Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

MUỐI ĐẮNG

Trước chuyến đi, anh bạn tôi là biên tập viên của báo, cũng là dân gốc Bảo Thạnh nói : “Anh đi thử coi chứ tụi tôi là dân “bụt chùa nhà không thiêng” khó viết lắm anh ạ ! Có điều tôi biết hạt muối quê tôi ngoài vị mặn ra còn có thêm vị đắng, mà đắng lắm đó anh !”.
“Ừ ! Đi thì đi chứ sợ à ? – Tôi nghĩ bụng – cho dù không viết được gì đi nữa thì thay vì nằm cù queo ở nhà, ta làm một chuyến giang hồ vặt cũng vui chứ sao !”. Thế là lên đường, tuy là nghĩ tầm khùng vậy chứ tôi biết đã nhận lời ra đi là mang nợ vào người rồi. Vì vậy, thú thật tôi hơi hoảng khi nhìn thấy những đổi thay của vùng này so với mấy năm về trước, khi tôi đến đây lần đầu. Từ con đường, nhà cửa đến manh áo trẻ con mặc trên người cũng nói lên sự thay đổi đó. Hạt muối đắng như lời anh bạn tôi mà có thể làm thay đổi vùng quê biển này đến thế sao ? Hay bạn tôi đã lầm.
Tôi càng băn khoăn hơn khi nghe đồng chí Chủ tịch xã báo cáo tình hình: toàn xã có gần 200 truyền hình, trong đó có 12 truyền hình màu (nghĩa là có cả máy phát điện để có thể chiếu vi–đê–ô), gần 200 trăm xe máy, 30% số hộ trong xã có thu băng. Trong số 1540 hộ thì chỉ có 80 hộ đói, còn lại từ đủ ăn đến giàu (đã có 67 hộ giàu). Những con số đó nếu ở nơi khác thì chắc chẳng có gì để nói, nhưng ở đây...
Chiều hôm đó, trong cuộc nhậu, khi nghe tôi nói về những băn khoăn của mình, người học trò cũ của vợ tôi và cũng là chủ nhà tôi đang ở, nói: “Những điều thầy thấy (anh ta vẫn quen gọi tôi bằng thầy) là đúng quá đi rồi, quê em đã thay đổi nhiều lắm so với lần thầy về đây năm trước. Tuy nhiên, nếu chỉ nói riêng về muối thì... – Anh chợt ngừng lời, nét cười trên miệng mất đi, giọng buồn hẳn – ... Đúng là đắng đấy thầy ạ !”. Chao ôi ! Sao tôi lại không hiểu ra điều đó nhỉ ? Vâng tôi sẽ đi theo hướng ấy xem sao ?...
*
* *
Chiều nay chúng tôi ra ruộng muối...
Gió biển lồng lộng tràn qua các ô muối, tạt vào mặt chúng tôi mang theo hơi muối mặn, hừng hực, nồng nàn...
Dọc đường đi, anh Hai Thành, một thương binh chống Mỹ và cũng là một người làm muối khá kỳ cựu ở đây vui vẻ kể:
Ngày trước, dân mình đâu biết làm muối. Khoảng những năm năm mươi năm hai (1950 –1952) dân Trà Vinh qua đây mới bày ra nghề này, nhưng khi đó người ta còn dùng vồ nện sân mưới. Còn bây giờ chúng tôi dùng trục lăn, đỡ cực hơn nhiều lắm... Sắp ra đến sân muối rồi đấy, ra đó các anh sẽ thấy...
Từ đây, chúng tôi đã có thể thấy quang cảnh rộn rịp trên sân muối, có lẽ đó là những người gánh muối về chòi hay gánh muối giống ra ruộng. Nhìn từ xa họ như những con kiến nhỏ cần cù nhẫn nhục kiếm ăn theo ngày tháng. Bên tôi, anh Hai Thành vẫn tiếp tục:
– Làm nghề này có cái hay là gần như không phải bỏ vốn ra nên người ta cũng ham (anh tính, chỉ cần một cái trục lăn, hai cái xa quạt là đủ dụng cụ làm muối rồi, tính giá trị tất cả khoảng 500 ngàn đồng mà có khi dùng cả chục năm trời mới phải thay) – Anh bỗng thở dài – Nhưng vất vả cực nhọc lắm anh ạ ! Suốt ngày này tháng khác cứ phơi ra ngoài nắng. Trên thì nắng, dưới thì nước mặn phả hơi lên, không khí cứ như quánh lại, đến thở cũng khó khăn, nói chi đến chuyện đẩy trục lăn hay cào muối, gánh muối, vãi muối giống... – Anh bỗng cười nhếch mép, cái cười vừa pha chút tinh nghịch nhưng cũng xen một chút buồn buồn – Con gái quê tôi khỏe mạnh thì có, chứ còn nói đến đẹp thì... Chân đứa nào cũng xám mốc, gót nẻ như chân chim, làm lụng trong những điều kiện như thế lấy đâu mà khác được...
Phải, bây giờ thì tôi đã hiểu thêm nhiều điều về sự cực nhọc của hột muối làm ra. Tôi biết nơi bây giờ là ruộng muối bằng ngăn ngắt, chạy tít tận chân trời kia trước đây là vùng rừng hoang, nê địa với những gốc cây lớp mối, lớp cũ chồng chất lên nhau, người ta đã khai phá lần lần, cần cù nhẫn nại như những con kiến tha từng hạt gạo. Từ việc chuyển đi từng gốc cây đến việc san lấp để tạo nên mặt bằng lý tưởng cho nghề làm muối, tất cả đều đòi hỏi sức lực và sáng tạo của con người. Mà nói chi đến những chuyện vất vả ngày xưa, ngay bây giờ thì người dân làm muối vẫn thật cơ cực. Tôi không biết ở những nước khác quy trình làm muối của họ ra sao, nhưng ở đây sau gần năm mươi năm mà mới chỉ chuyển được từ vồ nện sang trục lăn trong quy trình làm muối thì quả thật là chậm. Mà nào chỉ có thế... lòng tôi bỗng trào lên một nỗi buồn man mác khi nghĩ lại lời của một cô gái tối hôm qua:
– Bọn em ở đây vất vả lắm anh ạ ! Quanh năm suốt tháng chỉ biết cặm cụi trên ruộng muối (mùa mưa thì làm việc khác như nuôi cá, nuôi tôm), ít khi có dịp được đi đó đi đây. Em là còn khá, còn được học hết cấp hai mới nghỉ, còn biết chỗ nọ chỗ kia, chứ như... anh có hình dung được bọn em ở đây có đứa đã hai mươi tuổi, lấy chồng, có con mà chưa hề đặt chân lên Thị xã Bến Tre không? Chẳng có việc gì, đi chơi thì tốn kém, công việc lại tối tăm mặt mũi...
Càng buồn hơn khi nhớ lại lời người bạn khi biết tôi sắp đi Bảo Thạnh: “Tôi đã quan sát cái nón có hai diềm vải che nắng của các bà các cô ở đó rồi anh ạ ! Nó khiến tôi liên tưởng đến hai miếng da mà người ta dùng để che mắt con ngựa để hạn chế tầm nhìn của nó khiến nó chỉ biết đi thẳng. Tuy vậy, con ngựa thì còn đi đó đi đây chứ những người dân ở đây thì chỉ từ nhà ra ruộng muối, từ ruộng muối về nhà !”. Có thể là anh ta hơi cường điệu và cực đoan nhưng nghĩ cho cùng thì không phải không có chút hợp lý.
Công việc thì vất vả thế đấy, nhưng còn thu nhập ? Nếu thu nhập mà khá thì cũng còn bù đắp phần nào những vất vả cay cực cả về thể xác lẫn tinh thần cho họ, vì nghĩ cho hết lẽ thì cũng còn có nhiều nghề còn vất vả hơn. Tuy nhiên tôi đã làm vài con tính nhỏ và bàng hoàng khi nhận thấy công làm muối ở đây thấp biết chừng nào.
Để làm năm công ruộng muối cần có 1,5 công lao động ròng rã trong sáu tháng trời (kể cả công vận chuyển muối) mới làm ra được sáu trăm (600) giạ muối (theo con số của xã báo cáo), với thời giá hiện nay tính ra tiền được một triệu tám đến hai triệu (1,8 – 2 triệu). Như vậy nếu quy ra công hàng ngày thì chỉ vào khoảng hơn tám ngàn đồng. Có lẽ ít có nơi nào mà công lao động thấp như thế, nhất là trong một điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc như thế.
Và đây nữa, cũng theo thống kê của xã, hiện nay toàn xã có trên tám trăm gia đình làm muối với 500 ha ruộng muối, bình quân mỗi gia đình có công (6000m2). Thử chỉ lấy một gia đình kiểu mẫu thôi (cha, mẹ, hai con) thì với thu nhập khoảng 2,3 triệu đồng từ 6 công ruộng muối đó, tính bình quân đầu người chỉ khoảng sáu trăm ngàn đồng mỗi năm, cuộc sống như vậy rõ ràng là dưới mức nghèo khổ nếu chỉ trông chờ vào muối. May mắn thay không chỉ có thế, người dân ở đây còn có những nghề phụ khác nữa: nuôi tôm, cá trên ruộng muối vào mùa mưa, đắp đập nuôi tôm, làm lúa (ở đây rất nhiều nhà vừa làm ruộng muối vừa có ruộng lúa)... Có lẽ sự đổi mới của vùng này nhờ không ít vào các nghề phụ đó.
Nhưng... lại trở về với ruộng muối. Đêm qua khi nghe tôi hỏi về thu nhập và chi tiêu của một gia đình làm muối, chị Hai xóm Trại đã nói với tôi :
– Thằng Hai Thành nói với câu là bây giờ hiện tượng bán muối non ngay từ mùa mưa không còn nữa, nếu có thì cũng không đáng kể. Điều đó thì đúng thôi và đó cũng là ơn của sự đổi mới đối với dân ở đây. Tuy nhiên thằng đó chỉ biết một mà không biết hai. Nó không thấy sự chi tiêu của một gia đình, nhất là gia đình nghèo (nhà nó tạm coi là đủ ăn đi), giống như mấy cái hang của con cá lưỡi búa: những món chi chính, có tên là những lỗ hang, còn những món chi vặt vãnh, không tên là những đường hang ngầm dưới đất. Lỗ hang thì ít nhưng hang ngầm thì nhiều. Tất cà những hang hốc đó nó nuốt trôi dần đi những giạ muối của tụi tao kể từ lúc bắt đầu đến lúc hết vụ... Tôi nhớ là lúc đó tôi đã tròn mắt lên nhìn chị. Tôi nghĩ chỉ có cái cay cực của hạt muối mới nói lên được những lời như thế chứ còn chị, một người đàn bà ít học, khô héo, già trước tuổi vì những năm tháng dãi nắng dầm mưa làm sao nói nổi những lời vừa văn hoa vừa sâu sắc như thế.
– Phải, có chờ chi những cảnh bán muối non vào những tháng mùa mưa mà chỉ kể từ khi đặt xa quạt xuống ruộng cho đến khi hạt muối đầu tiên thu được và xa hơn nữa là đến lúc vác xa quạt về nhà, có biết bao nhiêu thứ phài chi đã bào mòn dần đống muối làm ra. Phải bán muối để ăn, ăn để làm ra muối, họ giống như một con kiến chúa lúc nới lập tổ: đẻ ra được ba trứng phải ăn hai để có sức mà đẻ tiếp vì không có gì ăn... ngoài trứng do mình đẻ ra. Và thế là đống muối còn lại cuối vụ chắc cũng không lấy gì làm to lắm...
*
* *
Bây giờ thì chúng tôi đã ở giữa đồng muối. Đã gần năm giờ chiều mà trời vẫn nắng chói chang. Trời bỗng lặng gió, sức nóng hầm hập của buổi chiều cuối mùa khô làm tôi hơi váng vất. Xung quanh tôi vang lên tiếng chào hỏi của mọi người khiến tôi chưa biết trả lời ra sao:
– Chào anh nhà báo ! – Có tiếng chào tinh nghịch từ phía sau, tôi quay lại và thấy cô gái tối qua vừa nói chuyện với tôi về nỗi vất vả của người làm muối đang nhoẻn miệng cười.
– Chào em ! Chòi muối của em ở đâu ?
– Kia ! – Cô đưa tay chỉ rồi kéo diềm vải trên vành nón lau mặt – Các anh khôn thế, ra đồng muối vào lúc mát mẻ thế này rồi về ngồi tàn ra những nỗi thú vị hay ho và sôi nổi của lao động làm muối...
Tôi chỉ còn biết cười khổ chứ còn biết nói gì hơn. Thế này là mát mẻ đấy ư, khi mà trên mặt tôi mồ hôi mẹ mồ hôi con đang thi nhau tuôn xuống và chiếc áo tôi mặc thì như vừa mới nhúng nước lên. Đây chính là một trong những cái nôi đã làm ra vị mặn cho đời sao ? Đây chính là nơi đã cho tôi những hạt muối thường ngày đó sao ? Người ta cứ hay nói đến việc phải biết đến công khó nhọc của những người làm ra hạt lúa để mà tiết kiệm gạo thóc, nhưng mấy ai đã biết đến công khó của những người đã làm ra hạt muối, dù công khó của họ chẳng hề kém hơn công khó của những người làm ra hạt lúa. Đang nghĩ mông lung như thế thì tôi bị Hai Thành vỗ vỗ vào vai làm cho bừng tỉnh. Anh đưa tay chỉ:
– Đó trẻ con quê tôi cũng thực sự tham gia lao động đó anh.
Giọng anh Thành có vẻ hồ hởi và tự hào nhưng tôi thì lại cảm thấy buồn. Tôi tiến về phía cậu bé mà anh vừa chỉ, đó là một đứa bé khoảng mười hai, mười ba tuổi, da đen trũi, rắn chắc đang đạp xa quạt:
– Đạp thế có mỏi chân lắm không hả cháu?
– Lúc đầu cũng mỏi nhiều, nhưng sau quen dần đi chú ạ ! – Đứa bé đáp nghiêm trang như người lớn.
– Cháu học lớp mấy rồi ?
– Cháu học lớp năm.
– Thế cháu có nhiều thì giờ để học bài không ?
Đứa bé không đáp. Cha nó, một người đàn ông tuổi sồn sồn trả lời thay con.
– Kể cũng tội nghiệp lắm anh ạ, nhưng biết làm sao được, trước hết phải ăn đã rồi mới nói chuyện học, thế mà...Nhà tôi neo người quá, mấy đứa em nó còn nhỏ, mẹ nó lại yếu, nện chi...
– Anh ngừng lời một chút rồi đột nhiên trở nên cau có như giận ai – Mà nói cho cùng ra thì đâu chỉ riêng gia đình tôi, đâu phải chỉ mình nó phải nghỉ học phụ gia đình.
Dẫu biết rằng thế nào cũng phải có người làm ra hạt mưới cho tôi ăn, nhưng khi nghe người đàn ông nói thế lòng tôi bỗng trào lên một nỗi chua xót vì nghĩ đến một cái vòng luẩn quẩn: mười hai, mười ba tuổi nghỉ học, ở nhà phụ làm muối. Lớn lên một chút thành lao động chính, cưới vợ sinh con rồi đứa con mười hai, mười ba tuổi lại phải nghỉ học ở nhà làm muối...
Ôi ! Chính cái đất đã sinh ra vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ mà hơn một trăm năm sau chỉ có ba người đang học đại học (mà trong đó có một người chỉ là “dân gốc vùng này” thôi còn đã theo gia đình đi ở nơi khác mất rồi). Xót xa sao và càng xót xa hơn khi ta biết tổng số dân hiện nay của xã là gần chín nghìn người. Tuy nhiên con đường học vấn vốn đã khó khăn và ngày càng khó khăn trong khi cuộc sống ở một vùng quê hẻo lánh, với một nghề nghiệp vất vả như vậy, thu nhập thấp như vậy thì con số trên có lẽ cũng là tất yếu thôi.
*
* *
Dọc đường về, những ý nghĩ buồn buồn cứ xâm chiếm tâm trí tôi:
Một là câu chuyện cổ kể về nàng công chúa nói rằng mình yêu cha mẹ như yêu hạt muối và vì thế cô bị mẹ cha hắt hủi. Thế đấy, giữa đời thường đã dễ mấy ai biết đến giá trị của hạt muối như nàng công chúa kia, nói chi đến việc cảm thông với nỗi cơ cực, đắng cay của người làm ra hạt muối.
Hai là lời chị Hai xóm Trại đã nói với tôi hôm ở trên ruộng muối: “Tụi tao ở đây trông trời mưa nhiều hơn trời nắng !”. Chao ôi! Làm một nghề mà sản lượng thu hoạch trông vào trời nắng, lại trông mưa nhiều thì chua chát biết dường nào. Nhưng nắng lắm mà chi khi trời nắng phải đổi từ mười hai đến mười lăm giạ muối mới được một giạ lúa, trong khi nếu trời mưa nhiều thì có khi chỉ cần sáu, bảy giạ muối là đã được một giạ lúa rồi.
Nhưng tôi, tôi chỉ là một người cầm bút. Liệu tôi có thể làm được gì cho hạt muối Bảo Thạnh bớt đắng đi phần nào. Và nếu tôi không làm được thì liệu có ai chăng ?!

Không có nhận xét nào: