Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

BUỒN VUI MỘT CÂY CẦU

Thấm thoát cầu Rạch Miễu đã khánh thành được hơn một tháng. Tính trạng hỗn loạn của những ngày đầu đã giảm bớt nhiều, điều đó cũng hợp quy luật. Nhưng những chuyện quanh cây cầu suốt một tháng nay vẫn râm ran. Những chuyện khiến người ta phải suy nghĩ, chuyện vui có chuyện buồn có:
Thứ nhất là Bến Tre đã có… cầu. Nói gì thì nói đây thật sự là niềm vui lớn cho người dân Bến Tre, khi được thoát cảnh cách các tỉnh khác không xa mà chịu cảnh cô độc như những hòn đảo chơ vơ giữa sông Tiền. Sự đi lại của người dân tiện lợi hơn nhiều đã đành mà có lẽ các hoạt động kinh tế cũng sôi nổi hơn chút ít (nói riêng về tỉnh nhà). Điều này thì có lẽ không ai không thấy… Tuy nhiên thực ra thì dự định về một phương tiện giao thông thuận lợi hơn những chiếc phà mỏng mảnh đã có từ trước xa rồi. Nghe nói chế độ cũ đã có những dự án về một chiếc cầu hay một đường hầm (kiểu như đường hầm Thủ Thiêm) nối Bến Tre với Tiền Giang, nhưng vì nhiều lý do những dự án đó không được thực hiện. Theo tôi nghĩ lý do quan trọng nhất là với sức phát triển của xã hội bốn, năm mươi năm trước thì một dự án như thế là không cần thiết. Bây giờ mới là thời điểm đúng để cây cầu ra đời. Nói vậy để biết rằng cây cầu ra đời là sự thúc bách của thực tiễn chứ không phải là do ý muốn chủ quan của ai đó.
Thứ hai là nghe đâu ngày khánh thành cầu, một ông lớn về dự đã đưa hai tay lên trời mà gào lên thống thiết một cách rất… kịch: “Trời đất ơi, bà con ơi! Bến Tre có cầu rồi…”. Câu này hiện nay được truyền tụng rất nhiều trong dân gian những lúc trà dư tửu hậu như một tiết mục hài hước được ưa chuộng. Nghĩ cho cùng dân gian cũng có cái lý của họ: những hành động đáng lẽ của một người nông dân chân lấm tay bùn, vai u thịt bắp lại được diễn bởi một ông lớn có trách nhiệm lo cho hàng chục triệu người thì quả thật cũng đáng cười lắm chứ…
Chuyện khác là chuyện “Bến Tre làm cầu, Tiền Giang hưởng lợi”. Lẽ ra không nên điều này vì ai hưởng lợi cũng tốt cả thôi vì tất cả đều là con dân Việt Nam cả, ai hưởng lợi mà không tốt. Điều khiến cho nhiều người bức xúc phải nói lên điều không nên nói đó là trong khi Tiền Giang có con đường dẫn từ cầu xuống khu du lịch Thới Sơn của mình rất đẹp rất khang trang để hấp dẫn du khách. Còn đường xuống khu du lịch Cồn Phụng phía Bến Tre chỉ là một lối đi rất hẹp bằng bê tông mà theo nhiều người nói “nếu không cẩn thận thì dễ té vỡ mặt…”. Có lẽ không đến nỗi thế nhưng quả thật con đường khó lòng mà hấp dẫn dược khách du lịch và nếu so sánh với con đường phía Tiền Giang thì quả là một trời một vực. Nghe đâu có sự tréo ngoe như vậy là do mặc dù cây cầu được làm chủ yếu là để phục vụ cho Bến Tre (trong thời kỳ hiện nay). Nhưng trong giai đoạn thiết kế Tiền giang đã đề nghị hình thành cho mình một con đường từ cầu xuống để phục vụ du khách và dân địa phương, Bến Tre thì không, mãi cho đến khi nhớ ra thì đã không còn kịp nữa. Không lẽ cùng chung một con sông chỉ vì ở hai bờ khác nhau mà tư duy con người khác xa nhau đến thế….
Chuyện nữa là sau khi cây cầu vừa hoàn thành, một người có trách nhiệm ở sở giao thông vận tải đã thở dài khi tâm sự với bạn rằng cây cầu vừa làm xong đã thấy lạc hậu về quy mô rồi. Điều này trách ai bây giờ nhỉ? Tôi chẳng biết nữa, mà chỉ chắc chắn một điều rằng đây không phải là lần đầu tiên càng không phải là lần cuối cùng những người có trách nhiệm làm xong một việc rồi thở dài. Thở dài rồi lại tiếp sự việc khác cũng y như thế, mà có khi còn trong đại hơn viậc cây cầu này nhiều…
Chuyện nữa… chuyện nữa… Nhưng mà thôi, nói nhiều để làm chi….

2 nhận xét:

Nguyễn Tấn Phúc nói...

Bi giờ mới thấm câu nói “.... Cái đầu và cây cầu” lúc xưa! Dù sao thì có cầu rồi, Cái đầu có nhiều dịp mở ra hơn….

Nặc danh nói...

... đây không phải là lần đầu tiên càng không phải là lần cuối cùng những người có trách nhiệm làm xong một việc rồi thở dài. Thở dài rồi lại tiếp sự việc khác cũng y như thế, mà có khi còn trong đại hơn viậc cây cầu này nhiều…

Đúng thiệt. Chuyện không phải chỗ cây cầu mà ở cái đầu. Nhưng với cái đầu chỉ có biết la trời đất ơi... như rứa thì biết làm sao bây giờ hở trời?