám được. Ở trên tôi có nói “tự biết về mình tôi không có tham vọng gì lớn”. Đúng là không có tham vọng lớn, nhưng nhỏ thì vẫn có (có ai lại cả đời không có chút tham vọng nào). Đó là mong ước viết được cuốn tiểu thuyết duy nhất của đời mình để trả món nợ tinh thần này. Tôi cũng đã chuẩn bị được ít nhiều cho cuốn tiểu thuyết: “Ở một góc đời bị bỏ quên” náy: cốt chuyện, đề cương, tính cách một số nhân vật chính… Và cái quan trọng nhất là chất liệu, là vốn sống cho nó tôi cunmg4 đã gom được kha khá. Tuy nhiên cho đến lúc này, phần do áo cơm, phần nữa có thể do mặc cảm về khả năng của mình hay có thể còn đo một điều gì đó khác nữa nên tôi chư viết được bao nhiêu. Nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nó (dù trả nợ hay đòi nợ cũng cần làm ngay). Vả lại đây có thể đây cũng là dịp tay trái trả nợ áo cơm (theo đúng nghĩa đen của nó) cho tay phải nữa cơ mà. Nhưng… Ô! khó lắm thay…

Trong dân gian hầu như bất cứ bà mẹ nào cũng thuộc câu hát ru:

“Con mèo đập bể nối rang

Con chó chạy lại mà mang lấy đòn”

Riêng với mẹ tôi thì câu hát có hơi khác, nó gồm bốn câu:

“Con mèo đập bể nồi rang

Con chó chạy lại mà mang lấy dùi

Con chó là con chó đui

Đập phải một dùi nó sáng mắt ra”.

Rất lâu về sau tôi mới hiểu được mấy câu ca dao đó. Văn chương có lẽ cũng là chuyên ách giũa đàng quang vào cổ và khi đã mang ách vào cổ rồi thì mới thúc ngộ được nhiều điều cần thiết như con chó trong mấy câu hát ru của mẹ tôi chăng?