Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Về bài thơ “vào chùa” của Đồng Đức Bốn


Vào Chùa

Đang trưa ăn mày vào chùa

Sư ra cho một lá bùa rồi đi

Là bùa chẳng biết làm gì

Ăn mày bỏ túi, lại đi ăn mày

Theo Nguyễn Huy Thiệp thì đây là một bài thơ Thiền. Anh trách người ăn mày là kẻ vô ơn đã bỏ lỡ cơ hội để được “ngộ”… Thiệp là người mộ đạo, anh lại có điều kiện sống và gần gũi nhiều với Đồng Đức Bốn, anh nói thế có lẽ có cái lý của anh. Nhưng ý đó của Thiệp liệu có Phải là ý nghĩa duy nhất, thậm chí đã phải là ý nghĩa chinh của bài thơ chưa…?

Ăn mày vào chùa lúc "đang trưa". Tại sao lại là đang trưa, tại sao lại vào đúng giờ "Ngọ phạn" mà không phải là một giờ nào khác? Phải chăng vì sùng kính Phật, vì mộ đạo hay vì tìm một sự đốn ngộ...? Tôi chắc không phải vậy. Nếu vì sùng kính hay mộ đạo thì có thể vào chùa vào bất cứ lúc nào khác chứ không nên vào đúng giớ ăn là giờ ăn là giờ mà theo nhân gian thì là một trong những giờ trần tục của con người,với bất cứ ai. Và càng không phải để cầu mong sự đốn ngộ, điều mà đến cả những bậc thiền sư dày công suốt đời nhiều khi cũng không đạt tới. Có thể nghĩ đến chữ duyên, nhưng ai nghĩ thì nghĩ chứ ăn mày thì không nghĩ, ăn mày chỉ ăn mày.Theo tôi ăn mày vào chùa vào giờ này có lẽ với một lý do thật đơn giản: Nửa ngày xin ăn ngoài đời không được gì, ăn mày vào chùa mong được ăn mày Phật một phẩm oản một trái chuối để đỡ đói lòng, thế thôi.

Ăn mày vào chùa là để ăn mày, nhưng nhà sư không biết vậy, thậm chí tệ hơn sư không muốn biết vậy. Với vai trò “phổ độ chúng sinh”, có lẽ sư muốn cho ăn mày một điều gì cao cả chứ một phẩm oản, một nải chuối thì "tầm thường" quá? May thay, trong túi sẵn có một lá bùa, có thể là lá bùa bình an, cũng có thể là bùa cầu tài cầu lộc… Bất kể là bùa gì nhưng hẳn đều cao giá hơn phẩm oản nải chuối mà ăn mày muốn cầu xin, sư liền đem cho. Có điều cho lá bùa xong, sư bỏ đi ngay như không còn muốn dính líu gì nữa với ăn mày và với cả lá bùa mình vừa đưa nữa. Bỏ đi ngay vì nghĩ rằng lá bùa là món quà vô giá, quá đủ cho người ăn mày rồi, bỏ đi vì cho rằng đã tròn trách nhiệm với kẻ cầu xin rồi hay bỏ di vì….xấu hổ…ta không biết. Bài thơ có bốn câu, chỉ một câu nói về thái độ của nhà sư với người ăn mày và có thể cao hơn, của một đấng “bề trên” thiêng liêng nào đó với chúng sinh, nhưng thế cũng là đủ.

Cầu mong một phẩm oản, một trái chuối lại được một lá bùa. Giá trị của nó cao thì cao thật (ít nhất là theo ý nhà sư), nhưng với thân phận ăn mày thì biết làm gì với lá bùa bây giờ. Chẳng phải thức ăn để có thể ăn, cũng chẳng thể bán đi để lấy tiền mua cái ăn (ai mua mà bán), nhưng để lại thì cũng thế thôi, chẳng vướng bận là bao. Đúng là cảnh bỏ thì thương, vương thì …cũng chẳng việc gì, nên ăn mày bỏ lá bùa vào túi rồi lại thản nhịên tiép tục cái nghiệp của mình:di ăn mày thiên hạ. Tôi cho rằng thái độ của ăm mày mới là thái độ thiền thực sự: không cưỡng cầu, thản nhiên với sự được mất mất được trong bất cứ hoàn cảnh nào…

Bài thơ theo tôi, là một bài thơ thế tục và lời nhắn gửi của Đồng Đức Bốn cũng rõ ràng: Trước khi muốn đưa đền cho con người những điều cao siêu thì trước hết hãy chú ý cho người ta những nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc đã.

2 nhận xét:

Vuong Duc Binh nói...

Nguyễn Huy Thiệp thì không hiểu thiền là gì, ngộ là gì, chỉ nói linh tinh! Bác Dương Sinh lại áp chủ nghĩa Mác cho nhà sư chỉ từ suy diễn hai từ "đang trưa". Tội nghiệp nhất là ông Đồng Đức Bốn nào đó chắc lại phải dắt ông ăn mày trở lại chợ ... đời!

Nặc danh nói...

Cái lưỡi không xương .