Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Có những sự việc đè nặng lên tâm trí mọi người và để lại những suy tư…



Trần Nhật Thi

Những ngày này, ta có cảm giác như bị chìm trong một dòng lũ thông tin đa dạng, đa chiều. Có những thông tin làm ta vui mừng, ví như những con số, những chỉ tiêu, những đánh giá Chính phủ trình và được Quốc hội chấp nhận khẳng định đất nước không chỉ đứng vững mà còn phát triển, tăng trưởng trong khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Có những thông tin làm ta phấn chấn tự hào, ví như vị trí thứ hai toàn đoàn mà trước đó trong mơ ta cũng không dám nghĩ đến cùng với việc tổ chức thành công mỹ mãn Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ III mà Việt Nam là nước chủ nhà. Có những thông tin kỳ quái làm ta phải sửng sốt, bàng hoàng, ví như Vedan được vinh danh, như một thầy giáo hành hung bố đẻ lại được đề nghị đề bạt hiệu phó, như vụ đánh người cướp hòm phiếu để tranh chức trưởng thôn. Có những thông tin về tội ác ghê rợn làm ta choáng váng, kinh hoàng đến mức không còn đủ can đảm để mà đọc hết bản tin, ví như vụ một em bé 40 ngày tuổi bị dùng kim may bao tải dài 10 cm cắm từ đỉnh đầu xuống tận sọ não…

Nhưng rồi, mọi sự cũng sẽ qua đi, cái ác dứt khoát bị trừng phạt, trò nhố nhăng bị dẹp bỏ,mưu toan bị bóc trần và trật tự sẽ được vãn hồi. Thế nhưng, có những sự việc, với nhiều chiều kích thông tin mà báo chí chuyển tải chắc chắn sẽ còn lâu dài ám ảnh tâm trí chúng ta. Hồ thủy điện xả lũ giữa lúc dân đang chìm trong bão lũ, những bức xúc của dân cùng phát biểu của các quan chức, các đại biểu Quốc hội là một trong rất ít những sự việc như thế. Nó đè nặng lên tâm trí mọi người và để lại những suy tư…

Người dân ở thị xã Sông Cầu và các vùng quê huyện Tuy An( Phú Yên) đã hết sức bức xúc là vì sao, đúng lúc cơn bão số 11 đổ bộ vào Phú Yên gây mưa rất to, nước lên cuồn cuộn nhấn chìm nhà cửa,tài sản của bà con thì hồ thủy điện sông Ba Hạ lại xả lũ với lượng nước lớn như thế khiến tất cả bị nhấn chìm, hoảng loạn, nhiều người bị lũ cuốn đi. Người dân Sông Cầu lên tiếng: ”Nếu hồ thủy điện không xả nước, có thể Phú Yên không ngập nặng và nhiều người chết đến thế!”. Công luận đòi làm rõ. Lập tức các chủ hồ thủy điện rồi các quan chức cấp trên trực tiếp của thủy điện cũng lên tiếng phản bác, phủi sạch trách nhiệm – ”Không có chuyện thủy điện xả lũ chết dân”, ”Thủy điện nào cũng có quy hoạch. Không xả lũ, đập vỡ thảm họa còn lớn hơn.”, ”Nó (thủy điện) chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của nó thôi, còn hơn là không có nó.”…

Trước những phát biểu vô cảm, lạnh tanh và không thể nói là có trách nhiệm của những ”công bộc” của dân ấy, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, đại diện chính quyền ba tỉnh miền Trung bị thiệt hại cũng lập tức lên tiếng, khẳng định: ”Thủy điện không thể vô can”, ”Loạn sân golf, nay lại loạn thủy điện, chỉ trên 1 dòng sông mà có tới 10 thủy điện thì không thể nào chấp nhận được”, ”Thủy điện xả lũ, dân không được báo trước”, ”Không có nhạc trưởng, không có sự phối hợp xả lũ giữa các hồ thủy điện.”. Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND Bình Định, đại biểu QH nói thẳng: ”Tôi ở UBND tỉnh nhưng chưa từng thấy ai liên hệ về việc quản lý,điều hành hồ thủy điện”. Tổng giám đốc công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ thừa nhận trên sông Ba có 5 thủy điện đang họat động nhưng mới chỉ có 2 thủy điện xây dựng quy chế liên hồ, 3 thủy điện còn lại chưa có quy chế phối hợp liên hồ trong xả lũ. Vì vậy, TGĐ thủy điện sông Ba Hạ nhấn mạnh: “Các hồ thủy điện ở thượng nguồn đã đồng loạt xả lũ,nước sông Ba lên rất cao, Ba Hạ là hồ cuối cùng ở hạ nguồn nên lãnh đủ. Nếu lúc đó Ba Hạ không xả lũ, đập thủy điện vỡ thảm họa sẽ lớn hơn”. Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn thì nêu lên một câu hỏi to tướng: Trong các cơn bão ở miền Trung vừa qua đều có mưa lớn nhưng chưa đến mức đột biến như những năm trước. Đúng là mưa không qúa lớn nhưng lũ lại rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề. Tại sao?

Ngập trong bùn đất vì lũ lớn (Ảnh: Vovnews)

Tranh luận chưa ngã ngũ. Nhưng thôi, đó không phải là điều ám ảnh khiến ta phải quá suy tư. Cái chính là,và sự thật là có chuyện hồ thủy điện xả lũ giữa lúc dân dưới hạ lưu đang chới với giữa siêu bão quần thảo, mưa lớn và nước lũ cuồn cuộn đổ về. Không biết có nơi nào trên thế giới có chuyện như thế không? 116 người chết, 125 người bị thương, thiệt hại vật chất lên đến trên 5.000 tỷ đồng, thiệt hại về tinh thần thì không sao tính được. Có nước, một vụ tai nạn máy bay trên trăm người chết người ta đã tổ chức quốc tang. Còn ở ta, bão vừa tan, lũ vừa rút là có làng đã lũ lượt quan tài chở về trong lúc thi thể người thân bị lũ cuốn chết vùi trong bùn đất còn nằm trên manh chiếu trong căn lều xiêu vẹo dựng tạm giữa gió táp, mưa sa. Nhiều người phút chốc mất người thân như hóa dại. Những đứa trẻ ngơ ngác, thất thần mồ côi sau bão lũ, sách vở, giấy bút chẳng còn gì mà nghĩ tới chuyện đến trường. Trong tình cảnh thương tâm rợn người ấy, những người có trách nhiệm cho hồ thủy điện xả lũ giữa lúc người dân đang chìm trong bão lũ ngập tận mái nhà, lại vô cảm được sao? Nếu gia đình, người thân của mình rơi vào hoàn cảnh ấy thì liệu có dửng dưng xả lũ được không? Sự vô cảm đó là hoàn toàn trái ngược với sự cảm thông sâu sắc,sự chăm lo hết lòng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước dành cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Nó cực kỳ xa lạ với hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an vật lộn trong bão lũ cứu dân, huy động cả trực thăng không ngại hiểm nguy cứu bằng được một cụ gìa suốt ba ngày cầm cự trên ngọn cây giữa dòng lũ lớn. Nó cũng cực kỳ xa lạ với những đoàn người dầm mình tê buốt trong bùn non hoặc cất bước trên bàn chân tóe máu gùi hàng cứu trợ cho bà con tận vùng xa đang thiếu đói vì lũ lớn chia cắt…

Quan tài bên lều bạt dựng tạm (Ảnh: Vnexpress)

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ở ta, đã cấu thành tội danh hình sự. Ở đây, ta không hình sự hóa vấn đề và cũng không xé vấn đề rộng thêm ra. Nhưng rõ ràng cần có một tòa án lương tâm. Ít nhất cũng phải là sự day dứt, xin lỗi, sẻ chia và sự hứa hẹn những hệ lụy như thế không còn tái diễn trong tương lai. Nhưng văn hóa trách nhiệm,văn hóa xin lỗi chưa thường trực được trong đời sống quan chức và công chức chúng ta. Thay vào đó là đủ thứ lý do được đưa ra cùng lời phát biểu phủi ngay trách nhiệm. Chẳng lẽ ”lửa cháy đổ dầu thêm”, vì nếu không đổ thì dầu nơi tôi cũng bốc cháy hay sao? Đó rõ ràng không phải là đạo lý của xã hội chúng ta. Người ta thường nói sản phẩm của lãnh đạo là quyết định. Không dám quyết định thì không thể làm lãnh đạo được. Không quyết cũng chết, mà quyết sai thì càng chết và chết nhanh hơn. Trong những điều cần quyết đó, người dân mong có được sự quyết định đúng đắn về một lời xin lỗi.

Giá các quan chức biết được tín nhiệm của mình, biết được mọi người đang nhìn mình với ánh mắt như thế nào? Trong lời phát biểu chào mừng Đại hội lần thứ IX Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí trưởng đoàn đại biểu Đảng cộng sản Áchentina đã nhắc lại lời Máctin Fiêrô, nhà thơ lớn của Achentina nói rằng: ”Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất”. Điều đó hàm ý sâu xa rằng, không có hành vi nào của chúng ta, nhất là của người lãnh đạo dù chỉ của một cơ quan, một đơn vị lại không chịu sự giám sát của quần chúng, lại không để lại dấu ấn và sự nhận xét trong suy nghĩ, tâm trí, thậm chí trong ký ức của những người khác. Mà đã trở thành ký ức thì nó dai dẳng và khó quên lắm đấy./.

T. N. T.

Nguồn: Bauxitvietnam.info


Không có nhận xét nào: