Thứ Năm, 26 tháng 2, 2009

BIÊN GIỚI THÁNG HAI

HUY ĐỨC

Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi.

Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.

“Những đôi mắt”
Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.

Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.

“Cuộc Chiến 16 Ngày”
Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.

Ở Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; đại đội 22 của thị xã Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ có khoảng hơn 2 trung đoàn.

Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3 sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40 tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9 quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai; chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.

Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.

Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.

Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở. Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.
`Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.

Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. *Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.

Huy Đức-SGTT

(Bài này chỉ xuất hiện ở Sài Gòn Tiếp thị online của Việt Nam chốc lát rồi đã bị gỡ xuống)

Rất tiếc tôi đã không đưa được tấm bảng ghi lại tội ác của quân xâm lược Trung Quốc tại Cao Bằng. Nguyên văn viết trên tấm bảng như sa: "Vụ thảm sát tại tổng Chúp, xã Hưng Đạo huyện Hoà An quân Trung Quốc xâm lược đã dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em, quẳng xuông giếng nước".
(Dương Sinh)

Dọc bài của Lê Phú Khải trên daohieu.com

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC MUỐN GÌ?

Lê Phú Khải

LỜI TÒA SOẠN: Những người chủ trương LBT chưa đọc cuốn sách “Ma chiến hữu” này, vì thế chúng tôi không bình luận về bài viết này. Nhưng chúng tôi đăng tải bài này như sự ghi nhận tấm lòng của một nhà báo: anh Lê Phú Khải. Rất mong nhà xuất bản Văn Học có ý kiến.

Một người bạn hốt hoảng chạy đến nhà tôi, anh ta chìa cuốn sách và nói trong giận dữ: Chúng nó ca ngợi những tên xâm lược đã giết hại đồng bào mình! Anh hãy đọc đi, hết chỗ nói rồi(!)

Tôi cầm cuối sách. Nó có tên là “Ma chiến hữu”, của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, được Trần Trung Hỷ dịch, Nguyễn Cừ chịu trách nhiệm xuât bản, Triệu Xuân và Mạc Nguyên biên tập, được nhà xuất bản Văn Học liên kết với công ty văn hóa Phương Nam xuất bản… Bìa trước có vẽ hình ba người lính Trung Quốc, bìa sau còn có hình nhiều tên xâm lược Trung Quốc… Dưới cùng còn có lời giới thiệu của những người làm sách: Một cách nghĩ khác về chiến tranh; Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng…

… Tôi đọc được hơn 50 trang đã thấy đất dưới chân mình như đang sụt lún… Và, tôi đã thức trắng đêm để “nghiên cứu” cuốn sách khốn nạn, vô sỉ này.

Bằng một thủ pháp nghệ thuật chẳng có gì mới, là sử dụng yếu tố hư ảo, người chết nói chuyện với người sống (thế kỷ 15, 16… các nhà văn Phương Tây như Sếch – pia đã sử dụng thủ pháp này), nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc miêu tả một người lính Trung Quốc có tên là Tiền Anh Hào, người đã hy sinh vào tháng hai năm một ngàn chín trăm bảy mươi chín trong một trận phản kích”! (trích nguyên văn trang 13). Trước khi Tiền Anh Hào được điều ra trận “vì ở phía Nam đang đánh nhau” (trang 17), anh ta là một tên lính toàn diện, xạ kích, ném lựu đạn, đánh cận chiến, gài bộc phá hay đào hầm… thứ gì tên này cũng hay! Trước khi lên đường xuống phía Nam, anh ta được cấp trên chúc rượu: “chúc đồng chí lập nhiều công, giết nhiều địch để làm rạng rỡ quân đội anh hùng.” (trang 17). Khi nằm dưới mồ rồi, nghe tin của Bộ Ngoại giao (TQ) nói hai nước TQ và Việt Nam đã bắt đầu bình thường hóa… tên lính này than: “- Tôi càng nghĩ càng cảm thấy mình chết thật oan uổng! “(trang 56). Và anh ta được giải thích rằng: “- Trên thế giới này không hề có một tình bạn vĩnh viễn, cũng không hề có một kẻ thù vĩnh viễn. Quan hệ giữa con người và con người là như vậy, quan hệ giữa nước này và nước khác cũng vậy. Mâu thuẫn tích lũy đến một mức độ nào đó tất sẽ đánh nhau, đánh nhau thì tất có dừng. Không đánh nhau ắt không có ngày hòa bình hôm nay…” (trang 57)

Cuộc chiến vượt biên giới, vào sâu đất liền giết hại đồng bào ta đập phá nước ta năm 1979 của những tên xâm lược TQ được giải thích là một cuộc “đánh nhau”! Nghĩa là không có kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược. “Địch” ở đây chính là Việt Nam, giết Việt Nam tức là giết địch (!) Thứ lý luận lưu manh truyền kiếp và tàn độc đó lại được “anh em ta” ở nhà xuất bản Văn Học dịch ra in thành sách để đồng bào mình đọc(!) Thật không còn gì bỉ ổi hơn, khi những tư tưởng đó được giới thiệu ở bìa sách là : “Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng”!

Lê Phú Khải

(Một đêm thức trắng 25/2/2009)

Trong lễ mừng cắm xong cột mốc cuối cùng ở biên giới hai nước người ta đã trưng lên một vòng hoa với dòng chữ "DỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SĨ TRUNG QUỐC" và ngay biên giới cò một nghĩa trang chung cho cả bộ đội Việt Nam và lính Trung Quốc (có cả tượng đài hai người lính hẳn hoi)(daohieu.com).Thì việc dịch một cuốn sách như vậy và nhất là với lối dịch như vậy chẳng qua cũng là một sự nhất quán mà thôi. Anh thức trắng đêm mà làm gì, hốt hoảng mà làm gì cho thêm bạc tóc hả anh Lê Phú Khải?
DƯƠNG SINH

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

BUỒN VUI MỘT CÂY CẦU

Thấm thoát cầu Rạch Miễu đã khánh thành được hơn một tháng. Tính trạng hỗn loạn của những ngày đầu đã giảm bớt nhiều, điều đó cũng hợp quy luật. Nhưng những chuyện quanh cây cầu suốt một tháng nay vẫn râm ran. Những chuyện khiến người ta phải suy nghĩ, chuyện vui có chuyện buồn có:
Thứ nhất là Bến Tre đã có… cầu. Nói gì thì nói đây thật sự là niềm vui lớn cho người dân Bến Tre, khi được thoát cảnh cách các tỉnh khác không xa mà chịu cảnh cô độc như những hòn đảo chơ vơ giữa sông Tiền. Sự đi lại của người dân tiện lợi hơn nhiều đã đành mà có lẽ các hoạt động kinh tế cũng sôi nổi hơn chút ít (nói riêng về tỉnh nhà). Điều này thì có lẽ không ai không thấy… Tuy nhiên thực ra thì dự định về một phương tiện giao thông thuận lợi hơn những chiếc phà mỏng mảnh đã có từ trước xa rồi. Nghe nói chế độ cũ đã có những dự án về một chiếc cầu hay một đường hầm (kiểu như đường hầm Thủ Thiêm) nối Bến Tre với Tiền Giang, nhưng vì nhiều lý do những dự án đó không được thực hiện. Theo tôi nghĩ lý do quan trọng nhất là với sức phát triển của xã hội bốn, năm mươi năm trước thì một dự án như thế là không cần thiết. Bây giờ mới là thời điểm đúng để cây cầu ra đời. Nói vậy để biết rằng cây cầu ra đời là sự thúc bách của thực tiễn chứ không phải là do ý muốn chủ quan của ai đó.
Thứ hai là nghe đâu ngày khánh thành cầu, một ông lớn về dự đã đưa hai tay lên trời mà gào lên thống thiết một cách rất… kịch: “Trời đất ơi, bà con ơi! Bến Tre có cầu rồi…”. Câu này hiện nay được truyền tụng rất nhiều trong dân gian những lúc trà dư tửu hậu như một tiết mục hài hước được ưa chuộng. Nghĩ cho cùng dân gian cũng có cái lý của họ: những hành động đáng lẽ của một người nông dân chân lấm tay bùn, vai u thịt bắp lại được diễn bởi một ông lớn có trách nhiệm lo cho hàng chục triệu người thì quả thật cũng đáng cười lắm chứ…
Chuyện khác là chuyện “Bến Tre làm cầu, Tiền Giang hưởng lợi”. Lẽ ra không nên điều này vì ai hưởng lợi cũng tốt cả thôi vì tất cả đều là con dân Việt Nam cả, ai hưởng lợi mà không tốt. Điều khiến cho nhiều người bức xúc phải nói lên điều không nên nói đó là trong khi Tiền Giang có con đường dẫn từ cầu xuống khu du lịch Thới Sơn của mình rất đẹp rất khang trang để hấp dẫn du khách. Còn đường xuống khu du lịch Cồn Phụng phía Bến Tre chỉ là một lối đi rất hẹp bằng bê tông mà theo nhiều người nói “nếu không cẩn thận thì dễ té vỡ mặt…”. Có lẽ không đến nỗi thế nhưng quả thật con đường khó lòng mà hấp dẫn dược khách du lịch và nếu so sánh với con đường phía Tiền Giang thì quả là một trời một vực. Nghe đâu có sự tréo ngoe như vậy là do mặc dù cây cầu được làm chủ yếu là để phục vụ cho Bến Tre (trong thời kỳ hiện nay). Nhưng trong giai đoạn thiết kế Tiền giang đã đề nghị hình thành cho mình một con đường từ cầu xuống để phục vụ du khách và dân địa phương, Bến Tre thì không, mãi cho đến khi nhớ ra thì đã không còn kịp nữa. Không lẽ cùng chung một con sông chỉ vì ở hai bờ khác nhau mà tư duy con người khác xa nhau đến thế….
Chuyện nữa là sau khi cây cầu vừa hoàn thành, một người có trách nhiệm ở sở giao thông vận tải đã thở dài khi tâm sự với bạn rằng cây cầu vừa làm xong đã thấy lạc hậu về quy mô rồi. Điều này trách ai bây giờ nhỉ? Tôi chẳng biết nữa, mà chỉ chắc chắn một điều rằng đây không phải là lần đầu tiên càng không phải là lần cuối cùng những người có trách nhiệm làm xong một việc rồi thở dài. Thở dài rồi lại tiếp sự việc khác cũng y như thế, mà có khi còn trong đại hơn viậc cây cầu này nhiều…
Chuyện nữa… chuyện nữa… Nhưng mà thôi, nói nhiều để làm chi….

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

MUỐI ĐẮNG

Trước chuyến đi, anh bạn tôi là biên tập viên của báo, cũng là dân gốc Bảo Thạnh nói : “Anh đi thử coi chứ tụi tôi là dân “bụt chùa nhà không thiêng” khó viết lắm anh ạ ! Có điều tôi biết hạt muối quê tôi ngoài vị mặn ra còn có thêm vị đắng, mà đắng lắm đó anh !”.
“Ừ ! Đi thì đi chứ sợ à ? – Tôi nghĩ bụng – cho dù không viết được gì đi nữa thì thay vì nằm cù queo ở nhà, ta làm một chuyến giang hồ vặt cũng vui chứ sao !”. Thế là lên đường, tuy là nghĩ tầm khùng vậy chứ tôi biết đã nhận lời ra đi là mang nợ vào người rồi. Vì vậy, thú thật tôi hơi hoảng khi nhìn thấy những đổi thay của vùng này so với mấy năm về trước, khi tôi đến đây lần đầu. Từ con đường, nhà cửa đến manh áo trẻ con mặc trên người cũng nói lên sự thay đổi đó. Hạt muối đắng như lời anh bạn tôi mà có thể làm thay đổi vùng quê biển này đến thế sao ? Hay bạn tôi đã lầm.
Tôi càng băn khoăn hơn khi nghe đồng chí Chủ tịch xã báo cáo tình hình: toàn xã có gần 200 truyền hình, trong đó có 12 truyền hình màu (nghĩa là có cả máy phát điện để có thể chiếu vi–đê–ô), gần 200 trăm xe máy, 30% số hộ trong xã có thu băng. Trong số 1540 hộ thì chỉ có 80 hộ đói, còn lại từ đủ ăn đến giàu (đã có 67 hộ giàu). Những con số đó nếu ở nơi khác thì chắc chẳng có gì để nói, nhưng ở đây...
Chiều hôm đó, trong cuộc nhậu, khi nghe tôi nói về những băn khoăn của mình, người học trò cũ của vợ tôi và cũng là chủ nhà tôi đang ở, nói: “Những điều thầy thấy (anh ta vẫn quen gọi tôi bằng thầy) là đúng quá đi rồi, quê em đã thay đổi nhiều lắm so với lần thầy về đây năm trước. Tuy nhiên, nếu chỉ nói riêng về muối thì... – Anh chợt ngừng lời, nét cười trên miệng mất đi, giọng buồn hẳn – ... Đúng là đắng đấy thầy ạ !”. Chao ôi ! Sao tôi lại không hiểu ra điều đó nhỉ ? Vâng tôi sẽ đi theo hướng ấy xem sao ?...
*
* *
Chiều nay chúng tôi ra ruộng muối...
Gió biển lồng lộng tràn qua các ô muối, tạt vào mặt chúng tôi mang theo hơi muối mặn, hừng hực, nồng nàn...
Dọc đường đi, anh Hai Thành, một thương binh chống Mỹ và cũng là một người làm muối khá kỳ cựu ở đây vui vẻ kể:
Ngày trước, dân mình đâu biết làm muối. Khoảng những năm năm mươi năm hai (1950 –1952) dân Trà Vinh qua đây mới bày ra nghề này, nhưng khi đó người ta còn dùng vồ nện sân mưới. Còn bây giờ chúng tôi dùng trục lăn, đỡ cực hơn nhiều lắm... Sắp ra đến sân muối rồi đấy, ra đó các anh sẽ thấy...
Từ đây, chúng tôi đã có thể thấy quang cảnh rộn rịp trên sân muối, có lẽ đó là những người gánh muối về chòi hay gánh muối giống ra ruộng. Nhìn từ xa họ như những con kiến nhỏ cần cù nhẫn nhục kiếm ăn theo ngày tháng. Bên tôi, anh Hai Thành vẫn tiếp tục:
– Làm nghề này có cái hay là gần như không phải bỏ vốn ra nên người ta cũng ham (anh tính, chỉ cần một cái trục lăn, hai cái xa quạt là đủ dụng cụ làm muối rồi, tính giá trị tất cả khoảng 500 ngàn đồng mà có khi dùng cả chục năm trời mới phải thay) – Anh bỗng thở dài – Nhưng vất vả cực nhọc lắm anh ạ ! Suốt ngày này tháng khác cứ phơi ra ngoài nắng. Trên thì nắng, dưới thì nước mặn phả hơi lên, không khí cứ như quánh lại, đến thở cũng khó khăn, nói chi đến chuyện đẩy trục lăn hay cào muối, gánh muối, vãi muối giống... – Anh bỗng cười nhếch mép, cái cười vừa pha chút tinh nghịch nhưng cũng xen một chút buồn buồn – Con gái quê tôi khỏe mạnh thì có, chứ còn nói đến đẹp thì... Chân đứa nào cũng xám mốc, gót nẻ như chân chim, làm lụng trong những điều kiện như thế lấy đâu mà khác được...
Phải, bây giờ thì tôi đã hiểu thêm nhiều điều về sự cực nhọc của hột muối làm ra. Tôi biết nơi bây giờ là ruộng muối bằng ngăn ngắt, chạy tít tận chân trời kia trước đây là vùng rừng hoang, nê địa với những gốc cây lớp mối, lớp cũ chồng chất lên nhau, người ta đã khai phá lần lần, cần cù nhẫn nại như những con kiến tha từng hạt gạo. Từ việc chuyển đi từng gốc cây đến việc san lấp để tạo nên mặt bằng lý tưởng cho nghề làm muối, tất cả đều đòi hỏi sức lực và sáng tạo của con người. Mà nói chi đến những chuyện vất vả ngày xưa, ngay bây giờ thì người dân làm muối vẫn thật cơ cực. Tôi không biết ở những nước khác quy trình làm muối của họ ra sao, nhưng ở đây sau gần năm mươi năm mà mới chỉ chuyển được từ vồ nện sang trục lăn trong quy trình làm muối thì quả thật là chậm. Mà nào chỉ có thế... lòng tôi bỗng trào lên một nỗi buồn man mác khi nghĩ lại lời của một cô gái tối hôm qua:
– Bọn em ở đây vất vả lắm anh ạ ! Quanh năm suốt tháng chỉ biết cặm cụi trên ruộng muối (mùa mưa thì làm việc khác như nuôi cá, nuôi tôm), ít khi có dịp được đi đó đi đây. Em là còn khá, còn được học hết cấp hai mới nghỉ, còn biết chỗ nọ chỗ kia, chứ như... anh có hình dung được bọn em ở đây có đứa đã hai mươi tuổi, lấy chồng, có con mà chưa hề đặt chân lên Thị xã Bến Tre không? Chẳng có việc gì, đi chơi thì tốn kém, công việc lại tối tăm mặt mũi...
Càng buồn hơn khi nhớ lại lời người bạn khi biết tôi sắp đi Bảo Thạnh: “Tôi đã quan sát cái nón có hai diềm vải che nắng của các bà các cô ở đó rồi anh ạ ! Nó khiến tôi liên tưởng đến hai miếng da mà người ta dùng để che mắt con ngựa để hạn chế tầm nhìn của nó khiến nó chỉ biết đi thẳng. Tuy vậy, con ngựa thì còn đi đó đi đây chứ những người dân ở đây thì chỉ từ nhà ra ruộng muối, từ ruộng muối về nhà !”. Có thể là anh ta hơi cường điệu và cực đoan nhưng nghĩ cho cùng thì không phải không có chút hợp lý.
Công việc thì vất vả thế đấy, nhưng còn thu nhập ? Nếu thu nhập mà khá thì cũng còn bù đắp phần nào những vất vả cay cực cả về thể xác lẫn tinh thần cho họ, vì nghĩ cho hết lẽ thì cũng còn có nhiều nghề còn vất vả hơn. Tuy nhiên tôi đã làm vài con tính nhỏ và bàng hoàng khi nhận thấy công làm muối ở đây thấp biết chừng nào.
Để làm năm công ruộng muối cần có 1,5 công lao động ròng rã trong sáu tháng trời (kể cả công vận chuyển muối) mới làm ra được sáu trăm (600) giạ muối (theo con số của xã báo cáo), với thời giá hiện nay tính ra tiền được một triệu tám đến hai triệu (1,8 – 2 triệu). Như vậy nếu quy ra công hàng ngày thì chỉ vào khoảng hơn tám ngàn đồng. Có lẽ ít có nơi nào mà công lao động thấp như thế, nhất là trong một điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc như thế.
Và đây nữa, cũng theo thống kê của xã, hiện nay toàn xã có trên tám trăm gia đình làm muối với 500 ha ruộng muối, bình quân mỗi gia đình có công (6000m2). Thử chỉ lấy một gia đình kiểu mẫu thôi (cha, mẹ, hai con) thì với thu nhập khoảng 2,3 triệu đồng từ 6 công ruộng muối đó, tính bình quân đầu người chỉ khoảng sáu trăm ngàn đồng mỗi năm, cuộc sống như vậy rõ ràng là dưới mức nghèo khổ nếu chỉ trông chờ vào muối. May mắn thay không chỉ có thế, người dân ở đây còn có những nghề phụ khác nữa: nuôi tôm, cá trên ruộng muối vào mùa mưa, đắp đập nuôi tôm, làm lúa (ở đây rất nhiều nhà vừa làm ruộng muối vừa có ruộng lúa)... Có lẽ sự đổi mới của vùng này nhờ không ít vào các nghề phụ đó.
Nhưng... lại trở về với ruộng muối. Đêm qua khi nghe tôi hỏi về thu nhập và chi tiêu của một gia đình làm muối, chị Hai xóm Trại đã nói với tôi :
– Thằng Hai Thành nói với câu là bây giờ hiện tượng bán muối non ngay từ mùa mưa không còn nữa, nếu có thì cũng không đáng kể. Điều đó thì đúng thôi và đó cũng là ơn của sự đổi mới đối với dân ở đây. Tuy nhiên thằng đó chỉ biết một mà không biết hai. Nó không thấy sự chi tiêu của một gia đình, nhất là gia đình nghèo (nhà nó tạm coi là đủ ăn đi), giống như mấy cái hang của con cá lưỡi búa: những món chi chính, có tên là những lỗ hang, còn những món chi vặt vãnh, không tên là những đường hang ngầm dưới đất. Lỗ hang thì ít nhưng hang ngầm thì nhiều. Tất cà những hang hốc đó nó nuốt trôi dần đi những giạ muối của tụi tao kể từ lúc bắt đầu đến lúc hết vụ... Tôi nhớ là lúc đó tôi đã tròn mắt lên nhìn chị. Tôi nghĩ chỉ có cái cay cực của hạt muối mới nói lên được những lời như thế chứ còn chị, một người đàn bà ít học, khô héo, già trước tuổi vì những năm tháng dãi nắng dầm mưa làm sao nói nổi những lời vừa văn hoa vừa sâu sắc như thế.
– Phải, có chờ chi những cảnh bán muối non vào những tháng mùa mưa mà chỉ kể từ khi đặt xa quạt xuống ruộng cho đến khi hạt muối đầu tiên thu được và xa hơn nữa là đến lúc vác xa quạt về nhà, có biết bao nhiêu thứ phài chi đã bào mòn dần đống muối làm ra. Phải bán muối để ăn, ăn để làm ra muối, họ giống như một con kiến chúa lúc nới lập tổ: đẻ ra được ba trứng phải ăn hai để có sức mà đẻ tiếp vì không có gì ăn... ngoài trứng do mình đẻ ra. Và thế là đống muối còn lại cuối vụ chắc cũng không lấy gì làm to lắm...
*
* *
Bây giờ thì chúng tôi đã ở giữa đồng muối. Đã gần năm giờ chiều mà trời vẫn nắng chói chang. Trời bỗng lặng gió, sức nóng hầm hập của buổi chiều cuối mùa khô làm tôi hơi váng vất. Xung quanh tôi vang lên tiếng chào hỏi của mọi người khiến tôi chưa biết trả lời ra sao:
– Chào anh nhà báo ! – Có tiếng chào tinh nghịch từ phía sau, tôi quay lại và thấy cô gái tối qua vừa nói chuyện với tôi về nỗi vất vả của người làm muối đang nhoẻn miệng cười.
– Chào em ! Chòi muối của em ở đâu ?
– Kia ! – Cô đưa tay chỉ rồi kéo diềm vải trên vành nón lau mặt – Các anh khôn thế, ra đồng muối vào lúc mát mẻ thế này rồi về ngồi tàn ra những nỗi thú vị hay ho và sôi nổi của lao động làm muối...
Tôi chỉ còn biết cười khổ chứ còn biết nói gì hơn. Thế này là mát mẻ đấy ư, khi mà trên mặt tôi mồ hôi mẹ mồ hôi con đang thi nhau tuôn xuống và chiếc áo tôi mặc thì như vừa mới nhúng nước lên. Đây chính là một trong những cái nôi đã làm ra vị mặn cho đời sao ? Đây chính là nơi đã cho tôi những hạt muối thường ngày đó sao ? Người ta cứ hay nói đến việc phải biết đến công khó nhọc của những người làm ra hạt lúa để mà tiết kiệm gạo thóc, nhưng mấy ai đã biết đến công khó của những người đã làm ra hạt muối, dù công khó của họ chẳng hề kém hơn công khó của những người làm ra hạt lúa. Đang nghĩ mông lung như thế thì tôi bị Hai Thành vỗ vỗ vào vai làm cho bừng tỉnh. Anh đưa tay chỉ:
– Đó trẻ con quê tôi cũng thực sự tham gia lao động đó anh.
Giọng anh Thành có vẻ hồ hởi và tự hào nhưng tôi thì lại cảm thấy buồn. Tôi tiến về phía cậu bé mà anh vừa chỉ, đó là một đứa bé khoảng mười hai, mười ba tuổi, da đen trũi, rắn chắc đang đạp xa quạt:
– Đạp thế có mỏi chân lắm không hả cháu?
– Lúc đầu cũng mỏi nhiều, nhưng sau quen dần đi chú ạ ! – Đứa bé đáp nghiêm trang như người lớn.
– Cháu học lớp mấy rồi ?
– Cháu học lớp năm.
– Thế cháu có nhiều thì giờ để học bài không ?
Đứa bé không đáp. Cha nó, một người đàn ông tuổi sồn sồn trả lời thay con.
– Kể cũng tội nghiệp lắm anh ạ, nhưng biết làm sao được, trước hết phải ăn đã rồi mới nói chuyện học, thế mà...Nhà tôi neo người quá, mấy đứa em nó còn nhỏ, mẹ nó lại yếu, nện chi...
– Anh ngừng lời một chút rồi đột nhiên trở nên cau có như giận ai – Mà nói cho cùng ra thì đâu chỉ riêng gia đình tôi, đâu phải chỉ mình nó phải nghỉ học phụ gia đình.
Dẫu biết rằng thế nào cũng phải có người làm ra hạt mưới cho tôi ăn, nhưng khi nghe người đàn ông nói thế lòng tôi bỗng trào lên một nỗi chua xót vì nghĩ đến một cái vòng luẩn quẩn: mười hai, mười ba tuổi nghỉ học, ở nhà phụ làm muối. Lớn lên một chút thành lao động chính, cưới vợ sinh con rồi đứa con mười hai, mười ba tuổi lại phải nghỉ học ở nhà làm muối...
Ôi ! Chính cái đất đã sinh ra vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ mà hơn một trăm năm sau chỉ có ba người đang học đại học (mà trong đó có một người chỉ là “dân gốc vùng này” thôi còn đã theo gia đình đi ở nơi khác mất rồi). Xót xa sao và càng xót xa hơn khi ta biết tổng số dân hiện nay của xã là gần chín nghìn người. Tuy nhiên con đường học vấn vốn đã khó khăn và ngày càng khó khăn trong khi cuộc sống ở một vùng quê hẻo lánh, với một nghề nghiệp vất vả như vậy, thu nhập thấp như vậy thì con số trên có lẽ cũng là tất yếu thôi.
*
* *
Dọc đường về, những ý nghĩ buồn buồn cứ xâm chiếm tâm trí tôi:
Một là câu chuyện cổ kể về nàng công chúa nói rằng mình yêu cha mẹ như yêu hạt muối và vì thế cô bị mẹ cha hắt hủi. Thế đấy, giữa đời thường đã dễ mấy ai biết đến giá trị của hạt muối như nàng công chúa kia, nói chi đến việc cảm thông với nỗi cơ cực, đắng cay của người làm ra hạt muối.
Hai là lời chị Hai xóm Trại đã nói với tôi hôm ở trên ruộng muối: “Tụi tao ở đây trông trời mưa nhiều hơn trời nắng !”. Chao ôi! Làm một nghề mà sản lượng thu hoạch trông vào trời nắng, lại trông mưa nhiều thì chua chát biết dường nào. Nhưng nắng lắm mà chi khi trời nắng phải đổi từ mười hai đến mười lăm giạ muối mới được một giạ lúa, trong khi nếu trời mưa nhiều thì có khi chỉ cần sáu, bảy giạ muối là đã được một giạ lúa rồi.
Nhưng tôi, tôi chỉ là một người cầm bút. Liệu tôi có thể làm được gì cho hạt muối Bảo Thạnh bớt đắng đi phần nào. Và nếu tôi không làm được thì liệu có ai chăng ?!

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2009

Hãy nhớ lấy

Đầu xuân, đọc “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường, hay quá nên đọc mê mải, không dứt ra được. Trong đó có một chi tiết là một số liệu làm tôi sững sờ: Trong cải cách ruộng đất có đến 70% huyện uỷ viên và tỉnh uỷ viên bị xử bắn và 78% địa chủ cường hào là bị oan sai. Tôi sững sờ vì sự mất mát to lớn ấy, đồng thời nó cũng khiến tôi nhớ lại hai chuyện mà gia đình tôi có liên quan:
Chuyện thứ nhất: Mẹ tôi kể lại rằng, khoảng cuối năm năm ba (1953) đầu năm năm tư (1954), cha tôi lúc đó là thường vụ huyện uỷ Yên Thành (Nghệ An) được cử đi làm đội trưởng đội cải cách về một xã của huyện Can Lộc (?)(Hà Tĩnh). Cứ theo lời mẹ tôi thì lúc ra đi cha tôi phấn khởi lắm vì theo ông đây là một phần của quan trọng trong cuộc cách mạng của Đảng. Sau khi giải phóng dân tộc rồi phải tiến hành giải phóng nhân dân… Không may cho cha tôi là xã mà ông phụ trách lại quá nghèo, số người đủ tiêu chuẩn để quy địa chủ (theo quy định) rất ít, ruộng đất đa số nằm trong tay địa chủ các xã khác xâm canh. Suốt ba tháng trời cha tôi không làm sao tìm đủ số 5% địa chủ như chỉ tiêu của trên giao. (Về sau ông nói với mẹ tôi rằng lúc đó có người khuyên ông nên nâng phú nông thành địa chủ trung nông thành phú nông để hoàn thành nhiệm vụ như những người khác vẫn làm nhưng ông không làm được). Vì “không hoàn thành nhiệm vụ” nên ông bị quy là “hữu khuynh với giai cấp bóc lột, kẻ thù của nông dân”bị cách chức đội trưởng đưa về đoàn uỷ kiểm điểm. Cha tôi là người có tật ở chân, đi đứng không thật vững vàng, nhưng suốt ba ngày đã phải đứng trong vòng phấn để tự kiểm điểm và nghe các đồng chí khác phê bình những sai lầm mà do lòng trung thực với Đảng, với chính mình nên ông mắc phải… Hệ luỵ này còn kéo dài mãi về sau trong cuộc đời công chức của ông.
Chuyện thứ hai: một chiều mùa đông năm năm chín (1959), tôi đi học về thì thấy mọi người đang xúm đen trong nhà. Mẹ tôi vừa mếu máo vừa nói với một người đàn ông lạ mặt đang đỡ cha tôi: “Anh Hiến ơi, làm sao bây giờ hả anh?...”. Người đó trấn an mẹ tôi: “Không sao đâu chị, tại anh xúc động quá đó mà!”…. Rồi cha tôi tỉnh lại, mọi chuyện cũng qua đi. Về sau tôi được biết sở dĩ cha tôi ngất là vì nghe tin tình trạng thảm khốc của gia đình một người đồng chí, một người ơn của mình mắc phải do bác Hiến (người đàn ông đã đỡ cha tôi hôm ấy) một người bạn cùng hoạt đông từ thới bí mật kể lại. Qua những câu chuyện người lớn nói với nhau và qua lời kể của mẹ tôi hình dung chuyện mà bác Hiến dưa tin như sau:
Ông tên Quyến (tôi không biết họ), ở xã Nghĩa khánh, Nghỉa Đàn, Nghệ An. Là đảng viên cộng sản, được Đảng bố trí ra làm lý trưởng (vì thế có tên Lý Quyến chứ không phải họ Lý). Trong vai trò một lý trưởng ông đã làm lợi cho Đảng rất nhiều, ông đã che dấu đùm bọc rất nhiếu đồng chí trong suốt giai đoạn Đảng hoạt động bí mật. Khoảng trước sau thời kỳ mặt trận Bình dân (lâu quá nên tôi không còn nhớ chính xác nữa), cha tôi bị lộ, bị truy nã chạy lên Nghĩa Đàn được ông Lý Quyến nuôi dấu trong nhà suốt khoảng ba tháng trời…
Cải cách ruộng đất, ông bị quy địa chủ cường hào, là việt gian chui vào đảng và bị kết án tử hình cùng với hai ông nữa (một ông tên Thạc, một ông tôi quên mất tên) với cùng tội trạng. Đêm trước ngày bị đưa đi xử bắn, ông Thạc bàn với hai bạn: “Mình hết lòng với Đảng mà Đảng không hiểu cho mình, thà bây giờ mình tự tử chứ không thể để Đảng xử bắn, nhục nhã lắm…”.Ông kia đồng ý, hai người bèn dập vỡ bát ăn cơm lấy miểng cứa cổ. Nhưng những người canh gác biết được liền đưa đi cấp cứu, nhờ thế mà họ sống. Riêng Lý Quyến không đồng ý cho rằng sống chết vì Đảng, lúc này Đảng chưa hiểu thì sau sẽ hiểu. Ngày hôm sau ông bị đưa đi bắn, người con trung kiên của Đảng, người tuyệt đối trung thành với Đảng đã chết như thế đấy. Nhưng oan khiên chưa hết, ông Lý Quyến có hai người con là anh Cấu và chị Đức, lúc đó anh Cầu khoảng mười sáu mười bảy, chị Đức khoảng mười ba mười bốn. Cha bị bắn, gia đình bị bao vây tứ phía không có cách gì kiếm ăn, nhà chỉ còn duy nhất một cái liềm (có lẽ đội và nông dân đã vô tình để sót). Anh Cầu dùng cái liềm ấy hàng ngày vào rừng bứt cây rành rành (cây chổi xuể) về bện chổi đem bán kiếm cái ăn hàng ngày cho mẹ và em. Một hôm từ rừng về, anh gặp một người nông dân thuộc diện “rễ chuỗi”, người này giật lấy chiếc liềm anh giắt trên đầu gánh và nói : “địa chủ tụi bay không đáng có một thứ gí hết!”... Dụng cụ kiếm cơm cuối cùng bị mất. không có cách gì để kiếm sống, anh đành lần tìm vào các hang núi đá tìm bắt tổ chim, không may một lần hang sập, anh bị đá đè chết....
Năm sau (1960) cha tôi bàn với các chú trong Tỉnh uỷ xin cho chị Đức vào học trường y tế Nghệ An. Tôi không nhớ là hệ sơ hay trung cấp nữa nhưng tôi nhớ chị là người con gài xinh đẹp, hiền lành thuỳ mỵ. Tôi cũng đã gặp bác Quyến gái, trong trí nhớ của tôi bác trắng trẻo, hơi đậm người trông rất phúc hậu.... Hai gia đình chúng tôi giữ mối liên lạc khá chặt.Mãi cho tới khi chiến tranh phá hoại cuả Mỹ mở rộng (1965) nhà tôi phải chạy sơ tán khắp nơi rồi sau đó là cha tôi mất (1970) thì tôi không còn được tin tức gì của chị Đức và bác Quyến gái nữa…
Tôi không dám lạm bàn về cái ác và sự ngu dốt nhưng tôi nghĩ mọi người “hãy sống mà nhớ lấy” thời kỳ đó ít nhất củng như một cái giá quá đắt và quá cay đắng mà dân tộc này phài trả trong lịch sử của mình.