Trường Vinh bây giờ
Thế hệ cháu bắt đầu
Tâm tình chốn quê
Buồng thơm
Đêm vắng
Buồng thơm
Em soi gương trộm
Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng
Phùng Cung
Làm đẹp, soi gương để kiểm tra nhan sắc hầu như là thuộc tính của bất cứ người phụ nữ nào. Dù ma chê quỷ hờn như thị Nở hay nghiêng nước nghiêng thành như Tây Thi, Đát Kỷ thì chắc chắn cũng giống nhau ở điểm đó. Nhưng soi gương trong buồng, lại là soi ban đêm, soi trộm, sợ người khác nhìn thấy thì chỉ có ở hai lứa tuổi:
Một là những thiếu phụ hoài xuân, nhớ tiếc tuổi xuân sắc của mình.
Hai là những thiếu nữ mới vào tuổi cập kê và nói như có người đã nói thì nàng đang dùng giằng ở tuổi nhỏ, vừa muốn lại vừa không muốn thành người lớn, nàng đang khám phá mình.
Ở đây tôi nghiêng về khả năng thứ hai bời tác giả đã dùng chử “buồng thơm”, theo tôi chỉ buồng của người khuê nữ mới đáng được gọi là buồng thơm. Thứ nửa tác giả dùng đại từ “em” vừa trìu mến vừa độ lương chứ không dùng chữ “nàng” có thể là thành kính nhưng xa cách.
Nhưng dù là thiếu phụ hoài xuân hay thiếu nữ đang khám phá mình thì lúc này, lúc đứng trước gương nàng cũng đang khỏa thân. Có khỏa thân thì mới cần kín đáo đền thế, cũng có khỏa thân thì mới thấy hết những gì của cơ thể mình dù đó là những nét quen thuộc đến mức đáng thương hay những nét lạ lùng mới nảy nở. Nàng khỏa thân trong buồng kín và nghĩ rằng việc soi gương trộm của mình là bí mật lắm, “Chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay…”. Nhưng nàng đã lầm, buồng đêm không chỉ có nàng mà còn có thêm hai nhân vật nữa đó là ngọn đèn và…gió. Ngọn đèn như một chàng trai trẻ vừa tò mò, vừa trợn trạo nhưng cũng vừa dè dặt rụt rè. Nghĩa là nếu cứ như vậy không có gí tác động thêm thì nó cứ yên vị thế, bằng lòng thưởng thức “âm bản”, tức phía sau của người đẹp. Nhưng ở đây lại có thêm ngọn gió quái quỷ làm đồng lõa, thế là ngọn dèn nghiêng đi, nghé nhìn,để thấy những gì đáng ra không được thấy. Đừng có ai trách gì nhọn đèn cả, nó cũng chỉ là tha thiết với cái đẹp thôi….
Bài thơ theo tôi thật tinh tế và tuyệt đẹp
27/12/2008
Vườn tưởng trọn mùa hoang phế
Còn thơm một nụ quỳnh hoa
Lịch tưởng trọn dòng hoen lệ
Còn tươi một ánh dương hòa
Giờ đây xuân thắm lòng tang
Dười gót chân ai bừng nở
Giờ đây đời ấm từng trang
Dưới búp tay ai lần giở
Em ơi một sớm trao tình
Đã nặng sầu thương nửa kiếp
Thuyền thơ buộc khóe thu xinh
Nảy xứ hoa hồng bướm đẹp
Ánh trăng hiền hậu bao nhiêu
Ngọc sáng mười phương tinh tú
Là đây bờ cõi tình yêu
Nào cặp môi đào hé nụ
Lòng anh còn ngát hương duyên
Đỏ thắm như lòng trái đât
Tình ta còn mới y nguyên
Như buổi thiên đường chưa mất
Nhớ nghe em niềm mong ước
Dâng đầy sóng mắt đê mê
Em ạ thiên đường lại mở
Chờ ta chắp cánh bay về
Nhiều năm về trước, được biết Phùng Cung qua truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh”, khi đọc (một cách dấm dúi) tập “Trăm hoa đua nở” xuất bản ở Gài Gòn trước giải phóng, thấy hay quá. Cũng qua “Trăm hoa đua nở” biết ông là người của nhóm “Nhân văn” phải đi “cải tạo”, thấy buồn. Rồi bẵng đi mãi cho đến năm ngoái (2007), lại được biết về ông và cách thức xuất bản tập thơ của ông qua bài viết của Phùng Quán trong tập “Ba phút sự thật”, lại thấy buồn thêm. Nhưng thật ra lúc ấy cũng chưa biết cả tên tập thơ nữa. Tối qua ngồi lướt web vào trang Hữu Đang, đọc bài viết của Hữu Đang về tập thơ “Xem Đêm” của Phùng Cung và cũng qua đó dược đọc “những bài thơ, những câu thơ hay nhất” (lời Hữu Đang) của ông. Quả thật đó là những thơ hay đến….., chỉ còn biết kêu lên “trời ơi!”, thật tội nghiệp cho dân tỉnh lẻ như mình. Thôi thì tha về blog mình làm của vậy, mà cũng có thể có ai đó cũng thiếu thông tin như mình vô tình có dịp ghé qua chăng…
Mẹ
Mồ hôi mẹ
nhỏ giọt
Con níu giọt mồ hôi
Đứng dậy làm người
Mồ hôi xương
Em vất vả
Tối ngày tất tả
Lưng áo em
Ngoang vôi trắng xóa
Cái trắng này vắt tận trong xương
Tội nghiệp
…..
Nửa thế kỷ
Bị lưu đày
Trong cõi tung hô.
Gia cảnh
Rổ không hờ hững quang treo
Nắng thả chào mào nghiêng nghé
Chó vẽ bóng gầy sân bếp
Gió khều tã vã múa may
Nắng hàn vi
Cửa liếp nối xa xăm
Người đi từ dạo đói
Chiều ghé sân hoang.
...
Cháo - canh
Trang trại trưa hè khát bữa
Lẻ tấm
Búng đèn
Đũa mắm
Đểnh đoảng mùi cháo - canh
Gịuc cả xóm cởi trần.
Tím cơ hàn
Nửa đời
Nước thải
Hưu non
Vã mồ hôi son
Tảo tần chiều sớm
"Cuốc lủi" lưng vơi
Mắt trước mắt sau
Kinh hoàng di lụy
Tóc bạc vào mùa
Răng hơi bị đuối
Trệu trạo trái sung
Ruột tím cơ hàn.
Nghĩa trang
Lạnh nhịp sương rơi
Chiều - gạo đổ
Dế gào chân mộ
Trăng lên.
Cháo thí
Gió nã từng cơn
Bùa trấn trạch
Nấp trong giấy bản
Bến đò, quán chợ, ngã ba
Vật vã mùi cháo thí đêm hè.
Mùa nước mắt
Đê tiền triều gẫy khúc
Đồng ngập trắng
Con lềnh đềnh cõng vắng bơi suông
Thương em đứng giữa mùa nước mắt.
Gãi đất
Giặc quấy
Làng queo quắt
Tụi trẻ đi - đi hết
Dờ dật sức già gãi đất
...
Cái đói tròn
Lăn kín bốn mùa
Gươm báu
Mỗi chiến thắng
Một lần gươm tắm rượu
Ruồi vẫn qua lùng máu
sa trường
Phong trần
Mặt trịn nắng
Ngả màu chum, vại
Hì hụi lối mòn tử đạo
Lưng cơm chan đẵm phong trần.
Tháp Chàm
Chiều Phan Rang xanh đau
ngọc nát
Nắng Chiêm Thành quanh quất
tháp hoang
Đêm vó ngựa
Phải đâu nhật thực triền miên
Ngày tối hơn đêm
...
Quỳ gối chống tay vẫn còn sợ ngã
Mặt đất quá cheo leo.
Bèo
Lênh đênh muôn dặm
nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh
Chùm gió bấc
Gió bấc về
Chuối vừa mới trổ
Dằn vật lỗi mùa
Băn khoăn chung chiếc khố
Lấy gì che chắn gió xung quanh.
Cây đào
Thương cây đào ốm
Xuân về chẳng nụ hoa
Lá gầy run gió lạnh.
Chùm gió bấc
Gió bấc về
Gà con lên cơn sốt
Nhong nhóc đi, đứng
Chen nhau tìm chỗ ấm
Cẳng gầy lội gió
Cua đồng
Phận lấm
Tối ngày đào khoáy
Lưng nắng vẽ
Hoa văn tiền sử
Chài chãi đồng chiêm
Mấy kiếp rồi.
Vạc
Nắng táp cánh đồng
xơ xác
Bước liêu xiêu
Cái vạc ăn ngày.
Văn Miếu
Chim hát thánh thi
Vườn cổ thụ
Xum xuê hoa trái Đại Xuân
Nao nao gió thổi gác Khuê Văn
Gỗ, đá rêu phong
Văn Miếu hiện dấu tay
bác phó
Nhúng mồ hôi điểm chỉ
gửi tương lai.
Đêm Nguyên tiêu
Cổng Phật chuông lay hoa rụng
Mõ dẫn kinh ruổi nhịp
luân hồi
Vương lụy hương bay đứt, nối
Cành sương trăng níu
Giọt nguyên tiêu.
Say
Ai chuốc rượu
Cánh buồm say lảo đảo
Quanh quẩn quãng sông chiều
Quên nẻo ra khơi.
Đổ vỡ
Bình minh níu giọt tranh khoảnh khắc
Đổ vỡ trong lặng im
Hoa ngóng gió
Gửi hương tị nạn
Buồng thơm
Đêm vắng
Buồng thơm
Em soi gương trộm
Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng.
Dâu, biển
Chiều xâm xẩm
Vườn dâu đòi xanh biển
Con chim chích buông cành
bay liệng
Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa.
Tìm em
"Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Đông
(Ca dao)
Tìm về gặp em
Em đã đi
Vách, giường thơm lạnh
Mùi khăn áo cũ
Đêm nghiêng gió - chập chờn
mưa gõ lá
Không có sông
Sao có tiếng gọi đò.
Ê ẩm
Chợt nghe động trống
Trâu bò nhớn nhác
Dùi quật liên hồi
Ê ẩm tấm da khô.
CANH CHUA
Ký
Một đôi mắt dài ướt rượt, một giọng nói mềm mượt êm ru:
- Anh ăn thử, coi con gái Nam Bộ có biết nấu ăn ngon như con gái xứ Bắc không?
Chao ôi! Hơn bốn mươi tuổi, lận đận khắp trời ngày đầu có vợ, được cho ăn cái món ăn ưa thích của mình lại với mắt nhìn như thế, giọng nói như thé, tình quá là tình, không ngon sao được.
Kể cũng lạ đời, thằng con trai Bắc chuyên ăn canh dấm cá nấu với khế, mẻ, vào
Dầu vậy, ngon thì ngon thật, vì một món ăn như vậy trong một hoàn cảnh tình tứ như vậy, hỏi không ngon là tại làm sao? Nhưng sao trong cái ngon đến thế vẫn như thấy thiêu thiếu điều gì khiến cho cái ngon chưa trọn vẹn.Nhưng là điều gì kia chứ???
Đêm về nghĩ lại mới thương vợ và giận mình. Đã dặn lòng phải vứt bỏ gánh giang hồ đi để sống tron với người đầu gối, tay ấp mà sao còn nặng nợ? Nàng thì thật dạ tin người hay có chút nào chăng nàng mong sự chiều chuông, miếng ăn ngon là sợi dây buộc chặt kẻ lang thang? Em ơi! Làm sao em hiểu được rằng, tô canh em nấu cho anh ngon thì ngon thật, ngon cả miếng ăn lại ngon cả tình chồng nghĩa vợ. Nhưng đối với kẻ giang hồ thì miếng ăn ngon nhất vẫn là những miếng ăn trên bước đường giang hồ. Dù đó là nồi mắm kho bên rổ rau lẫn lộn lục bình với bông súng trong chiều mưa mù mịt của Đồng Tháp Mười. Hay tô cơm bụi đầu ghế giữa ba mươi sáu phố phường Hà Nội, cho đến một bữa ăn sang trọng nơi nhà hàng cao cấp ngay đất Sài Gòn…
Đành rằng miếng cơm giang hồ không thiếu chi vị đắng, nhưng đời giang hồ là thế, biết nói làm sao.
* *
*
Nhớ làm sao bữa canh chua ngày ấy…
- Chú hai mầy đi nhiều nơi, ăn nhiều chỗ, có biết canh chua nấu cá gì là ngon nhất không?
Làm sao trả lời đây? Đành là chẳng khó khăn gì để nói được ý thích của mình… nhưng còn cô Tám ngồi kia, chỉ trông dịp gắp bỏ cho cha một miếng để được gắp bỏ cho “chú hai mầy” một miếng còn ngon hơn. Cái miệng không thoa son mà hồng đỏ, ướt rượt như gọi như mời, lại thêm cặp mắt long lanh long lanh như hớp hồn người ta thế kia thì làm sao mà tìm được câu trả lời cho thật trúng kia chứ.
- Tía hỏi thế làm sao anh hai trả lời được, mỗi người một ý mà,phải không anh hai?À, tía ơi! con phần cho tía bộ ruột con cá lóc đây nè!
Ui trời! Thương thế mới là thương chứ, mới gặp nhau lần đầu mà đã biết thằng con trai xứ Bắc không tài nào nuốt nổi bộ ruột con cá lóc đắng ngắt ấy. Lại được tiếng là thương cha lắm lắm, nào biết thương ai hơn. Khôn thế!
- Lúc nãy chú hai mày khen tô canh chua cá lóc này của con Tám nấu là “nhất xứ”! Tao nói thật, chú hai mày đừng buồn. Một là chú Hai mầy nịnh con Tám, hai là chú Hai mầy chưa ăn hết miếng…
Lại ánh mắt chao nghiêng, mặt ửng lên trong ánh chiều bảng lảng, miệng nửa cười nửa không như diễu cợt lại như nũng nịu càng làm điên đảo kẻ đang say tình hơn say rượu.
-… Tao ngẫm trên đời này không gì dễ nấu như món canh chua mà cũng không gì khó nấu bằng món canh chua. Trên nhất thì cá bông lau, cá hú nấu với bạc hà, dưới thì cá trê, cá lóc nấu với giá, khóm; dưới nữa thì cá linh nấu với bông so đũa cũng đã ngon. Bần hàn ra thì nắm rau muống với vài trái me cũng đã thành canh chua rồi. Ay vậy mà nấu tô canh chua cho đúng chỉ đúng vạch thì đã có mấy ai… Như mầy khen tô canh con Tám nấu, thử nhìn lại coi còn khiếm đều chi không?
Ngon quá là ngon rồi còn gì, đâu phải nịnh người đẹp mà thật lòng khen đó. Có hiểu cho nhau không mà ánh mắt ném sang nửa như thăm chừng, nửa như dò hỏi..
- Chiều nay con Tám đi chợ mua đồ nấu mà quên mua mấy trái ớt chín. Tô canh nó bỏ ớt xanh vườn nhà nên không đẹp, không vui mắt. Chú Hai mầy thấy có vậy không?
Đúng thì đúng quá rồi, tô canh chua đúng mức về màu sắc phải đủ mấy màu xanh, đỏ, trắng, vàng, nâu. Nhưng mà… tiểu tiết, tiểu tiết, đáng gì ba cái thứ ngỏ mọn ấy. Nhất là khi ta đang say người thì có ai lại đi phân tích chi ly như vậy! Phạm thượng đấy!
…Đêm ấy, trước hàng ba có người con gái thủ thỉ với người con trai trong ánh sáng ảo mờ của vầng trăng lên muộn.
- Để rồi mai mốt, có dịp anh Hai trở lại, em sẽ nấu cho anh Hai một tô canh chua cá bông lau “đúng chỉ, đúng vạch” như tía em nói lúc chiều… Ngày xưa, đồng đất xứ mình không ai ăn canh chua cá tra đâu anh. Đất rộng người thưa, cá tôm vô kể thì ăn cá tra nấu canh chua làm gì . Thứ cá ấy kho và ăn thật nóng với cơm thì còn được chứ nấu canh chua thì dở lắm, mỡ chóng đông mà lại gây mùi. Cá bông lau thì khác, tô canh nguội rồi mỡ vẫn không đông thành váng, thịt cá đã thơm mà mỡ cá càng thơm…
Trời đất! Ngồi giữa đồng đất xứ quê mà nghe những lời nói ấy thì sao cầm lòng cho đậu. Đã thương vì sắc giờ lại thêm trọng vì tài, sợi giây ràng buộc này làm sao gỡ ra cho đặng…
-… Mà nói vậy chứ biết bao giờ anh Hai trở lại xứ này…
Lời nói như tiền định.Tám ơi! Tô canh chua em hứa ngày nào đến bây giờ tôi cũng chưa được nếm. Chắc bây giờ em đã tay bồng tay mang, hơn mười năm rồi còn gì...
* *
*
...Thời buổi bây giờ, xem ra người ta ăn uống thật khác người xưa. Nồi canh chua bây giờ, với bất kỳ thứ cá gì người ta cũng bỏ hầm bà lằng; khóm, giá, cà chua, thậm chí nhiều khi cả đậu bắp nhớt nhợt vào. Người xưa phân biệt rành rẽ lắm: cá hú, cá bông lau thì nấu với bạc hà, chỉ có cá lóc, cá tra mới nấu với khóm, giá, cà. Tinh lắm, cá tra, cá lóc lắm mùi tanh mới cần những thứ đó để át vị, còn cá hú, cá bông lau thì cần chi, chỉ thêm mất mùi cá.Lại nữa, canh chua trước nhất là phải… chua. Nhưng chua mà không “lét”, phải có hậu ngọt. Để tìm cái hậu ngọt đó, không thiếu chi người ném vào nồi cả muỗng bột ngọt. Rồi rau nêm, họ thay om đất bằng cần dày lá hay húng quế, thậm chí có người còn cho cả hành ngò gai vào nồi canh chua…
Vất đi, vất đi tất. Cái đạo canh chua (Sao lại không thể gọi là đạo canh chua khi đã có hoa đạo, trà đạo) không chấp nhận những thứ tả pí lù đó. Cái hậu ngọt của canh chua phải được tạo nên bởi chút đường. Ít thôi, nhưng phải đủ, ít quá không ngọt, nhiều quá nổi lên vị ngọt lợ khó chịu của đường, khó thế. Bột ngọt thì tuyệt cấm, vì vị thịt của nó sẽ át mất mùi thơm của cá, như thế thà nấu canh thịt mà ăn. Chỉ riêng việc bỏ khứa cá vào nồi lúc nào cho đúng cũng có phải dễ đâu! Nước sôi già, lọc me xong (mà phải là me chín đấy) mới bỏ cá vào,vị chua ngọt của me chín vừa làm săn chắc miếng cá lại vừa làm d0ậm vị cá thêm. Chờ cho khi cá đã chín được chín phần (nhớ là chỉ chín phần thôi), bỏ bổi vào, chờ sôi lại, múc ra tô ngay. Lúc này mới rắc thoáng rau om và vài lát ớt chín đỏ lên trên, khi ăn mới đè cho rau và ớt chìm xuống…
Chao ôi! Miếng ăn qua miệng, vào đến ruột thì thôi, sao mà cũng lắm điều nhiêu khê đến thế.
Nhưng “ nghề chơi cũng lắm công phu” mà.
* *
*
Cái lẩu được bưng lên, bốc hơi nghi ngút.
- Hoan hô, hoan hô! Lẩu chua cá bông lau, nhất xứ
Rồi thì tiếng nắc nỏm khen ngon ồn ào cả lên. Giữa đám đông ấy, có một người mặt bỗng đỏ lên như thẹn thùa điều chi. Lựa lúc không ai để ý, người ấy len lén bước ra ngoài.
- … Chú Hai mầy nghe tao nói rồi nghiệm coi có đúng không: canh chua phải nấu từng tô, vừa ăn vừa nấu, ăn hết lại nấu. Nấu cả nồi, ăn nửa chừng đã nguội mất, lại thêm cá nát rau nhừ, làm sao ngon được. Bây giờ người ta nghĩ ra cái lẩu, nóng thì có nóng thật, nhưng đốt than hoài nước canh sắc lại, mặn ngọt không chừng thử hỏi còn chi để ham nữa…
… Thôi, chấp làm chi, chấp làm chi hả chú Tư, những kẻ ăn một nơi, ngồi một chỗ. Bởi miếng ăn phải khó lắm thay mới có nhưng ăn một miếng và biết ăn một miếng còn xa cách biết chừng nào.
Dương Sinh