NGƯỜI BA MỸ
Tám Trị gợi ý:
– Trên đất nước này, xã anh hùng thì không thiếu, nhưng trên cùng một vùng đất ba xã liền kề nhau đều là anh hùng như Ba Mỹ thì hiếm đó nghe ông... Nhưng nếu chỉ nói về sự kiên cường, chịu đựng gian khổ, mất mát hy sinh và chiến thắng thì tụi tôi đã có báo cáo thành tích của ba xã anh hùng. Cái mà tụi tôi cần là một điều gì khác, hay đúng hơn là nguyên nhân của những cái đó... Hay là ông viết về lòng người dân Ba Mỹ đi...
Thú thật lúc nhận lời anh tôi có hơi run nhưng lòng cũng đầy hứng khởi...
*
* *
Mai Văn Ro, Nguyễn Phước và tôi cùng đứng bên này cầu Vĩ, một địa danh khá nổi tiếng ở vùng đất Ba Mỹ trong thời kỳ kháng chiến. Trong bóng chiều bảng lảng, xa xa những cáng cò đang chập chờn xuôi về phía cù lao lá. Mai Văn Ro đưa tay chỉ về phía một dải rừng thấp cách chỗ chúng tôi đứng chừng non cây số:
– Kia là rừng Năm Trăm đó anh...
Tôi giật mình vì dù đã biết địa danh rừng Năm Trăm từ lâu, cả những kỳ tích của khu rừng trong những năm dài chống Mỹ tôi cũng biết khá nhiều. Nhưng thú thật tôi không bao giờ ngờ được nó như thế: nhỏ quá, gần địch quá...
– Có người nói gọi nó là rừng Năm Trăm vì ngang dọc của nó mỗi bề chừng năm trăm mét – Ro giải thích. Cũng có người nói vì diện tích của nó chừng năm trăm mẫu. Nhưng theo tôi ước lượng chiều dài khu rừng chừng một cây số, ngang độ năm trăm mét tức diện tích của nó chừng năm trăm công. Ấy là kể cả những cụm cây mọc tách rời ra bên ngoài nữa đấy.
Tôi hỏi một câu dường như ngớ ngẩn:
– Rừng gần thế này mà cách mạng vẫn trụ được trong suốt chín mười năm trời sao ?
Ro nhìn tôi hồn hậu và thông cảm:
– Chứ anh tính còn chạy đi đâu được... Kể từ năm sáu sáu (1966) khi địch mở chiến dịch bình định trọng điểm Ba Tri, lấy Ba Mỹ làm trọng điểm của trọng điểm thì lực lượng cách mạng của ba xã phải rút ra rừng Năm Trăm, nhưng chưa một ngày họ xa dân, tách rời dân.
Điều này thì tôi biết, tôi đã nghe anh Năm Thắng, một người đã nhiều năm làm cán bộ Đảng của Ba Mỹ nói về những ngày địch bình định ấy:
Năm Thắng kể:
– Đó là một buổi sáng tháng tư năm một chín sáu sáu (1966), Xã ủy Mỹ Chánh đang chuẩn bị họp tiếp cuộc họp Xã ủy mở rộng bị gián đoạn từ đêm hôm trước thì hầu như khắp bầu trời Ba Mỹ tối sầm lại bởi bóng những chiếc trực thăng, tiếp sau đó là những đợt quân đổ xuống ào ào... Thời kỳ bình định trọng điểm của địch bắt đầu. Và cũng từ đó chúng tôi bắt đầu cuộc sống ăn cơm nhà ra... ở rừng. Nói vậy chứ cũng phải cuối năm sáu sáu đầu năm sáu bảy địch mới đẩy hẳn được lực lượng của ta ra rừng Năm Trăm, trước đó chúng tôi vẫn bám được trong dân chỉ khi nào bức lắm mới ra rừng...
Một trung đoàn mạnh với trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, thêm vào đó là quân số của bảo an, của các đoàn “cán bộ xây dựng nông thôn” với tổng số trên hai ngàn tên cùng đóng trên một mảnh đất chừng vài chục cây số vuông, có số dân trên dưới mười ngàn người... Tôi đã nghĩ ra cảnh cứ năm người dân Ba Mỹ, kể cả nam, nữ, phụ, lão, ấu... thì có một tên lính địch trang bị tận đến chân răng hay cứ mỗi gia đình ở Ba Mỹ có một họng súng chĩa vào mà hình dung tới mức độ nghẹt thở của người dân Ba Mỹ lúc bấy giờ...
Ý định của kẻ thù thật quá rõ ràng và chúng quyết làm cho được. Nhưng chỉ với một khoảng rừng ráng nhỏ hẹp, chơ vơ cách địch hầu như chỉ một con kinh, suốt chín năm trời vẫn tồn tại một cơ cấu hành chính hoàn chỉnh của ba xã: Đảng, chính quyền, công an, phụ nữ... Ấy vậy mà kẻ thù với bom, pháo, xe tăng, xe lội nước, trực thăng... với quân chủ lực tinh nhuệ vẫn không làm gì nổi. Điều kỳ lạ hơn cả là trong suốt chín năm đó lực lượng cách mạng không chỉ tồn tại mà còn luôn là đầu não chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Ba Mỹ: Những trận đánh vẫn nổ ra ác liệt, những cuộc biểu tình đấu tranh chính trị vẫn rầm rộ với hàng ngàn người tham gia, con em vẫn cứ nhập ngũ tham gia quân giải phóng... Làm được điều đó, nguyên nhân cơ bản là do lực lượng cách mạng không một phút xa rời dân, bởi xa dân là đồng nghĩa với không tồn tại: Có dân là có tất cả: dân đùm bọc, dân chở che, dân cho, dân giúp... Ở rừng ráng nhưng đêm đêm Tư Sang vẫn về nhà người chị thứ ba để được tiếp tế, anh kể: “Đêm nào thấy chị tôi đưa cơm qua lỗ hổng bờ tường gạch lốc là biết có địch cận kề đâu đó, cầm gô xong, tôi vội vã đi ngay. Đêm nào thấy chị tôi mở cửa đỏ đèn, thì biết chắc là không có địch, có thể vào nhà nghỉ ngơi thoải mái, thậm chí có thể nằm đưa võng một lúc... Ở rừng nhưng Bảy Thành, Sáu Đen mỗi lần về công tác khi trở ra vẫn gánh theo một gánh nặng trên vai cá, gạo, muối, nước mắm, thậm chí cả gà vịt hay thuốc hút. Tất cả là của dân, họ tin yêu cách mạng qua những con người cụ thể như các anh... Đó là chưa kể những tin tức địch tình biến động hàng ngày hàng giờ trên vùng đất nóng bỏng này...
... Đang triền miên suy nghĩ, tôi chợt giật mình vì Ro vừa vỗ vai tôi. Đưa tay chỉ những thân cây mồ côi cao vượt hẳn lên trên rừng ráng thấp, anh nói:
Chú tôi kể lại, vào thời kỳ ấy những cây mồ côi kia là “những đài quan sát” của các cán bộ trong rừng Năm Trăm. Và không chỉ quan sát tình hình địch đâu nghe anh ! Những “đài quan sát” đó còn là những con mắt của người thân trong rừng hướng về những người thân đang ở trong tay địch. Ở trên những ngọn cây có thể nhìn rất xa vào đất Mỹ Chánh, Mỹ Thạnh. Tuy không thể nhìn rõ từng người, nhưng nếu có được một buổi chiều yên tĩnh, không có tiếng súng nổ, không có người chạy đi chạy lại hốt hoảng, lo sợ mà chỉ có những cụm khói lam vờn quanh những mái la là những người cha, người chồng, người con ở cứ có thêm một chút thanh thản nhẹ nhàng...
Tôi vừa nghĩ bụng: “Thằng cha này hôm nay có vẻ văn hoa tợn !...” thì đã nghe Ro nói tiếp:
– Không chỉ có những con mắt dõi từ trong rừng về làng, mà cả ở làng cũng có những con mắt dõi ra ngoài rừng y vậy. Có điều họ phải thận trọng hơn lựa khi không có địch ở gần...
Theo lời Ro kể, tôi hình dung vào những buổi chiều vừa nhạt nắng, trên cháng ba của một cây cao mé làng có một thằng bé đang ngồi vắt vẻo, vừa chong mắt nhìn ra rừng vừa nói vọng xuống sân nhà:
– Hôm nay ngoài rừng yên, má à !
Trong sân, một thiếu phụ đang dõi mắt lên cây:
– Ừ may đó ! Thôi xuống đi con, xuống để chuẩn bị cái gì ăn cho mấy chú, mấy anh mày tối về ăn, rồi còn mang đi nữa...
Thế đó, và đó là lòng dân Ba Mỹ đối với cách mạng... Có lần Nguyễn Phước nói với tôi: “... Lạ lắm ông ạ ! Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam này, kinh nghiệm cho thấy nơi nào bị phân tuyến là nơi ấy dễ thất bại. Vậy mà ở đất Ba Tri này có nhiều lúc có dấu hiệu của sự phân tuyến...”. Thú thật, lúc nghe anh nói tôi chưa kịp hiểu hết nhưng bây giờ thì tôi hiểu anh có lý. Có điều phải lý giải ra sao cái điều tưởng như nghịch lý ấy.
Tôi chợt nhớ lời ông Năm Đoàn, người đã từng nhiều năm là Thường vụ huyện ủy, phụ trách Ba Mỹ: “Mục đích bình định của địch là đẩy cách mạng ra xa dân để tiêu diệt, hay nói như cách nói của chúng là “tát cạn nước để bắt cá”. Tuy vậy đối với vùng đất Ba Mỹ này chưa một ngày nào chúng làm được điều đó. Cách mạng vẫn ở trong lòng dân theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...”.
Phải ! Chín năm là ba ngàn ngày đêm, đất Ba Mỹ tràn ngập bóng kẻ thù. Vậy mà trên dưới ba trăm trận đánh đã diễn ra, hàng chục đồn bót bị bức hàng, bức rút. Khi chúng hiểu ra, chúng “định” nhưng không thể nào “bình” được thì đã muộn. Cólẽ chẳng cần nói thêm, nếu không có dân, nếu chiến trận không xảy ra trong lòng dân thì sẽ thế nào... Có lúc, có khi một bộ phận nào đó của kháng chiến phải rút ra cứ để bảo toàn lực lượng, nhưng nhìn chung họ vẫn hòa quyện vào dân, lẫn vào trong dân mà chiến đấu và chiến thắng. Phải ! Chiến tranh của vùng này có dấu hiệu của sự phân tuyến. Nhưng đúng là chỉ có dấu hiệu thôi còn căn bản vẫn là chiến tranh không phân tuyến, vẫn là chiến tranh nhân dân với tất cả những đặc trưng của nó, của mối quan hệ giữa cá và nước.
Khi nghe ông Bảy Sơn nhận xét: “Tôi nghĩ người dân Ba Mỹ thật tốt. Nếu họ không tốt thì những trận đại loại như trận đánh bằng cách ém quân vào trong cây rơm cách đồn ba trăm mét, vào lúc ba giờ chiều nổ súng diệt tổng Ron (Mỹ Thạnh) rồi rút đi an toàn, hay trận ta luồn quân từ đìa Cua Đinh vào tận đường liên ấp 2, 3 của Mỹ Nhơn cách bót Cầu Tiêu chừng năm trăm mét để phục kích diệt địch khi chúng đi biệt kích trở về, không thể nào thành công được... Tôi định nói với ông: “Thế thì cho phép ta nói rằng: người Ba Mỹ nào phải chỉ tốt không thôi đâu” nhưng chưa dám, thì ông đã nói tiếp một câu làm tôi thật hả lòng:
– Nghĩ cho cùng thì không thể nói người dân Ba Mỹ tốt vì họ là một phần của cách mạng, hơn thế nữa họ chính là cách mạng...
*
* *
Không ngủ được, tôi cứ trằn trọc thao thức mãi, không phải vì bình trà đậm hồi chập tối mà vì những ý nghĩ cứ xáo trộn trong đầu... Bỗng tôi nghe Nguyễn Phước hỏi, giọng thì thầm nhưng thật tỉnh: “Có phải ông đang băn khoăn vì những điều ông Bảy Sơn nói hồi chiều không ?...”. Thì ra thằng cha này cũng không ngủ được vì những lý do như mình – Tôi nghĩ thầm và đáp:
– Tôi cứ băn khoăn mãi về cái khó tin (dù không tin không được) là trong suốt cuộc kháng chiến, người Ba Mỹ đã đưa được hàng trăm lượt người vào làm nội tuyến trong hàng ngũ địch. Lại nữa, riêng Mỹ Thạnh trong suốt mười năm chỉ có bốn người bị địch bắt đi lính...
– Ê ! Điều đó là thật nghe các ông... – Hai chúng tôi đều giật mình vì giọng nói tỉnh queo của Mai Văn Ro từ giường bên vọng sang. Không biết anh vừa thức giấc vì tiếng trò chuyện của chúng tôi hay chính anh cũng không ngủ được.
– Thôi ! Không ngủ được thì tội gì mà nằm. Dậy làm bình trà nữa nói chuyện có hơn không ? – Ro rủ – Thế là chúng tôi trở dậy châm trà.
– Việc trong kháng chiến, ở vùng Ba Mỹ này đã cài cắm hàng trăm lượt người vào hàng ngũ tề ngụy là có thật đó, để mai tôi lấy danh sách ghi tên họ từng người cho các ông xem – Giọng Ro ngày càng trở nên sôi nổi đến nỗi tôi phải ra hiệu cho anh “tốp” bớt để vợ con ngủ – Riêng xã Mỹ Thạnh trong suốt mười năm từ 1956 – 1966 chỉ có bốn người đi lính thì lúc đầu tôi cũng nghĩ như các ông, nhưng khi chú tôi (là ông Sáu Đem mà các ông đã gặp rồi đó) chỉ ra tên từng người một thì tôi phải tin nếu không nói là kinh ngạc...
Chúng tôi cũng kinh ngạc. Mà không kinh ngạc sao được khi địch nắm chính quyền, lại có một lực lượng trấn áp nổi tiếng tàn bạo trong tay. Chúng muốn đôn quân thì đôn quân, muốn bắt lính thì bắt lính. Vậy mà... trong suốt mười năm ấy, nếu Mỹ Thạnh là xã có ít người đi lính nhất thì ở Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh tôi nghĩ cũng không nhiều. Nhiều người đã từng giữ một số trọng trách ở Ba Mỹ trong kháng chiến ở Ba Mỹ lúc đó hầu như không có ác ôn, mà ác ôn hầu hết được địch đưa từ nơi khác đến như Mười Kinh, Khoa, Giỏi... Về sau mới nổi lên thằng Nghiệp...
– Này, các ông có được nghe ông Bảy Sơn kể chuyện người cha của đội Thành bắt mấy ông đằng mình lạy bàn thờ thề bảo vệ đội Thành khi đưa ổng vào làm đoàn phó thanh niên Thánh nghiệp không ?
Nghe Ro hỏi, tôi và Nguyễn Phước cùng cười... Có, chúng tôi đều có nghe ông Bảy Sơn kể lại chuyện này:
Đội Thành trước đi lính cho Pháp (đóng tới lon đội), ngay trong thời kỳ này anh đã có liên hệ với cách mạng qua ông Bảy Sơn và một số đồng chí khác. Khi Pháp rút, anh về quê làm ăn. Năm 1956, lực lượng cách mạng ở Mỹ Nhơn có ý định đưa anh ra nắm “Đoàn thanh niên Thánh nghiệp” (một tổ chức của địch nhằm lôi kéo thanh niên tín đồ công giáo). Đội Thành nhận nhưng cha anh nhất định không chịu. Anh em thuyết phục mãi, cuối cùng ông bắt mấy đồng chí trong chi bộ Mỹ Nhơn Lúc đó lạy bàn thờ tổ tiên nhà ông, thề bảo vệ Đội Thành ông mới đồng ý để đội Thành nhận làm nội tuyến cho cách mạng. Thực ra không phải ông sợ đội Thành bị địch giết mà sợ đội Thành có thể bị dời đổi, cách mạng ở nơi khác không biết hiểu lầm rồi tuyên án, trừ gian thì oan khuất chịu không thấu...
Tôi còn nhớ lúc nghe ông Bảy Sơn kể chuyện xong, lòng tôi chợt thấy xót xa vì những chuyện như thế không phải là không có. Đành rằng trong chiến tranh thì nhiều khi khó có thể tránh khỏi những lầm lẫn đáng tiếc. “Đi lính thì đi lính cho cách mạng, chết thì chết trên chiến trường đối mặt với quân thù”. Đó là lời thề của người dân Ba Mỹ. Nhưng mỗi người một số phận, không phải ai cũng có điều kiện để đi bộ đội đối mặt với kẻ thù. Ở lại trong nanh vuốt kẻ thù không chóng thì chầy nhất định sẽ bị kẻ thù khống chế, cưỡng ép đi lính hay làm việc cho chúng. Đó là chưa kể có lúc ta cần cài người vào hàng ngũ địch. Bà Ba Dẻo kể trong nước mắt: “Thằng Út nhà tôi, xin tôi cho đi theo cách mạng, tôi đã thuận nhưng các ông ấy cứ bảo: “Ông già và thằng anh nó đã hy sinh, để nó ở nhà với chị thì tốt hơn”. Năm sau tụi nó đôn quân, bắt thằng con tôi đi lính. Các ổng lại bảo: “Như thế càng tốt, giữ nó làm nội tuyến, để tụi tôi tìm người bắt liên lạc với nó”. Nhưng vừa ra quân trường, chưa kịp bắt liên lạc với ai thì trong trận đầu tiên nó đã chết”...
Tôi cũng còn nhớ nét mặt đăm chiêu của ông Bảy Sơn khi kể xong chuyện đội Thành:
– Thực ra ông già đội Thành lo cũng có lý, vì lúc đó không phải không có những tư tưởng ấu trĩ hay cực đoan cho rằng: hễ làm cho địch là kẻ thù của nhân dân, phải giết... Để tôi kể các chú nghe chuyện này, xảy ra ở Mỹ Nhơn hồi áp trước Đồng Khởi ở Ba Tri: Lúc đó chi bộ Mỹ Nhơn đang chuẩn bị cho đồng khởi thì nhận được “án tử hình hai mươi bốn tên tay sai cho địch” từ huyện đưa xuống. Thực tình lúc đó, chi bộ chúng tôi rất băn khoăn vì trong số “hai mươi bốn tên” ấy, quá nửa là con em đồng chí mình, phần còn lại hầu hết là người chưa có tội. Tuy gần đây bị địch khống chế, phải làm việc cho chúng nhưng họ cũng chưa gây nợ máu với nhân dân. Việc tử hình hai mươi bốn người một lúc như vậy có quá tả không ?... Tình hình đang như vậy thì Tư Xương (người của VT3) chạy càn đánh rơi danh sách này trong Lạc Địa để địch lượm được. Chúng bèn gọi hai mươi bốn người này đến, đưa danh sách cho coi và đe dọa: “Việt cộng đã định án tử hình cho mấy người rồi đó. Trước sau gì cũng chết, đi theo quốc gia còn mong sống”. Mấy người này sợ lắm, ban ngày làm gì thì làm đêm đến họ ra bót ngủ. Chi bộ Mỹ Nhơn họp, thống nhất xin xóa án tử hình cho hai mươi ba người, chỉ giữ lại án đối với nữ chỉ điểm viên tên Quắc, là người đã gây ra nhiều thiệt hại cho lực lượng cách mạng ở Mỹ Nhơn trước đó... Khòi phải nói chúng tôi đã mất bao nhiêu công sức để xóa nỗi nghi ngờ và lo sợ trong lòng hai mươi ba người còn lại. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm được, tranh thủ họ đi theo cách mạng, theo kháng chiến. Hiện giờ trong số họ, có người là liệt sĩ, có người còn sống là thương binh...
... Tôi hiểu, cài cắm người vào hàng ngũ địch và vận động, tuyên truyền giác ngộ binh sĩ, tay sai của địch trở về với nhân dân, với cách mạng là một trong những mặt mạnh của phong trào chiến tranh nhân dân ở Ba Mỹ. Khi kẻ địch còn yếu lại chưa nắm được tình hình thì việc cài người vào hàng ngũ địch là quan trọng. Khi địch đã tổ chức được bộ máy chính quyền, có đủ lực lượng vũ trang để đàn áp cách mạng thì việc vận động binh sĩ ngụy phản chiến, trở về với cách mạng hay vẫn ở trong hàng ngũ địch nhưng phục vụ cho cách mạng lại là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Dầu sao, nhờ làm tốt công tác binh địch vận mà lực lượng cách mạng ở vùng này đã đỡ đổ một lượng máu xương rất lớn. Bởi những tin tức địch tình về những cuộc càn quét, ruồng bố thường được những người lính nội tuyến thông báo trước nên lực lượng của ta lúc đánh thì thắng lợi, lúc không đánh được thì rút lui an toàn, bảo toàn được lực lượng. Trong suốt cuộc kháng chiến, Ba Mỹ đã hình thành được một lực lượng nội tuyến trên dưới vài trăm người (cả cài cắm và giác ngộ). Lực lượng nội tuyến này đã góp phần không nhỏ vào việc tiêu diệt, bức hàng, bức rút hàng chục đồn bót, làm đào rã ngũ hàng trăm binh sĩ địch...
Ông Tám Chiến, người trong kháng chiến có lúc làm Trưởng ban Khởi nghĩa chính trị huyện, nói:
– Thực ra công của những người lính nội tuyến không chỉ ở chỗ làm giảm bớt sự đổ máu hy sinh hay sự chiến thắng của những người kháng chiến mà còn ở chỗ làm giảm sự đổ máu của những người dân vô tội bị ép đi lính...
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông thêm:
– Tôi ví dụ như trận ta đánh đồn Mỹ Hòa (Mỹ Chánh) diệt tên Đô – đồn trưởng kiêm ấp trưởng và tên Xạ – phó ấp ác ôn vào năm 1973. Lúc ấy lực lượng ta khá mạnh, muốn lấy đồn không phải là không lấy được nhưng nhất thiết hai bên đều có đổ máu. Nhờ bắt liên lạc được với ông Năm Cào là nội tuyến nên trận ấy ta vừa áp sát, nổ súng hỗ trợ là trong đồn ông Năm Cào đã nổ súng diệt cả hai tên Đô và Xạ. Bên ta an toàn mà cả hai mươi bốn người lính dân vệ trong đồn cũng không hề trầy vi tróc vảy gì. Tất cả bọn họ đều đầu hàng...
Trầm ngâm một chút, giọng ông trở nên xúc động:
– Những tên ác ôn, có nợ máu thì phải giết... nhưng máu người thì bao giờ cũng quý... phải không chú ?
Phải, cái đạo lý của người Việt Nam của cách mạng Việt Nam là ở chỗ đó và những người cách mạng, những người kháng chiến Ba Mỹ không là ngoại lệ: kẻ đáng giết thì giết, kẻ tha được thì tha, kẻ lầm đường lạc lối thì chỉ lối cho họ quay về.
Không thể nói hết những gian khó, nhọc nhằn thậm chí là nguy hiểm của những người làm công tác binh vận, với một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là thắp sáng lại những ngọn lửa của tình quê hương, đồng bào, dân tộc trong lòng những kẻ đang lầm đường lạc lối. Chỉ một chút mơ hồ mất cảnh giác hay chỉ vì một tình tiết bất ngờ, không lường trước được là phải trả giá, hy sinh. Ở đây Ba Mỹ cũng không ngoại lệ. Theo lời anh Năm Thắng thì chính do sự phản vận của tên Đặng (lính bót chợ Bàu, Mỹ Chánh) mà ta phải hy sinh mất sáu người, bị thương thêm một số người khác khi đang bày trận lấy bót này. Tôi cũng còn nhớ như in giọng nói xúc động của ông Bảy Sơn khi kể về trường hợp tên Do (Mỹ Nhơn):
Do là con em của một gia đình có truyền thống cách mạng, được ta tin tưởng đưa vào làm tề xã Mỹ Nhơn. Thời gian đầu Do hoạt động rất tốt, về sau chỉ vì sự ghen tuông bóng gió và ngu xuẩn, Do đã trở thành một tên phản bội. Bởi tên Do mà vào những năm 58, 59 lực lượng cách mạng Mỹ Nhơn bị thiệt hại nặng, địch bắt bớ rất nhiều đồng chí của ta. Có ấp như ấp Đầu Giồng (ấp hai) các cán bộ đảng viên bị bắt gần hết...
Kể xong ông Bảy Sơn kết luận, giọng như còn day dứt:
– Về sau tên Do đã đền tội nhưng dù sao cũng thật đáng tiếc.
Thực ra trong công tác binh, địch vận những trường hợp như tên Do, tên Đặng là rất có thể xảy ra. Với riêng Ba Mỹ những trường hợp như thế không nhiều, thậm chí rất ít. Và tuy không ai muốn cả nhưng lòng người Ba Mỹ vẫn đau...
*
* *
Khi nghe tôi đọc: “Mỹ Nhơn đã tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị trên bảy trăm cuộc với nhiều hình thức, quy mô khác nhau... có khoảng hai mươi tám lượt người tham gia. Nội dung, phương pháp, yêu sách đấu tranh phù hợp với từng giai đoạn...”. Ông Bảy Sơn gật đầu, cười:
– Điều đó không có gì sai, nhưng lịch sử là lịch sử, họ chỉ có thể ghi chép được đến thế. Có điều, có được sống trong những ngày tháng sôi sục đấu tranh chính trị của vùng Ba Mỹ lúc bấu giờ thì chú mới cảm thấy hết được những gì mà người dân Ba Mỹ dành cho cách mạng...
Tôi im lặng chờ đợi. Trầm ngâm như đang nhớ lại một quá khứ hào hùng của quê hương mà mình là người có vinh dự được trực tiếp tham gia, trong giây lát ôn chậm rãi tiếp:
– Như cuối năm 1954, Khi Bảy Bư và Mười Xi từ miền Tây về, định tranh thủ lúc tranh tối tranh sáng xin giấy tờ hợp pháp để tiện việc hoạt động sau này. Nhưng khi vào quận, bọn quận cứ hẹn tới hẹn lui (có lẽ để chúng điều tra thêm về nhân thân hai người) cuối cùng chúng bắt cả hai. Họ bị bắt hôm trước thì sáng hôm sau, dưới sự chỉ đạo của huyện ủy, cả vùng Ba Mỹ đã sục sôi: khoảng gần hai ngàn người rầm rộ kéo về dinh quận với băng cờ khẩu hiệu và hô vang những khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do đi lại, chống trả thù những người kháng chiến cũ... Suốt một ngày đêm biểu tình khí thế thật hừng hực: người biểu tình thì biểu tình, người tiếp tế thì tiếp tế. Đặc biệt lúc này đồng bào Thị trấn và xã An Đức (vùng quanh dinh quận) cũng tham gia tiếp tế bánh mì, cơm nước, mía cây... cho đoàn biểu tình khiến không khí đấu tranh càng thêm sôi động. Đến sáng ngày hôm sau thì địch phải nhượng bộ thả Bảy Bự và Mười Xi ra...
Tôi trầm trồ:
– Vào những năm năm tư, năm sáu (1954 – 1956) dân số cả Ba Mỹ có lẽ chưa tới mười ngàn người mà đã có hai ngàn tham gia biểu tình đấu tranh... Đây có lẽ là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất...
Ông Bảy Sơn ngắt lời:
– Là cuộc đấu tranh chính trị có tổ chức sớm nhất thì đúng nhưng lớn nhất thì chưa chắc...
Tôi ngạc nhiên:
– Vẫn chưa phải là lớn nhất sao chú?
Vẫn với giọng bình tĩnh, từ tốn của một người đã từng chiêm nghiệm hết mọi sự thăng trầm của cuộc sống, ông Bảy Sơn tiếp:
– Vào khoảng tháng tám năm năm sáu (8/1956) ở Ba Mỹ lại nổ ra một cuộc đấu tranh lớn khác. Lần đó bọn Mười Kính theo lệnh của tổng Son (tề tổng Bảo Thuận) đến nhà máy chà tại chợ Bến Bàu (Mỹ Chánh) bắt Ba Sưa và Tư Thặng là hai cán bộ hợp pháp của ta đang làm tại đó, đem về trụ sở tề tổng đóng ở Mỹ Nhơn đánh đập, tra khảo, cuối cùng giết chết Ba Sưa. Huyện ủy chỉ đạo Ba Mỹ đấu tranh chính trị lớn với khẩu hiệu chính là đòi tự do dân chủ và trừng trị bọn sát nhân. Trên hai ngàn người của cả ba xã kéo về trụ sở tề tổng để đấu tranh, không khí đấu tranh rất sôi sục, hàng loạt người tràn vào xô ngã hàng rào cảnh sát, tay vẫn cầm băng, miệng hô vang các khẩu hiệu. Thậm chí có lúc các đồng chí lãnh đạo đoàn biểu tình muốn chỉ đạo cho mọi người kiềm chế bớt, tránh sự quá khích không có lợi cho cuộc đầu tranh cũng không được. Lúc này bọn lính và cảnh sát được lệnh đàn áp cuộc biểu tình, tính ra chúng bắn chết và làm bị thương của cả ba xã mất gần chục người, lại bắt thêm mấy người khác. Buổi chiều hôm đó, ta một mặt vẫn duy trì đấu tranh ở tổng, mặt khác cử đại diện lên quận đấu tranh... Cuối cùng tên Một Diện, quận phó phải trực tiếp xuống giải quyết, thả những người bị bắt. Chưa thỏa mãn với những gì đạt được, ngày hôm sau đoàn biểu tình cử đại diện lên tỉnh đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng những người đã chết. Kết quả tên tỉnh trưởng Hối phải đích thân xuống...
Bây giờ khi ngồi viết những dòng này tôi mới nhớ lại lúc đó bản thân tôi đã chìm đi trong những dòng suy nghĩ và hồi tưởng để mặc cho chiếc máy ghi âm làm việc với người cán bộ lão thành (dù việc đó thật là vô phép). Đầu óc tôi cứ lang thang theo lời kể của những chứng nhân lịch sử khác như ông Năm Đoàn, anh Năm Thắng, ông Tám Chiến, ông Sáu Tâm, ông Minh Hưng, ông Hai Chánh, ông Hai Trạng, Năm Thanh, Bảy Thành... Nào là chuyện trong một lần đấu tranh, có người dân đã đưa cả một gánh nặng chén dĩa kiểu của gia đình ra để đựng đồ ăn tiếp tế cho đoàn biểu tình. Có người hỏi tại sao không đưa đồ sành mà đưa toàn đồ kiểu, ông đáp: “Để bọn chúng biết ta là người đàng hoàng không phải kẻ bá vơ đi đấu tranh để kiếm miếng ăn...”. ... Chuyện bộ đội chủ lực của ta đánh đại đội chín chín lăm (995) của thằng Nghiệp, trên đường rút bị lọt vào ổ phục kích của địch, bảy đồng chí bộ đội quê ở miền Bắc hy sinh. Tên Nghiệp không cho chôn những người này. Bà Ba Dẻo (Mỹ Chánh) đã cùng một số chị em phụ nữ đấu tranh với tên Nghiễp. Khi Nghiệp nói: “Chúng là những thằng Bắc kỳ, đâu phải người mình, lại càng không dây mơ rễ má với các bà, việc gì các bà phải chôn tụi nó...” bà Ba Dẻo nói: “Bắc hay Nam cũng là người Việt cả. Vả lại người chết là thù hận hết, ông là người có đạo, chắc ông dư hiểu điều đó mà. Tụi tôi chôn họ coi như làm phước vậy thôi!”... Cuối cùng tên Nghiệp phải đồng ý cho chôn các chiến sĩ ấy. Trước khi chôn, các bà, các chị còn cẩn thận ghi tên họ, phiên hiệu đơn vị từng người bỏ vào từng chai nhỏ rồi đặt xuống phía chân mộ để “mai sau, khi kháng chiến thắng lợi, những người thân của họ từ miền Bắc vào có thể nhận rõ từng người để đưa hài cốt về quê”... Phải có tấm lòng những người mẹ người chị và phải tin tưởng vào tương lai cách mạng lắm, những người phụ nữ ấy mới có được hành động và lời nói ấy... Rồi chuyện năm 1962, để trả thù những hoạt động diệt ác, phá kềm của nhân dân, bọn địch do tên Giỏi (đại đội trưởng bảo an) chỉ huy, bắt bốn người dân Mỹ Nhơ là Nguyễn Văn Bộn, Nguyễn Thị Tươi, Nguyễn Thị Thành và Nguyễn Văn Thinh về bót Mỹ Chánh tra khảo đánh đập và chôn sống họ. Ta lại tổ chức đấu tranh. Lần này một mặt ta vẫn biểu tình đấu tranh ở quận, mặt khác đưa đơn lên tỉnh tố cáo tội ác giết người man rợ. Người đứng đơn là ông Huỳnh Văn Ngươn, chủ nhà máy chà ở Mỹ Chánh. Cuối cùng một phần do áp lực của quần chúng đấu tranh, phần khác đo sự đấu lý của ông Ngươn, địch buộc phải tuyên án tù ba tên (ít nhất cũng là về mặt hình thức) trong đó có tên Giỏi... Chuyện kẻ địch lùa hàng ngàn người biểu tình xuống hầm rác lớn của thị trấn (gần Nhà hát Ba Tri bây giờ) rồi dùng sơn viết lên nón: “Đả đảo Cộng Sản”, mọi người đã cầm nón vất thẳng xuống đất ngay trước mặt kẻ thù... rồi chuyện...chuyện... không thể nào nói hết được. Tuy nhiên qua những câu chuyện của các chú, các anh tôi nhận ra một điều là trong tất cả các cuộc đấu tranh, bao giờ người dân Ba Mỹ cũng sát cánh bên nhau. Dù sự việc chỉ xảy ra ở riêng Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh hay Mỹ Chánh Hòa, nhưng khi những cuộc đấu tranh nổ ra thì thảy đều có mặt đầy đủ lực lượng của Ba Mỹ. Đành rằng trong các cuộc đấu tranh bao giờ cũng có sự chỉ đạo của cấp trên, của huyện ủy nhưng với người dân Ba Mỹ, đoàn kết, gắn bó, đùm bọc nhau bao giờ cũng là thứ sức mạnh buộc địch phải khuất phục, nhượng bộ. Mà không phải chỉ trong đấu tranh chính trị, cả trong đấu tranh vũ trang hay công tác binh địch vận lúc nào cũng có mối dây liên hệ, đoàn kết ba xã này với nhau. Sợi dây ấy là vô hình nhưng cũng vô cùng bền chặt. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân để lý giải vì sao trên cùng một vùng đất, cả ba xã đều là anh hùng lực lượng vũ trang...
Gần một ngàn người vừa liệt sĩ vừa thương binh (chiếm xấp xỉ 10% dân số ba xã lúc ấy), chỉ riêng cán bộ xã đội ngã xuống cũng đã trong ngoài ba chục; gần trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng, có gia đình cả mẹ chồng và nàng dâu đều là mẹ Việt Nam anh hùng... những con số ấy không nói với tôi điều gì cả ư ?...
Tôi đem những suy nghĩ này nòi với ông Năm Đoàn:
– Chú Năm có thể kể cho con nghe một vài gương hy sinh bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ của người dân Ba Mỹ, nơi mà chú đã nhiều năm làm công tác chỉ đạo kháng chiến không ?
Ông Năm Đoàn cười cởi mở, vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Trong kháng chiến, Mỹ Nhơn đã đào chín mươi hai hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ, trong đó có hai mươi lăm hầm sát đồn địch... Mỹ Thạnh đất hẹp người ít cũng cũng đào trên năm mươi hầm...
Thực ra những con số này tôi cũng đã được biết trong từng báo cáo thành tích xã anh hùng vùng Ba Mỹ. Khi tôi đọc, những con số chỉ là những con số, bây giờ khi ông Năm Đoàn nói, tôi bỗng thấy nó mang một ý nghĩa khác hẳn, sống động hơn nhiều. Có lẽ bởi trong giọng nói của ông mang một ngữ điệu gì đó mà tôi không thể nói ra được. Phải chăng đó là ngữ điệu cảm phục của một người cán bộ đã lăn lộn nhiều với phong trào và đã được chính đồng bào, quần chúng chở che...
Qua lời ông Năm Đoàn tôi như hình dung ra cảnh đêm đêm có những con người cứ lầm lũi, lầm lũi trong im vắng, mang đi từng ki đất đào từ hầm lên, đem rải khắp vườn để kẻ địch không nhận ra đất cũ, đất mới, gần sáng phải ngụy trang che đậy để rồi đêm đến lại lặp lại những động tác cũ. Cứ như thế có khi đến hơn tháng trời chiếc hầm bí mật mới được đào xong. Mà việc đào hầm có thể coi là việc nhẹ nhàng nhất, an toàn nhất, khi hầm đào xong mới là khi nguy hiểm. Kẻ địch chỉ cần phát hiện ra hầm thì điều đó cũng có nghĩa tù đầy chết chóc đến với bản thân, thậm chí với gia đình, người thân, không luận trong hầm có hay không có “Việt Cộng”. Bà Dương Thị Bông (Mỹ Thạnh), bà Quảng Thị Phèn (Mỹ Nhơn) quằn quại rên siết dưới những đòn roi tra tấn man rợ của kẻ thù vẫn không khai báo, không thừa nhận trong nhà mình đang nuôi dấu cán bộ. Rồi cảnh anh Đỗ Văn Dũng (du kích Mỹ Thạnh) chiến` đấu quyết liệt đến viên đạn cuối cùng khi địch phát hiện hầm và anh dũng hy sinh; ông Trần Văn Thẹo (Hai Thẹo) đã chia đôi trái lựu đạn cuối cùng với địch khi vừa tung nắp hầm lên... Tôi cũng như nhìn thấy những cặp mắt mở trừng trừng vừa đau đớn vừa căm hận của các anh Trần Văn Cơn, Trần Văn Thê khi bị địch mổ bụng moi gan tại miễu Lâm Dồ, các anh vẫn quyết lòng bảo vệ những bí mật của cách mạng, của kháng chiến...
Tôi còn nhớ khi chia tay, ông Năm Đoàn đã nói một câu thật ý nghĩa:
– Có thể những sự việc như thế, con người như thế không hiếm ở khắp miền Nam kháng chiến. Nhưng điều quan trọng là ta đang nói đến vùng đất Ba Mỹ anh hùng...
*
* *
Bài viết xong đã lâu mà tôi vẫn nấn ná hoài không nộp, dù ngày hẹn đã cận kề. Tôi băn khoăn không biết mình đã viết được điều gì như ý định chưa ? Nguyễn Phước nói: “Không thể nào nói hết được lòng người dân Ba Mỹ với cách mạng, với kháng chiến, với quê hương của họ đâu. Chỉ mong bài viết của ông nói được một phần những điều đó là mừng rồi !”. Thực tình tôi cũng không mong gì hơn thế. Chưa bao giờ để viết một bài bút ký, tôi phải khổ công khó nhọc đến thế. Tất cả những tư liệu tôi có trong tay về lòng người Ba Mỹ thật bộn bề, bộn bề đến choáng ngợp. Chính sự bộn bề này đã gây khó khăn cho tôi trong lúc viết. Dẫu sao bây giờ bài viết cũng đã xong, nếu quả thật tôi chưa nói được gì nhiều về lòng người dân Ba Mỹ thì tôi cũng thầm mong những người dân ở vùng đất anh hùng này hãy lượng thứ cho, vì đây là bài viết của một kẻ lực bất tòng tâm./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét