Đô Lương dệt gấm thêu hoa
Quỳnh Đôi tơ lụa thủ khoa ba đời
(Câu hát quê tôi)
Kính viếng hương hồn bà ngoại và kính tặng mẹ.
Mặc dù khí hậu quê tôi và đất Nam bộ này thật khác xa nhau: Khi quê tôi là những ngày nắng nóng như thiêu thì nơi đây lại là lúc mà những trận mưa mùa đổ xuống như tuôn. Khi nơi đây gió chướng nắng hanh làm xao xác cả lòng người thì quê tôi mưa phùn, gió bấc và cái rét cắt da ngự trị... Ấy vậy mà những sớm mai có mây mù lãng đãng, có gió thu se sắt hay những buổi trưa hực nắng tươm vàng... lòng tôi còn trào lên một nỗi nhớ khôn cùng về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Huống chi chiều nay bỗng nghe mẹ tôi nhắc: “Còn vài ngày nữa là hăm ba tháng chạp, ông táo chầu trời. Ngày xưa ở quê, khi ông mày còn sống là đã bắt đầu chuẩn bị tết rồi !”. Giọng của người bùi ngùi, da diết như nhớ về một cái gì xa vắng có lẽ không bao giờ còn trở lại...
... Vâng ! Quê hương...
*
* *
Không biết với ai thì sao, chứ với tôi thì...
Quê hương là buổi chiều đông, trời xám xịt màu chì, mưa lất phất. Dưới ruộng, những người đàn bà mang áo tơi, đội nón lá vừa cấy vừa xuýt xoa vì cái rét cắt da. Trên ngọn cây gạo cổ thụ ở ngay đầu làng, từng đàn quạ đông vô kể, vừa vần vũ bay... vừa kêu lên những tiếng... quạ... quạ... nghe thật thê lương. Quê hương là những chiều ngày năm đói, đứa nhỏ lẹp kẹp đôi guốc gỗ vào nhà bà ngoại để bỏ thêm vào bụng những ngọn rau lang luộc vội. Quê hương là những chiều đón mẹ hai chị em con chú bác theo những luống khoai đang bới, nhặt những rễ cái bằng ngón tay út ăn đến mồm. Quê hương là chiều nhạt nắng, mẹ vắng nhà, thằng bé bị bạn đánh lỗ đầu đang ngồi khóc một mình. Quê hương là người đàn bà hàng xóm đã giúp mẹ khi lon gạo, khi củ khoai những ngày đói kém... Quê hương là... tất cả.
Nói thế chứ tôi có cái không may là không được sống nhiều trên đất làng Quỳnh chôn nhau cắt rốn. Hầu hết tuổi thơ tôi trôi theo những chặng đường chức nghiệp của cha. Từ khi trưởng thành thì lăn lóc khắp nơi. Theo bước quân ngũ rồi theo những bức xúc áo cơm của cuộc đời. Tính đến bây giờ gom đi gom lại cả những ngày lẻ, may chi tôi chỉ được ở quê nhà trên dưới mươi năm. Có lẽ hầu hết những hiểu biết về quê hương và cao hơn thế, tình yêu quê hương là của bà ngoại tôi truyền cho.
Bà ngoại tôi không có con trai, chỉ có hai người con gái là dì tôi và mẹ tôi. Vì thế khi về già bà ở với gia đình tôi (nhà dì tôi khó khăn hơn). Cho đến bây giờ tôi còn nhớ như in, bà ngoại tôi vóc người cao lớn nhưng gầy khô như hạc, bà thường mặc cái váy dài (quê tôi gọi là cái “mứn”) nhuộm nâu rồi đem nhấn bùn, khiến nó dày và cứng cồm cộp, đến tưởng có thể bỏ ra dựng lên mà không bị đổ xuống. Bình thường bà tôi thật hiền, nhưng bà có cái miệng hay chửi của người đàn bà chuyên buôn tơ lụa tư Thanh chí Nghệ, lại có thêm chút hiểu biết của con gái một ông đồ nho hay chữ. Nên chi, không phải chỉ những lúc “thằng cháu trời đánh” (là tôi) chọc ghẹo bà để nghe bà chửi chơi thì bà mới chửi thành câu thành vần có ca có kệ hẳn hoi, mà cả những khi không vừa ý mẹ tôi điều gì, bà cụng rên rẩm ca thán bằng những câu ca dao, câu tục ngữ mà bà thuộc tự thửa nào.
Nào là: “...Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”...
Nào là: “Của mẹ thì ngon, của con thì đắng, con ơi!”...
Ôi thôi, nhiều vô kể...
Nhưng tôi nhớ bà ngoại nhất là những đêm mùa đông, khi gió rít từng cơn ngoài vách nứa. Bà cháu tôi nằm trên bộ “giong” (Nam bộ gọi là bộ “ngựa”), dưới lót rạ đóng thành từng tấm, bên trên trải chiếu, trên người là một tấm chăn bông mỏng và trên cùng là một tấm chiếu đắp vừa dày, vừa dài lại vừa rộng. Tôi gối đầu lên cánh tay gầy guộc của bà, nghe bà kể về làng quê tôi. Bây giờ thì tôi hiểu, mỗi khi kể chuyện như thế là bà đã gửi gắm vào đó nỗi nhớ quê da diết trong tuổi gần đất xa trời. Nhưng ngày đó, tôi chỉ cảm nhận được những điều bà kể về “làng ta”như những câu chuyện cổ tích thật mơ mộng. Những lúc đó tôi như lạc vào một thế giới đầy huyền thoại truyền thuyết, một xứ sở thật đẹp cũng thật buồn. Nhiều đêm, tôi đã thiếp đi một lúc lâu, tỉnh dậy vẫn nghe bà kể một mình, giọng đều đều mà đầy tình thương mến, tôi phải nói: “Thôi bà đừng kể nữa, cháu buồn ngủ rồi”.
Không hiểu sao những chuyện bà tôi kể hồi tôi lên tám lên mười, bây giờ tôi cũng chẳng hề quên. Nào là chuyện người Tàu để của rồi lạc mất dấu đến bây giờ ban đêm, thỉnh thoảng người ta còn bắt gặp những đàn vịt vàng, lợn bạc chạy quanh quẩn nơi Cầu ao. Chuyện ông Hồ Sĩ Đống theo võng tiểu thư con gái ông quận công người Hàu để xin trầu mà nên duyên chồng vợ. Chuyện mả bà cô linh thiêng, ai đi qua mà không bỏ vào đó một nắm đất thì bị cô hành... Chao ôi! Cả một pho sử về làng Quỳnh quê tôi trong bụng bà, bà cứ rút dần, rút dần ra kể cho đứa cháu thơ dại nghe, không cần biết nó có hiểu gì hay không. Vì thực ra cái bà cần là có người nghe để trút vơi nỗi nhớ. Tuy nhiên những bài học đứt đoạn về lịch sử quê hương ấy cứ thấm dần, thấm dần trong tôi thành nỗi nhớ nhung, thành tình cảm quê hương lúc nào không hay, không biết. Mà về sau nó khiến cho một kẻ giang hồ lãng tử như tôi mỗi khi nhớ lại, cảm thấy những điều bà kể thấm đượm như máu như thịt trong hồn mình.
Bây giờ thì bà mất đã gần bốn mươi năm, một nắm xương tàn cũng không sao tìm lại được. (Cái nghĩa địa nơi bà nằm đã bị bom đạn Mỹ đào lên xới xuống không biết bao nhiêu lần và không ai có đủ khả năng để tìm trong đó bộ hài cốt của bà tôi). Vậy mà chiều nay, khi viết những dòng này, tôi như thấy linh hồn bà ngoại tôi lãng đãng đâu đây, giữa khói hương của một chiều áp tết, ở miền đất vạn dặm xa cái “làng Quỳnh” của bà. Điều khiến tôi xiết bao nhớ tới câu tục ngữ “con cháu ở đâu, ông bà ở đấy !”. Và lòng tôi bỗng dấy lên một nỗi hoài niệm về những ngày xa xưa. Khi những người dân Việt từ đất tổ ra đi đã gánh theo cả bàn thờ tổ tiên trong những cuộc thiên di mở nước.
*
* *
Sáng nay đưa con đến trường mẫu giáo, lòng chợt chạnh buồn khi thấy một đứa trẻ ba, bốn tuổi nói với người bán căn tin: “Này... này... bán cho cục kẹo !”. Và người bán hàng thản nhiên đưa cho cháu bé cục kẹo, lấy hai trăm, rồi lại vội vàng quay sang bán cho người khác, không nói một lời không tỏ một thái độ nào. Vâng ! Có lẽ lỗi không chỉ ở đứa bé hỗn hào, thậm chí nó là người ít có lỗi nhất, nó đã biết gì đâu! Lỗi cũng chẳng chỉ của người bán hàng, lỗi là ở một cái gì đã đi qua, đã mất đi trong truyền thống đạo lý của dân tộc: tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn, quốc pháp, gia phong... Lan man thế rồi tự nhiên lại nghĩ về làng Quỳnh lúc nào không hay. Mà có lẽ cũng chẳng phải tự nhiên đâu. Ngày xưa, khi nói ông đồ xứ Nghệ là người nghĩ ngay đến những người thầy đạo cao đức trọng. Người ta đã tính ra rằng cứ ba bốn ông đồ trong cả nước thì có một ông đồ Nghệ, mà trong một phần tư số ông đồ của cả nước thì cái làng Quỳnh nhỏ bé của tôi đóng góp một phần không ít... Nếu đối với cả nước, Nghệ An là nơi địa linh nhân kiệt, mảnh đát đẻ ra không biết bao nhiêu nhân tài, là tấm gương sáng về sự học hành, khoa cử thì Quỳnh Đôi lại là một Nghệ An nhỏ trong Nghệ An lớn, là một phần thật sáng trong tấm gương sáng đó. Có lẽ không có gì phải mặc cảm khi nói rằng chính Hoàn cảnh khó khăn nghèo khổ là một trong những nguyên nhân làm cho đất Quỳnh Đôi trở thành đất học hành văn vật. Khó khăn rèn đúc nhân tài, quả có thế! Quỳnh Đôi đất hẹp người đông thì chỉ có con đường học vấn mới là con đường giải thoát cho con người trong những trăm năm phong kiến ấy. Và thế là cha dạy con, anh bảo em, bạn bè nhìn nhau mà học. Người ta vừa gánh nước thuê vừa học, lấy que vạch trên đất mà học, đứng ngoài hàng rào tường nghe lóm lời thầy mà học... Từ khi hiểu ra hai chữ “học gạo” tôi cứ nghĩ nó phải xuất phát từ làng quê tôi vậy. Bà ngoại tôi kể: “Nhà ông Hồ Sĩ Đống nghèo lắm. Lúc còn nhỏ, thường ngày phải đói, phải đợi lúc bà mẹ lúc bà mẹ đi làm thuê cho người ta về lần ra trong yếm một cục cơm (là phần bà đã dành lại từ trưa), ông mới được ăn. Lớn lên một ít ông chuyên đi quét lá ở chợ nồi và gánh nước thuê để sống. Nhưng ông ham học lắm, học bất cứ lúc nào, hầu như tay không lúc nào rời quyển sách. Có người thấy thế có ý dè bỉu, ông đáp:
“...Hôm nay gánh nước chai vai
Ngày mai võng giá làng nồi nghênh ngang...”
Và khi tin ông đậu tiến sĩ, vinh quy về làng thì mẹ ông vẫn còn đang đi cấy thuê cho người ta. Dù nghe tin con đậu bà vẫn không dám bỏ buổi cấy giữa chừng. Chao ôi ! Người làng Quỳnh quê tôi là thế đấy.
Người đậu đạt nhiều, người làm quan cũng lắm, nhiều người đã vào hàng đại thần, thậm chí có người đã từng giữ quyền nhiếp chính như ông Hồ Sĩ Dương, nhưng làng tôi xét cho cùng vẫn là đất “nhiều khoa ít hoạn”. Hình như với người quê tôi học hành, đậu đạt là phương tiện để thoát ra khỏi sự đói khổ, để kiếm miếng cơm thiên hạ chứ họ không có chí làm quan. Vì thế, biết bao ông cử ông tú khi đã đậu đạt rồi thì khăn gói ra Bắc vào Nam làm nghề dạy học (mà biết đâu trong đó có niềm tự hào là đã được đem chữ nghĩa thánh hiền truyền cho thiên hạ).
Những ông đồ đi suốt quanh năm, chỉ ba ngày tết mới về quê, đưa cho vợ được vài quan tiền làm mâm cơm cúng tổ tiên, rồi đến mồng năm mồng mười tháng giêng lại khăn gói ra đi, cứ thế... Còn người đàn bà, người phụ nữ nghĩa là người mẹ, người vợ đất Quỳnh Đôi cứ phải chạy vạy tảo tần, dệt lụa buôn tơ để thờ cha mẹ chồng, nuôi con ăn học, thánh tài rồi con lại ra đi, cứ thế...
Nói “Quỳnh Đôi tơ lụa” có lẽ chỉ là một cách nói, vì Quỳnh đôi chỉ có nghề dệt lụa mà không có nghề nuôi tằm ươm tơ (chí ít cũng từ trăm năm trở lại đây, nghĩa là khoảng thời gian mà bà và mẹ tôi nhớ được). Dầu vậy có thể nói một điều mà không sợ bất cứ ông cử, ông nghè nào tự ái là chính nghề dệt lụa đã “đẻ” ra các ông, bởi đó là sự thật. Năm ngày một tấm lụa, người nghèo thì dệt lụa thuê hay vay vốn mua tơ dệt lụa rồi bán lụa trả vốn lời thì ăn, người không phải vay vốn thì được nhiều lời hơn chút đỉnh, kẻ khá thì buôn tơ bán lụa khắp nơi trong tỉnh và ra cả Thanh Hóa, Hà Nội, nghề lụa quê tôi đã thành truyền thống bao đời. Có ông cử ông nghè nào không có tuổi thơ lẫm chẫm bên khung cửi của mẹ đâu và khi lớn lên thì những tấm lụa của người mẹ, người vợ đã trải thành đường cho các ông đi đến công danh khoa cử...
Lầm lũi làm ăn, người phụ nữ làng Quỳnh không ngờ rằng họ cũng nổi tiếng như chồng con họ. Nếu chồng họ, con họ nổi tiếng là những người học hành, khoa cử hay chữ, đạo đức thì họ nổi tiếng là những người mẹ, người vợ chịu thương, chịu khó, đôn hậu, thủy chung... Nhiều năm về sau, trong những dịp hiếm hoi về lại quê nhà, những khi đêm khuya nhìn bóng mẹ gầy guộc hắt lên vách đất dưới ánh đèn dầu leo lét, hai tay mẹ thoăn thoắt đưa thoi, miệng lẩm nhẩm vài câu hát truyện nôm. Lòng tôi bỗng trào lên nỗi xót thương vô hạn, xót thương mẹ và xót thương cho những người phụ nữ làng Quỳnh muôn đời vẫn lặng lẽ hy sinh cho chồng, cho con không mệt mỏi.
Nhiều năm không về lại chẳng biết làng Quỳnh quê tôi bây giờ ra sao, chắc đã đổi thay nhiều lắm. Nhưng cho dầu quê tôi ra sao thì tôi vẫn nhớ nó yêu thương nó hết lòng. Vì nếu tôi yêu cái làng Quỳnh dệt gấm thêu hoa, làng Quỳnh tơ lụa, làng Quỳnh văn vật học hành với mười hai ông tiến sĩ, hàng trăm cử nhân tú tài thời phong kiến và cũng hàng trăm cán bộ, giáo sư đại học ngày nay. Cái làng Quỳnh đất tổ của Nguyễn Huệ, Hồ Xuân Hương... Cái làng Quỳnh của truyền thống cách mạng với lời khen tặng “ba mươi năm thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Cái làng Quỳnh chỉ có mấy ngàn dân thôi mà đã có trên hai trăm năm mươi (250) liệt sĩ và hàng ngàn bộ đội thương binh của hai cuộc kháng chiến... Thì tôi cũng yêu cái làng Quỳnh nghèo khổ phải đốt lá đa lên mà học, ké nhờ ánh đèn hàng xóm qua vách mà học. Cái làng Quỳnh của những người nông dân chất phác đôn hậu mà hóm hỉnh, giàu chất “u mua” như Trạng Quỳnh, Xiển Bột. Cái làng Quỳnh với những câu đầu lưỡi “người làng ta”, “đất làng ta”, “tục làng ta”... mà mới nghe thật khó chịu vì tưởng chừng trong đó sự bảo thủ, địa phương chủ nghĩa nặng nề. Tuy nhiên nếu lật lên, ta sẽ thấy đằng sau những câu chữ ấy là niềm tự hào chính đáng về con người, nền nếp, truyền thống quê hương, là tình yêu quê hương sâu đậm mà không phải ai, không phải nơi nào cũng có được.
Tôi biết quê mình là nơi đất hẹp người đông, lại khô cằn sỏi đá. Nhưng biết làm sao được, đâu phải vì cha mẹ nghèo mà con cái không yêu cha mẹ. Vả lại có ai có thể chọn được cho mình nơi sinh ra, mà dẫu bây giờ có ai đó cho tôi phép lạ để có thể chọn cho mình quê hương thì có lẽ tôi vẫn chọn cho mình cái làng Quỳnh nghèo khổ của tôi như tôi đã sinh ra thuở nào vậy thôi.
*
* *
Bây giờ thì tôi đã “xin nhận nơi này làm quê hương”, gốc rễ đã mắc cả vào đây rồi. Trong huyết quản của con trai tôi là sự hòa hợp của hai giòng máu Bắc Nam. Và nếu nói như Xuân Diệu thì nó đã trở thành kẻ “cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong”. Là người suốt đời chống lại những định kiến hẹp hòi, phân chia Nam Bắc, chủ nghĩa bản vị địa phương (theo cách riêng của mình) tôi thật tự hào về điều đó. Tuy nhiên trong những chiều cuối năm này, khi đốt lên vài nén nhang, nhìn khói nhang lên quấn quýt dịu dàng, để lòng mình chùng lại, tưởng nhớ về nơi quê cha đất tổ với tấm lòng thành kính. Tôi bỗng thấy mắt mình rưng rưng./.
VÔ ĐỀ GÒ CÔNG
-
* Đêm trung thu (29/9/2023) ôm cây guitar qua Gò Công đàn mấy bản buồn:
Lagrima, Adelita, Pavana của Francisco Tarrega. Nói với những bạn nghe mấy
bản nà...
1 năm trước
7 nhận xét:
Thời điểm nầy là lúc mà chữ HOÀI đang xâm chiếm và ngự trị ở những người con xa quê. Tết! dù chỉ là một âm tiết lạnh lùng và vô cảm, nhưng nó gắn bó, nó tạo dựng, nó thấm đẩm những kỷ niệm của một thời…
Tố Hữu nói “ Giả từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân tới lâng lâng lạ thường”
đây là cách nói của người làm văn nghệ. Anh thì khác . Anh không nghe xuân tới với sự lâng lâng lạ thường mà “Anh như ngọn gió đến từ ngàn lau lách ấy.Thổi qua rồi hoa lá vẫn còn rung”
Tìm đường vào blog bạn mà không đươc, dốt vitính khổ thế đấy, ai bày cho gì biết nấy, không dám mò sợ hỏng cái đang có.
Dễ mà! Anh cứ vào: http:www.dongtanguyentanphuc.blogspot.com/ hoặc vào Blog của Anh Bình thì sẽ có liên kết của em ở đó
Trên trang chủ của em có 2 blog : Nguyễn Tấn Phúc Bến Tre và Đôi lúc trầm tư
Cảm ơn anh Kỳ đã có một bài viết thật xúc động để biết rõ hơn về "bổn lai diện mục" của một vùng đất. Những ai đã yêu tha thiết, tinh tế quê hương mình thì bao giờ cũng trân trọng tình cảm của một người nào đó đã dành cho quê hương của chính họ.
Chào chú Kỳ . cháu lang thang trên mạng thì bắt gặp bài viết của chú . Cháu thực sự xúc động về những dòng tâm tư rất thật về cái làng Quỳnh của chú cháu mình . Những người tha hương như cháu càng nhớ quê hơn . cháu đang ở đông âu .
Cháu chào chú, cháu là một thành viên trên diễn đàn người Quỳnh Đôi mình, langquynh.net
cháu thấy bài viết của chú có nói đến bài hát "Làng Quỳnh tơ lụa" cháu có thể xin chú lời bài hát đó được không
cháu nghe các anh chị nói đến bài hát này nhưng có lẽ chưa được nghe bao giờ, mà tìm cũng chưa có lời của nó.
Đăng nhận xét