Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

CHIẾC ĐỘC BÌNH CỔ

Truyện ngắn


Trời rất nóng, bệnh viện lại mất điện. Tôi vừa lặng lẽ ngồi quạt cho ba tôi vừa ngắm nhìn ông đang thiêm thiếp trên giường bệnh. Chỉ mới vài hôm thôi mà trông ba tôi thật tiều tụy: không còn đâu cái tráng kiện của một lão nông suốt một đời gắn bó với đất, cũng không còn đâu cái ánh mắt sắc lạnh, dữ dội, thậm chí còn là cay nghiệt nữa. (Mấy đứa tôi thường nói vụng sau lưng ông: “Trông mắt cha “ác, ác” sao đó…”). Bây giờ ông nằm dó, ngay đơ trên chiếc giường sắt hẹp của bệnh viện, hai tay chắp lại để trên bụng, cặp mắt trở nên đục lờ,ø nửa khép nửa mở, trông ông không khác gì người đã chết. Chỉ khi thật chú ý thấy nơi bụng ông một hơi thở mỏng tang, người ta mới nghĩ là ông còn sống. Tuy vậy, cái miệng méo dệch và hai mi mắt tưởng như cứng đờ của ông thỉnh thoảng lại giật giật lên từng hồi khiến trông ông càng thê thảm…
Cha tôi bị đột quỵ bất ngờ khi thằng Thọ (con anh hai tôi) làm vỡ chiếc độc bình cổ, đồ vật quý giá nhất của gia đình. Nhưng một chiếc độc bình (dù là đồ cổ đi nữa) thì cũng chỉ là một chiếc độc bình. Tôi không nghĩ rằng cha tôi lại coi trọng nó đến thế.

* *
*

Nhà tôi vốn dòng dõi một vò quan cao cấp của triều đình nhà Nguyễn, Ông tổ năm đời của tôi đã đóng đến chức lãnh binh dướí triều vua Minh Mạng. Nhưng không hiểu sao các đời sau cứ xuống dần, xuống dần, không còn giữ được nghiêïp nhà nữa và đến đời cha tôi thì đã sa sút quá: Ngoài mấy gian nhà tường xây từ thời ông nội tôi, (bây giờ đã trở nên xập xệ lắm),thì đồ vật quý giá nhất trong nhà chỉ còn có chiếc độc bình mà thằng Thọ vừa đánh vỡ mà thôi. Chiếc độc bình này, nghe cha tôi nói lại là có từ thời ông lãnh binh lận. Mỗi lúc vui chuyện cha tôi hay kể lại chuyện vì sao nhà tôi có được chiếc bình quý giá này. Ông kể đi kể lại nhiều lần, đến nỗi nghe riết rồi tụi tôi đứa nào cũng thuộc nằm lòng: “Năm Minh Mạng thứ sáu, ông sơ tụi bây, tên huý là Phạm Tấn Ba (nên tục gọi là ông lãnh Ba), được lệnh nhà vua đem quân đi dẹp bọn “mọi” nổi loạn trên xứ Thượng . Trận ấy ông lãnh dùng kỳ binh, cho quân đóng giả quân mọi tứ nơi khác đến tiếp ứng, gọi mở cưả căn cứ. Quân phiến loạn không nghi ngờ, mở cửa. Quân ông lãnh bất ngờ, từ ngoài đánh ập vào nhờ vậy quân ta toàn thắng. Theo lời các cụ đời trước kể lại thì trận ấy quân ông lãnh đã chém đến mấy trăm cái đầu của bọn “mọi”, máu chảy thành suối… Trong số đồ vật thu được của bọn loạn, có chiếc độc bình quý này (nghe đâu nó có từ thời nhà Hán bên Tàu lận). Để tưởng thưởng công trận của ông lãnh, đích thân nhà vua đã trao cho ông bức đại tự với bốn chữ “NHẤT TÂM BÁO QUỐC” và chiếc độc bình đó (tất nhiên là cùng với nhiều vàng lụa khác). Từ dó tấm biển và chiếc độc bình được truyền từ đời này sang đời khác trong nhà ta với lời dặn của ông lãnh: “Những vật này là niềm vinh hạnh to lớn cho nhà ta, bằng giá nào cũng phải giữ gìn lấy nó và chỉ được truyền cho con trưởng…”. Bức đại tự thì nghe ông nội bây nói lại trong những năm tao loạn thời đó (khi ổng còn nhỏ lắm) , có lần gia đình phải chạy giặc. Chỉ mang theo được chiếc độc bình, còn tấm biển phải bỏ lại. Khi hồi cư trở về thì đã thấy nó bể nát,lăn lóc mỗi nơi mỗi mảnh cùng với nhiều đồ vật khác (có lẽ là do quân loạn đập phá)…”.
Chiếc độc bình khá lớn và tuyệt đẹp (ngay cả đối với những người không có chút kiến thức nào về đồ cổ như chúng tôi):nó cao chừng bảy tấc, chỗ lớn nhất chừng hai tấc, hai tấc rưỡi, màu men ngọc lam mịn màng tới mức nuột nà,nhìn thật mát mắt. Trên thành bình có vẽ cảnh sinh hoạt của bảy lão nhân trong một rừng trúc (theo lời ba tôi nói thì nó được vẽ theo tích “Trúc lâm thất hiền” của Tàu), nét vẽ sắc sảo bay bướm vô cùng. Nhưng theo lời anh hai tôi nói thì cái quý nhất của chiếc độc bình lại ở chỗ khác: nếu đổ nước vào chừng hai phần ba bình và nhìn vào trong ta sẽ thấy trên thành bình xuất hiện một vầng trăng khuyết đang tỏa sáng trên nền trời đêm cùng với vài vẩn mây xa xa, xa hơn nữa là mấy ngôi sao mờ ảo như có như không trong ánh sáng màu nguyệt bạch…đổ nước ra thì trăng sao hết mà mây cũng chẳng còn.
Còn nhớ khi nghe anh hai tôi nói vậy, tôi rất ngạc nhiên:
-Thật có sự lạ vậy sao anh hai.
Anh hai tôi tần ngần:
-Ừ! Ngày trước, thỉnh thoảng khi có khách quý, cha thường đổ nước vào binh và để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Người nào xem cũng nức nở thán phục. Nhưng không hiểu sao từ mười mấy hai chục năm trở lại đây ổng không còn cho ai xem nữa,có lẽ ông sợ không may sa sấy chăng?(?!).
Cái độc bình quý thật , vì chính mắt anh em tôi thấy đã có người đến nhà trả giá nó tới ba mươi cây vàng mà cha tôi vẫn không bán. Nên biết ba mươi cây vàng hồi ấy là một số tiền vô cùng lớn đối với bất cứ ai, có thể nói nó là cả một gia tài. Riêng với gia đình chúng tôi thì càng không phải nói yới nữa vì lúc này nhà tôi đang ở vào một thời kỳ cưc kỳ khó khăn về kinh tế. Cả nhà (trừ ba tôi) từ anh hai tôi đã gần sáu mươi tuổi đến đứa cháu nội của ảnh chưa tròn hai tuổi đều phải ăn mọi thứ mà nhà có thể kiếm được: bo bo, chuối xanh, đu đủ xanh… thậm chí cả củ chuối nữa. Những đứa nhỏ nhất thì được “ưu tiên” nhường cho những hạt bo bo hầm nhừ, còn lại thì đều như nhau cả…Với số tiền ba mươi cây vàng ấy, chắc chắn nhà tôi có thể đổi đời được, vậy mà ông kiên quyết tứ chối. Tôi cồn nhớ hôm người khách đến, lúc đầu chỉ xin xem và khen cái bình đẹp mà thôi. Có lẽ cha tôi cho rằng ông khách là người biết của nên đã gọi mấy đứa cháu đem nước đến đến đổ vào cho ông khách có thể chiêm ngưỡng được chỗ quý nhất của cái bình là khung cành bên trong thành bình. Từ lâu rồi mấy đứa nhỏ lớp sau tụi tôi đứa nào cũng háo hức được xem cái khung cảnh nghe nói là tuyệt đẹp đó nên ùa xúm lại. (Giữa lúc lộn xộn, tôi vô tình thoáng thấy trên môi ông khách một cái gì đó như là một nụ cười, mà nếu đó đúng là một nụ cười thì thật khó khó hiểu bởi nó nửa như chế giễu nửa như khinh bạc, mà giữa lúc này có điều gì để ổng cười như thế đâu. Nhưng nó qua nhanh đến nỗi không ai nhận ra, trừ tôi, mà ngay cả tôi thì cũng không hoàn toàn chắc chắn điều đo)ù. Cha tôi bỗng quát: “Tụi bây đi ra hết đi! Lơ mơ làm đổ bể thì bây chết…”. Tụi tôi đành phải lui ra nhưng đứa nào cũng hậm hực. “ Cha làm như tụi mình là con nít cả vậy!...”, thằng sáu Khoa làu bàu vậy.Tôi lại thoáng thấy…lần này thì tôi dám đoan chắc cái trên miệng ông khách chính là một nụ cười, dầu nó hiện ra và mất nhanh cũng không kém gì lần trước. Vẫn nụ cười nửa như chế giễu, mỉa mai, nửa như dè bỉu chê trách thật khó hiểu vô cùng. (cho mãi tới khi ba tôi mất, tôi mới mường tượng ra lý do của nụ cười ấy nhưng cũng hoàn toàn không dám chắc…).Hình như rất thích thú với chiếc bình cổ nên sau khi xem xong ông khách tỏ ý muốn mua…Tụi tôi đứa nào cũng trợn tròn con mắt khi nghe ông khách đặt giá ba chục cây vàng, nhất là thằng Khoa,mắt nó trợn lên, miệng há hốc như người á khẩu vậy…Thực lòng đứa nào cũng mong ông bán đi đễ gia đình đỡ khổ.Nhưng rồi đứa náo đứa ấy giật mình xanh mặt vì khi nghe ông khách nói: “Tôi trả giả ấy là cực cao rồi cụ ạ! Không ai có thể trả hơn giá dó được đâu. Vảø lại nhà cụ đang khó khăn qua, bán đi…”, thìù ba tôi bỗng nói như thét lên: “Nhà tôi nghèo thì kệ tôi mắc mớ gì tới ông. Mà tôi có ý định bán nó đâu mà ông trả tới trả lui. Cái độc bình là của gia bảo nhà này, nó còn nhà này còn, nó mất xem như nhà này cũng mất…”.
Trước sự quyết liệt của ba tôi, người khách đành lặng lẽ rút lui…
Ấy vậy mà có lần một chuyện động trời đã xảy ra: Sau khi người khách hỏi mua về chừng vài tháng, một hôm cái độc bình tư dưng biến mất.Phải biết là ba tôi giận chừng nào, ông tra hỏi đánh đập từng đứa từ con đến cháu rất tàn nhẫn. Đến anh hai tôi đã làm ông của hai đứa cháu còn bị cha tôi đánh hai cái tát nữa là. Nhà cửa cứ sôi lẽn sùng sục đến tưởng như không thể chịu được nữa…Cách chừng vài hôm, không biết ai đã mách với ba tôi là thằng sáu Khoa đã lấy trộm, nó tính đem bán cho người khách lần trước đã hỏi mua…Cha tôi liền gọi sáu Khoa đến, nó vừa tới ông liền cắm phập con dao găm lên bàn (con dao găm cũng là một trong vài vật hiếm hoi được truyền từ các đời trước còn lại trong gia đình tôi), gằn giọng:
- Mày muốn sống thì dưa cái độc bình về trả tao, nếu không tao sẽ giết mày, giết mày xong tao cũng tự tử...
Thằng sáu Khoa vội vàng đưa cái bình ra (nó lấy rồi tính đưa lên thành phố nhưng chưa có dịp nên đem dấu trong một căn hầm cá nhân bỏ hoang từ hồi giải phóng), nhưng nó khóc với ba tôi:
- Ba ơi, nhà mình khổ quá rồi mà ba! Cái bình dù là của gia bảo thật nhưng nó cũng phài giúp ích được gì cho con cháu lúc khốn khó này chứ!...
Ba tôi gầm lên:
-Câm miệng!Tụi bây đứa nào cũng luôn miệng than khổ, than sở. Nhưng muốn sung sướng thì phải làm, phải lăn lưng ra mà làm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt thì mới có ăn chứ không phải bán cha ông đi để sung sướng - …Mà nhà ta trông lên thì chẳng bằng ai chứ nhìn xuống thì cũng đâu đến nỗi nào…
Ấy là cha tôi nói thế thôi chứ tôi thì tôi biết rằng với tất cả công khó nhọc nhằn mà chúng tôi đã bỏ ra, chúng tôi xứng đáng được hưởng nhiều hơn cái mà chứng tôi đang có lắm. Mà nữa, có lẽ ba tôi không biết (hay cố tình không biết) chứ cảnh nhà tôi đang khốn khó vô cùng. Ngoài cái vỏ là mấy gian nhà xây ra, trong nhà có còn gì nữa đâu, từ cái tủ thờ đến bộ bàn ghế “giữa” bị mối mọt đục ruỗng cả mà không thể sắm lại cái mới, thậm chí không thể sửa chữa lại cho dễ coi vì không có tiền. Chỗ ăn chỗ nằm của mỗi cặp vợ chồng con cái chúng tôi càng tệ hại, phải nói là thê thảm: những chiếc giường gỗ dừa đã ọp oẹp mục nát,vài tấm chiếu cũ, một mớ bùng nhùng kêu là mền cũng được mà kêu là tấm dẻ cũng không sai…còn ăn uống thì thôi khỏi nói…Mà ngay cả mấy gian này nhà xây từ đời ông nội tôi cũng đã nứt nẻ, đổ nát lung tung và không ai biết nó sập xuống lúc nào…Vì vậy dù rất thương cha nhưng tôi thật không hiểu vì sao cha tôi lại cố giữ cái độc bình đến thế?

* *
*

Bây giờ thì ba tôi là một người hết sức độc đoán và gia trưởng. Nhưng nói cho ngay, thời trẻ ba tôi chính là người đã đứng mũi chịu sào, ghánh vác mọi công việc nặng nhọc của gia đình. Là một người tháo vát,ông đã làm đủ mọi nghề để lèo lái cái gia đình lớn này: từ làm ruộng, buôn theo ghe đến mở nhà máy chà lúa, dựng lò nấu đường… Nhờ vậy cũng có lúc nhà tôi được tiếng là có của ăn của để trong làng. Nhưng rồi không hiểu sao những điều không may cứ liên tục xảy đến với nhà tôi: nuôi bò thì bò tự nhiên lăn ra chết một lúc hai con, làm che thì che đang chạy ngon lành bỗng gãy ngang “láp”, trồng mía thì mía cứ ngẳng ra như cây sậy rồi trổ bông, trồng lúa thì sâu rầy phá hại mất trắng… Rồi mẹ tôi bị bệnh hiểm nghèo,chữa chạy tốn kém rất nhiều mà cũng không cứu được bà. Nhà tôi ngày càng khó khăn, rồi cùng với vòng xoáy chung của kinh tế đất nước thời kỳ ấy mà xuống hẳn không sao ngóc đầu lên được nữa, những gì đã làm ra thời trước cứ đội áo ra đi dần dần… Nói là không hiểu vì sao, nhưng về sau thì tôi nghiệm ra sự đi xuống của gia đình tôi một phần là do thiếu may mắn, phần nữa là do thời cuộc chung, nhưng phần lớn là do ba tôi đã gìà, cách suy nghĩ và làm việc của ông lại rất bảo thủ, chỉ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm mà không hề chú ý gì đến những tiến bộ của cuộc sống. Tụi tôi dù đã lớn nhưng cũng không hề được dự bàn vào công việc của gia đình,tất cả mọi sự đều ở nơi tay ba tôi…Có điều lạ là vào lúc nhà còn ăn nên làm ra, ba tôi tuy là người nhiêm khắc nhưng rất công bình dễ chịu. Ấy vậy mà,không hiểu sao từ ngày kinh tế gia đình đi xuống, ông càng ngày càng trở nên khắc nghiệt ghê gớm. Nhà đông người, ruộng đất ít, đáng lẽ có thẽ cho con cháu đi làm thuê làm mướn để phụ thêm thì ba tôi nhất định không cho, ông nói:
-Bây đi làm mướn để bêu xấu cha ông bây à? Nhà ta từ đời nào tới giờ không có ai đi làm mướn cho người khác bao giờ, thời nào mình cũng làm chủ lấy mình không hà!
Ông cũng không cho con cháu tham gia bất cứ công việc gì ngoài xã hội. Tôi còn nhớ có lần thằng cháu út con anh hai tôi học lớp năm trưồng làng về khoe với ông nội là mới được kết nạp vào đội thiếu niên tiền phong. Đang hý hửng vì tưởng sẽ được khen, nó không ngờ lại nghe ông nội quát:
-Đội đội, đòan đoàn gì ! Làm mửa mật ra chưa có ăn còn lo chuyện bao đồng không đâu !
Thằng nhỏ sững người ngạc nhiên rồi oà khóc, chạy đi. về sau nó cứ tức tưởi mãi: “ Không lẽ vào đội là sai hay sao mà ông nội la con...”.
Nhất là từ khi mẹ tôi mất di thì ba tôi càng trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết vì khi còn sống, mẹ tôi như một vật đệm giữa người cha và những đứa con và dù cay nghiệt hình như ông cũng còn chút nể nang bà. Việc ông bắt dọn cho mình một mâm riêng cũng mới có từ ngày mẹ tôi mất. Ở trong nhà ăn gì thì ăn nhưng mâm cơm của ba tôi bao giờ cũng phải có cơm trắng, thức ăn không cầu kỳ gì lắm (mà có muốn cũng không thể cầu kỳ được) nhưng phải có chút cá chút thịt và vài ly rượu. Bữa nào mâm cơm không được như ý là ông lại bỏ ăn, đi kiếm bạn nhậu. Nhậu xỉn về là ông chửi bới lung tung, nào là:… tụi bây là những đứa vong ơn bội nghĩa, không còn nhớ gì đến cha ông…; nào là…tụi nó bây giờ chỉ nghĩ đến đồng tiền, đâu còn nhớ gì đến nhân nhĩa ớ đời…v…v… Ông chửi tuốt, từ con trai, con gái đến con dâu, con rể, cả cháu chắt ông cũng không từ…
Có điều giá như khi mỗi đứa chúng tôi lấy vợ lấy chồng mà được ở riêng ra, đứa nào lo đứa ấy thì chắc cũng không đến nỗi nào, nhưng ba tôi lại không cho. Mấy anh em tôi trừ chị ba và con năm là con gái đi lấy chồng xa thì không nói làm gì, còn lại mấy đứa con trai tụi tôi dù đã có vợ có con vẫn phải dồn túm với nhau trong một khu đất chung.đành rằng mỗi cặp vợ chồng đều có một gian riêng (trừ anh hai tôi được ở trong nhà lớn làm từ đường còn tụi tôi mỗi được một căn nhỏ trong một dãy chung dài như kiểu khu tập thể vậy), nhưng đông gia đình mỗi người một ý tránh sao khỏi cảnh bằng mặt mà không bằng lòng, rồi tỵ nạnh, so đo… nhưng ba tôi lại rất tự hào về điều đó:
Nhà ta có truyền thống đùm bọc lẫn nhau, càng nghèo càng tương thân tương ái khó có một gia đình nào được như thế…
…Nhữngnăm sau này, nhờ sự đổi mới, kinh tế của đất nước phát triển, gia đình tôi cũng khá dần lên theo (tuy vẫn còn nghèo lắm). Ba tôi rất phấn khởi, ông càng trân quý chiếc bình cổ hơn bao giờ hết. Mỗi lần đưa nó ra lau chùi, ông đèu nói với chúng tôi, giọng răn dạy:
-Tao đã nói với tụi bây nhiều rồi, bây thử nghiệm coi có đúng không? Về đời sống thì “sông có khúc, người có lúc, hết cơn cực bĩ đến hồi thới lai” mà. Nhưng là của gia bảo thì không dễ gì có được. Đồ gia bảo mà như chiếc độc bình của nhà ta đây thì càng quý hiếm…
Nhưng đó chỉ là đối với ba tôi thôi, còn với tụi tôi thì nó cũng chỉ là một cái độc bình như bao cái độc bình khác mà thôi. Ngày thường thì để cắm những bao nhang chưa thắp, lễ tết thì chưng bông chưng hoa. Có hơn chăng nữa là thỉnh thoảng có người khách lạ đến nhà, xem tới xem lui cái bình rồi khen một câu: “Nhà ta có cái bình cổ quý quá!”, thế là ba tôi thích chí mà không hề chú ý rằng người ta khen thật lòng hay chỉ đưa đẩy, xã giao. Ông bắt con cháu làm cơm đãi khách rồi cùng nhậu với nhau đến kỳ xỉn mới thôi. Vừa nhậu ông vừa kể cho khách nghe về lịch sử chiếc bình, bất kểlà khách có muốn nghe hay không. Nhiều lắm khách cũng chỉ có thể đưa đẩy vài câu khách sáo còn thì ba tôi độc diễn hết…
(Nói của đáng tội, nếu không có vụ người khách trả nó tới ba mươi cây vàng trong khi cả nhà sáp chết đói mà ba tôi vẫn không bán thì có lẽ chúng tôi cũng không đến nỗi ác cảm với nó đến thế…).
Rồi tới vụ thằng Thọ làm bể chiếc bình và ba tôi lâm bệnh.
Sáng hôm ấy là rằm tháng chạp.Sau khi đã sai mấy đứa cháu khác đi lảy lá mai, ba tôi gọi thăng Thọ (con thứ tư anh hai tôi, là đứa được coi là khéo tay và cẩn thận nhất nhà) tới bảo: “Mày đưa cái độc bình xuống lau chùi đi cho tao, coi chừng nó có chuyện gì thì mày chết đấy!...”. (Về sau tôi cứ nghĩ việc ba tơi sai thằng Thọ đi chùi cái bình giống như là một điềm báo, vì xưa nay ông chưa từng để ai ngoài ông lau chùi nó cả). Một lúc lâu sau, đang lúi húi vun lại gốc cho mấy cây ăn trái trong mảnh vườn nhỏ kế bên nhà, tôi chợt giật mình vì một tiếng pháo cái bên nhà hàng xóm nổ sớm, rất to. Liền đó nghe trong nhà có tiếng đổ vỡ, rồi tiếng ba tôi thét lên. Như linh tính báo,chạy vội vào nhà tôi thấy thằng Thọ đang đứng ngây ra trước bàn thờ, mặt xám ngoét, chân tay run lên bần bật. Dưới chãn nó, cạnh bàn thờ là chiếc độc bình đã bể nát. Ba tôi, mắt trợn trừng, miệng như muốn thét lên nhưng lúc này đã trở nên lắp bắp không thành tiếng “M…à…y…! M…à…y…!”. Đột nhiên ông co dúm người lại, đưa tay ôm ngực rồi đổ vật xuống nền nhà, tôi vội lao tới nhưng cũng không kịp đỡ … Sau này thằng Thọ nói lại là lúc đó nó đã chùi xong, đang đỡ chiếc bình lên đặt trả lại chỗ cũ thì tiếng pháo bất ngờ đã làm nó giật mình...

* *
*
Bệnh viện trả về được ba hôm thì ba tôi chết. Có điều lạ là trước khi di hẳn, ông có tỉnh lại được một lúc. Không biết đây có phải làhiện tượng “hồi dương” như dân gian nói hay không vì theo lời các bác sĩ, hiện tượng này thường chỉ xảy ra với những bệnh đau lâu ốm dài thông thương hay sự nuỗng dần của người già, còn với hiện tượng tai biến mạch máu não thì chưa nghe nói đến…Đầu tiên ông ra hiệu cho mấy dứa con lại gần rồi lại ra hiệu bảo tôi đỡ ông ngồi dậy. Ông nhìn khắp mặt mấy đứa con với ánh mắt lờ đờ rồi nòi, giọng tuy lắp bắp và hơi ngọng ngiụ nhưng vẫn còn nghe khá rõ:
- …Ba…ba xin lỗi các con…đừng trách thằng… Thọ nữa…Cái độc bình đó là giả cổ đấy… Cái độc bình thật ba…ba… đã làm vỡ từ lâu rồi.
Tất cả mấy anh em chúng tôi đèu bàng hoàng không hiểu ra sao nữa: vì sao ba tôi cố dấu chuyện cái độc bình thật đã bể và tại sao cái độc bình giả cổ mà có người trả tới hơn ba mươi cây vàng?.
Anh hai tôi hỏi:
- Ba, tại sao ba lại dấu tụi con chuyên65 chiếc độc bình bị bể?
- Chiếc… chiếc… độc bình là tượng trưng cho quyền lực của dòng họ mà người đại diện là tộc trưởng… mất nó ba sợ… sợ không làm chủ được gia đình nữa…
Thì ra là thế, tôi vừa thương vùa giận ba:
- Ba nói cái độc bính đó là giả, sao có người trả tới hơn ba mươi cây vàng?.
- Là…ba mướn…mướn…nguươì ta giả vờ đến mua đấy…
Giọng ông bỗng trở nên gấp rút và yếu dần: “Đặt…ba…nằm xuống…đi!...”.
Khi tôi đặt ba tôi trở lại xuống giường thì ông đi ngay. Lúc này trông vẻ mặt ông thật thanh thản như người mãn nguyện vì đã trút bỏ được gánh nặng cuối cùng của đời mình.

Dương Sinh

1 nhận xét:

Vuong Duc Binh nói...


.... đổ nước ra thì trăng sao hết mà mây cũng chẳng còn.


Cay đắng! Cái độc bình từ lâu không có nước!