Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

NHỮNG HẠT SẠN

Mấy hôm trước ngồi ở quán cà phê, tình cờ nghe được mẩu đối thoại:

- Ông đã bao giờ được xem một đám rước rồng mà thấy đuôi mà không thấy đầu bao giờ chưa?

- Ông nói đùa!

- không đùa tý nào đâu! Ông có xem cuộc diễu hành nhân kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long không?

- Có, mà sao?

- Thì đó! Đám rước một nghìn năm Thăng Long mà chỉ thấy ảnh Bác Hồ mà không thấy tranh vẽ hay tượng của Lý Thái Tổ…

Còn nhờ cảm giác của mình lúc đó là khó chịu, mình nghĩ: “Vẽ chuyện…”. Nghĩ là nhĩ vậy, nhưng không hiểu sao mẩu đối thoại kia vẫn cứ ám ảnh mình mãi, làm mình cứ phải nghĩ về nó. Mà càng nghĩ càng thấy câu nói: “Đám rước rồng chỉ thấy đuôi không thấy đầu…” không phải là không có lý của nó. Bởi vì lấy hình ảnh một ngìn năm tượng trưng cho chiều dài một con rồng thì triều Lý (mà công đầu là Lý Thái Tổ) phải là cái đầu ròng mà thời đại ngày nay là cái đuôi rồng.. Cuộc diễu hành chỉ có duy nhất ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo cho người xem cảm giác chúng ta chỉ biết đến hiện tại mà không biết đến cha ông (mặc dù trước đó đã có làm lễ đốt lửa trước tượng đà vua Lý).

Thực ra thì không phải chỉ có thế, còn có những hình ảnh khác trong cuộc diễu hành có làm phát sinh phản cảm đối với nhân dân và bè bạn như việc đặt hình Hồ chủ tịch lên mặt trống đồng hay việc dùng máy bay trực thăng rước cờ diễu hành thì đảng kỳ đi trước rồi mới đến quốc kỳ. Tại sao không dùng một xe riêng để đặt hình Chủ tịch Hồ Chí Minh mà lại đặt trên mặt trống đồng. Ai cũng biết trống đồng là biểu trung của hồn thiêng dân tộc mà không ai có thể ngự lên trên đó cả. Hay tại sao không để máy bay rước quốc kỳ đi trước, máy bay rước đảng ký đi sau (chí ít cũng là song hành). Việc cờ đảng đi trước tạo ra cho người xem cảm giác người tổ chức đã đặt đảng lên trước tổ quốc. đó là điều mà chắc chắn số đông quần chúng nhân dân sẽ không đồng tình…

Ba thiếu sót kể trên của lễ hội ngàn năm Thăng Long Hà Nội nói lớn thì không lớn nhưng nói nhỏ thì cũng không nhỏ đâu. Vì nó sẽ tạo nên phản cảm cho mọi người, dù là trực tiếp dữ lễ hay qua hình ảnh trên tivi, mà phản ứng biểu hiện của người đàn ông ở quán cà phê hôm nọ chỉ là một…

Mình chỉ băn khoăn một điều: không hiểu ai là tổng đạo diễn của toàn bộ chương trình lễ hội mà đã để cho những thiếu sót không đáng có ấy xảy ra. Nó như những hạt sạn lớn trong một chén cơm, dù là đang đói bụng nhưng người ăn sẽ mất đi phần lớn cảm giác được hưởng thụ.

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

ĐÊM HOA LỬA

Ba giờ chiều ngày hai mươi tám tết.

Ruột Thắng Lợi nóng như lửa đốt: Đây đã là ngày trinh sát cuối cùng, các anh ấy đang đợi ở nhà. Nếu cô và Thanh Hùng bị bắt hôm nay thì có thể cả một kế hoạch lớn bị gãy đổ. Mà cho dẫu kế hoạch chung vẫn tiến hành thì mũi do cô phụ trách sẽ mất người dẫn đường, vì bản thân cô là người đã trực tiếp phụ trách trinh sát khu vực tấn công của mũi này trong suốt gần tháng qua…

Từ đầu tháng mười một âm lịch, qua các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, mấy tay “quân sư quạt mo” trong các đơn vị nam đã xì xầm: “Cuối năm nay chắc đánh lớn đây”, thậm chí có tay còn cả gan tuyên bố: “Có thể năm nay sẽ giải quyết chiến trường miền Nam luôn…”. Đầu tháng Chạp, ban chỉ huy C710 (Bộ đội Thu Hà) được phổ biến sơ bộ chiến dịch Mậu Thân. Sau đó vài ngày, Thắng Lợi được gọi lên ban tham mưu Tỉnh đội, ở đây cô được gặp các anh Ba Đào, Tư Nguyễn, Mười Phục… Sau khi tham mưu báo cáo tình hình nhiệm vụ chiến dịch, ông Ba Đào trực tiếp giao nhiệm vụ cho cô:

- Nhiệm vụ của em trận này là sẽ dẫn một mũi do Tiểu đoàn ba đảm nhận đánh vào hậu cứ Trung đoàn mười thuộc Sư đoàn bảy ngụy. Vì thế công việc của em trong những ngày tới là trực tiếp trinh sát, vẽ cho được bản đồ khu hậu cứ và con đường mà đơn vị sẽ hành quân tiến đánh…

Sau những ngày trong vai một cô gái quê tần tảo với một gánh hàng bông, lang thang khắp cả khu vực từ cầu Bà Mụ lên tới hồ Trúc Giang qua sân vận động đến chợ Lạc Hồng để ghi nhớ mọi đường ngang ngõ tắt, cô đã vẽ xong bản đồ đường hành quân của đơn vị. Về báo cáo tình hình xong, cô xin ý kiến cấp trên cho tiếp cận khu hậu cứ… Giao liên công khai đưa Thắng lợi đến một cơ sở ở nội thị là nhà chị Châu gần bên hậu cứ. Chị Châu tiếp đãi cô rất thân tình. Chiều hôm đó chị Châu vào hậu cứ gọi người em cũng là cơ sở nội tuyến của ta là thiếu tá Chí về. Sau khi nghe Thắng Lợi trình bày kế hoạch, thiếu tá Chí vui vẻ nhận lời ngay. Đưa Thăng Lợi vào hậu cứ, Chí giới thiệu:

- Đây là nhỏ Phụng, em bạn gì tao ở Bình Khánh. Mấy lâu nay nhỏ bệnh quá, bà gì phải đưa nhỏ lên thị xã để chữa bệnh, nhân tiện tao đưa nhỏ vào đây chơi bồi dưỡng cho nhỏ ít ngày.

Với vai vế là em thiếu tá Chí, lại thêm thời kỳ này Thắng Lợi bị bệnh thương hàn vừa khỏi, người xanh lét vì thiếu máu (tuy vậy cô vẫn giữ được những nét đẹp tự nhiên của tuổi thanh xuân) nên không có bất cứ sự nghi ngờ từ phía địch. Những ngày ở trong hậu cứ, công việc của Thắng Lợi không gặp khó khăn gì lớn. Cô em gái thiếu tá Chí có thể tha thẩn khắp nơi, quan sát và ghi nhớ mọi ngóc ngách, đường đi nước bước khu hậu cứ. Cô làm quen với tụi lính, cười đùa vui vẻ với chúng và thu lượm từ chúng những tin tức cần thiết cho công việc của cô. Bọn lính đối với cô rất tử tế, đến nỗi có lúc cô hơi lấy làm lạ là tại sao tụi lính ở khu hậu cứ này lại khác xa những tên lính mà cô thường thấy mỗi khi chúng đi càn. Tụi này xem ra thật hiền lành thậm chí có thể nói là đàng hoàng nữa. Về sau thì cô hiểu ra: phần vì cô là em gái thiếu tá chớ bộ giỡn sao, phần nữa vì ở trong hậu cứ muốn tác oai tác quái với người khác cũng khó có điều kiện. Riêng mấy thằng thiếu úy, trung úy thì săn đón cô ra mặt. Có đứa còn nửa đùa nửa thật nói với thiếu tá Chí:

- Nếu được làm em rể thiếu tá thì vinh hạnh quá!...

Có điều lạ mấy đứa nhỏ trong khu gia binh cũng đều rất mến cô, có lẽ bởi tính cô vui vẻ xởi lởi, hay bồng ẵm chúng. Kể cả hai đứa con của thiếu tá Huệ (chỉ huy trưởng khu hậu cứ) cứ thấy cô là đòi ẵm đi chơi, có khi còn đòi đưa ra ngoài mua bánh kẹo. Đó cũng là những lợi thế lớn cho cô trong công việc.

Được một tuần, thấy công việc đã ổn cô nói với thiếu tá Chí để về. Lúc cô về thiếu tá Chí có làm cơm để tiễn “cô em gái” đàng hoàng…

Vậy mà bây giờ cô và Thanh Hùng lại phải ngồi ở đây, rõ thật là “chết sông chết biển không chết, lại chết ở vũng trâu đằm”. Sáng nay cô và Thanh Hùng được lệnh đi kiểm tra địa bàn lần cuối. Chừng hơn chín giờ công việc đã xong, cả hai dạo ra chợ bông đầu nhà lồng mua ít bánh trái đồ Tết cho có vẻ đi chợ về rồi vòng ra đằng sau nhà đèn đĩnh theo lối đó ra bến xe lam mà về Phước Thạnh. Bất ngờ tới ngã ba nhà đèn. Một chiếc Hon đa “sáu bảy” vọt từ trong hẻm ra tông vào Thanh Hùng. Cũng may người chạy xe máy đã kịp lạng tay lái đi một chút nên Thanh Hùng chỉ bị quẹt, xây xát thâm tím cả mặt mày và trẹo mắt cá chân. Phần đã tức vì bỗng dưng Thanh Hùng bị thương, lại thêm người thanh niên chạy xe ngang ngược đổ lỗi cho hai cô và lớn tiếng, Thắng Lợi cự lại thẳng tay (còn Thanh Hùng thì đang ngồi ôm chân nhăn nhó ở vệ đường), thế là cảnh sát giao thông đến. Tụi nó đưa hai cô và người thanh niên về bót cảnh sát (gần trung tâm điều tra của ty cảnh sát Kiền Hòa).

Điều lo lắng của Thắng Lợi lúc này là đáng lẽ sau khi xử xong vụ tai nạn giao thông (tụi nó buộc người đi xe máy phải bồi thương cho Thanh Hùng hai trăm tiền thuốc) hai cô đã được cho về ngay nhưng không hiểu chúng nghi ngờ điều gì mà giữ cả hai cô lại từ trưa tới giờ… Tụi nó đã nghi ngờ hay đây chỉ là sự gắt gao bình thương của những ngày áp tết? Từ lúc ấy tới giờ chúng đã nhiều lần hỏi vặn hai cô: Nhà ở đâu? Tên gì? Làm nghề gì? Làm gì vào thị xã?... Cả hai đứa đều trả lời: Là hai chị em ruột, nhà ở Phước Thạnh, trước ở trong ấp một nay vì sợ bom pháo nên đã làm nhà ra ngoài đồng. Cha chết, gần Tết phụ mẹ đi bán bánh còng kiếm thêm tiền, nhân thể ra chợ sắm đồ Tết… Hỏi tới hỏi lui chán tụi nó bỏ đi, để hai cô ngồi với nhau trong bót, tới trưa bụng đói meo phải lấy mấy cái bánh mua ở chợ ra ăn với nhau.

Mải suy nghĩ, Thắng lợi chợt giật mình vì có tiếng người hỏi lớn:

- Ủa chị Hai, sao chị lại ở đây, mà cả cô Tư nữa nè, hai chị em làm sao vào đây vậy?

- Thắng Lợi ngước nhìn thì thấy một tên cảnh sát lạ hoắc mặt mũi còn non choẹt, chừng hai mốt hai hai tuổi đang nhìn các cô với vẻ tươi cười. Cô hơi ngỡ ngàng chua kịp nói gì thì người cảnh sát đã nói tiếp:

- Em là Năm Tùng, em anh Ba Ngọc nè chị không nhớ sao?

“Không biết có phải là người của cơ sở không, nhưng thôi cũng đành liều…”. Đang nghĩ vậy, nhưng Thắng Lợi chưa kịp trả lời thì bỗng thấy Thanh Hùng đạp nhẹ dưới chân cô và nhanh nhảu:

- Ủa, anh Tùng hả? Anh đi cảnh sát từ bao giờ vậy, trông lạ hoắc à!..

Vừa kịp Thắng Lợi nhìn thấy một góc chiếc “mùi soa” trắng viền sọc tím thò ra trên túi áo ngực của anh ta. “… Trong trường hợp khó khăn, nếu gặp người nào nói trúng con số mười bốn và trên túi áo ngực có chiếc “mùi soa” trắng viền tím là người của cơ sở…”- Thắng Lợi chợt nhớ lời anh Ba Đào. “Nhỏ Thanh Hùng tinh mắt thật!”, cô nghĩ vậy và tiếp lời Thanh Hùng:

- Chị và con Tư đi bán bánh còng, tiện sắm Tết luôn, không may bị hon đa đụng nhằm, con Tư bị trẹo chân. Vụ xử xong rồi không hiểu sao mấy ổng không cho bọn chị về?...

Lúc này tên trung sĩ xếp bót đang ngồi trước mặt hai cô từ nãy tới giờ hỏi người cảnh sát:

- Hai cô này là người quen của mày à?

- Thưa xếp, hai cô này trước là hàng xóm nhà em, sau chuyển ra ngoài đồng vì sợ bom pháo. Chị hai Phụng đây còn là bạn của anh Ba em.

- Có thiệt không mầy?

- Dạ! Em đâu dám nói dối xếp. Nhà chị Hai và cô Tư đây có nghề làm bánh còng ngon nổi tiếng ở Phước Thạnh…

- Đ… mẹ! Mày tía lia à, từ sáng tới giờ mày đi đâu mà không thấy trong bót?

- Em đi công vụ dưới chốt cầu Cá Lóc mà, xếp không nhớ sao?

Thằng xếp bót hỏi hơi gằn giọng:

- Mày dám bảo lãnh cho hai cô này không?

- Dám mà, thưa xếp! Không gặp thì thôi chứ gặp trường hợp này mà em không bảo lãnh cho các cô, mai mốt về Phước thạnh người ta chửi chết…

Thằng xếp quay sang nói với hai chị em Thắng Lợi:

- Đã có thằng Tùng bảo lãnh tôi cho hai cô về!

… Lúc này mắt cá chân của Thanh Hùng đã sưng vù, cảnh sát Tùng phải cùng Thắng Lợi dìu cô ra ngoài rồi mướn xe lôi…

Gần tám giờ tối hai chị em mới về đến Phước Thạnh

*

* *

Phước Thạnh 6 giờ chiều ngày mồng hai Tết.

Không khí Tết vẫn còn rất đậm, đây đó tiếng pháo “tạch đùng, tạch đùng” vẫn vang lên khắp thôn ấp. Bàn thờ mỗi gia đình vẫn nghi ngút khói hương. Lẽ ra, theo lệ thường vào giờ này các nhà đã xúm xít đoàn tụ cùng nhau bên mâm cơm ngày Tết, những đám nhậu lai rai đang vào lúc vui vẻ rôm rả nhất… Nhưng hôm nay ở đây không khí lại nhộn nhịp cách khác: những chú bé cứ níu chân mấy chú bộ đội đòi đi theo, những bà mẹ vừa móm mém nhai trầu vừa vuốt ve những đứa con bộ đội sắp sửa ra đi, những cô gái mắt rân rấn nước cạnh những anh bộ đội mà những ngày ở lại nơi đây đã trở nên thân thiết với các cô, những anh lính trẻ đang nhận từ tay những người mẹ, người chị người em mình những món quà Tết nho nhỏ…

Hoàng Thọ nói với thắng lợi lúc này đang đứng tựa gốc dừa nhìn vào chỗ anh nuôi phát khẩu phần ăn đêm nay:

- Em vào lãnh phần bánh đi!...

- Em đã nhờ con Thanh Hùng lãnh giùm rồi.

Thắng Lợi nói dối, lúc này đừng nói gì tới chuyện ăn uống, cả đến chuyện nhấc tay động chân cô cũng còn không muốn: cô thấy mệt bã người, căn bệnh thương hàn từ mấy tháng trước tưởng đã dứt hẳn nay chừng như muốn trở lại. Chiều nay cô lại thấy ngây ngấy sốt, nếu là bình thườn chắc cô đã gục hẳn, nhưng nghĩ tới nhiệm vụ quan trọng đêm nay nên cô vẫn ráng gượng…

Bóng đêm đã nhập nhòa. Có tiếng hô bộ đội tập hợp. Những giọt nước mắt, những cái bắt tay thật chặt, những lời nhắn gửi cuối cùng… Rồi thì kẻ ở người đi chia thành hai khối: bộ đội với bòng bột, vải dù ngụy trang, súng ống… đứng thành hang ngũ chỉnh tề, những người đi tiễn lố nhố lao xao… Rồi bộ đội lên đường…

Thắng Lợi đi đầu hàng quân, cơn sốt hình như đã dứt nhưng cô vẫn còn mệt lắm, dầu vậy cô vẫn cố tỏ ra vững vàng. Có lẽ sự gắng gượng của cô không qua được mắt của chính trị viên Hai Thành, anh bước lại gần sát bên cô và hỏi nhỏ:

- Mệt lắm không em?

Lần này thì Thắng Lợi nói thật:

Dạ mệt, nhưng em còn gắng được.

- Ừ! Phải gắng nghe em, lúc này mà thiếu em là lỡ hết đó!

- Dạ, anh yên tâm đi.

Gần chín giờ đêm, bộ đội ra đến giữa đồng Hữu Định (phía trước là Phú Hưng) thì có lệnh dừng lại nghỉ. Rồi có lệnh cán bộ từ trung đội trở lên tập trung họp nhanh với Ban chỉ huy tiểu đoàn. Đến lúc này các cán bộ đại đội, trung đội mới chính thức được biết hướng xuất kích và nhiệm vụ của đơn vị họ trong đêm nay.

Vượt lộ đá đỏ ( nay là đường Nguyễn Thị Định) ngay sát ngã ba lộ Thầy Cai, đoàn người cứ lặng lẽ đi, chỉ có tiếng bước chân của họ vang lên khe khẽ trong đêm vắng. Gió chướng đêm đầu tháng giêng làm không khí trở nên se lạnh. Thắng lợi chợt rùng mình, hình như cơn sốt muốn trở lạ… “Mình không thể gục xuống lúc này được…” cô nghĩ bụng và gắng cắm cúi bước đi… Đến đoạn cầu Bà Mụ, bộ đội phải vượt qua phần ngọn của rạch Cá Lóc khá rộng. Một con đò lớn (có lẽ đã được cơ sở chuẩn bị từ trước) đang làm vật nối giữa hai mố của cây cầu đã bị ta đánh sập từ dạo nào. Chiếc đò không đủ dài, còn để lại một khoảng gần hai mét… Bộ đội được lệnh nhảy qua. Tiểu đội trinh sát đi trước, cả tiểu đội qua gọn nhưng Thắng lợ vẫn ngập ngừng không dám nhảy. khoảng cách này lúc bình thường nếu ráng sức cô vẫn có thể nhảy qua không khó khăn lắm, nhưng lúc này thì khác… Những chiến sĩ phía sau vẫn lần lượt vượt qua cô và nhảy sang bờ bên kia một cách gọn ghẽ. Một bóng người nữa lướt qua và một tiếng quát khẽ:

- Nhảy đi, còn chần chờ gì nữa…

Thắng lợi giật mình, nhưng cô chưa kịp phản ứng thì một bàn tay ai đã đẩy mạnh vào lưng cô và hô:

- Nhảy!...

“Ùm”! Do không được chuẩn bị trước, cái đẩy đã làm Thắng Lợi rơi tòm xuống nước, cũng may khoảng cách ngắn nên chỉ một sải tay là cô đã tới bờ. Ngay lúc ấy có mấy bàn tay cùng đưa ra cho cô nắm lấy. Không kịp nhìn, cũng không kịp cảm ơn người đã kéo mình lên, Thắng Lợi vội vàng chạy lúp xúp lên phía trước. Sát mé lộ nhựa, tiểu đội trinh sát đang khựng lại vì thấy thiếu Thắng Lợi. Cô tới vừa kịp nghe tiểu đội trưởng kêu lên:

- Chị Năm đâu, chị Năm đâu?

- Tôi đây!- Thắng lợi trả lời.

Nhìn cả người ướt sũng của cô, tiểu đội trưởng hỏi:

- Chị bị làm sao vậy, té xuống nước à?...

Thắng Lợi đáp:

- Không có gì đâu, bây giờ phải nhanh lên kẻo không kịp giờ G…

Và cô nhanh nhẹn bước lên đầu, cả đơn vị lại đi tiếp. Được một đỗi, Thắng lợi dẫn cả đoàn quân tạt vào một ngõ hẻm. Đoạn đường này những ngày trước Thắng Lợi đã trinh sát rất kỹ: từ con hẻm đang đi, vượt qua ba con đường ngang rồi tạt sang mé trái sẽ dẫn đến một con hẻm khác là ranh giới giữa một bên là sân vận động (cũng là bãi pháo của địch), một bên là nhà in Võ Văn Vân. Ra khỏi con đường chạy hơi chéo khoảng hơn năm mươi mét là đến hậu cứ Trung đoàn mười… hai bên hàng phố vẫn lặng lẽ, mọi người như vẫn đang chìm vào giấc ngủ dịu dàng của đêm xuân. Có lẽ không một ai trong số họ có thể ngờ rằng, chỉ chốc nữa đây thôi một điều kinh thiên động địa sẽ xảy ra trên đất này: giải phóng thị xã… Dưới chân Thắng Lợi, xác pháo ngày Tết vẫn còn vương vãi khắp nơi, những làn gió nhẹ thổi qua làm chúng lăn lăn tạo nên những âm thanh xào xạc trong đêm và vấn vít theo từng bước chân cô…

…Giờ G…

Cả đơn vị đã kịp áp sát mục tiêu. Thị xã Bến Tre bỗng bùng lên thành một đêm hoa lửa khổng lồ bởi ánh sáng của những làn đạn: đại bác, cối, DK75 của quân ta. Rồi pháo địch. Rồi đạn súng máy súng trường của cả hai bên…

Lúc này, theo kế hoạch, Thắng Lợi đã đưa được đại bộ phận các chiến sĩ ta tiến sát đến hậu cứ Trung đoàn mười, chỉ còn cách mặt lộ và một bức tường mà phía trên dày đặc dây kẽm gai. Công việc thứ nhất coi như đã hoàn thành. Cô quay người chạy với ý định là phải nhanh chóng đưa tiếp mũi thứ hai đánh chiếm đài phát thanh Kiến Hòa, nếu chiếm được ta sẽ lên đài kêu gọi binh sĩ địch đầu hàng. Được như vậy sẽ bớt đổ rất nhiều máu. Đang chạy Thắng Lợi chợt nghe đau nhói ở đầu gối như có ai vừa cầm chiếc búa lớn mà đập mạnh vào đó làm cô ngã lăn ra đường. Cô cố chống tay ngồi dậy nhưng không được, thì ra một làn đạn bất ngờ từ trong hậu cứ bắn ra cày nát mặt đường, một cục đá văng lên đã đập vào đầu gối cô, làm cô bị thương… Có ai đó bồng xốc Thắng Lợi lên. Người đó đặt cô vào phía trong hành lang một ngôi nhà rồi chạy vọt đi mà không kịp nói gì, có lẽ để theo kịp mũi của mình…. “Vậy là kế hoạch đánh chiếm đài phát thanh đã không thực hiện được!...”, Thắng Lợi nghĩ bụng. Lúc này cô cảm thấy cơ thể mệt rã rời. Người bèo nhèo. Cơn sốt vẫn hành hạ cô cộng thêm vào đó là sự nhức nhối của vết thương nơi đầu gối và sự vất vả của gần suốt đêm… cô chìm vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh… Không biết đã mấy phút trôi qua. Chợt cô nghe có tiếng người lay gọi:

- Chị Năm, chị Năm! Chị tỉnh lại đi.

Thắng lợ mở mắt, nhận ra người tiểu đội trưởng trinh sát của đơn vị, cô định ngồi dây nhưng bị anh ấn nằm xuống:

- Chị cứ nằm yên đi, cho tui hỏi: thằng trung tá Huệ vừa bị bắt đã trốn thoát, anh em nhận định nó chưa ra khỏi hậu cứ, vậy theo chị nó có thể ẩn nấp ở đâu?

Hình ảnh toàn bộ khu hậu cứ lướt nhanh qua đầu Thắng Lợi: những dãy nhà lính, nhà kho, khu giải trí, nhà ở sĩ quan… đằng sau nhà trung tá Huệ có một kho chứa đồ phế liệu… có thể nó ở đó chăng?... Cô đáp liền.

Người tiểu đội trưởng trinh sát vừa nghe xong đã vọt nhanh đi, Thắng Lợi lại chìm vào trạng thái cũ…

Khi tỉnh lại Thắng lợi thấy mình đang ở dưới một :trảng xê” lộ thiên, ngay mé ngoài hành lang của một nhà dân đối diện với cổng khu hậu cứ. Trời đã rạng sáng, cô nhận ra Năm Vân (y tá đơn vị) đang băng bó vết thương nơi đầu gối cho mình. Thấy Thắng Lợ mở mắt, Năm Vân nói:

- Cô cố gắng chút đi, bị nứt xương bánh ché, đau lắm nhưng phải băng bó lại ngay, kẻo không sau này dễ thành tật…

Thắng Lợi hỏi:

- Trận đánh thế nào anh?

- Về cơ bản ta đã giải quyết xong, trung tá Huệ đã bị bắt lại rồi…

Tiếng súng trong hậu cứ có phần dịu đi nhưng trên khắp toàn bộ thị xã cuộc ciến hình như đang vào hồi quyết liệt.

- Xong rồi, cô cứ nằm yên ở đây nhé!

Thắng Lợi gượng ngồi dậy. Một ánh chớp lóe lên trên đầu họ, và cô không còn biết gì nữa…