Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

ĐỢI SÁNG
Truyện ngắn


Lão cố với tay để lấy thêm một miếng vò dừa bỏ vào mẻ un rồi lại ngồi yên lặng. Lão ngồi như vậy đã lâu lắm, chén côm thằng Toàn mang sang dã nguội ngắt và khô cứng từ lâu. Từ chập chiều khi cơn mưa đuổi những con muỗi từ ngoài vào nhà, lão đã nhóm lên một mẻ un và ngồi yên lặng như vậy từ bấy tới giờ. Toàn thân lão bất động, trừ những lúc lấy vỏ dừa bỏ thêm vào cái mẻ un nhỏ. Hai tay đặt ngang trên gối, cằm tựa hẳn vào hai bàn tay, có lúc lão ngẩng đầu lên ngước cặp mắt đã mờ đục hầu như không còn ánh sáng dõi nhìn ra xa xa.
Nhìn dáng ngồi của lão người ta nghĩ lào đang nhờ tiếc một điều gì đó và nhớ tiếc một điều gì khác. Nhưng đời lão còn gì nữa đâu mà chờ, mà đợi. Vậy mà đã hơn ngàn đêm… lão cứ ngồi trong tư thế chờ đợi như vậy…Đợi gì, ngay cả lão cũng không biết,có lẽ lão đợi sáng chăng? Nhưng sáng ngày hôm nay thì có khác gì sáng ngày hôm qua hay sáng ngày mai với một người như lão?...Vậy mà lão cứ đợi…
… Không ra khỏi nhà nhưng lão cũng biết bây giờ đã vào khoảng mười giờ đêm, dã có tiếng bìm bịp kêu từ lúc nãy. Con nước dang lên, tiếng nước dội óc ách vào chân sàn nước nhà lão báo như vậy. Gió chướng lồng lộng thổi mang theo hơi lạnh của những ngày tháng chạp khiến lão rùng mình. Ngày trước, hầu như đêm nào nhà lão cũng vui vẻ rộn rịp vì tụi nó đi về ghé lại. Vào giờ này nếu chưa thấy đứa nào đến, vợ lão lại nhắc: “Tụi nó sắp về rồi đó!...”. Và rồi tụi nó về thật: hôm thì năm ba đứa du kích đi gài trái về qua tạt vào, khi thì mấy đứa bộ đội trinh sát từ Thuận Bảo vượt sông qua, khi thì một toán cán bộ huyện trên đường về tỉnh họp ghé lại chờ đường thông. Bữa ít, vài ba đứa thì chúng kéo cơm nguội cá kho (mà vợ lão đã cố tình nấu dư từ hồi chiều) ra ăn, tán dóc với nhau một hồi rồi đi thì đi, không đi thì lăn ra ngủ. Bữa nhiều, cơm nguội cá kho không đủ tụi nó tự động nấu thêm cơm kho,thêm cá hay nấu cháo vịt… Có cái gì là bả lôi cái đó cho tụi nó ăn hết. Từ lâu nhà lão đã trở thành một trạm giao liên của cách mạng. Vui nhất là nhửng đêm con út Nhơ theo anh em về, chưa nghe tiếng loảng xoảng buộc xuồng vào gốc mù u đã nghe tiếng nó rổn rảng:
-Má ơi!...má à!..
Cái miệng nó tía lia, lách chách suốt ngày khiến cho những nơi có mặt nó vui nhộn hẳn lên. Có lần vợ lão mắng yêu con gái:
- Cái miệng mày cứ tía lia như vậy thì có thằng nào nó dám lấy mày hở con.
Con út Nhỡ chúm miệng cười, liếc nhanh thằng Hiểu (sau này là chồng nó) rồi nói với giọng đanh đá cố tình:
- Vậy mà có người theo miết mà chưa được đó má!
- Thằng Hiểu đỏ rần mặt lặng thinh (tội nghiệp cái thằng, hiền như cục đất, vậy mà nghe nói đánh giặc dữ lắm). Vợ lão cười, chửi:
- Mồ tổ mày chứ!...
… Có tiếng nước vỗ qua mí bờ kinh. Vậy la đã mười một giờ hơn rồi, nước sắp láng qua mảnh sân thấp nhà lão.
Lão lại lấy thêm ba mảnh vỏ dừa bỏ vào mẻ un, dến mảnh thứ ba lão run tay đánh rơi miếng vỏ vào một con cóc già đang ngồi chồm hỗm bên cạnh. Lão rên lên một tiếng nặng nhọc như một lời xuýt xoa xin lỗi vì đã trót làm đau đớn đến một người bạn thân thết,trong lúc con cóc già chậm chạp từng bước nhảy đi nơi khác. Từ lâu rồi con cóc già đã trở thành người bạn của lão, một người bạn không biết nói, không biết tâm sự nhưng lại thường xuyên được nghe những lời lẩm bẩm , đứt quãng của lão già tám mươi trong những đêm như đêm nay. Lão biết con cóc đã già vì chỉ riêng thời gian nó bầu bạn với lão cũng đã mấy năm rồi.Hằng đêm con cóc cứ ngồi bên cạnh lão, lặng lẽ, im lìm. Thỉnh thoảng lại “tróc lưỡi” một tiếng đớp gọn một con muỗi đang lởn vởn chờ cơ hội để đậu vào hút máu lão . Nhưng bên đống un, không phải lúc nào cũng có muỗi nên thỉnh thoảng con cóc lại nhảy đi nơi khác cũng lặng lẽ như thế. Có điều, dù nó nhảy tới đâu lão không biết nhưng chỉ chỉ một lúc sau nhìn lại, lão đã thấy con cóc già ngồi ngay bên cạnh mình, đang dương cặp mắt buồn rầu nhìn lão như thông cảm…
Ngày xưa, lão cũng đã từng có một gia đình đầm ấm, vui vẻ. Nhà lão lúc ấytuy chẳng giàu có gì nhưng cũng tràn đầy tiêng cười của trẻ. Một đàn bốn đứa con của lão: con Theo, thằng Thời, thằng Cơ, con Nhỡ là niềm vui để vợ chồng lão nguôi khuây cảnh khó khăn nghèo túng. Nhưng rồi bệnh tật và bom đạn chiến tranh đã cướp hết của lão ba đứa: con Theo, thằng Thời đều chết vì một thứ bệnh giống nhau, bệnh thương hàn, lúc đứa thì lên chín, đứa mười một. Thằng Cơ thì chết vì đạn lạc lúc nó đang chơi ngoài xóm chợ thì giặc tràn vào, năm đó nó cũng đã được chín tuổi. Vậy là bốn đứa con mà chỉ mình con út Nhỡ nuôi được đến khôn lớn. Rồi con Nhỡ đi theo cách mạng, đến năm bảy tư cũng chết nốt, đểlại cho vợ chồng lão đứa cháu ngoại chưa đầy hai tháng tuổi…Vậy mà cũng đã hai mươi mấy năm rồi, con Hiên năm nay hai mươi sáu…
Ngày trước khi chưa lấy vợ lão ở với cha mẹ tận trong xóm chợ lận. Lấy vợ được hơn năm thì một hôm ông cạu vợ về thì thầm to nhỏ gì đó với vợ lão (về sau lão mới biết cậu vợ lão lúc đó là bí thư của huyện này). Sau d0ó vợ lão bàn với lão xin ông già mấy công đất gần như bỏ hoang tách ra phía đuôi thôn này và dọn ra ở. Thì ra bả nghe lời ông cậu, muốn lấy điểm này làm chỗ đi về cho những người cách mạng, Từ đó nhà lão nườm nượp người đi về. Năm một chín năm hai, cậu vợ lão bị Pháp bắn chết lúc vượt sông ngay khúc sau nhà lão nhưng vợ lão vẫn không chịu dời nhà vào trong xóm. Dần dà còn kéo thêm hai nhà nữa ra ở là nhà ông nội thằng Toàn bây giờ và ông già thằng hoan là con cô con cậu với vợ lão, thành ra một xóm nhỏ.Miếng đất lão ở có diều lạlà chung quanh đều là đất thịt nhưng ở giữa lại nổi lên độ ba bốn công là đất giồng cát, thế dất hơi tròn, khô ráo sạch sẽ. Trước khi lão ra đây, mẹ lão đã đi coi thầy, nghe đâu thầy bảo dó là thế đất “thiên phẩm”, ở tốt lắm, nên mới bằng lòng cho vợ chồng lão ra riêng. Nhưng vợ chông lão thì chẳng để ý gì đến thế đất thế cát cả, vì thế gì thì cũng phải làm mới có ăn. Có điều năm trước thằng Hoan đã dời nhà vào trong xóm, nó nói là để cho tiện việc học hành của con cái, thành ra xóm ba nhà xưa, nay chỉ còn lại có hai…Về sau lão mới biết nghe đâu thằng Hoan được một ông thầy nào đó nói cho biết, thế đất mấy nhà đang ở không tốt, nó là thế đất “thiên phẩn”, không có hậu. Cũng lại là chuyện thầy bà, nghe nói không à. Vợ chồng nhà Cầu ít lâu nay cũng đã nhắm nhứ nhưng chưa dứt đi được, một là vì không nỡ để lão lại một mình, hai là chúng cũng nghèo, lại đông con…
Trăng đã xế về tây nhiều rồi, lúc này là lúc con nước lớn nhất đây. Ngày còn người qua lại đây đông vui thì giờ này cả xóm cũng đã yên ắng hết. Chúng nó sau khi ăn uống sắp xếp xong đã ngủ lăn lóc, ngủ để chừng vài tiếng đồng hồ nữa lại đạp nhau dậy, ra đi…Lão lại bỏ thêm vào mẻ un một mảnh vỏ dừa, ánh lửa rựng lên khiếnlão nhìn rõ cái yếm dưới cổ con cóc già cứ phập phồng phập phồng như hơi thở của một người có chuyện lo lắng…
Càng nghĩ, lão càng thấy “sợ” vợ lão. Suốt mấy chục năm làm chỗ di vềcủa bộ đội , của du kích, cho những người cách mạng, không việc gì bả không làm để có tiền nuôi tụi nó: buôn bán trái cây, làm hàng xáo,bán hủ tiếu, vận động đóng góp, vay mượn…thậm chí bán cả “phần ăn” cha mẹ chia cho. Lão thì chẳng tham gia được gì nhiều, không phải lão sợ giặc mà tính lão vốn hiền lành chậm chạp, bả bảo lão làm gì thì lão làm nấy, vậy thôi. Suốt thời Mỹ vợ lão bị bắt lên quận ba lần nhưng lần nào thì cuối cùng chúng cũng phải thả ra, phần vì không có chứng cớ rõ ràng, phần vì cái miệng bả chửi dữ qua,đến thằng quận trưởng nổi tiếng ác ôn cũng kiềng mặt. Còn lão, năm bảy hai lão bị một thằng cảnh sát đánh một cây ma-trắc vào đầu đến ngất xỉu, trong lần chúng tính dồn hết ba nhà vào xóm chợ. Việc dồn dân thì không thành,nhưng không biết nó đánh thế nào mà lão mang luôn chứng động kinh. Ban đầu thì vài ba năm, sau dần giật lại một năm rồi sáu bảy tháng rồi hai ba tháng lão lên cơn một làn. Cũng may những lần lên cơn gần đây thì không còn bả nữa nhưng đều được con nhà Cầu trông thấy nên lão còn sông tới bây giờ.
… Không phải lão nghĩ tốt cho vợ, chứ nghĩa tình của bả đối với mấy đứa nó thì không có kém ai . Vậy mà khi ông năm Phương (bây giờ là chủ tịch tỉnh) đề nghị bả vào Đảng thì bả trả lời: “Tao có biết đảng phái, chủ nghĩa gì đâu, tao thương tụi nó gian khổ vì dân vì nước thì tao đỡ tụi nó một tay, vậy thôi!”. Mà vậy thật. Bả đâu có màng điều gì, cả sau này cũng vậy. Không kể những đứa đi qua về lại, những người mà gia đình lão đùm bọc nuôi dường trong nhà nhiều ngày cũng nhiều (thời ấy ba cái hầm bí mật nhà lão, một cái ngoài bụi tre, một cái dưới sàn bếp và một cái ngay nơi vựa củi, hầu như lúc nào cũng có người). Người đã chết nhiều, người đang sống cũng còn nhiều,nhưng từ ngày hoà bình thì không mấy người trở lại. Ngày vợ lão chết chỉ có con bảy Mai về viếng, thôi vậy cũng được…
Gió đã bắt đầu đứng, có lẽ sắp chuyển hướng trở ra, nước đã bắt đầu xuống. Không thấy con cóc già đâu, có lẽ nó đã nhảy vào xó tối nào đó để kiếm thêm vài con muỗi trước khi trở về bên lão.
Giữa năm một chín bảy tư thjì con út Nhỡ chết,để lại cho vợ chồng lão đứa con gài nhỏ là con Hiên, lúc đó chưa đầy hai tháng tuổi (trước đó, vào năm bảy ba, thằng Hiểu chồng nó đã chết trong một chuyến vượt sông). Bận đó con Nhỡ đang công tác ở Qưới Lâm thì nghe tin có biệt kích đột nhập vào làng, nó ôm con Hiên lúc bấy giờ mới hai tháng tuổi chui xuống hầm bí mật. Hình như có đứa nào đó phản bội, mật báo nên bọn biệt kích không tìm đâu xa, xộc ngay vào căn hầm bí mật nơi con út Nhỡ đang trốn, kêu nó lên. Con Nhỡ vừa lên khỏi miệng hầm, thằng trưởng toán biệt kích nổ súng lập tức. Bốn viên đạn M16 làm con út chết ngay, nhưng thật kỳ lạ, đứa con nhỏ mà nó đang bồng trước ngực lại không hề xây xát tý nào… Rồi người ta theo đường dây đưa con Hiên về cho vợ chồng lão nuôi. Khi con Hiên mười hai tuổi, lúc đó cũng giải phóng lâu rồi, ông bà nội nó (nghe đâu làm gì lớn lắm trên tỉnh) về bắt đi. Vợ chồng lão buồn lắm nhưng rồi bả lại an ủi lão (bao giờ cũng vậy, lão luôn là người được an ủi): “Thôi, nó được sung sướng thì mình cũng yên tâm mà con Nhỡ cũng được ngậm cười!”. Những năm đầu con Hiên về thăm vợ chồng lão thường lắm, lần hồi thưa dần, rồi vài năm gần đây thì không về nữa, không hiểu nó sống ra sao. Lão thì chẳng còn hôi sức đâu mà đi thăm nó, có điều lúc vợ lão cón sống, bả có lên thăm nó vài lần nhưng rồi thấy ý nhà người ta không muốn nên bả cũng không lui tới nữa…
Mấy lâu nay lão sống được là nhờ tấm lóng thơm thảo của vợ chồng con cái nhà Cầu mà ông già nó đã theo vợ chồng lão ra đây lập thành xóm năm nào. Tiền thì với một lão già tám mươi, hơn trăm ngàn tiền liệt sĩ của con Nhỡ coi như cũng đủ, nhưng người ta sớng được đâu chỉ bởi nhờ tiền… Trong nhà lão bây giờ chỉ còn lão và con cóc già. Con cóc mà có lần sang chơi, thằng Toàn con nhà Cầu đã hỏi lão:
- Ông ơi! Sao ông lại nuôi con cóc, sao ông không đập chết nó đi?
Lão cười buồn:
- Nó là bạn của ông, người thân của ông đấy cháu ạ!
Thằng Toàn tròn mắt ngạc nhiên, nó không hiểu. Mà nó không hiểu cũng phải, làm sao đứa trẻ bảy tám tuổi có thể hiểu được điều mà ngay cả cha mẹ nó cũng chưa chắc đã hiểu.
Gió đang mạnh dần lên, nước cũng đang rút mạnh, gà trong xóm đã eo óc gáy, nhưng trời vẫn còn tối lắm. Ngày trước, vào tầm này là tụi nó cũng ra đi cả rồi… Lão vẫn cố đợi trời sáng, nhưng một cảm giác đau buốt chợt dấy lên từ sau ót lão rồi xõng lên óc. Biết mình sắp lên cơn, lão cố chỏi đạp để tránh mẻ un và con cóc nhưng hình như không kịp nữa.

* *
*
Gần trưa, như thường lệ thằng Toàn mang cơm sang cho lão. Vừa bước chân vào nhà, nó chợt la lên thất thanh:
- Mẹ ơi! Ông chết rồi…
Cả nhà Cầu ùa sang: lão đã chết tự bao giờ, xác nằm vắt ngang trên mẻ un, hai con mắt đã bị kiến bu đầy. Bên cạnh lão, một con cóc già đang tròn đôi mắt nhìn mọi người vẻ ngạc nhiên, cái yếm dưới cổ nó vẫn cứ phập phồng, phập phồng…
Dương Sinh

Không có nhận xét nào: