Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

CHỊ TÔI

Tên chị là Phạm Thị Hoa, thứ ba trong gia đình, nhưng trong thời chống Mỹ, mọi người thường gọi chị là chị Năm Thắng Lợi. xưng chị và gọi tôi bằng cậu em, chị nói:

Chị tham gia hoạt động ở xã từ năm sáu mốt (1961), đến năm đầu sáu ba (1963) là xã đội phó của du kích Châu Bình. Giữa năm sáu ba chị được gọi đi học lớp quân sự “Vũ Tấn Nhất”, đào tạo cán bộ xã đội do tỉnh mở ở Thạnh Phú, thời gian sáu tháng, đến cuối năm sáu ba thì mãm khóa. Về nhà được hơn một tháng thì có lệnh triệu tập đi thành lập đơn vị bộ đội nữ đầu tiên của tỉnh. Đơn vị thành lập ngày bốn tháng một năm sáu tư (4-1-1964) tại ấp Phước Hảo, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày lấy phiên hiệu là C170, do chị Sáu Thu Hà làm chỉ huy trưởng đầu tiên. Vì thế mà về sau, đơn vị của các chị được bà con quen gọi là “bộ đội Thu Hà”.

Suốt gần mười năm trong “bộ đội Thu Hà” (từ 1964 đến1973), chị cùng đồng đội đánh địch cả mấy chục trận ( chưa kể tới các công tác khác như điều nghiên, binh vận, giao liên…), độc lập có, phối thuộc có, thủy có, bộ có, công đồn có, diệt ác có… làm sao mà có thể kể hết cho cậu nghe được. Thôi thì để chị kể cho cậu nghe một vài kỷ niệm nho nhỏ của chị trong thời gian ấy vậy…

` *

* *

Đó là trận tiêu diệt bọn bình định ở chợ Tân Xuân (Ba Tri).

Chắc cậu còn nhớ, địch tiến hành bình định Ba Tri từ giữa năm sáu sáu (1966). Cái thời mà chỉ riêng trên địa bàn ba Mỹ (Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Mỹ Thạnh) đã bị Trung đoàn mười sư đoàn bảy bộ binh ngụy cùng bọn bình định đóng đen kịt như ruồi, cứ năm người dân có một tên lính. Bọn này đã gây không ít khó khăn cho phong trào cách mạng của Ba Tri lúc bấy giờ. Sang năm sáu bảy (1967), để giảm áp lực của bọn bình địnhvà hỗ trợ phong trào cách kháng chiến của Ba Tri, tỉnh đã đưa nhiều đoàn cán bộ, bộ đội (trong đó có “bộ đội Thu Hà) về huyện, với mục đích vừa tuyên truyền chính trị vừa luồn sâu diệt ác, phá thế kìm kẹp cho dân. Chị còn nhớ những người cùng về Ba Tri với chị hồi ấy có con Hồng Vân, con Thủy, con Phượng lùn, con Liên Phong… Còn đứa nào về đâu thì lâu ngày quá chị không nhớ nổi. Riêng chị được phân công về Tân Xuân. Tân Xuân cũng là một trong những trọng điểm bình định của địch lúc ấy. Về đây được ít lâu, chị nhận được lệnh trực tiếp từ ông Tư Nguyễn (lúc này là tỉnh đội phó) điều nghiên để chuẩn bị đánh bọn bình định ở chợ Tân Xuân. Lúc này chị đang ở trong nhà một cơ sở là chị Ba Bê. Nhà chị này làm nghề hàng xáo, nhưng toàn bộ gia đình từ cha mẹđến anh chị em trong gia đình đều tham gia cách mạng. Nhận lệnh rồi chị trong vai người bán hàng xáo của chị Ba Bê hàng ngày gánh lúa gạo lên chợ Tân Xuân bán để tiến hành điều nghiên. Có điều chị vốn không quen gánh nên trong khi chị Ba Bê có rhể gánh chạy một hơi đến chợ thì chị chỉ gánh được từng quãng ngắn rối phải đặt xuống nghỉ, mỗi lần nghỉ lại lấy dầu “Huê Lạc” ra xức chỗ đau trên vai. Nhiều lần chị đang xức dầu thì gặp bọn bình định, bọn lính Sư đoàn bảy đi qua “kiêu ngạo”, chọc gẹo. Những lúc ấy, khi thì chị im lặng khi thì đưa đẩy vài câu rồi gánh chạy.

Chợ Tân Xuân nằm trên một con giồng, giữa đồng trống, không có cây cối, vườn tược nên rất khó ém quân. Vì vậy nếu đánh bằng cách chọi lựu đạn thì không có chỗ để bố trí đơn vị cản đường hỗ trợ cho người đánh chạy. Tính đi tính lại, chị thấy chỉ có cách đánh bằng mìn hẹn giờ là tốt nhất. Trong quá trình trinh sát chị thấy có hai nơi mà hàng ngày bọn lính và bọn bình định tập trung đông nhất, nếu đánh vào hai nơi ấy thì khả năng sát thương địch là rất lớn. Đó là dãy hàng ăn tronh nhà lồng chợ và “nhà việc” của bọn tề xã Tân Xuân nay bị bọn bình định chiếm, dùng làm văn phòng chứng, cấp các loại giấy tờ cho dân… Nói thì nhanh vậy chứ thời gian điều nghiên kéo dài cả tháng trời. Những ngày không gánh kúa lên chợ thì chị mượn đứa nhỏ con chị Ba Bê rồi hai gì cháu bồng nhau lên chợ, dạo tới dạo lui ngó cho đã để rồi chỉ mua nửa ký cá và ra về (vậy chứ đi chợ hoài tiền đâu mà mua cho nhiều). Sở dĩ phải đi tời đi lui như vậy là do định đánh bằng mìn hẹn giờ. Đánh cách nàythì phài tính toán được thật sát thời gian, từ thời gian từ nhà lên chợ, đến thời gian đặt trái, thời gian thoát đi… Nếu tính thời gian không sát là dễ xảy ra chuyện lớn: dây cháy ngắn quá trái có thể nổ bất thường, người đánh hy sinh mà không diệt được địch, dài quá dễ làm kẻ địch nghi ngờ và trận đánh có thể thất bại. Hồi đó tụi chị đâu có đồng hồ, vả lại ai đời đi bán hàng xáo mà deo đồng hồ theo bao giờ. Vậy là chị phải đo quãng đường từ nhà ra chợ bằng cách đếm bước chân rồi tính ra cứ mỗi bước chân là bốn tấc. Nói thì có vẻ dễ chứ thật ra không đơn giản chút nào. Vì nếu không có sự vấp váp gì thì giũa ngày này và ngày khác cũng đã có sự khác nhau rồi, chưa kể là nhiều lúc đang đếm như vậy thì ý nghĩ của mình tự nhiên lảng đi quên mất tiêu số đã đếm và phải làm lai, nhưng thường nhất là đang đếm mà gặp người quen đi chợ, chào hỏi rồi cùng đi, vừa đi vừa nói chuyện…

Hơn một tháng sau khi giao nhiệm vụ, ông Tư Nguyễn gặp lại chị và hỏi:

- Sao, đánh được chưa?

Chị nói:

- Đánh được rồi!

Sau khi trình bày cách đánh, chi nêu băn khoăn là đánh trong chợ như vậy khó tránh khỏi thiệt hại cho người dân đi chợ.

Ông Tư Nguyễn chấp nhận cách đánh của chị và căn dặn;

- dù có gì thì cũng phải cố gắng giảm thiểu càng nhiều càng tốt sự thiệt hải cho dân.

Hôm đó là một ngày trung tuần tháng bảy năm sáu bảy (7-1967). Khoảng bảy giờ rưỡi sáng chị và chị Ba Bê (ở nhà đã phân công cụ thể: chị đặt trái trong khu hàng ăn nhà lồng chợ, chị Ba Bê đặt trí trong “nhà việc” tụi nó). Vào chợ rồi, chị em đi loanh quanh một vòng để quan sát thì thấy cũng như mọi khi: tụi lính Sư bảy tập trung trong khu hàng ăn rất đông nên dân chúng hầu như không có mấy, còn trong văn phòng tụi bình định thì dân đang vào xin giấy khá nhiều…Hai chị em tách ra, chị vào nhà lồng chợ ngó quanh ngó quất một hồi như đang tìm những thứ cần mua rồi bước tời một quán hủ tiếu có đông lính đang ngồi ăn nhất. Lựa một bàn có người đàn bà đang ngồi ăn sắp xong, chị ngối xuống và gọi:

- Chị ơi ! cho tô hủ tiếu đi chị.

Người bán hủ tiếu nói:

- Cô Hai chờ cho chút xíu nhen! Hôm nay đông khách quá, cô Hai thông cảm.

Thật là đúng ý chị. Chị bèn đặt giỏ đồ lên chiếc ghế ngồ rồi nói:

- Vậy cũng được, chị cho em gửi giỏ đồ đây, em ra mua thêm ít đồ rồi trở lại

ăn, chị làm cho em liền nghe.

- Được rồi, cô hai cứ đi đi ở đây còn nhiều người, mất mát gì mà lo. Tôi làm cho cô hai liền hà!

Bước ra ngoài, chi nhìn quanh coi chị Ba Bê đang ở đâu thì thấy chỉ đang đứng cách nhà việc của tụi nó chừng hai ba chục thước, giỏ đồ vẫn còn trên tay. “Vậy là nguy rồi!”. Chị nghĩ bụng, Vì tính theo thời gian hẹn trên mìn thì chỉ còn năm đến mười phút nữa là mìn nổ. Chị bước tới gần chị Ba và hỏi rất tự nhiên: “Chị mua đồ rồi chưa?”. “ Tao không vào được!”. Chị Ba Bê mặt hơi tái đi, lại gần chị và trả lời nhỏ. Chị chụp vội giỏ đồ trên tay chị Ba và tính rất nhanh: “Hông có chỗ nào khuấtđể tránh vào mà giựt sợi dây điện ra được, đành phải liều thôi, chết chung với tụi nó là cùng chứ gì!”. Nghĩ thế, chị cúi xuống hỏi người bán rau bù ngót:

- Mấy đồng bó bù ngót chị?

Người bàn hàng nói giá, chị trả tiền vàlấy bó bù ngót đặt lên giỏ xách bước thẳng vào nhà việc tụi nó.

Lúc chị vào thì số người dân tới làm giấy còn lại không nhiều. Riêng tụi bình định còn lại khoảng năm sáu đứa trong phòng và mấy đứa trước cửa, có hai đứa đang đứng vịn tay vào cánh cửa nhìn ra. Chị vừa vào vừa đánh tiếng: “Để xin miếng giấy rồi về kẻo trưa coi!”. Tiếp đó chị nói với con bình địnhđang ngồi ở bàn giấy:

- Cô ơi cho xin cái giấy lên Sài Gòn thăm người nhà đi cô!

Con bình định đang lục soạn gì trong đống hồ sơ để trên bàn, quay cổ trả lời chị:

- Chị chờ chút đi!

Chị nói:

- Vậy cô cho tôi gủi giỏ đồ đây, tôi ra mua thêm mấy con tép rồi vào ngay.

Nói xong, không đợi nó trả lời, chị đặt giỏ đồ vào góc nhà rồi quày quả trở ra. Lúc này có cả vài người dân làm giấy xong cũng cũng ra theo sau chị. Vùa tới chợ cá, chị chưa kịp cúi xuống giả vờ mua tép thì gần như đồng thời, cả hai tiếng nổ ở nhà lồng và “nhà việc” vang lên cùng lúc. Cả chợ la hét, chạy tàn loạn. Chị cũng chạy, ra đến cửa chợ, bắt gặp gánh cá biển của ai đó chạy để lại, chị bèn chụp lấy gánh chạy một hơi đến đầu cầu Mỹ Quý mới dừng lại chờ chị Ba Bê, mãi tới trưa cũng không thấy bóng dáng chị Ba đâu khiến chị rất lo lắng. Về sau nghe chị chị Ba Bê kể lại chỉ bị tụi nó bắt đi biểu tình cùng những người đi chợ khác để “phản đối Việt cộng phá hoại an ninh trật tự của nhân dân”, mãi tới chiều tối mới được thả về…

Trạn ấy địch chết và bị thương hơn chục tên vừa lính Sư bảy vừa bình định (có cả một đại úy mỹ da đen và một trưởng đoàn bình định). Lúc ở trên cầu Mỹ Quý chị đã thấy có chiếc trực thăng bay về hướng chợ, chắc là để đưa những thằng chết và bị thương đi. Dân chợ chết hết một người, người này chị có biết tên tuổi nhà cửa hẳn hoi, nhiều năm sau ngày cứ đền ngày giỗ chị ấy là chị lại muốn tới thắp cho chỉ một nén nhang, để mong chỉ thông cảm đó l;à điều rủi ro khó tránh khỏi trong chiến tranh chứ chị chẳng hề muốn thế. Nhưng chị lại sợ người thân trong gia đình chỉ không thông cảm được…

Sau trận này, tụi nó ở Tân Xuân rúng động dữ lắm…

*

* *

Một kỷ niệm nữa chị cũng còn nhớ rõ là lần bị bắt ở “đục” Bà Tang (Bảo Thạnh, Ba Tri).

Dạo đó là mùa khô năm sáu chín (1969). Buổi chiều chị cùng mấy chị em đang ở Hưng Khánh Trung (Mỏ Cày) thì nhận được lênh của ban tham mưu tỉnh đội về điều nghiên để đánh chợ Ba Tri. Chị và con Thủy thu xếp lên đường ngay.

… Lối bốn giờ chiều hai chị em tới chợ An Định ngồi ăn hủ tiếu, ăn xong đi tiếp đến chập tối thì vượt sông sang Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm). Đêm hôm đó các chị vượt lộ “Đông Dương” (con lộ chính chạy từ thị xã xuống Ba Tri) ở chỗ Đồng Gò (gần khu lưu niệm cô Ba Định bây giờ)

Lần mò mãi đến hơn bồn giờ sáng hai chị em mới tới được “đục” Bà Tang, vào nhà cơ sở là chị Năm Mãnh. Tới đây cả hai chị em đều díp mắt lại, buồn ngủ đến nỗi Chị Năm đưa cho mấy con cá bảo làm để kho ăn cơm mà cũng cắt bạy cắt bạ cho xong. Ăn, cơm tắm rửa xong hai đứa leo lên giường đánh một giấc, hết biết “số quân”… Đang ngủ ngon lành, chợt có ai đập đập vào người và nghe có tiếng gọi: “Dậy! dậy! Dậy hỏi chuyện chút coi!”. Nhướng con mắt không lên, chị hoàn toàn không nghĩ mình đang ở trong nhà cơ sở tại Ba Tri mà cứ nghĩ đang ở đơn vị, mấy tiếng gọi dậy đó chắc là của mấy anh bộ đội nam ở bên cạnh sang phá chơi. Chị nghĩ bụng: “Thôi đi mất cha nội! Ban đêm ngủ cho đã con mắt rồi chọc phá hoài à!”. Đã định lên tiếng, nhưng rồi như một linh cảm, chị mở bừng mắt ra thì thấy trời đã sáng trưng, xung quanh lố nhố chừng hơn chục thằng lính ăn mặc rằn ri quằn quện, đứng chật cả căn nhà trên của chị Năm Mạnh. Phản ứng đầu tiên của chị là giật mình khi chợt nhớ trong túi còn tờ lệnh điều đông đi Ba Tri của Tỉnh đội Bến Tre mà chị vô ý chưa kịp hủy đi. “Chết bà rồi, tụi nó mà tìm thấy tời giấy thì chỉ có nước chết…”. Nghĩ bụng như vậy chị bèn xốc đứa con chị Năm Mạnh lên tay (đứa nhỏ đang ngủ tại giường trước khi tụi chị tới) bước nhanh vào buồng như định trao cho mẹ nó. Vào buồng rối, chị rút lá thư, chuồi tay xuống chiếu đút vào khoảng giữa giường. Trên giường có thúng đồ của mấy đứa nhỏ con chị Năm (về sau tụi nó cũng lục tung cả thúng đồ này nhưng không có đứa nào lật chiếu lên, thật là may). Lúc chị trở ra, thằng chỉ huy tới, nó nắn hết lai quần lai áo chị (có cái nhẫn vàng mười tám trong tay trong tay nó bắt cởi ra, giả đò coi đi coi kại rồi bỏ ngay vào túi, nói sẽ trả lại sau, mà chị biết chừng nào nó mới trả lại). Không thấy gì trên người, nó hỏi căn cước chị, chị đưa căn cước ra. Trong căn cước chị tên là Nguyễn Thị Phụng (chuyện làm căn cước của chị lại là một kỷ niệm đáng nhớ khác mà nếu có dịp chị sẽ kể cho cậu nghe sau). Coi xong nó bắt chị ngồi xuống ghế, còn nó ngồi chồm hỗm trên ghế đối diện, nó nói:

- Cô nhìn thẳng vào mắt tui đây nè và nói cho thật. Cô không phải người vùng này, vậy cô từ đâu tới đây?

Chị cũng nhìn thẳng vào mặt nó và trả lời:

- Đây là nhà chị Năm tui, hôm qua nhà chỉ có đám giỗ, tụi tui xuống ăn giỗ, tính chiều về nhưng chị bảo ở lai hôm nay lưới cá chị sẽ cho ít con về trển ăn… (Cũng may hôm qua nhà chị Năm có đám giỗ mẹ chỉ thật).

Nó lại hỏi:

- Nhà mấy cô ở đâu?

Chị nói:

- Nhà tôi ở Châu Bình, chỗ giáp Giồng Trôm và Ba Tri

Nó giở ra một tấm bản đồ thật lớn, nhưng gấp lại chỉ để phần các huyện Ba Tri và Giồng Trôm ra rồi hỏi:

- Đâu! Nhà các cô chỗ nào, chỉ tôi coi?

Chị thừa hiểu là nó muốn thử mình coi có biết coi bản đồ không nên trả lời:

- Mấy ông biểu tui chỉ mà tui có biết cái này là cái gì đâu mà chỉ.

Nó lại chỉ vào một điểm giáp giới giữa Giồng trôm, Ba Tri và hỏi:

- Phải chỗ này không?

- Tui không biết cái đó, mấy ông muốn biết tui dẫn mấy ông tới chỗ là biết liền hà!- chị trả lời tụi nó

Thằng chỉ huy có vẻ tức, nó vừ gấp bản đồ lại vừa nạt

- Đừng làm bộ, giao liên hay y tế đây?

Chị đáp:

- Các ông nói gì kỳ, tui đi đám giỗ nhà chị tui, chỉ biểu ở lại thì tui ở lại…

Nó bỏ chị, quay sang hỏi con Thủy. Lúc này con thủy đang giả bệnh tim nằm trên giường (con nhỏ giả bệnh tim thật khéo: nó ôm ngực rên rỉ, quằn quại, trán lấm tấm mồ hôi, thở hào hển ngắt quãng…). Con Thủy cũng nói là tụi tui đi đám giỗ… Nó kêu thằng y tá cho con Thủy mấy viên thuốc rồi quay sang chị tính hỏi nữa thì chị Năm Mạnh từ ngoài đi vào (chắc chị đi chợ từ sáng vừa về), thấy nhà toàn lính liền hỏi:

- Có chuyện gì mà mấy ông lính vào đông vậy?

Thằng chỉ huy hỏi:

- Chị là chủ nhà hả? Các cô này là sao với chị?

Chị Năm đáp (như đã thống nhất từ trước, trong trường hợp địch xét hỏi):

- Tụi nó là em tôi trên Châu Bình xuống đám kỵ cơm bà già tôi hôm qua. Chiều qua tụi nó định về nhưng tui nói ở chờ hôm nay lưới cá cho ít con về trển ăn nên tụi nó còn ở lại đó.

Nó nói:

- Chua tin được.

Nói xong nó quay ra bảo mấy thằng lính:

- Tụi bây để con nhỏ bệnh tim lại đó, đưa con nhỏ này về bên kia cho tao…

Tụi lính đưa chị sang một con giồng nhỏ đối diện và cách nhà Chị Năm Mạnh chừng năm bảy trăm thước, là nơi tạm đóng quân của chúng (Thì ra tụi này là lính Sư đoàn bảy đi ruồng từ vùng trên xuống). Đến đây chúng bỏ chị ngồi một mình trong căn nhà dưới của một ngôi nhà khá khang trang (cũng là nhà dân nhưng chúng chiếm làm trụ sở hành quân) trên giồng, tới trưa cũng không thấy đứa nào hỏi tới. Lúc này muốn thoát đi thì không khó nhưng chị tin là chưa bị lộ, nếu giữ được thế hợp pháp là tốt nhất, vả lại nếu trốn đi thì sẽ ảnh hưởng đến cơ sở. Ngồi lâu bức bối, chị bước ra sân đang thơ thẩn ngó tới ngó lui mấy cây kiểng, chợt nghe có tiếng hỏi nhỏ:

- Chị Năm, chị đi đâu đây?

Chị quay lại thì thấy một thằng lính, nhìn kỹ chị nhận ra đó là Tiến, một nội tuyến của ta mà lúc trước ở Mỏ Cày chị có trực tiếp liên lạc nên còn nhớ mặt, chị đáp:

- Tui bị tụi nó bắt bên “đục” Bà Tang…

Tiến nói:

- Chị phải trốn ngay đi. Trong chiều nay bọn này sẽ hành quân về Mỹ Chánh, chúng sẽ giao những người gị bắt ở vùng này cho xã trưỡng Nghiệp…

Chị chưa kịp nói gì thêm thì trong nhà đã có tiếng vọng ra:

- Thị Phụng vào khai tiếp:

Tiến bước nhanh ra chỗ khác. Chị bước vào nhà mà trong bụng hơi rối: về Mỹ Chánh chắc chắn tên Nghiẹp sẽ nhận ra chị vì nó biết mặt chị từ trước… vào nhà vẫn gặp lại tên chỉ huy lúc sáng, nó hỏi chị đúng y những câu đã hỏi và chị cũng trả lới đúng y những câu đã trả lời lúc trước. Nó cáu:

- Thôi đi bà! Tôi còn lạ gì mấy bà nữa! Cho bà gan, chiều nay về tới Mỹ Chánh rồi biết…

Nói xong nó bỏ ra ngoài. Chị nghĩ bụng: “Vậy là đúng như lời Tiến nói rồi, không thể để chúng đưa về Mỹ Chánh được, dọc đường phải tìm cách thoát…”.

… Lối hai giờ, chiều tụi nó ra lệnh hành quân. Bọn này có ước chừng đại đội nhưng chúng bắt theo cả mấy chục người dân. Những người nat2 phải mang vác quân trang cho chúng. Lạ một điều là trong khi mọi người phải mang vác thì chị lại không bị nó bắt mang gì cả. Đi gần đầu trong đội hình hành quân trải dài của địch (xen cả người bị bắt và lính), chị vừa đi vừa tính: “Có lẽ phải tụt dần ra sau gặp Tiến, khi gặp Tiến và gặp chỗ thuận lợi sẽ kêu đau bụng xin đi cầu để Tiến đưa sang vệ đường rồi chạy!”. Tính rồi chị đi chậm dần lại, khi thì làm bộ sửa dép, khi thì lấy khăn lau mồ hôi… lối chừng ba giờ rưỡi chiều thì chị tụt tới chỗ Tiến (lúc này cả đoàn đang đi giữa một con giồng nhỏ, hai bên đường có nhiều cây bụi lúp xúp, bên kia con giồng là rộc).Hai người đi ngang hàng nhưng chưa kịp trao đổi gì thì chợt có lệnh phía trên truyền xuóng:

- Truyền chuyển thị Phụng lên.

Chị chưa kịp nói gì thì Tiến đã hô lên: “Truyền thả thị Phụng!” và quay sang nói nhỏ với chị: “Chị đi đi!”. Chị liền bước tạt ngang qua giồng xuống con rộc, vừa khuất tụi nó là chị vùng chạy ngay. Được một đỗi thì chị nghe tụi nó la hét đuổi theo rầm rập, súng bắn rùm trời, chị chạy bán sống bán chết về đến Bảo Thạnh…

… Ít ngày sau chị và con thủy được điều sang Tân Thủy, cũng sống công khai trong nhà cơ sở. Từ tân thủy bọn chị đi điều nghiên chợ Ba Tri hơn một tháng thì xin đánh. Chợ Ba Tri lúc đó là một chợ khá lớn của Bến Tre, hàng hóa nhiều, người mua bán tấp nập đông vui. Lúc này, địch đang tập trung quân để thực hiện công việc bình định vùng này nên sáng sáng có rất nhiều sắc lính ra ăn ngoài chợ. Thường thì mỗi sáng hai dãy hàng ăn trong nhà lồng chợ đầy kín lính ngồi nên hầu như không có người dân nào. Nắm chắc như vậy nên chị xin cấp trên cho đánh như ở chợ Tân Xuân là đặt mìn hẹn giờ và được chấp thuận. Tiếc thay trận đánh không thành công: Đến giờ hẹn chỉ có kíp nổ mà mìn không nổ. Về sau chị cứ tiếc mãi, giá hôm đó chị dùng mìn plastic của “Hà Nội” thì tụi nó chết không biết bao nhiêu mà kể. Đằng này vì muốn tăng hiệu quả sát thương cho địch cáng nhiều càng tốt, nên bọn chị đã dùng hai quả mín tự tạo, mỗi quả được kết bằng hai trái bom bi, của “công binh xưởng Vạn Thành”(Công binh xưởng của huyện Ba Tri do anh Hai Vạn Thành làm chỉ huy trưởng)…

Tuy là trận đánh không thành công nhưng đã tạo ra một tâm lý hoang mang khiếp sợ lớn trong kẻ địch: hàng tháng sau, khu nhà lồng chợ Ba Tri còn vắng ngắt, không thấy bóng dáng một tên lính nào…

*

* *

… Đó! Cậu muốn chị kể thì chị kể cậu nghe chơi chứ chuyện đã cũ xì cũ mèm từ đời tám hoánh nào, đến nay đã ba mấy bốn chục năm có dư rồi còn gì. Có điều cậu ạ, cho dẫu cuộc đời chị đã trải qua nhiều gian truân vất vả, đến bây giờ cũng chưa sung sướng gì nhưng không hiểu sao chị vẫn cho những tháng ngày ở trong “bộ đội Thu Hà” của chị là những tháng ngày đẹp nhất. Thời con gái ấy sao mà hồn nhiên vô tư đến thế, không sợ chết, không sợ gian khổ hy sinh, chị em đồng đội thương nhau còn hơn cật ruột nữa… Những ngày ấy luôn ở trong chị, đến nỗi bay giờ về nhà đã lâu lắm rồi, đã trở thành mẹ, thành bà ngoại của mấy đứa cháu mà mỗi khi nằm mơ chị vẫn thường mơ thấy những ngày còn ở trong đơn vị, đang vui cùng mấy đứa nữ tụi nó, hoặc mấy đứa bộ đội nam của đơn vị bên cãnh…

Thôi! Chị cứ kể thế rồi cậu viết được thế nào thì viết. Mà sao tự nhiuên chị thấy muốn khóc quá…

Không có nhận xét nào: