Đầu xuân, đọc “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường, hay quá nên đọc mê mải, không dứt ra được. Trong đó có một chi tiết là một số liệu làm tôi sững sờ: Trong cải cách ruộng đất có đến 70% huyện uỷ viên và tỉnh uỷ viên bị xử bắn và 78% địa chủ cường hào là bị oan sai. Tôi sững sờ vì sự mất mát to lớn ấy, đồng thời nó cũng khiến tôi nhớ lại hai chuyện mà gia đình tôi có liên quan:
Chuyện thứ nhất: Mẹ tôi kể lại rằng, khoảng cuối năm năm ba (1953) đầu năm năm tư (1954), cha tôi lúc đó là thường vụ huyện uỷ Yên Thành (Nghệ An) được cử đi làm đội trưởng đội cải cách về một xã của huyện Can Lộc (?)(Hà Tĩnh). Cứ theo lời mẹ tôi thì lúc ra đi cha tôi phấn khởi lắm vì theo ông đây là một phần của quan trọng trong cuộc cách mạng của Đảng. Sau khi giải phóng dân tộc rồi phải tiến hành giải phóng nhân dân… Không may cho cha tôi là xã mà ông phụ trách lại quá nghèo, số người đủ tiêu chuẩn để quy địa chủ (theo quy định) rất ít, ruộng đất đa số nằm trong tay địa chủ các xã khác xâm canh. Suốt ba tháng trời cha tôi không làm sao tìm đủ số 5% địa chủ như chỉ tiêu của trên giao. (Về sau ông nói với mẹ tôi rằng lúc đó có người khuyên ông nên nâng phú nông thành địa chủ trung nông thành phú nông để hoàn thành nhiệm vụ như những người khác vẫn làm nhưng ông không làm được). Vì “không hoàn thành nhiệm vụ” nên ông bị quy là “hữu khuynh với giai cấp bóc lột, kẻ thù của nông dân”bị cách chức đội trưởng đưa về đoàn uỷ kiểm điểm. Cha tôi là người có tật ở chân, đi đứng không thật vững vàng, nhưng suốt ba ngày đã phải đứng trong vòng phấn để tự kiểm điểm và nghe các đồng chí khác phê bình những sai lầm mà do lòng trung thực với Đảng, với chính mình nên ông mắc phải… Hệ luỵ này còn kéo dài mãi về sau trong cuộc đời công chức của ông.
Chuyện thứ hai: một chiều mùa đông năm năm chín (1959), tôi đi học về thì thấy mọi người đang xúm đen trong nhà. Mẹ tôi vừa mếu máo vừa nói với một người đàn ông lạ mặt đang đỡ cha tôi: “Anh Hiến ơi, làm sao bây giờ hả anh?...”. Người đó trấn an mẹ tôi: “Không sao đâu chị, tại anh xúc động quá đó mà!”…. Rồi cha tôi tỉnh lại, mọi chuyện cũng qua đi. Về sau tôi được biết sở dĩ cha tôi ngất là vì nghe tin tình trạng thảm khốc của gia đình một người đồng chí, một người ơn của mình mắc phải do bác Hiến (người đàn ông đã đỡ cha tôi hôm ấy) một người bạn cùng hoạt đông từ thới bí mật kể lại. Qua những câu chuyện người lớn nói với nhau và qua lời kể của mẹ tôi hình dung chuyện mà bác Hiến dưa tin như sau:
Ông tên Quyến (tôi không biết họ), ở xã Nghĩa khánh, Nghỉa Đàn, Nghệ An. Là đảng viên cộng sản, được Đảng bố trí ra làm lý trưởng (vì thế có tên Lý Quyến chứ không phải họ Lý). Trong vai trò một lý trưởng ông đã làm lợi cho Đảng rất nhiều, ông đã che dấu đùm bọc rất nhiếu đồng chí trong suốt giai đoạn Đảng hoạt động bí mật. Khoảng trước sau thời kỳ mặt trận Bình dân (lâu quá nên tôi không còn nhớ chính xác nữa), cha tôi bị lộ, bị truy nã chạy lên Nghĩa Đàn được ông Lý Quyến nuôi dấu trong nhà suốt khoảng ba tháng trời…
Cải cách ruộng đất, ông bị quy địa chủ cường hào, là việt gian chui vào đảng và bị kết án tử hình cùng với hai ông nữa (một ông tên Thạc, một ông tôi quên mất tên) với cùng tội trạng. Đêm trước ngày bị đưa đi xử bắn, ông Thạc bàn với hai bạn: “Mình hết lòng với Đảng mà Đảng không hiểu cho mình, thà bây giờ mình tự tử chứ không thể để Đảng xử bắn, nhục nhã lắm…”.Ông kia đồng ý, hai người bèn dập vỡ bát ăn cơm lấy miểng cứa cổ. Nhưng những người canh gác biết được liền đưa đi cấp cứu, nhờ thế mà họ sống. Riêng Lý Quyến không đồng ý cho rằng sống chết vì Đảng, lúc này Đảng chưa hiểu thì sau sẽ hiểu. Ngày hôm sau ông bị đưa đi bắn, người con trung kiên của Đảng, người tuyệt đối trung thành với Đảng đã chết như thế đấy. Nhưng oan khiên chưa hết, ông Lý Quyến có hai người con là anh Cấu và chị Đức, lúc đó anh Cầu khoảng mười sáu mười bảy, chị Đức khoảng mười ba mười bốn. Cha bị bắn, gia đình bị bao vây tứ phía không có cách gì kiếm ăn, nhà chỉ còn duy nhất một cái liềm (có lẽ đội và nông dân đã vô tình để sót). Anh Cầu dùng cái liềm ấy hàng ngày vào rừng bứt cây rành rành (cây chổi xuể) về bện chổi đem bán kiếm cái ăn hàng ngày cho mẹ và em. Một hôm từ rừng về, anh gặp một người nông dân thuộc diện “rễ chuỗi”, người này giật lấy chiếc liềm anh giắt trên đầu gánh và nói : “địa chủ tụi bay không đáng có một thứ gí hết!”... Dụng cụ kiếm cơm cuối cùng bị mất. không có cách gì để kiếm sống, anh đành lần tìm vào các hang núi đá tìm bắt tổ chim, không may một lần hang sập, anh bị đá đè chết....
Năm sau (1960) cha tôi bàn với các chú trong Tỉnh uỷ xin cho chị Đức vào học trường y tế Nghệ An. Tôi không nhớ là hệ sơ hay trung cấp nữa nhưng tôi nhớ chị là người con gài xinh đẹp, hiền lành thuỳ mỵ. Tôi cũng đã gặp bác Quyến gái, trong trí nhớ của tôi bác trắng trẻo, hơi đậm người trông rất phúc hậu.... Hai gia đình chúng tôi giữ mối liên lạc khá chặt.Mãi cho tới khi chiến tranh phá hoại cuả Mỹ mở rộng (1965) nhà tôi phải chạy sơ tán khắp nơi rồi sau đó là cha tôi mất (1970) thì tôi không còn được tin tức gì của chị Đức và bác Quyến gái nữa…
Tôi không dám lạm bàn về cái ác và sự ngu dốt nhưng tôi nghĩ mọi người “hãy sống mà nhớ lấy” thời kỳ đó ít nhất củng như một cái giá quá đắt và quá cay đắng mà dân tộc này phài trả trong lịch sử của mình.
VÔ ĐỀ GÒ CÔNG
-
* Đêm trung thu (29/9/2023) ôm cây guitar qua Gò Công đàn mấy bản buồn:
Lagrima, Adelita, Pavana của Francisco Tarrega. Nói với những bạn nghe mấy
bản nà...
1 năm trước
1 nhận xét:
Kết cái tiêu đề HÃY NHỚ LẤY của sư “quynh” lắm ! Nó như một thông điệp từ trong quá khứ gởi cho hiện tại và tương lai. Trong ánh điện sáng choang, trong sự đủ đầy của của cuộc sống hiện tại thì ai đó “HÃY NHỚ LẤY”….
Đăng nhận xét