Thứ Hai, 15 tháng 12, 2008

NHỮNG NGÀY KHỞI NGHIỆP


Bút ký

Cuối năm bốn chín (1949) đầu năm năm mươi (1950) tôi đang ở trung đoàn chin chín (99)thì được điều đi học lớp y tá Trần Hữu Nghiệp, học xong tưởng được trở lại đơn vị cũ ai ngờ “bị” điều vềLiên việt khu.Giữa năm năm mươi, trong một lần theo đoàn cán bộ, trong đó tôi còn nhớ có chị sáu Nết, ông Lương Bằng về miền Tây thì gặp ông mười Huệ, lúc đó là chủ tịch Bến Tre. Ông mười Huệ nói với tôi: “Anh em trong nhà in Trần Phú gian khổ lắm, bệnh tật cũng nhiều mà chưa có một thầy thuốc nào cả, mày về với tụi nó đi!...”. Vậy là tôi về nhà in Trần Phú.
Vốn tính thích tò mò, ham học hỏi lại có chút ít chư nghĩa (trước lúc tham gia cách mạng tôi đã có bằng tiểu học Pháp Việt), nên ngoài giờ “làm thuốc” cho anh em tôi thường có mặt ở xưởng in để học những kỹ thuật in có lúc bấy giờ: như in thạch bản, đẩy ru-lô đến kỹ thuật đúc chữ chì, sửa mo-rát, sửa bài… Lâu dần trở nên thành thạo, nên ngay hồi ấy tôi đã có thể thay thế trong một số công việc những lúc thiếu người. Về sau, khi ở nhà in Chiến Thắng tôi có thể dạy cho anh em nhiều cong đoạn trong việc in ấn cũng là nhờ thế.
Giữa năm năm tư (1954), hiệp định Giơ neo được ký kết, Đầu năm lăm (1955) tôi và một số anh em trong nhà in Trần Phú được nằm trong danh sách tập kết ra Bắc, anh em phấn khởi lắm. Khi công việc đã chuẩn bị xong xuôi (nói như cách nói của tụi tôi hồi ấy là đã “mang đai đội mũ cả rồi”), chỉ chờ lệnh là đi. Đùng một cái được điều vô rừng cho học tập chủ trương mới của Đảng về tình hình cách mạng, về tổng tuyển cử hai năm tới… Sau đó cho xem phim của Liên Xô: “Thanh niên Cận vệ đội”, “Sa Pa Ep”, “Thép đã tôi thế đấy”… rồi đả thông tư tưởng “Đi tập kết là vinh quang mà ở lại miền Nam cũng là vinh quang…”.Xong đợt học tập, tụi tôi (tôi còn nhớ được một số anh em như Nguyễn Văn Khởi, Trần Văn Tuấn…) được đưa lên Sài Gòn hoạt động để chuẩn bị tổng tuyển cử. Lên tới Sài Gòn thì anh em mỗi người một nghề, riêng tôi vào làm cho nhà in Lê Thanh Thư xã. Sau hai năm không tuyển cử được vì tụi nó phá, tình hình cách mạng miền Nam lúc đó đang bước vào một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Năm một chín năm chín, luật mười năm chín (10/59)ra đời, những người kháng chiến cũ bị bắt, bị chặt đầu nhiều lắm. Cuối năm năm chín tôi và một số anh em khác bị bắt, tôi bị đưa vào nhà lao Gia Định. Trong số những bạn tù của tôi hồi ấy có nhà văn Thiếu Sơn, nhà văn Trịnh Khánh Vàng, nhà thơ Dương Tử Giang… Đầu năm sáu mươi (1960), tôi bị đưa đi “căng Biên Hoà”, ở đó mấy tháng thì được thả. Về lại Sài Gòn, tôi gặp ông Tám Khởi trước cũng trong ban lãnh đạo nhà in Trần Phú và cũng là một trong những người được Đảng giữ lại miền Nam. Ong thông báo: “Tình hình hiện nay rất căng thẳng, địch đàn áp, khủng bố khắp nơi, nên trên có chủ trương điều lắng, ai về quê nấy!...”. Vậy là tôi về lại quê nhà Phước Hiệp, Mỏ Cày, lúc này đồng khởi đã bước qua giai đoạn một. Về Bến Tre tôi hoạt động hợp pháp dưới cái vỏ học sinh. Trước khi về Bến Tre tôi đã được chuẩn bị khá đầy đủ cho vỏ bọc, bao gồm cả thẻ học sinh ( cạc “Misle”) của Sài Gòn. Được một thời gian, ba tôi nói tôi đến gặp ông mười Phụ (tức mười Sinh, về sau làm trưởng ban tuyên huấn tỉnh) để nhận công tác. Ông mười Phụ nói với tôi: “Chú biết nghề in thì phụ với anh em trong công tác in ấn…”. Vậy là tôi tham gia in tài liệu với tổ in của ban tuyên huấn. Lúc này công việc in chỉ có một phương pháp duy nhất là in thạch bản, in cách này rất chậm, có điều lúc đầu tài liệu còn ít nên cũng có thể đảm đương được. Nhưng về sau, cùng với sự phát triển của phong trào thì nhu cầu in ấn tài liệu cũng tăng theo rất nhanh, in thạch bản không còn thích hợp nữa, Cuối năm sáu mươi, tôi nói với ông mười Phụ: “Tình hình này mình phải kiếm chữ chì để in theo kiểu Epro mới dược anh Mười!...”. Ông mười nói đơn giản: “Công việc này tôi giao cho chú!” và đưa cho tôi mười mấy ngàn.
Cầm mười mấy ngàn ông mười Phụ giao,tôi lên Sài Gòn. Thực ra với mười mấy ngàn không thể mua được đủ số “co” chữ cần thiết. Tôi nghĩ ra cách vừa mua vừa liên hệ với mấy anh em “người mình” làm trong các nhà in ăn cắp chữ chì đem ra. Lúc này nhà tôi có ghe đi buôn Gài Gòn-Bến Tre do anh hai Thế (anh Hai tôi) đứng tên.Tôi chuyển chữ chì về “nhà” bằng cách bỏ vào các hộp Cạc-ton, đem bỏ dưới ghe ròi đổ cát đầy lên (cát này đem về Bến Tre bán cho người ta xây nhà). Khi về tới chợ Thơm thì đưa lên rồi có giao liên trực sẵn chuyển đi. Những lần cần chở nhiều tôi còn gửi qua các tàu “Hữu Ngọc”, “Thới Hoà” chuyên chạy Trà Vinh-Sài Gòn qua chợ Thơm. Chợ Thơm lúc ấy là một khu chợ rất trù phú, động đúc nên kẻ địch cũng ít càn quét hay bom pháo. Tôi còn nhớ có lần mua được rất nhiều tôi bèn đóng vào vỏ máy Yamaha F10 rồi chuyển xuống chiếc ghe của anh hai Thế. Về sau anh hai Thế nói lại: “Mấy thằng “mạch lô” (phu khuân vác) người Tàu nó la: “Đù mẹ! không biết cái gì mà nặng quá xá!”…”. Vậy chứ chữ chì mà không nặng sao được.
Có chữ rồi chúng tôi in bằng cách xếp chữ phông, đúc chì bản rồi lăn ru-lô.Cách in này vừa nhanh vừa cho phép khuôn khổ một tài liệu in lớn hơn rất nhiều. Cũng bằng cách này mà lúc đó chúng tôi đã ra được cả tờ báo “Chiến Thắng”. Lúc này xưởng in đã về đóng ở rạch Vọp, gần chỗ ở của chị ba Định.
Vào giữa năm sáu mốt (1961), ông mười Phụ lại nói với tôi: “Tình hình phát triển nhanh quá, mình in cách này cũng không theo kịp nữa rồi, bây giờ phải có máy in...công việc này tôi lại giao cho chú nhé!...”. Tôi nhận lời nhưng suy nghĩ rất nhiều, lúc đầu định đến nhà in Võ Văn Vân của bến Tre nhờ mua máy. Theo cách này nếu được sẽ rất thuận tiện vì nhà in Võ Văn Vân có giấy hành nghề, có thể tự do mua máy, mua chữ và chuyên chở một cách công khai ( nói như cách nói bây giờ là có “đủ tư cách pháp nhân” đó). Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi liền thôi, vì mình không quen biết nhà in đó nhiều lại không biết rõ thái độ chính trị của ông chủ nhà in, không khéo đổ bể ra thì rất nguy hiểm.
Vậy là tôi lại cầm tiền lên Sài Gòn. Tới Sài Gòn, tôi đến gặp hai nhà in quen là “Năm Hưng” và “ Viễn Giang” nói: “Tao bây gìờ làm chủ rồi, tao cần mua một ít chữ chì!...” thì đều được vui vẻ đồng ý: “Cứ mua, cứ mua!… “nị” quen quá mà!...”. ( với hai nhà in này tôi có cái thuận lợi là khi còn làm ở nhà in “Lê Thanh Thư Xã” thường được chủ sai tới mua chữ chì nhiều lần, phải biết “Năm Hưng” và “Viễn Giang” là hai tư sản nghề in Khá lớn ở Sài Gòn lúc bấy giờ, vừa kinh doanh in vừa đúc chữ chì để bán).
Việc mua máy thì khó hơn, tuy lúc này sự cảnh giác của địch ở mặt này không cao, nhưng nếu không khéo việc mua máy một cách lộ liễu sẽ làm đổ bể cả và về sau sẽ rất khó khăn. Tôi đến gặp anh năm Cao ( cũng là người của nhà in Trần Phú và cũng là một trong những người ở lại như tụi tôi lúc trước) bàn với ảnh chuyện mua máy. Nghe tôi nói xong, năm Cao bảo: “Được, để tôi liên hệ với năm Kiêu trước rồi sẽ đưa anh đến làm việc trực tiếp với chả!...”. Năm Kiêu là người đằng mình, mà cũng là người được phân công ở lại . Về sau được Đảng giao trách nhiệm mở nhà in “Việt Quang” làm cơ sở và cũng là để chuẩn bị cho tổng tuyển cử theo hiệp định Giơ Neo. Nhưng năm Cao kỹ tính, sợ lâu lắm năm Kiêu không gặp lại tôi, chắc gì đã đủ tin tôi mà nhận lời. Vả lại nội quy bảo mật rất nghiêm, hầu như mọi hoạt động nội thành lúc này đều chỉ liên hệ đơn tuyến để tránh đổ bể phong trào theo dây chuyền khi một người nào đó bị địch bắt mà không chịu được, khai ra… Mấy ngày sau, năm Cao đưa tôi đến “Việt Quang” gặp năm Kiêu, năm Kiêu đống ý mua máy giùm…
Thăm được nguồn mua chữ và mua máy rồi tôi mới tính tới chuyện chởvề Bến Tre. Lúc này cơ sở in ấn của tỉnh đã không còn ở Mỏ Cày nữa nên không thể sử dụng đò của anh hai Thế hay các đò “Hữu Ngọc”, “Thới Hoà” để vận chuyển như trước nữa vì nếu chuyển về đó thì việc đưa máy móc từ chợ Thơm về đến Ba Tri quả là việc “thiên nan, vạn nan” có khi còn khó hơn chở từ Sài Gòn về nữa… Tôi liên hệ với anh hai Lôn cũng là người mình, có chiếc dò “Mai Phước Thạnh” chuyên chở hàng từ Giồng Trôm lên Sài Gòn, anh hai Lôn nói: “Được rồi, nếu chú đã lo được thì đưa xuống đò rồi ta chở về!...”. Chuyến đầu tiên chúng tôi chở một máy Bê- đan và một ít chữ chì. Chữ và máy đều được đóng trong hộp (riêng máy thì phải tháo rời từng bộ phận vì nó khá cồng kềnh), đặt dưới sàn đò rồi đổ cát xây dựng lên trên. Lúc này tỉnh có chủ trương tìm một địa điểm an toàn cho xưởng in hoạt động đảm bảo bí mật và lâu dài nên đã dồi xưởng in sang Bình Đại, ở giồng Hốc Quả, Cồn Kẽm (về sau đưởng “Hồ Chí Minh trên biển” bị lộ, địch càn vùng biển ác liệt nên xưởng in một lần nữa phải dời đi, lần này vào sâu trong rừng ngập mặn, ở búng ông Tời, ông Đạt). Tuy vậy máy móc tôi vẫn chuyển về rạch Vọp (Ba Tri) rồi sau đó mới đưa sang địa điểm mới. Tôi còn nhớ chuyến đầu tiên về đến rạch Vọp, sau khi chuyển hết máy móc lên bờ, anh em ngồi nhậu lai rai với nhau, chắc nhớ lại những lần “thót tim” vì sự khám xét của địch ở dọc đường, anh hai Lôn bảo tôi: “Tôi chú Tư ơi! Cái này chắc chết như không!...”. Tôi tức cười mà cũng hơi nóng mũi: “Mình làm cách mạng, chết thì thôi,sợ gì! Vả lại anh chết thì tôi sống được sao?...”. Anh hai Lôn im lặng, còn tôi nói xong thì hối hận là đã quá lời vì tôi biết anh là người rất trung kiên, tuy nói vậy nhưng không có nhiệm vụ nào anh từ chối cả, về sau, anh hai Lôn hy sinh ở Thạnh Phú Đông năm bảy hai (1972). Mà nghĩ cho cùng thì chính tôi cũng phát run khi thằng “xếp” ở trạm “Cây khô” ( đoạn giữa cầu Rạch Ông trên con kinh về Bến Lức) xăm nát cả ghe cát mấy chục khối. Hú hồn may sao chúng không chạm vào những thứ chúng tôi để bên dưới, điều này cũng có thể do chúng tôi đã cẩn thận sắp xếp các thừ khá bằng phẳng nên độ cắm sâu của cây thuốn không thay đổi nên chúng không phát hiện được điều gì đáng nghi.
Từ chuyến đầu tiên đó coi như đường được khai thông, những chuyến sau khi thì chở mực in, chữ chì, giấy in (công việc mua giấy, mực về sau chuyển cho chị tư Thu, hiện chị đang còn sống và ở tại thành phố Hồ Chí Minh), khi thì máy Tắc- min, khi thì máy xeo giấy, máy nổ… chúng tôi đều đưa trót lọt về rạch Vọp rồi từ rạch Vọp sang Bình Đại an toàn. Có điều những lần sau chúng tôi rút kinh nghiệm dần, thường để một ghe buôn thường đi trước và quy định ký ám hiệu với nhau. Nếu phía trước có động (địch bố ráp hay kiểm tra đường sông) thì đánh ám hiệu cho biết, nhận được tín hiệu ghe chở đồ cấm tìm cách ngừng lại, khi thì ăn cơm, khi thì sửa lái… để chờ cho hết động rồi mới lại lên đường. Với hơn trăm cây số đường sông từ Bến Tre lên Sài Gòn, lúc ấy địch đóng nhiều d0ồn bót dọc hai bên bờ như trạm cầu Rạch Ông, đồn Cây Khô, bót Bình Phục Nhì, bót Bình Phục Nhứt, trạm vàm An Hoá và sông Tiền… Các trạm khác thì không đến nỗi căng thẳng lắm, chúng chỉ nhũng nhiễu để đòi lót tay chút ít tiền bạc vậy thôi. Chỉ có bót Bình Phục Nhứt là ác liệt nhất, xếp bót ở đây là một tên khá ác ôn, ăn rất bạo mà khám xét cũng rất gắt gao. Theo anh em nói lại thì nó đã nhiều lần bắt được người và tài liệu của mình từ trên xuống, dưới lên… Lần đó chúng tôi chở cái máy Tắc- min, cái máy khá lớn khó chở đi một lần mà có thể bảo đảm an toàn nên anh hai Lôn bàn với tôi chia ra, lần này chỉ chở khung máy, bánh trớn và cái “trứng dái”, lần sau sẽ chở những đồ còn lại. Tuy đã chia ra như thế nhưng đồ chuyên chở trong một chuyến cũng đã khá kềnh càng và nặng, vì vậy lần này thay vì dùng cát phủ bên chúng tôi dùng đá xây dựng cỡ nhỏ 1-2 (cm) với dụng ý để địch không thể “thuốn” được. Lúc qua trạm Bình Phục Nhứt chúng tôi đã chọn vào lúc giữa trưa nắng gắt để mong tụi nó có thể ngại nắng mà bỏ qua hay có khám thì cũng qua loa. Vậy mà thằng xếp ở trạm này (lâu quá tôi quên mất tên) hình như đã chực sẵn từ bao giờ chỉ chờ chúng tôi đi qua (đó là tôi nghĩ vậy chớ thằng này thì nó chặn tất cả các ghe, đò lên xuống) là vẫy vào. Xét giấy tờ xong (anh hai Lôn có đủ giấy tờ do tụi nó cấp) nó làm như không thấy ghe chở toàn đá xanh loại nhỏ dùng để trộn bê- tông, hất hàm hỏi:
- Ghe chở gì vậy?
Anh hai lôn đàp:
- Dạ ! xếp cũng thấy đó, ghe tụi em chở toàn đá trộn bê-tông cho người ta xây nhà mà!...
- Không! tôi nói là dưới đáy ghe kia, chắc lại toàn là đồ quốc cấm hay vũ khí cho việt cộng chứ gì…
Không chỉ anh hai Lôn mà cả tôi và mấy anh em bạn ghe đều tái mặt, không lẽ nó đã phát hiện được điều gì?
Anh hai Lõn nói:
- Oan cho em mà xếp, tụi em là dân làm ăn mà. Không tin xếp cứ xét mà coi!
Thằng xếp trạm nói:
- Oan gì mà oan, dân Bến Tre mà, có thằng nào không làm việt cộng đâu.
Rồi nó quay lại nói với một thằng lính:
- Mày đi gọi mấy đứa khuân vác lại đây cho tao!
Thằng lính dạ nhưng chưa kịp đi thì nó đã nói tiếp:
- Tiền bốc lên bốc xuống chủ ghe phải chịu nghe…cũng phải tới mấy trăm ngàn chứ không ít…
Vậy là rõ, hầm hứ vậy chứ nó cũng chỉ có chủ định vòi tiền mà thôi. Anh hai Lôn lấy tờ năm trăm (500) đặt vào trong mớ giấy tờ rồi làm bộ khổ sở hạ giọng năn nỉ:
- Tội nghiệp em mà xếp, bây giờ xếp bắt bốc lên bốc xuống thì chết em. Thôi xếp cầm lấy chút ít cùng anh em nhậu chơi, coi như em trả cho mấy người bồc vác vậy….
Vậy là qua, thật hú vía…
Trong lúc chúng tôi đang lo mua và chuyên chở máy móc về thì anh em ở nhà bận rộn với những công việc làm cơ sở cho nghà in như vượt đất tôn nềnđặt máy,đắp nhà hầm, làm lán trại…
Máy được đưa về đến đâu là lắp ráp vào ngay đến đó. Có một chuyện buồn cười là khi máy móc ráp xong (cả máy nổ và hai máy in) thì mọi người mới nhận tháy là thiếu cái “láp”, không có cái “láp” thì cũng bằng không. Kể ra một cái láp máy lúc bấy giờ không phải là khó mua, nhưng lại phải mất công chờ đợi. Chợt năm Huệ bàn:
Tôi thấy bên trại mười (gần rạch Vọp) có cái nhà máy chà bỏ hoang, máy móc đã dọn đi gần hết chỉ còn lại một ít trong đó có cái láp và hai cái bánh xe kéo dây trân, hay mình qua lấy đại đi.
Năm Trung băn khoăn:
- Mình lấy của người ta vậy có nên không?
Tôi cũng chợt nhớ ra:
- À! Chỗ ấy thì tôi cũng biết. Mính lấy trước rồi mai mốt mình tìm đến, xin thông cảm và trả tiền cho người ta chứ lo gì!
- Vậy là tôi cho hai người sang cái nhà máy chà bỏ hoang ấy tháo cái láp về lắp vào máy mình…
… Công việc chạy thử xong xuôi tôi lại trở lên Sài Gòn. Lần này tôi đi Sài Gòn có hai việc, một là mang số tiền còn thiếu lên trả cho anh năm, Kiêu, hai là theo ý kiến của tỉnh uỷ tôi đang tìm mua cho Trà Vinh một số máy móc để có thể thành lập được một nhà in bên đó. Công việc đang dở dang, tôi định lần này lên giải quyết cho xong.
Ở Sài Gòn được độ một tuần thì có người từ Bến Tre đưa cho tôi cái thư tay do ông mười Sinh viết. Gọi là thư nhưng chỉ là một mảnh giấy nhỏ với vài giòng vắn tắt:
“Máy móc chạy tốt, cơ sở làm ăn có lãi. Cả nhà đang đợi chú về_ Mười”.

Dương Sinh

Không có nhận xét nào: